HÀNH ĐỘNG CỦA Ý CHÍ VÀ NĂNG LƯỢNG CẦN CHO MỘT THAY ĐỔI TẬN GỐC

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Đánh Thức Trí Thông Minh; Nguyễn An Cư dịch; NXB Thiện Tri Thức.

 

Người ta cần một số lớn năng lượng, sức sống và quan tâm để đem lại thay đổi tận gốc trong chính mình. Nếu chúng ta quan tâm vào những hiện tượng bên ngoài, chúng ta phải thấy điều chúng ta có thể làm với thế giới trong tiến trình thay đổi chính chúng ta; và chúng ta cũng phải thấy không chỉ làm sao giữ gìn năng lượng, mà còn làm sao tăng trưởng nó. Chúng ta không ngừng tiêu tán năng lượng, bằng nói vô ích, bằng có vô số ý kiến về mọi sự, bằng sống trong một thế giới của những quan niệm, những công thức, và bằng xung đột trường cửu trong chính chúng ta. Tôi nghĩ tất cả điều này làm hao phí năng lượng. Nhưng ngoài ra, có một nguyên nhân rất sâu làm tiêu tan năng lượng cần thiết không chỉ đem lại một thay đổi trong chúng ta, mà còn để thâm nhập rất sâu ngoài những biên giới của tư tưởng chúng ta.

Những người xưa nói, kiềm chế tình dục, phòng giữ chặt chẽ các giác quan của bạn, có những lời nguyện để cho bạn không tiêu tan năng lượng của bạn: bạn phải tập trung năng lượng của bạn vào Thượng Đế, hay cái gì khác. Mọi kỷ luật ấy cũng là một hao phí năng lượng, bởi vì khi bạn có một lời nguyện, đó là một hình thức đề kháng. Cần có năng lượng không chỉ để cho một thay đổi bên ngoài, trên bề mặt, mà còn để đem lại một chuyển hóa lớn hay cách mạng bên trong và sâu xa. Người ta phải có một cảm thức phi thường về năng lượng mà nó không có nguyên nhân, không có động cơ, nó có khả năng bình lặng rốt ráo và chính sự bình lặng này có tính chất bùng nổ của riêng nó. Chúng ta sắp đi vào mọi điều này.

Người ta thấy con người hao phí năng lượng của họ như thế nào, trong cãi cọ, trong ghen tỵ, trong một cảm giác lo âu dữ dội, trong sự theo đuổi mãi mãi lạc thú và trong đòi hỏi có nó; khá rõ ràng đây là một hao phí năng lượng. Và có phải cũng có một hao tán năng lượng khi có vô số ý kiến và đức tin về mọi sự? – người khác cần xử sự như thế nào, người khác cần làm gì và vân vân. Có những công thức và những quan niệm không phải là một sự hao phí năng lượng sao? Trong văn hóa này chúng ta được khuyến khích có những quan niệm mà chúng ta sống theo đó. Bạn không có ư những công thức và những quan niệm theo nghĩa có những hình ảnh bạn cần phải là như thế nào, cái gì cần xảy ra? – theo nghĩa tư tưởng từ chối “cái đang là” và hình thành công thức “cái nên là” ? Mọi hăng hái vọng động như vậy là một hao phí năng lượng và tôi hy vọng chúng ta có thể tiến tới từ chỗ này.

Cái gì là lý do căn bản đằng sau sự tiêu tan năng lượng? Ngoài sự hao phí năng lượng do những khuôn khổ văn hóa người ta đã sở đắc, có một câu hỏi sâu xa hơn nhiều, đó là: liệu người ta có thể vận hành, tiến hành đời sống hàng ngày mà không có bất kỳ sự kháng cự nào? Đề kháng là ý chí. Tôi biết bạn đều được nuôi dạy để sử dụng ý chí, để kiềm chế, theo nghĩa “anh phải, anh phải không, anh nên, anh không nên”. Ý chí là độc lập với sự kiện. Ý chí là sự khẳng định tự ngã, cái “tôi”, độc lập với “cái đang là”. Ý chí là tham muốn; sự biểu lộ của tham muốn là ý chí. Chúng ta vận hành trên bề mặt hay ở chiều sâu, trong sự khẳng định chống lại này của tham muốn như ý chí, nhưng cái này không dính dáng gì đến “sự kiện” mà lệ thuộc vào tham muốn của cái “tôi”, của tự ngã.

Biết ý chí là gì, tôi hỏi: có thể sống trong thế giới này mà không có sự hoạt động chút nào của ý chí? Ý chí là một hình thức kháng cự, một hình thức phân chia. “Tôi muốn” chống lại cái gì “tôi không muốn”, “tôi phải” chống lại “tôi phải không”. Thế nên ý chí đang xây một bức tường trong hành động chống lại mọi hình thức khác của hành động. Chúng ta chỉ biết hành động hoặc theo một công thức, một quan niệm, hay mô phỏng theo một lý tưởng và hành động trong liên hệ với lý tưởng ấy, khuôn mẫu ấy. Đó là cái chúng ta gọi là hành động trong đó có xung đột. Có sự bắt chước theo “cái nên là”, đó là cái chúng ta đã phóng chiếu ra như một lý tưởng rồi theo đó chúng ta hành động; bởi thế có xung đột giữa hành vi và lý tưởng, bởi vì trong đó luôn luôn có một mô phỏng, bắt chước, tuân thủ. Tôi cảm thấy có một hao phí toàn bộ năng lượng và tôi sắp chỉ ra tại sao.

