ĐỐT CHÁY CÁC Ý NIỆM

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Diệt Không Sinh Đừng Sợ Hãi; Người dịch: Chân Huyền; NXB Hội Nhà Văn.

Chúng ta sợ chết, sợ chia lìa và chúng ta sợ trở thành hư vô. Người Tây phương rất sợ trở thành hư vô. Khi họ nghe nói về sự trống rỗng thì họ cũng rất sợ. Nhưng trống rỗng chỉ là sự vắng mặt các ý niệm. Không, hay trống rỗng, không có nghĩa trái ngược với sự sinh tồn. Nó không có nghĩa là hư vô, không có nghĩa là không còn gì hết. Cần phải loại bỏ ý niệm hiện hữu và không hiện hữu. Trống rỗng là một công cụ giúp ích cho chúng ta.

Thực tại không liên quan gì tới chuyện có hay không, hiện hữu hay không hiện hữu. Khi Shakespeare nói “To be or not to be – that is the question” (Hiện hữu hay không hiện hữu – đó là vấn đề), Bụt trả lời: “Hiện hữu hay không hiện hữu, đó không phải là vấn đề”. Có hiện hữu hay không hiện hữu chỉ là hai ý niệm trái ngược nhau, chúng không phải là chân lý và chúng  cũng không diễn tả được chân lý.

Sự giác ngộ tỉnh thức không những loại được ý niệm về thường hằng mà nó cũng loại được cả ý niệm về vô thường. Ý niệm về trống rỗng cũng thế. Trống rỗng cũng chỉ là một khí cụ, và nếu bạn bị kẹt vào ý niệm đó, bạn cũng đi lạc đường. Bụt nói trong kinh Người Bắt Rắn (Ratnakuta): “Nếu bạn bị kẹt vào ý niệm hiện hữu hay không hiện hữu (Có hay Không) thì ý niệm về trống rỗng giúp cho bạn được tự do. Nhưng khi bạn kẹt vào ý niệm trống rỗng thì không còn hy vọng”. Giáo lý về sự trống rỗng là một dụng cụ giúp cho bạn có cái hiểu thật sự về Không, nhưng nếu bạn coi dụng cụ đó là sự giác ngộ thì bạn đã bị kẹt vào ý niệm đó rồi.

Nếu bạn có một ý niệm về Niết bàn, thì nên loại bỏ nó đi. Niết bàn không chứa đựng một ý nào niệm nào hết, kể cả ý niệm về Niết bàn. Nếu bạn kẹt vào ý niệm về Niết bàn  là bạn chưa chạm được tới Niết bàn. Sự khám phá và hiểu biết sâu xa đó khiến cho Bụt vượt thoát được mọi sợ hãi, lo âu, mọi đau khổ và vượt được cả vấn đề sinh tử.

Đốt Cháy Các Ý Niệm

Khi bạn có một que diêm, bạn có nhân duyên để tạo ra lửa. Nếu ngọn lửa bạn đốt lên bằng que diêm đó có đủ thời gian, nó sẽ đốt cháy luôn que diêm. Que diêm tạo ra lửa, và lửa đốt cháy diêm, giáo pháp vô thường cũng vậy. Nó giúp ta có tỉnh thức về sự vô thường, và sự giác ngộ đó lại đốt cháy ý niệm của ta về vô thường.

Chúng ta phải vượt qua ý niệm về thường, nhưng ta cũng phải vượt qua ý niệm về vô thường. Như thế chúng ta có thể chạm tới Niết bàn. Vô ngã cũng vậy. Vô ngã giống như que diêm, nó giúp gây ra lửa trí tuệ để hiểu về vô ngã và cũng chính ngọn lửa vô ngã sẽ đốt que diêm vô ngã.

Tu tập không phải là thu thập một lô các ý niệm về vô ngã, vô thường, Niết bàn hay ý niệm nào khác. Đó là công việc của một cái máy thu băng. Thuyết giảng và chia sẻ về các ý niệm đó không phải là cách học và hành trì Phật pháp. Ta có thể tới trường đại học Phật pháp, nhưng chúng ta sẽ chỉ học được lý thuyết và các khái niệm. Chúng ta nên vượt lên trên các ý niệm để có được tánh giác, và nhờ đó sẽ đốt cháy được hết các ý niệm trong ta, để cho ta được tự do.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SUY NIỆM MỖI NGÀY
  2. GIỚI THIỆU VỚI CON CÁI VỀ CHÁNH NIỆM

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỂ CÓ HẠNH PHÚC
  2. THỰC TẬP CHÁNH NIỆM TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY – HT. THÍCH NHẤT HẠNH
  3. Chăm Sóc Những Yếu Tố Phi-Doanh-Thương

Bài viết mới

  1. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG
  2. NHỮNG YẾU TỐ LÀM NÊN SỰ CƯỜNG THỊNH CỦA ĐỜI TRẦN
  3. HƯƠNG GIỚI HẠNH