ĐƯỢC VÀ MẤT

PATRICK KING

Trích: Tâm Lý Học Ứng Dụng; Minh Trang dịch; NXB. Lao Động; Cty TNHH Văn Hóa và Truyền Thông 1980 Books

Bất cứ khi nào bạn đọc ngôn ngữ cơ thể và nét mặt của mọi người trước và trong lúc tương tác với họ, rất có thể họ cũng đang làm thế với bạn. Đối phương càng có vẻ thích bạn, bạn càng có khả năng chấp nhận và yêu mến họ nhiều hơn. Người khác đối xử với bạn càng lạnh lùng, bạn càng nhiều khả năng sẽ không thích họ. Nghe có vẻ khá tự nhiên phải không?

Phản ứng này là trung tâm của nguyên tắc được – mất, cụ thể là khi cảm nhận của một người về một người khác ngày càng diễn biến tích cực, thì người kia cũng nhiều khả năng sẽ có cảm tình ngược lại.

Tác động mạnh nhất của nguyên tắc được – mất xuất hiện khi một người mới đầu có nhìn nhận tiêu cực về đối phương, nhưng sau đó, vì bất kỳ lý do nào đó mà lại chuyển sang có quan điểm tích cực hơn về anh ta. Nếu một ai đó nhận thức như vậy về bạn, thì điều này nhiều khả năng sẽ dẫn đến sự thay đổi tích cực tương tự ở bạn, khiến bạn có cảm tinh với anh ta hơn.

Các nhà tâm lý học Elliot Aronson và Darwyn Linder đã tiến hành một thí nghiệm vào năm 1965 để kiểm chứng nguyên tắc này. Nghiên cứu tổ chức các cuộc gặp mặt được dàn dựng giữa những người tình nguyện và một “nội gián” – thuật ngữ ám chỉ một diễn viên thường tham gia vào các thí nghiệm khoa học xã hội, người này giống như một công cụ để gây ảnh hưởng có chủ đích lên các đối tượng nghiên cứu, để tạo dựng bối cảnh hoặc gây ra một số phản ứng.

Trong trường hợp này, các “nội gián” đóng vai trò thao túng các đối tượng, nhằm kiểm tra xem ý kiến của chúng ta về người khác phụ thuộc như thế nào vào ý kiến của họ đối với chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các “nội gián” đưa ra nhận định về những tình nguyện viên trước và sau khi những “nội gián” này phỏng vấn họ, và các nhà nghiên cứu cố tình trò chuyện với “nội gián” trong tầm nghe của những người tình nguyện để họ có thể “hóng” được thông tin.

Sau đó, những tình nguyện viên được yêu cầu điền vào một biểu mẫu gồm một số câu hỏi về việc họ nhận định ra sao về những “nội gián” họ đã gặp và tình cờ nghe được cuộc hội thoại chia sẻ nhận định. Kết quả cho thấy các đối tượng nghiên cứu có xu hướng thích những “nội gián” hơn cả khi “nội gián” ban đầu đánh giá thấp họ nhưng sau đó lại thay đổi quan điểm và có cảm tình tốt hơn. Ngược lại, nếu người “nội gián” này lúc đầu đánh giá cao họ nhưng sau đó lại chuyển sang ý kiến tệ hơn, các đối tượng tham gia nghiên cứu sẽ thể hiện là họ không thích người “nội gián” này nhất. Trong trường hợp mà ý kiến của “nội gián” không thay đổi, người tham gia sẽ có quan điểm khá nhẹ nhàng.

Tiến sĩ Michael Palmer khẳng định rằng, nếu một người bộc lộ nhiều cảm xúc tích cực với bạn, thì khả năng lớn là bạn cũng sẽ có cảm nhận tương tự về anh ấy/cô ấy, đơn giản và dễ hiểu vậy thôi. Tất nhiên, ta không thể bày tỏ toàn bộ những cảm xúc này, nên chúng ta chỉ thường khiến người khác có nhận thức tích cực hơn về mình bằng cách hành xử dễ chịu với đối phương, thể hiện trạng thái tích cực và gia tăng tình cảm bất cứ khi nào phù hợp. Và nếu có người nào mà mới đầu bạn không mấy thiện cảm với họ, thì khi bạn thay đổi sang thái độ tích cực hơn, điều đó thậm chí có thể tạo ra hiệu ứng rất mạnh mẽ.

Một phần quan trọng của nghiên cứu là những người tham gia biết được quan điểm của những “nội gián” một cách tinh tế, chứ không phải thông qua những lời khen hay sự bày tỏ thiện cảm trực tiếp, thẳng thắn. Bạn cũng có thể bày tỏ một cách tinh tế tương tự bằng cách kể những câu chuyện nho nhỏ và đầy tích cực khi nói về bạn bè và người quen của mình. Nói cách khác, điều quan trọng là bạn phải đưa ra những ý kiến tích cực, vì sự tích cực ấy rồi sẽ quay trở lại với bạn. Nếu bạn luôn nói tốt về người khác sau lưng họ, thông tin đó có thể được truyền tới tai họ và tự động giúp họ có thiện cảm hơn với bạn.

Khi muốn bộc lộ trực tiếp hơn, bạn có thể sử dụng nguyên tắc được – mất khi khen ngợi người khác. Ví dụ, bạn có thể nói rằng, “Khi mới gặp anh, tôi đã nghĩ [điền vào các đặc điểm tính cách tiêu cực/ trung tính], nhưng giờ đây khi đã quen thân anh, tôi có thể thấy là anh thực sự [chèn vào các đặc điểm tính cách tích cực]”. Khi khen một người theo cách này, bạn sẽ khiến họ cảm thấy rằng họ đã “chinh phục” được bạn, do đó khiến họ thích bạn hơn. Điều này nghe có vẻ quá hiển nhiên, nhưng khoa học vẫn khẳng định lại một lần nữa.

Tuy nhiên, đừng lạm dụng quá nhiều lời khen ngợi. Một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Minnesota vào năm 1965 đề cập tới một khía cạnh khác của nguyên tắc được – mất, đó là việc khen ngợi hoặc đưa ra nhận xét tích cực sẽ có tác động lớn hơn tới người nhận lời khen nếu bạn chỉ thỉnh thoảng mới làm điều đó.

Nhóm các nhà tâm lý học đã chia những người tham gia – 80 nữ sinh viên đại học – thành từng cặp để thực hiện một nhiệm vụ, và sau đó, giống như thử nghiệm của Aronson và Linder, họ để các sinh viên “nghe lỏm” người cùng cặp nói về họ. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã hướng dẫn một nửa số người cùng cặp cần nói những gì để quan sát kết quả. Một số sinh viên đưa ra nhận xét tiêu cực hoặc tích cực cả trước và sau khi trò chuyện với người cùng cặp, trong khi một số sinh viên khác thì chuyển từ tích cực sang cực tiêu và ngược lại.

Kết quả chỉ ra rằng, những người đưa ra nhận xét ban đầu tiêu cực và sau đó trở nên tích cực là những người được yêu thích nhất, được thích nhiều hơn cả những người luôn đưa ra ý kiến tích cực. Như trong trường hợp của nghiên cứu đầu tiên, những người tham gia cảm thấy đặc biệt yêu mến những người mà họ đã giành được thiện cảm.

Có một điều có thể rút ra về những kết quả nghiên cứu này, đó là những ấn tượng tích cực chi có phép màu ở một mức độ nhất định nào đó. Một khi bạn đã chạm tới điểm giới hạn này, thật khó để vượt qua ngưỡng. Dù vậy, hẳn rằng những lời khen sẽ có hiệu quả trong lần gặp mặt đầu tiên với một ai đó.

Vậy, còn điều gì khác ta có thể rút ra từ nghiên cứu? Nếu bạn muốn ai đó thích bạn, thì thỉnh thoảng khen ngợi người đó là một cách hay, nhưng hãy cẩn trọng để đừng lạm dụng lời khen. Chỉ cần để mọi người biết là bạn thích họ và coi họ như một người bạn (hay một đồng minh). Đùng giữ khoảng cách hay tỏ ra quá cẩn trọng trước họ, bởi họ cũng sẽ phản ứng tương tự với bạn. Tuy nhiên, nếu bạn quá nhiệt tình hoặc khen ngợi quá mức, đến độ tạo ra cảm giác thiếu chân thành hoặc đeo bám, rất có thể thành công xã hội mà bạn mong muốn đạt được sẽ trở nên xa vời.

Một lời khen sâu sắc, dù chỉ đôi lúc mới xuất hiện, vẫn sẽ đem lại cảm giác tốt đẹp hơn nhiều so với những lời khen ngợi nông cạn lặp đi lặp lại – đặc biệt nếu bạn đối chiếu cảm giác bây giờ với cảm nhận tiêu cực mà bạn từng có về đối phương trước đây, và hành động của họ lúc này tuyệt tới mức bạn không còn cách nào khác ngoài việc phải thay đổi quan điểm về họ. Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải thực sự thích ai đó, nhưng ít nhất, hãy khiến họ có cảm giác là bạn thích họ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ĐỨC PHẬT – NHÀ TRỊ LIỆU TÂM LÝ VƯỢT THỜI GIAN
  2. TẠO KHÔNG KHÍ TÂM LÝ
  3. ĐỒNG CẢM KHÔNG PHẢI LÀ ĐỒNG Ý HAY PHÂN TÍCH TÂM LÝ

Bài viết khác của tác giả

  1. AI CŨNG MUỐN NÓI VỀ BẢN THÂN MÌNH
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. CON NGƯỜI YÊU THÍCH SỰ TÍCH CỰC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP