TẠO KHÔNG KHÍ TÂM LÝ

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói Quen Tạo Gia Đình Hạnh Phúc- The 7 Habits of Highly Effective Families; Biên Dịch: Vương Khánh Ly-Phan Khánh Giang; Nguyễn Thu Giang - Nguyễn Chương; NXB. Trẻ

Một trong những lý do cơ bản của việc tìm hiểu người khác trở thành khoản gửi vào đầu tiên và quan trọng nhất, vì nó tạo cho người khác “không khí tâm lý”.

Hãy nhớ lại, lúc bạn bị  gió  thổi mạnh, làm  hụt hơi. Lúc  đó, điều gì quan trọng? Điều gì cần thiết hơn việc cố gắng hít không khí?

Trải nghiệm đó minh họa cho việc tại sao tìm cách hiểu người khác lại trở nên quan trọng. Được người khác thấu hiểu, tương tự như việc có được không khí (xét về mặt tình cảm và tâm lý). Còn gì quan trọng hơn việc cố gắng hít thở không khí – tức cố gắng được hiểu, phải không nào?

Sandra:

Tôi nhớ có một sáng thứ bảy, khi Stephen vẫn đang làm việc ở văn phòng. Tôi đã gọi anh ấy: “Stephen, anh về nhà nhanh lên. Em sắp bị trễ hẹn ở thị trấn rồi, em cần anh giúp”.

“Sao em không bảo Cynthia giúp?”. – Anh ấy đề nghị. – “Con bé có thể giúp em, và em có thể đi”.

Tôi đáp lại: “Con bé sẽ không giúp đâu. Nó hoàn toàn bất hợp tác. Em cần anh về nhà”.

“Chắc hẳn có điều gì đó xảy ra trong quan hệ giữa em và Cynthia”. – Stephen nói. – “Điều chỉnh mối quan hệ đó và mọi chuyện sẽ tốt đẹp”.

“Nghe này, Stephen!”. – Tôi mất hết kiên nhẫn. – “Em không có thời gian. Em phải đi. Em sẽ bị muộn mất. Anh làm ơn về nhà được không?”.

“Sandra, anh phải mất 15 phút mới về tới nhà”. – Anh ấy đáp. – “Nhưng em có thể giải quyết việc này trong 5 hay 10 phút nếu em ngồi xuống với con bé. Hãy cố gắng làm rõ bất cứ việc gì khiến con bé tổn thương. Sau đó hãy xin lỗi. Nếu em không thấy mình làm sai gì cả thì hãy nói: ‘Con yêu, mẹ đã quá nóng vội nên không thực sự quan tâm đến nỗi bận tâm của con. Có thể mẹ đã nói điều gì đó khiến con lo lắng. Chuyện gì vậy?’”.

“Em không nghĩ ra mình đã làm gì khiến con bé bị tổn thương cả”. – Tôi nói.

“Được”. – Stephen đáp. – “Thế thì hãy ngồi đó và lắng nghe”.

Thế nên, tôi đã đến chỗ Cynthia. Lúc đầu con bé từ chối hợp tác. Nó lạnh lùng và dửng dưng, không thèm đáp lại. Tôi nói: “Con yêu, mẹ đã quá nóng vội nên đã không lắng nghe  con, và mẹ cảm thấy có điều gì đó hết sức quan trọng đang làm con phải bận tâm. Con hãy nói cho mẹ nghe được không?”.

Trong vài phút đầu, Cynthia từ chối mở lòng nhưng cuối cùng con bé thốt lên: “Thật không công bằng! Không công bằng!”. Sau đó, con bé nói về việc nó đã có thể sang ngủ với những người bạn của mình giống như chị gái nó, nhưng chẳng bao giờ được phép.

Tôi chỉ ngồi và lắng nghe. Lúc đó tôi đã không cố gắng để giải quyết vấn đề. Nhưng khi con bé thổ lộ cảm xúc của mình, mọi thứ bắt đầu rõ ràng. Đột nhiên con bé nói: “Đi thôi mẹ. Lên đường nào. Con sẽ giúp mẹ”. Cynthia biết khó khăn mà tôi đang gặp phải.

Trước lúc con bé có được bầu không khí tình cảm, nó chẳng bận tâm đến việc gì cả. Một khi cảm nhận được không khí đó, Cynthia có thể tập trung vào vấn đề và làm những gì cần thiết để giải quyết.

Hãy ghi nhớ câu: “Tôi không quan tâm anh biết đến đâu, cho tới khi tôi biết anh quan tâm tôi ở mức nào”. Mọi người sẽ không quan tâm đến bất cứ điều gì bạn nói cho tới lúc họ cảm nhận được “không khí tâm lý” – bằng chứng đầu tiên của sự quan tâm.

Hãy nghĩ tới điều này: Tại sao mọi người lại quát và la hét nhau? Họ muốn được hiểu. Họ thường hét lên: “Hãy hiểu tôi! Hãy nghe tôi nói! Hãy tôn trọng tôi!”. Vấn đề là việc la hét đó dồn nén quá nhiều cảm xúc và thiếu tôn trọng người khác, đến nỗi nó gây ra sự xúc phạm, thậm chí thù hận, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Khi việc la hét tiếp tục, sự tức giận càng sâu sắc và cuối cùng chẳng ai nói ra được quan điểm của mình. Mối quan hệ bị sứt mẻ, thời gian và công sức cần bỏ ra để giải quyết mâu thuẫn khi hét vào mặt nhau lớn hơn rất nhiều so với việc ngay từ đầu, bạn thực hiện Thói quen thứ 5: có được sự nhẫn nại và tự chủ cần thiết để lắng nghe người khác trước tiên.

Ngay sau nhu cầu sinh lý là nhu cầu tâm lý. Khao khát sâu thẳm trong trái tim con người là được thấu hiểu, vì sự thấu hiểu tức là thừa nhận, coi trọng, nhận ra và đề cao bản chất tốt đẹp của mỗi người. Khi thực sự lắng nghe người khác, bạn sẽ công nhận và đáp ứng nhu cầu thiết yếu đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÁI KẾT NỐI VỚI CON NGƯỜI THẬT CỦA BẠN
  2. NẮM LẤY CÁC BÀI HỌC CUỘC SỐNG
  3. GIÁO DỤC LÀ TỰ THẤU HIỂU CHÍNH MÌNH

Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG