INAMORI KAZUO
Trích: Nuôi dưỡng tâm hồn, mở rộng kinh doanh; Việt dịch: Đào Thị Hồ Phương; NXB. Lao động – Xã hội
Cùng Sống An Vui đăng lên bài này để tưởng nhớ đến ông, ông đã qua đời vì tuổi cao, sức yếu tại nhà riêng ở thành phố Kyoto vào hôm 24-8. Gia đình đã tổ chức lễ tang cho ông. Những cuốn sách mà ông đã để lại có giá trị cao cho nhân loại và mục đich để nâng cao tâm hồn, nhân cách sống, cũng như thành công trên đường đời,…
Sinh năm 1932 tại tỉnh Kagoshima, Nhật Bản. Inamori Kazuo tốt nghiệp Khoa Kỹ thuật Công nghiệp Đại học Kagoshima. Năm 1959, ông thành lập công ty cổ phần Kyoto Ceramic (hiện nay là Kyocera). Năm 1984, ông thành lập công ty DDI (hiện nay là KDDI) với cương vị Chủ tịch. Từ năm 2001, ông trở thành cố vấn tối cao. Năm 1984, ông trích 200 tỷ Yên (khoảng 200 triệu USD) từ tài sản riêng để thành lập Quỹ Inamori và Giải thưởng Quốc tế Kyoto. Giải thưởng Quốc tế Kyoto được đánh giá không thua kém Giải thưởng Nobel, hàng năm tổ chức khen thưởng những người có thành tích cống hiến cho sự phát triển và tiến bộ xã hội. Năm 1989, ông lập trường tư thục Seiwa để đào tạo các nhà quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời ông giữ chức Hiệu trưởng.
Năm 2003, ông là người Nhật Bản đầu tiên được trao giải thưởng lòng bác ái của Quỹ Canergie (Mỹ).
—– ??? —–
VIẾT LÊN VỞ KỊCH “NHÂN SINH” CUỘC ĐỜI
Cuộc sống là một vở kịch và chúng ta là nhân vật chính trong vở kịch ấy. Vậy câu hỏi đặt ra là: Chúng ta phải vẽ nên một vở kịch trong suốt cuộc đời như thế nào?
Cũng có người nói rằng số mệnh của con người đã được quyết định ngay từ lúc mới được sinh ra. Nhưng tôi tin rằng dựa vào việc nuôi dưỡng tâm hồn và nâng cao tinh thần của bản thân, chúng ta có thể thay đổi vận mệnh của chính mình. Như vậy, thay vì tìm cách thay đổi vận mệnh thì chúng ta hãy tìm cách nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn mà chính bản thân chúng ta cần quen với vai diễn chính trong tình tiết kịch bản mà chúng ta đã viết nên.
Tôi mong rằng mọi người sẽ sớm nhận ra điều này và yêu quý, coi trọng bản thân, sống hết mình từng giây, từng phút, từng ngày. Để làm được điều này chúng ta rất cần có những bước ngoặt để thay đổi chính mình, từ đó giúp mình trưởng thành hơn. Những bước ngoặt như thế trong cuộc đời chắc không hiếm. Tuy nhiên, nếu không biết nâng cao năng lực tiếp nhận thì cho dù có những bước ngoặt chúng ta cũng sẽ bỏ phí một cách vô ích. Chắc chắn sẽ có sự khác biệt rất lớn khi viết nên vở kịch “nhân sinh” cho cuộc đời giữa người sống không có ý thức về mục đích sống và người sống nhiệt tình, sống hết mình, có mục đích sống.
TÌM KIẾM MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI
Số người trẻ đánh mất mục đích của cuộc đời và sống nhanh (sống thoáng qua, sống hời hợt, sống phù du, tạm bợ) đang tăng lên. Khi làm việc họ có suy nghĩ chỉ làm việc để được nhận lương trang trải chi phí cho cuộc sống hàng ngày. Cũng có nhiều người tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống trong những thú vui và sở thích. Bởi vì đó là xu hướng của thời đại nên có lẽ không thể thay đổi được. Nhưng nếu chỉ như thế thì chắc chắn cuộc đời bạn sẽ trở thành một cuộc đời vô nghĩa, trống rỗng, vì đó chưa phải là một cuộc sống thật sự có ý nghĩa. Những điều đó có thể đem lại cho chúng ta niềm vui trong thời gian ngắn nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta nên tìm kiếm cho mình một mục đích sống cao hơn.
Ngay bản thân tôi cũng từng như vậy. Cách sống của tôi đã khiến mọi người nghĩ rằng tôi rất thích công việc, cố gắng đóng góp, cống hiến cho thế giới và coi đó là niềm hạnh phúc của bản thân. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng dù thời đại thay đổi thế nào đi nữa thì ý nghĩa thật sự của cuộc sống cũng không phải là cái mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm. Vì dù thế giới này có thay đổi thì bản chất luôn hướng thiện của con người vẫn sẽ không thay đổi. Sẽ có người phản đối quan điểm này của tôi, tôi xin giải thích cụ thể quan điểm này.
Những người từ 35 tuổi trở lên có thể nói đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm sống nhưng có nhiều người đã đánh mất sự tự tin vì họ nghĩ rằng thế giới đã thay đổi, chuyện cũ không phù hợp, nếu kể về những câu chuyện của mình thì thật buồn cười.. Tôi không tán đồng lối suy nghĩ này. Tôi tin rằng nếu kể câu chuyện về cách sống của bản thân tôi thì chắc vẫn được các bạn trẻ cùng chia sẻ, hưởng ứng.
SỐNG BẰNG SỰ PHÂN TRANH THẮNG THUA (TRÒ CHƠI) MỘT CÁCH NHIỆT TÌNH: SỐNG HẾT MÌNH – ĐỜI LÀ MỘT CUỘC CHƠI
Tôi hoàn toàn không thực hiện một cuộc đua ngựa hoặc một cuộc đua xe đạp nào. Trên vũ đài có tính chất lâu dài gọi là “Nhân sinh” thì mỗi ngày mà chúng ta đang sống, không, phải nói chính xác là mỗi phút giây, mỗi khoảnh khắc mà ta sống cần có suy nghĩ đúng đắn về sự thắng thua. Tôi nghĩ rằng nếu thắng hay thua trong cuộc chơi nào đó chỉ như một ”chiến dịch” ngắn hạn thì hoàn toàn không có ý nghĩa và sự hứng thú. Nếu suy nghĩ rằng vì ta đang chơi trò chơi lớn gọi là “canh bạc cuộc đời” mà chính ta đang đặt hy vọng vào thì không còn cách nào khác là phải yêu thích, tìm niềm vui trong chính công việc mà ta đang làm. Chẳng hạn khi làm việc, nếu bạn cảm thấy đó là công việc bị bắt làm, không hứng thú thì ngày qua ngày cảm giác ấy sẽ càng ức chế, buộc bạn phải đi tìm niềm vui khác. Tôi không có ý định muốn nói với mọi người là phải trở nên mẫu mực như các vị thánh nhân, quân tử, cũng không nói rằng vì ham chơi nên là người vô dụng, người keo kiệt thì không nên kết bạn…
Kết bạn và chơi với người không cùng sở thích cũng không sao. Mỗi người đều có một điểm mạnh riêng và nếu chơi với nhau mà có thể bổ sung thêm những điểm tốt cho cuộc sống của bạn thì đó là điều tuyệt vời. Nhưng thực tế điều này rất khó. Nếu chúng ta không tự tìm kiếm niềm vui trong công việc và để mình bị lôi cuốn vào những thú vui trước mắt thì chúng ta rất dễ đánh mất đi mục đích sống ban đầu. Đây là điều không được quên.
NẮM BẮT CƠ HỘI SUY NGHĨ VỀ CUỘC ĐỜI
Trẻ em ở Mỹ được sống tự do, cởi mở, thoải mái cho đến tận cấp ba có lẽ là do quan điểm trong giáo dục nhằm nuôi dưỡng bản chất con người. Ở lứa tuổi này, trong trẻ luôn tồn tại ý thức “muốn làm gì đó”. Tức là, tôi nghĩ đã có sự giáo dục ý thức về mục đích của cuộc sống. Và khi vào đại học, đa số các em liền bắt đầu học tập nghiêm túc trên nền tảng học vấn cơ bản cần thiết để đạt được mục tiêu. Học sinh Mỹ có ý thức rõ ràng về tính mục đích và học vấn mà họ đang theo học. Các trường học Nhật đã không đặt nền tảng để giúp trẻ thiết lập nên mục tiêu của cuộc đời mình. Ngay cả giáo viên cũng đang dạy chỉ với mục tiêu giả tạo để đối phó với những bài kiểm tra, thi cử… Có nhiều người trở thành giáo viên bằng cách nào đó, họ thành giáo viên “bất đắc dĩ” cho nên không thấy lạ khi mục đích sống của họ không có. Chính bản thân họ sống “thiếu lửa” nên họ không thể truyền lửa nhiệt huyết, nhiệt tình cho học sinh về việc thiết lập mục đích sống.
Dành thời gian để suy nghĩ “Mình sẽ trở thành người như thế nào?”, “Nên lựa chọn một cuộc sống ra sao?”… rất cần thiết vì nó là chìa khóa, là cánh cửa dẫn lối chúng ta bước vào đời. Suy nghĩ này sẽ dẫn dắt chúng ta thiết lập nên mục đích sống của bản thân. Người có mục đích sống rõ ràng và người không có mục đích sống chắc chắn sẽ có sự khác biệt lớn.
CÔNG THỨC THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG: CÁCH SUY NGHĨ + NHIỆT TÌNH + NĂNG LỰC
Nếu đó chỉ là một người có năng lực bình thường liệu có cách nào để họ làm được những điều lớn lao bằng cách áp dụng này không? Khi tôi được hỏi như vậy, tôi đã trả lời bằng chính kinh nghiệm của bản thân.
Năng lực bao gồm cả sức khỏe, tinh thần chứ không chỉ là trí tuệ. Năng lực là thứ trời cho, sinh ra vốn có. Nhưng sự nhiệt tình chỉ có thể tạo ra bằng ý chí của chính bản thân. Năng lực và nhiệt tình có thể chia từ cấp độ 0 đến 100. Nếu bạn muốn đạt được những thành tích cao thì hãy đặt cược điều đó bằng chính năng lực của mình. Bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều người đã đạt được những kết quả tuyệt vời bằng sự nỗ lực và đam mê mãnh liệt. So với những người không cố gắng nỗ lực và những người luôn suy nghĩ rằng “mình không thể”, “mình không có khả năng”… thì đã có sự khác biệt.
Cuối cùng là cách suy nghĩ. Cách suy nghĩ chính là thái độ sống của mỗi người. Tôi chia thành thái độ tích cực và tiêu cực cũng với cấp độ từ 0 đến 100. Thái độ tiêu cực đó là sự hoài nghi, oán ghét thế giới… có khuynh hướng phủ định tất cả mọi thứ. Nếu sống như thế thì sẽ rơi vào tình trạng tiêu cực. Bạn sẽ khó đạt được gì trong công việc và cuộc sống nếu chỉ có năng lực và ý chí mà không có thái độ sống đúng đắn. Chỉ khi suy nghĩ tích cực bạn mới có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong cuộc đời.
THỰC HIỆN GIẤC MƠ
Thế hệ trẻ luôn mang trong mình những khát khao, hoài bão, mơ ước “muốn làm một điều gì đó lớn lao”. Tuy nhiên, tôi muốn các bạn hiểu rằng điều đó cần sự nỗ lực không ngừng. Nếu không có sự nỗ lực thì ước mơ chỉ là ước mơ, không bao giờ thành hiện thực. Những chuyến đi trong hành trình cuộc đời không phải là những chuyến đi toàn là niềm vui. Để thực hiện những chuyến đi ấy, ta phải đi bằng chính đôi chân của mình và chỉ còn cách là phải đi bộ, chạm chân xuống đất, nghĩa là phải thực tế, không quá mơ mộng hão huyền, viển vông. Để giấc mơ thành hiện thực thì phải nghĩ đến việc làm sao, bằng cách nào thực hiện điều đó… và đâu là con đường ngắn nhất để chạm tay vào giấc mơ. Hãy bước đi từng bước, từng bước một giống như con sâu đo rất chậm mà chắc. Đây chính là thái độ thử thách với những điều lớn lao. Cũng có người cho rằng nếu bước từng bước, từng bước một thì bước đi rất chậm, mất nhiều thời gian do vậy có khi cả đời không thể làm được điều gì lớn lao. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. “Tích tiểu thành đại”. Kết quả của những tích lũy dần dần từng bước sẽ là bước đệm để tạo ra những thành công lớn. Sự lan tỏa và liên kết ấy đến một lúc nào đó sẽ dẫn chúng ta đến một tầm cao mà chính chúng ta cũng không thể tin được. Dù là cá nhân hay tổ chức thì đây cũng là phương pháp chắc chắn duy nhất để biến giấc mơ thành hiện thực.
NHÌN KỸ CHÍNH MÌNH
Con người có lẽ không thông minh lắm. Mỗi lần nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ sống thiếu trách nhiệm thì tôi đều cảm thấy rất hối tiếc “khi đó nếu mình đừng sống hời hợt, vô trách nhiệm thì tốt biết mấy”. Khi còn trẻ, muốn làm việc gì đó chúng ta thường được cha mẹ khuyên bảo, góp ý. Nhưng khi làm cha mẹ, chính chúng ta nhiều lúc cảm thấy hối hận mỗi khi nhớ lại thời trẻ của mình. Chính nỗi đau về những thất bại khi còn trẻ mà họ muốn cho con cái mình không lặp lại sai lầm ấy cho nên họ đã rất nghiêm khắc và lặp đi lặp lại “điệp khúc” nhắc nhở, chú ý đến hành vi của con trẻ.
Cha mẹ, con cái, tất cả mọi người chúng ta đều đang lặp lại những điều giống nhau trong cuộc đời. Đó là cảm giác hối tiếc. “Giá lúc nhỏ biết trước như thế này thì tốt quá”. Nhưng những điều xảy ra không ai biết trước được và mọi người đều giống nhau thường lặp lại thất bại. Tuy nhiên, phải nói ngược lại thì chính những thất bại, khó khăn khi còn trẻ nếu được phát huy tốt qua việc giáo dục sẽ có thể là những kinh nghiệm quý báu, có ích cho cuộc sống sau này. Nhưng để làm được điều đó chúng ta phải thành thật nhìn lại chính bản thân mình. Điều này có thể nói ngắn gọn là cần một cái tâm hướng thượng để kiểm điểm và đánh giá một cách nghiêm khắc chính bản thân mình.
MỞ RA LÀ CON ĐƯỜNG
Trong một khoảnh khắc nào đó tôi đã từng nghĩ mình thật bất hạnh nhưng nhìn lại những năm tháng đã qua tôi cũng có không ít niềm vui, hạnh phúc. Tôi đã có bước đi đầu tiên trên hành trình cuộc đời đó là khi bắt đầu vào làm việc ở một công ty nhỏ tại Kyoto. Ở đó những khó khăn mà tôi gặp phải như trả lương chậm, không tiền thưởng, triển vọng tương lai không có đã khiến tôi chán nản nên tôi định nghỉ làm. Tuy nhiên vì được anh trai khuyên và do tình hình công ty cũng như hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó mà tôi không thể nghỉ việc. Tôi chỉ còn cách là tiếp tục làm việc và suy nghĩ “Phải cố gắng tìm niềm vui trong công việc hiện tại chứ không phải là thích hay không”. Trong hoàn cảnh đó thì không còn cách nào khác là chính bản thân bạn phải tìm cho mình một lối thoát bằng cách mở ra một con đường. Tôi tiếp tục ở lại làm việc cho công ty đó và tôi đã dành thời gian, tâm trí tập trung nghiên cứu, sau một thời gian đã đạt được kết quả tuyệt vời. Vì đó là một công ty không có nhân tài xuất sắc nên tôi đã trở thành nhân vật nổi bật và được cấp trên khen ngợi, ủng hộ. Điều này cũng khiến tôi gặp trở ngại vì xuất hiện những “đối thủ” cạnh tranh nhưng cũng nhờ đó mà tôi lại càng phải nỗ lực hơn nữa. Tôi đã liên tục nhận được sự khen ngợi. Tất cả điều đó đem lại những chuyển biến lớn cho cuộc đời tôi. Tôi tự nhủ rằng nếu ngay từ đầu tôi gặp được môi trường và những điều kiện thuận lợi thì không có tôi của ngày hôm nay. Cuộc đời nếu không thử nhìn xa, nhìn rộng thì sẽ không thể hiểu được hình ảnh thật sự của nó.