GIÁ TRỊ CỦA TỬ TẾ

ROBIN SHARMA

Trích: Điều Vĩ Đại Đời Thường- The Greatness Guide; Phạm Anh Tuấn dịch; NXB. Trẻ

Sau bài phát biểu của tôi trước tập thể một công ty viễn thông lớn, một người phụ nữ bước đến bên tôi nước mắt đầm đìa: “Tôi đã đọc tất cả sách của ông và cố gắng hết sức để sống một cuộc đời như ông đã mô tả trong sách. Nhưng có một người chắc hẳn đã sống với thông điệp của ông. Người đó chết cách đây vài tháng. Người đó là cha tôi”.

Cô ấy dừng lại giây lát rồi kể tiếp: “Năm ngàn người đã dự đám tang ông ấy. Cả vùng đều đến. Tôi cảm thấy thật vinh hạnh”. Tôi hỏi: “Có phải cha cô là một doanh nhân nổi tiếng?”. Cô trả lời: “Không phải”. “Một chính trị gia tiếng tăm à?”. Tôi cao giọng hỏi. “Không phải”. “Vậy cha cô là người nổi danh trong vùng?”. “Thưa ông, đều không phải”. “Vậy tại sao tới năm ngàn người dự đám tang của cha cô?”, tôi ngạc nhiên hỏi.

Cô ấy dùng lại hồi lâu. “Họ đến vì gương mặt cha tôi luôn nở nụ cười. Cha tôi là người luôn đến trước tiên khi có ai đó cần giúp đỡ. Ông đối xử với mọi người cực kỳ tử tế và hết sức tôn trọng. Và ông ra đi cũng thật nhẹ nhàng. Năm ngàn người đến viếng đám tang của cha tôi bởi vì ông là người tử tế”.

Có chuyện gì với sự trân trọng lòng tử tế vậy nhỉ? Kênh truyền hình “Thực tế” chiếu những cảnh tồi tệ nhất của con người. Chúng ta nhìn thấy các siêu sao âm nhạc liên tục chửi thề. Chúng ta đọc thấy nhiều giám đốc vơ vét tiền đầy túi để mua nhà to hơn, trong khi các cổ đông của họ mất tiền an sinh xã hội. Tôi thích bộ phim Wall Street. Nhưng nhân vật Gordon Gekko đã sai: Lòng tham không bao giờ tử tế. Tử tế là tử tế.

Nhiều người cười nhạo những ai có cung cách trở thành người tử tế, đúng đắn, quí phái. Tôi nghe họ nói: “Đó là dấu hiệu của sự yếu đuối”. Không. Đó là dấu hiệu của sức mạnh. Nhẹ nhàng mà cứng rắn. Nghĩ đến bản thân trước tiên là điều thật dễ dàng. Nổi giận khi có người phản đối mình cũng dễ dàng. Than phiền, kết án người khác, hoặc chọn con đường ít chông gai nhất cũng thế. Điều đòi hỏi lòng can đảm là bạn phải tranh đấu cho điều cao cả hơn, cư xử tử tế hơn và giúp đỡ người khác. Giống như Mandela, Gandhi, King. Tôi ước gì có được một phần nhỏ của những con người vĩ đại ấy.

Tôi buộc phải diễn thuyết dài dòng, bởi đây là một vấn đề lớn. Tuy nhiên tôi cũng thẳng thắn thừa nhận rằng chắc chắn mình còn xa lắm mới vươn tới sự hoàn thiện. Tôi chỉ như một người đưa tin – một người bình thường. Nhưng có một điều cần nói rõ: tôi cố gắng hết sức để sống tử tế. Đòi hỏi đó khiến tôi phải thức giấc lúc nửa đêm. Tôi phải giữ cho bản thân ở một tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với mức người khác mong đợi nơi tôi. Tôi có luôn luôn làm điều đúng? Không. Tôi có luôn bình tĩnh và chẳng bao giờ nổi giận? Không. Tôi có luôn làm gương với thông điệp của mình? Không. Tôi cố gắng mỗi ngày, nhưng vẫn có lúc vấp ngã.

Tôi không nói rằng đối xử tôn trọng với người khác nghĩa là đừng ép họ theo các tiêu chuẩn cao và kỳ vọng họ đạt thành tựu xuất sắc. Nó không có nghĩa rằng bạn chẳng cần đưa ra giới hạn cho họ và biểu lộ sự cứng rắn khi cần. Lãnh đạo không có nghĩa là làm mọi người yêu thích mình. Lãnh đạo nghĩa là làm điều đúng. Và điều tử tế.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TỬ TẾ
  2. HỌC HÀNH, NGHỀ NGHIỆP VÀ NIỀM VUI SỐNG
  3. NIỀM TIN VÀO SỰ TỬ TẾ

Bài viết khác của tác giả

  1. Ô CỬA KÍNH MÀU
  2. NGƯỜI LƯỚT SÓNG – GẶP GỠ BẬC THẦY CỦA TRÁI TIM
  3. THÀNH THẬT KHI GIAO TIẾP – NHÀ LÃNH ĐẠO KHÔNG CHỨC DANH

Bài viết mới

  1. SỬ DỤNG HIỆU QUẢ SIÊU NĂNG LỰC QUYỀN LỰC & TÁC ĐỘNG
  2. CÂU TRẢ LỜI ĐÃ CÓ SẮN TRONG CÂU HỎI – PHẬT GIÁO TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN NGÀY NAY
  3. THẦY VÀ ĐỆ TỬ