Tôi hy vọng chúng ta xem những hoạt động của chính chúng ta, tâm thức của chính chúng ta, để thấy chúng ta thi hành ý chí trong hành động như thế nào.

Để lập lại, ý chí là độc lập với sự kiện, với “cái đang là”; nó tùy thuộc nương vào tự ngã, vào cái nó muốn – không nên “cái đang là”, mà trên cái nó muốn. Và cái muốn này tùy thuộc vào hoàn cảnh, vào môi trường, văn hóa và vân vân; nó tách lìa sự kiện. Thế nên có mâu thuẫn và kháng cự chống lại “cái đang là”, và đó là một hao phí năng lượng.

Hành động nghĩa là làm lúc bây giờ – không ngày mai, không đã làm. Hành động là trong hiện tại. Có thể hành động không có một ý tưởng, không có một công thức, không có một quan niệm chăng ? – một hành động trong đó không có đề kháng như ý chí. Nếu có ý chí thì có mâu thuẫn, đề kháng và nỗ lực, đây là một hao phí năng lượng. Thế nên tôi muốn tìm ra có một hành động không có ý chí nào như là sự khẳng định của cái “tôi” đề kháng.

Bạn thấy chứ, chúng ta là nô lệ cho văn hóa hiện thời, chúng ta là văn hóa, và nếu không có một loại hành động nào khác, một loại đời sống khác như vậy một loại văn hóa hoàn toàn khác, thì người ta phải hiểu toàn bộ vấn đề ý chí này. Ý chí thuộc về văn hóa già cõi trong đó bao trùm tham vọng và ước muốn, sự khẳng định và sự hiếu chiến của cái “tôi”. Nếu cần có một lối sống hoàn toàn khác, người ta phải hiểu vấn đề chủ chốt, đó là: có thể hành động không công thức, quan niệm, lý tưởng hay đức tin? Một hành động đặt nền trên kiến thức, nó là quá khứ, bị điều kiện hóa và tùy thuộc quá khứ, không tránh được nó phải tạo ra bất hòa và do đó xung đột. Thế nên tôi muốn tìm ra có chăng một hành động trong đó không có ý chí gì cả và chọn lựa không thể chen vào.

Chúng ta đã nói hôm trước, nơi nào có mờ rối thì phải có chọn lựa. Một người thấy sự vật rõ ràng (không loạn thần hay cố chấp) thì không chọn lựa. Thế nên chọn lựa, ý chí, chống lại – cái “tôi” trong hành động – là hao phí năng lượng. Có chăng một hành động không dính dáng gì đến mọi thứ đó để cho tâm thức sống trong thế giới này, vận hành trong trường của kiến thức nhưng vẫn tự do hành động mà không có chướng ngại giới hạn của kiến thức ? Diễn giả nói có một hành động trong đó không có đề kháng, không có can thiệp của quá khứ, không có phản ứng của cái “tôi”. Hành động ấy tức thời bởi vì nó không ở trong trường của thời gian – thời gian là hôm qua, với tất cả kiến thức và kinh nghiệm của nó, nó hành động hôm nay, khiến cho tương lai cũng đã được thiết lập bởi quá khứ. Có một hành động là tức thời và do đó trọn vẹn, trong đó ý chí không vận hành chút nào. Để tìm ra cái đó tâm thức phải học làm sao quan sát, làm sao để thấy. Nếu tâm thức thấy theo một công thức bạn cần phải là cái gì, hay tôi phải cần là cái gì, bấy giờ hành động là của quá khứ.

Bây giờ tôi hỏi: có chăng một hành động không bị thúc đẩy, không có động cơ, nó là hiện tại và không đem đến mâu thuẫn, lo âu và xung đột? Như tôi đã nói, một tâm thức đã được huấn luyện trong một văn hóa, nó tin, và vận hành và hành động với ý chí, một tâm thức như vậy rõ ràng không thể hành động theo nghĩa chúng ta đang nói đây, vì nó bị điều kiện hóa. Thế nên tâm thức có thể thấy sự điều kiện hóa này và thoát khỏi nó để hành động một cách khác không? Nếu tâm thức tôi được huấn luyện theo giáo dục dạy vận hành với ý chí, bấy giờ nó không thể hiểu hành động không có ý chí là cái gì. Thế nên sự quan tâm của tôi không phải là tìm ra làm sao để hành động không có ý chí, mà tìm ra liệu tâm thức tôi có thể thoát ra sự bị điều kiện hóa của nó, nghĩa là sự bị điều kiện hóa của ý chí. Đó là quan tâm của tôi, và tôi thấy, khi tôi nhìn vào chính mình, rằng mọi sự tôi làm đều có một động cơ thầm kín, nó là kết quả của lo âu, của sợ hãi, của đòi hỏi lạc thú và vân vân. Bây giờ tâm thức có thể tự mình tự do để hành động khác đi?

Thế nên tâm thức phải học như thế nào? Với tôi đó là vấn đề trung tâm. Tâm thức này, nó là kết quả của thời gian, của những văn hóa, kinh nghiệm và kiến thức, có thể nhìn với đôi mắt không bị điều kiện hóa? Nghĩa là, nó có thể vận hành trong khoảnh khắc, thoát khỏi sự bị điều kiện hóa của nó? Thế nên tôi phải học nhìn vào sự bị điều kiện hóa của tôi mà không có tham muốn thay đổi, chuyển hóa, và vượt khỏi nó. Tôi phải có thể nhìn nó như nó là. Nếu tôi muốn thay đổi nó, bấy giờ tôi lại đem đến hành động của ý chí. Nếu tôi muốn trốn thoát khỏi nó, lại có một kháng cự. Nếu tôi giữ một phần và từ chối những phần khác, đó lại là lựa chọn. Và chọn lựa, như chúng ta đã chỉ ra, là mê lầm, mờ rối. Thế thì tôi có thể chăng, tâm thức này có thể chăng, nhìn mà không có kháng cự nào, không có chọn lựa nào? Tôi có thể nhìn những núi non, những cây cối, hàng xóm của tôi, gia đình của tôi, những nhà chính trị, những nhà tu, mà không có hình ảnh nào? Hình ảnh là quá khứ. Thế thì tâm thức phải có thể nhìn. Khi tôi nhìn “cái đang là” trong chính tôi và trong thế giới, không kháng cự chống lại, bấy giờ từ sự quan sát ấy có hành động tức thì không phải là kết quả của ý chí. Bạn có hiểu không?

Tôi muốn tìm ra sống và hành động thế nào trong thế giới này; không bỏ đi vào một tu viện, hay trốn thoát đến một Niết bàn nào đó mà các guru hứa hẹn, “Nếu anh làm điều này, anh sẽ được điều kia” – tất cả cái đó điều vô nghĩa. Để nó qua một bên, tôi muốn tìm ra làm sao sống trong thế giới này không có sự kháng cự lại, không có ý chí nào. Tôi cũng muốn tìm ra yêu thương là gì. Thế nên tâm thức tôi vốn đã bị điều kiện hóa theo sự đòi hỏi lạc thú, mãn nguyện, thỏa mãn và do đó kháng cự, nó thấy tất cả cái đó không phải là yêu thương. Vậy thì thương yêu là gì? Bạn biết, để tìm ra cái là gì, người ta phải từ chối, bỏ qua một bên trọn bộ cái không phải là. Qua sự phủ định mà có cái khẳng định; chớ tìm cái khẳng định, mà hãy đến nó bằng cách hiểu cái gì không phải là nó. Tức là, nếu tôi muốn tìm ra chân lý là gì mà không biết nó là cái gì, tôi phải có thể thấy cái gì là sai giả. Nếu tôi không có khả năng thấy biết cái gì là sai giả, tôi không thể thấy cái gì là sự thật, là chân lý. Thế nên tôi phải tìm ra cái gì là sai giả.

Cái gì là sai giả? Mọi cái là sai giả mà tư tưởng đã lắp ghép – một cách tâm lý chứ không phải một cách kỹ thuật. Nghĩa là, tư tưởng đã lắp ghép cái “tôi”, cái tự ngã với những trí nhớ của nó, với sự hiếu chiến của nó, với tính tách biệt của nó, với những tham vọng, cạnh tranh, bắt chước, sợ hãi và những trí nhớ quá khứ của nó; tất cả đều do tư tưởng lắp ghép. Và tư tưởng đã lắp ghép những cái phi thường nhất một cách máy móc. Thế nên tư tưởng, như cái “tôi”, trong bản chất nó chẳng có chút thực tại nào, là sai giả. Khi tâm thức hiểu cái gì là sai giả, bấy giờ chân lý ở đó. Tương tự, khi tâm thức thực sự thăm dò sâu vào cái gì là thương yêu, không nói “nó là cái này”, “nó là cái kia”, mà tra hỏi, bấy giờ nó phải thấy cái gì không phải là thương yêu và hoàn toàn bỏ rơi nó; nếu khác đi bạn không thể tìm thấy cái thật. Người ta có thể làm điều đó không? Chẳng hạn nói, “Thương yêu là không phải tham vọng.” Một tâm thức tham vọng, muốn thành tựu, muốn trở nên quyền lực, thì hiếu chiến, ganh đua, bắt chước, một tâm thức như vậy không thể hiểu thương yêu là gì – chúng ta thấy điều đó, phải không?

(còn tiếp)

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH CỦA Ý CHÍ
  2. TIỀM NĂNG CỦA CON NGƯỜI
  3. SẠC LẠI NĂNG LƯỢNG

Bài viết khác của tác giả

  1. BÀI CA VỀ CÁI THÂN YÊU
  2. TÌNH YÊU LÀ THỰC TẠI
  3. TÌNH YÊU LÀ TÍNH THIÊN LIÊNG

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG