SỰ LIỀU DẤN THÂN – HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH ĐÍCH THỰC

M.SCOTT PECK

Trích: Hành Trình Trưởng Thành Đích Thực; Việt dịch: Thiên Hựu Nguyễn Thành Thống; NXB. Văn Hóa Thông Tin; 2004

Sự liều dấn thân vào trị liệu không chỉ là sự liều dấn thân mà còn là sự liều đương đầu với chính mình và liều thay đổi…

Sự dấn thân, dù hời hợt hay triệt để, cũng là nền tảng của bất cứ mối quan hệ yêu thương đích thực nào đó. Dấn thân sâu xa không bảo đảm sự thành công của mối quan hệ nhưng giúp nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác đảm bảo cho sự thành công đó. Những dấn thân hời hợt ban đầu có thể trở nên sâu xa với thời gian; nếu không, mối quan hệ đó có khả năng sẽ tan thành mây khói hoặc tàn lụi không thể tránh khỏi hoặc mãi mãi mong manh dễ vỡ. Thông thường chúng ta không ý thức được tầm mức mênh mông của sự liều lĩnh dấn thân sâu sắc. Tôi đã từng cho rằng một trong những chức năng của hiện tượng bản năng phải lòng là cung cấp cho các đương sự một cái áo choàng ma thuật về sự toàn năng có khả năng che mắt họ cái nguy cơ mà họ đang gặp phải khi họ kết hôn. Phần tôi, tôi đã điềm tĩnh vừa phải cho đến đúng cái lúc mà vợ tôi đến với tôi trước bàn thờ, lúc ấy toàn thân của tôi mới bắt đầu run rẩy. Tôi đã hoảng đến nỗi hầu như tôi không nhớ gì về buổi lễ đó cũng như bữa tiệc sau đó. Bao giờ cũng vậy, chính cái ý thức dấn thân sau hôn lễ làm cho sự chuyển dịch từ phải lòng sang tình yêu đích thực thành khả thi. Và chính sự dấn thân của chúng ta sau khi có thai biến đổi chúng ta từ những bố mẹ về mặt sinh học thành những bố mẹ về mặt tâm lý. Sự dấn thân vốn hiện diện trong mối quan hệ yêu thương đích thực. Bất kỳ ai quan tâm thực sự đến sự trưởng thành tinh thần của một người khác đều biết, một cách ý thức hoặc theo bản năng, rằng mình chỉ có thể hỗ trợ sự trưởng thành đó thông qua một mối quan hệ chung thủy. Trẻ con không thể trưởng thành về mặt tâm lý trong một bầu không khí bất trắc, ám ảnh bởi nỗi lo sợ bị bỏ rơi. Các đôi vợ chồng không thể giải quyết được một cách lành mạnh những vấn đề phổ biến của hôn nhân – lệ thuộc và độc lập, áp đặt và nhẫn nhục, tự do và trung thành, chẳng hạn – nếu không an tâm biết rằng hành động đấu tranh về những vấn đề này tự nó sẽ không phá hủy mối quan hệ kia.

Những khó khăn của sự dấn thân là phần chính, vốn có của đa số những rối loạn tâm bệnh, và những vấn đề của sự dấn thân là mấu chốt của tiến trình tâm lý liệu pháp. Những người rối loạn tính cách thường chỉ có những hình thức dấn thân hời hợt, và khi những rối loạn của họ trầm trọng thì những người này hình như mất hoàn toàn cái khả năng dấn thân. Đó không phải họ sợ không dám liều dấn thân cho bằng trên căn bản họ không hiểu sự dấn thân là gì cả. Vì bố mẹ họ không tự dấn thân đối với họ bằng một cách thức có ý nghĩa nào đó khi họ còn là trẻ con, họ lớn lên mà không có kinh nghiệm về dấn thân. Dấn thân đối với họ là một cái gì trừu tượng vượt quá tầm hiểu biết của họ, một hiện tượng mà họ không thể nào quan niệm đầy đủ được. Mặc khác, những người nhiễu tâm thường biết được bản chất của sự dấn thân nhưng họ bị tê liệt vì sợ nó. Thông thường vào thời thơ ấu họ cũng đã từng có kinh nghiệm đầy đủ về sự dấn thân của bố mẹ đối với họ để họ cũng có sự dấn thân ngược lại đối với bố mẹ. Nhưng rồi sau đó họ không còn nhận được tình yêu của bố mẹ do cái chết, bị bỏ rơi hoặc bị từ chối liên tục, hậu quả là sự dấn thân không được thưởng của đứa trẻ trở thành một kinh nghiệm đau khổ không thể chịu nỗi. Về sau họ tự nhiên khiếp sợ những sự dấn thân mới. Những vết thương lòng như thế chỉ có thể được chữa trị nếu về sau người này có một kinh nghiệm căn bản và vừa ý hơn với sự dấn thân. Đây chính là một trong những lý do vì sao sự dấn thân là điều không thể thiếu của mối quan hệ tâm lý liệu pháp. Có những lúc tôi phải rùng mình trước công việc to tát mà tôi đang làm khi tiếp nhận một bệnh nhân mới phải trị liệu dài hạn. Muốn chữa trị, người bác sĩ tâm bệnh cần phải tạo một mối quan hệ của bệnh nhân mới, ở đó ý thức và mức độ dấn thân cũng cao bằng sự yêu thương đích thực các bố mẹ dành cho con cái mình. Ý thức dấn thân và sự kiên trì quan tâm sẽ thường xuyên được trắc nghiệm và được thể hiện cho bệnh nhân thấy dưới muôn vàn hình thức trong quá trình hàng tháng năm trị liệu.

Rachel, một phụ nữ trẻ hai mươi bảy tuổi, lạnh lùng và xa cách, đến gặp tôi vào lúc kết thúc một cuộc hôn nhân ngắn ngủi. Mark, chồng cô ta, đã bỏ cô ta vì sự lãnh cảm của cô ta. “Tôi biết tôi lãnh cảm chứ”, Rachel thừa nhận. “Tôi đã nghĩ đến chuyện phải hâm nóng Mark kịp thời, nhưng việc đó không bao giờ xảy ra. Tôi không nghĩ đó là do lỗi của Mark. Tôi không bao giờ thấy hứng thú trong chuyện ái ân với ai. Và nói thật với ông. Tôi không chắc mình muốn chuyện ấy. Một phần thì muốn, vì tôi cũng muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc một ngày nào đó, tôi muốn bình thường – hình như người bình thường ai cũng tìm thấy một sự tuyệt vời nào đó trong chuyện ái ân. Nhưng phần khác thì tôi hoàn toàn bằng lòng giữ cái cung cách hiện tại của tôi. Mark nói mãi, “Hãy thoải mái và tự nhiên”. Thế nhưng, xem ra tôi không muốn thoải mái và tự nhiên dù tôi có thể.”

Đến tháng thứ ba trong khi làm việc chung với nhau thì tôi lưu ý cho Rachel biết rằng cô ta luôn luôn nói “Cám ơn” với tôi ít nhất hai lần trước khi cô ta ngồi xuống để bắt đầu buổi trị liệu – lần thứ nhất khi tôi đón cô ta ở phòng đợi và lần nữa khi cô ta bước qua đi vào văn phòng của tôi.” Có gì sai khi lịch sự như thế?” Cô ta hỏi.

“Tự nó thì không có gì”, tôi trả lời. “Nhưng trong trường hợp đặc biệt này, quả là không cần thiết. Cô hành động như thể cô là khách ở đây và thậm chí cô không tin là được hân hạnh đón tiếp.”

“Nhưng tôi là khách ở đây. Đây là nhà ông”.

“Đúng”, tôi nói. “Nhưng cũng đúng là cô trả bốn mươi đô la mỗi giờ cô ở đây. Cô đã mua khoảng thời gian này và khoảng không gian văn phòng này, và vì cô đã mua nó, nên cô có quyền đối với nó. Cô không phải là khách. Văn phòng này, phòng đợi này, và thời gian chúng ta làm việc chung với nhau thuộc quyền của cô. Đó là của cô. Cô đã trả tiền cho tôi để có cái quyền này, vì vậy tại sao cô lại cám ơn tôi vì những thứ thuộc về cô?”

“Tôi không thể tin ông thực sự nghĩ như thế”. Rachel thốt lên.

“Thế thì chắc cô phải nghĩ rằng tôi có thể đá cô ra khỏi đây bất cứ lúc nào tôi muốn,” tôi chống đỡ. “Chắc cô phải nghĩ rằng có thể một buổi sáng nào đó cô đến đây và nghe tôi bảo. Này, Rachel, làm việc với cô chán phèo. Tôi quyết định không gặp lại cô nữa. Tạm biệt. Chúc may mắn.”

“Đúng là tôi có nghĩ như thế,” Rachel nhìn nhận. “Trước đây tôi không bao giờ nghĩ một cái gì đó thuộc quyền của tôi. Ông muốn nói ông không thể đá tôi ra khỏi đây à?”

“Ồ, cứ cho là có thể đi. Nhưng tôi không làm thế. Tôi không muốn làm thế. Còn bao nhiêu chuyện khác nữa, làm thế thì xem sao được. Này, cô Rachel,” tôi nói, “Khi tôi nhận một ca trị liệu dài hạn như trường hợp của cô, tôi dấn thân vào ca ấy, vào người ấy. Tôi đã dấn thân có trách nhiệm với cô. Tôi sẽ làm việc cô bao lâu cô cần, dù cho một năm, năm năm, mười năm hay lâu mấy đi nữa. Tôi không biết cô sẽ bỏ công việc làm chung của chúng ta khi cô đã làm xong hay trước khi cô làm xong. Tôi còn sống, thì tôi sẵn sàng phục vụ cô bao lâu cô còn cần.”

Vấn đề của Rachel, đối với tôi không phải là khó hiểu. Hồi khi mới bắt đầu trị liệu, Mark, chồng cũ của cô ta có nói với tôi: “Tôi nghĩ mẹ của Rachel có dính dáng nhiều đến việc này. Bà là một phụ nữ đặc biệt. Bà có thể làm một chủ tịch xuất sắc của General Motors, nhưng tôi không chắc bà là một người mẹ rất tốt”. Hoàn toàn đúng thế. Rachel đã được nuôi dạy, đúng hơn là được điều khiển, với cái tâm trạng rằng mình có thể bị sa thải bất cứ lúc nào nếu không tuân lệnh. Thay vì cho Rachel cái cảm giác chỗ của cô ở trong nhà với tư cách một đứa con là an toàn – một cảm giác chỉ đến được từ những bố mẹ dấn thân – mẹ của Rachel đúng là làm chuyện ngược lại: như chỗ của một nhân viên, vị trí của Rachel chỉ được bảo đảm bao lâu cô làm điều được yêu cầu và xử sự theo như mong đợi. Vì cái chỗ của cô trong gia đình với tư cách một đứa con không được an toàn thì làm thế nào cô có thể cảm thấy cái chỗ của cô trong phòng tôi là an toàn được?

Những vết thương gây ra do sự sai lầm của bố mẹ về sự dấn thân như thế không chữa lành được bằng một vài lời trấn an qua loa được. Những thương tích ấy phải được điều trị đi điều trị lại ở những cấp độ chuyên sâu dần. Một cuộc điều trị như thế phải mất hơn một năm. Chúng ta chú ý thấy sự kiện là Rachel không bao giờ khóc khi có mặt tôi – nói cách khác cô ta không để cho mình được “tự nhiên”. Một bữa kia khi cô ta đang nói về sự cô đơn khủng khiếp do phải thường xuyên ở trong tình trạng cảnh giác, tôi có cảm giác cô ta sẽ bật khóc nếu tôi chỉ cần kích động nhẹ, vì thế tôi đã làm một việc không như thường lệ: tôi đến chỗ cái giường nơi cô ta đang nằm và xoa xoa nhè nhẹ đầu của cô ta, miệng thì thầm, “Tội nghiệp Rachel. Tội nghiệp Rachel” Cử chỉ đó không thành công. Rachel bỗng cứng rắn, ngồi bật dậy, mắt ráo hoảnh. “Tôi không thể làm thế”, cô ta nói. “Tôi không thể để mình tự nhiên được. Lúc ấy là vào cuối buổi trị liệu. Đến buổi hôm sau Rachel bước vào ngồi ở trên giường thay vì nằm. Cô ta tuyên bố: “Nào, bây giờ ông hãy nói đi”.

“Cô muốn nói gì vậy?” Tôi hỏi.

“Ông sẽ nói cho tôi biết tất cả mọi chuyện trục trặc của tôi”.

Tôi bối rối. “Tôi vẫn không hiểu cô muốn nói gì, cô Rachel ạ”.

“Đây là buổi cuối cùng. Ông sẽ tổng kết tất cả những chuyện trục trặc của tôi, tất cả những lý do tại sao ông không thể chữa trị cho tôi nữa.”

“Tôi không hiểu đang có chuyện gì”, tôi nói.

Đến lượt Rachel bối rối. “Thôi được”, cô ta nói, “Buổi vừa rồi ông muốn tôi khóc. Ông đã muốn tôi khóc từ lâu rồi. Buổi vừa rồi ông đã làm mọi việc có thể để giúp tôi khóc, nhưng tôi vẫn không khóc được, vì vậy ông sẽ chấm dứt với tôi. Tôi không thể làm điều ông muốn tôi làm. Đó là lý do tại sao hôm nay là buổi gặp cuối cùng của chúng ta.”

“Cô thật sự tin rằng tôi sắp sa thải cô phải không cô Rachel?”

“Phải. Ai cũng làm thế.”

“Không. Cô Rachel. Không phải bất cứ ai. Mẹ cô có thể làm thế. Nhưng tôi không phải mẹ cô. Không phải mọi người trên thế giới đều giống mẹ cô. Cô không phải là nhân viên của tôi. Cô không ở đây để làm điều tôi muốn cô làm. Cô ở đây để làm điều cô muốn làm, khi cô muốn làm. Tôi có thể thúc đẩy cô, nhưng tôi không có quyền gì trên cô. Tôi sẽ không bao giờ sa thải cô. Cô ở bao lâu cô muốn.”

Một trong những vấn đề mà người ta thường gặp trong những mối quan hệ người lớn của họ nếu họ không bao giờ nhận được một sự dấn thân chắc chắn của bố mẹ là triệu chứng “tôi sẽ bỏ anh trước khi anh bỏ tôi”. Triệu chứng này sẽ mang nhiều dạng hay nhiều lối cải trang. Sự lãnh cảm của Rachel là một dạng. Dù nó không bao giờ nằm ở mức độ ý thức, điều mà sự lãnh cảm của Rachel được diễn tả cho chồng cô ta và các bạn trai trước đó là, “tôi sẽ không hiến thân cho anh khi tôi biết tỏng rằng anh sẽ vứt bỏ tôi một ngày gần đây.” Đối với Rachel, “tự nhiên” trong quan hệ tình dục hoặc trong gì gì khác thể hiện một sự dấn thân của chính mình, và cô ta không sẵn lòng để làm một sự dấn thân khi cái bản đồ của kinh nghiệm quá khứ dường như làm cho thấy chắc rằng cô ta sẽ không nhận được một sự dấn thân đáp lại nào.

Triệu chứng “tôi sẽ bỏ anh trước khi anh bỏ tôi” càng trở thành mãnh liệt khi một người như Rachel đến với một người khác càng gần hơn. Sau một năm trị liệu mỗi tuần hai lần Rachel báo cho tôi biết cô ta không thể kham nổi tám mươi đô la mỗi tuần được nữa. Cô ta nói, từ khi ly dị cô ta gặp lúc khó khăn phải tằn tiện vào cuối tháng nên cô ta phải ngừng gặp tôi hoặc là cắt giảm còn mỗi tuần một lần. Chuyện này buồn cười thật. Tôi biết Rachel thừa hưởng năm mươi ngàn đô la cộng với tiền lương khiêm tốn cô ta kiếm được trong việc làm, tại địa phương cô ta ở ai cũng biết cô ta là thành viên của một gia đình lâu đời và giàu có. Cứ theo lẽ thường thì tôi có thể đối chất với cô ta cho ra lẽ về việc cô ta có đủ khả năng trang trải những dịch vụ của tôi dễ dàng hơn nhiều bệnh nhân và rõ ràng cô ta đã dùng chuyện tiền bạc một cách giả tạo để trốn tránh sự gần gũi thêm với tôi. Mặc khác, tôi cũng biết rằng, đối với Rachel số tiền thừa hưởng thể hiện một cái gì đó còn hơn tiền bạc nữa kia; nó là của cô ta, một thứ không thể bỏ cô ta được, một bức tường thành của sự an toàn trong một thế giới không có dấn thân. Mặc dù tôi hoàn toàn có lý để yêu cầu cô ta lấy số tiền thừa hưởng để trả tiền thù lao tiêu chuẩn của tôi, nhưng tôi e rằng đó là sự liều lĩnh mà cô ta chưa sẵn sàng để thực hiện và nếu tôi cố nài thì cô ta sẽ bỏ trốn thật. Cô ta nói với thu nhập của mình có thể cô ta có khả năng trả năm mươi đô la mỗi tuần và cô ta ngỏ ý tôi rằng số tiền đó đủ cho một buổi. Tôi nói với cô ta tôi có thể giảm tiền thù lao của tôi xuống còn hai mươi lăm đô la một buổi và tiếp tục gặp cô ta hai lần mỗi tuần. Cô ta nhìn tôi vừa sợ, không tin vừa vui mừng. “Ông làm điều đó thật chứ?” Cô ta hỏi. Tôi gật đầu. Sau đó là một khoảng thời gian dài im lặng. Cuối cùng gần như muốn khóc, Rachel nói: “Vì tôi xuất thân từ một gia đình giàu có, nên những người bán hàng ở trong thành phố chặt tôi với giá cao nhất. Ông đã đề nghị giảm giá. Không có ai trước đây giảm giá cho tôi cả.”

Thực ra, Rachel có bỏ trị liệu vài lần trong năm sau để cố gắng xem có nên để cho sự dấn thân với nhau của chúng tôi thêm nữa hay không. Mỗi lần như vậy, bằng cách phối hợp thư từ và điện thoại trong một hai tuần thì tôi cũng thuyết phục được cô ta quay trở lại. Cuối cùng thì sau hai năm trị liệu chúng tôi có thể bàn trực tiếp đến những vấn đề đang có. Tôi biết được rằng Rachel có làm thơ và tôi yêu cầu cô ta cho tôi xem. Ban đầu cô ta từ chối. Rồi đồng ý, nhưng lần nữa tuần này qua tuần khác cô ta bảo là quên mang đến. Tôi chỉ ra cho cô ta thấy rằng việc không cho tôi xem thơ cũng có ý nghĩa như việc từ chối chuyện chăn gối với Mark và những người khác. Tại sao cô ta nghĩ rằng việc cho tôi xem những bài thơ thể hiện một sự dấn thân hoàn toàn của cô ta? Tại sao cô ta nghĩ rằng việc chia sẻ ân ái cũng tương tự một sự dấn thân hoàn toàn? Dẫu tôi có không khen thơ của cô ta thì điều đó có nghĩa là tôi từ bỏ hoàn toàn cô ta sao? Tôi có thể chấm dứt tình bằng hữu của chúng tôi vì cô ta không phải là một nhà thơ lớn được sao? Có lẽ việc chia sẻ thơ ca của cô ta có thể làm cho mối quan hệ của chúng tôi thêm sâu đậm. Tại sao cô ta lại sợ sự sâu đậm như thế? Vân vân và vân vân.

Cuối cùng khi nhận ra sự dấn thân của tôi đối với cô ta, ở năm trị liệu thứ ba Rachel bắt đầu “tự nhiên”. Sau cùng thì cô ta dám liều để cho tôi xem thơ của mình. Cô ta đã có thể rúc rích, cười đùa và nghịch. Mối quan hệ của chúng tôi trước đây cứng nhắc và hình thức, đã trở nên thân mật, tự phát và thường vô tư, vui vẻ. “Trước kia tôi chưa hề biết thoải mái với một người khác là như thế nào,” cô ta nói. “Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy được an toàn”. Từ sự an toàn của văn phòng của tôi và của khoản thời gian chúng tôi làm việc chung với nhau cô ta đã nhanh chóng có thể dám tạo ra những mối quan hệ khác. Cô ta đã nghĩ rằng chuyện yêu đương không chỉ là một vấn đề dấn thân mà còn là một sự tự thể hiện mình, sự vui chơi, khám phá, học biết và vui vẻ từ bỏ. Vì biết rằng tôi luôn sẵn sàng để giúp đỡ mỗi khi cô ta bị thương tổn, giống như một người mẹ tốt mà cô ta không bao giờ có, nên cô ta đã tự do thoải mái để cho tình dục của mình bộc phát. Sự lãnh cảm của cô ta tan biến đi. Đến khi kết thúc việc trị liệu ở năm thứ tư, Rachel đã trở thành một người nhanh nhẹn, hoạt bát và sôi nổi, một người đang bận vui hưởng tất cả những gì mà các mối quan hệ của con người mang đến.

244- Tôi là ai?

Việc nhận biết về bản thân không tương đồng với sự tự cách ly, ta tìm hiểu về chính mình không có nghĩa là ta rút lui khỏi các mối quan hệ.

Tôi đã may mắn có thể cống hiến được cho Rachel một mức độ dấn thân đủ để vượt qua những hậu quả bệnh hoạn của sự thiếu dấn thân mà cô ta phải chịu trong thời thơ ấu. Tôi không thường được may mắn như vậy. Anh kỹ thuật viên máy tính mà tôi đã miêu tả ở phần thứ nhất như một ví dụ của sự nhiễu tâm chuyển dịch là một trường hợp như thế. Việc anh ta cần sự dấn thân của tôi triệt để đến nỗi tôi không thể hoặc không sẵn lòng đáp ứng được. Nếu sự dấn thân của người bác sĩ trị liệu không đủ để vượt qua những thăng trầm của mối quan hệ, thì việc điều trị căn bản sẽ không xảy ra. Tuy nhiên, nếu sự dấn thân của người bác sĩ trị liệu đủ, thì thường – dù có ngoại lệ – bệnh nhân sớm muộn cũng sẽ đáp ứng bằng một sự dấn thân mở rộng của chính họ, một sự dấn thân đối với nhà trị liệu và đối với chính sự trị liệu. Lúc mà bệnh nhân bắt đầu biểu hiện sự dấn thân này tức là bước ngoặt của cuộc trị liệu. Đối với Rachel tôi nghĩ thời điểm này đến khi cuối cùng cô ta cho tôi xem thơ của mình. Kỳ lạ là có những bệnh nhân trung thành đến trị liệu hai, ba giờ mỗi tuần, hàng mấy năm thế mà không bao giờ đến được thời điểm này. Những người khác thì có thể đạt được trong vòng vài tháng đầu. Nhưng họ phải đạt được điểm đó nếu muốn được chữa trị khỏi. Đối với nhà trị liệu thì khi đạt được thời điểm này là lúc tuyệt vời của sự nhẹ nhõm và niềm vui, vì khi đó họ biết rằng bệnh nhân đã tiến hành bước liều dấn thân tốt đẹp và vì thế việc trị liệu sẽ thành công.

Sự liều dấn thân vào trị liệu không chỉ là sự liều dấn thân mà còn là sự liều đương đầu với chính mình và liều thay đổi. Ở phần trước, khi bàn về sự hiến thân cho sự thật tôi đã nói tỉ mỉ về những khó khăn của việc thay đổi bản đồ của sự thật, những thế giới quan và những chuyển dịch tình cảm. Nhưng chúng phải được thay đổi nếu người ta muốn sống một cuộc sống yêu thương thường phải mở rộng bản ngã để đi vào những chiều kích và những lĩnh vực khó khăn mới. Có nhiều điểm mốc trên hành trình trưởng thành tinh thần của một người, dù người đó một mình hay được hướng dẫn bởi một nhà tâm bệnh học, những lúc ấy người ta phải có những hành động mới và không quen thuộc để phù hợp với thế giới quan mới của mình. Việc có hành động mới như thế – tức xử sự khác với cách thức người ta vốn có trước đó – có thể thể hiện một sự liều lĩnh cá nhân khác thường. Chàng trai trẻ đồng tính luyến ái thụ động kia lần đầu tiên chủ động hẹn hò với một cô gái, một người kia chưa bao giờ tin tưởng ai lần đầu tiên nằm dài trên giường của nhà phân tâm để cho nhà phân tâm đó mổ xẻ quan điểm của mình; một bà vợ trước đó vẫn luôn lệ thuộc báo cho ông chồng độc đoán rằng mình đã tìm được một việc làm dù ông ta có thích hay không thích, rằng chị ta sẽ có một cuộc sống riêng; một anh chàng năm mươi tuổi chuyên bám váy mẹ bảo mẹ đừng gọi anh ta bằng cái biệt danh trẻ con nữa; một ông khác vốn lạnh lùng xa cách, “mạnh bạo” tự mãn lần đầu tiên để mình khóc công khai; hoặc Rachel lần đầu tiên “tự nhiên thoải mái” khóc trong văn phòng của tôi: những hành động này, và còn nhiều hơn nữa, hàm chứa một sự liều lĩnh cá nhân và do đó thường đáng sợ và hãi hùng hơn nhiều so với sự liều lĩnh của một chiến binh ra trận. Người lính ấy không thể chạy vì mũi súng đang nhắm vào lưng và vào trán. Nhưng người muốn trưởng thành luôn luôn có thể tháo lui rút vào những khuôn mẫu dễ dãi và quen thuộc của một quá khứ giới hạn hơn.

Như đã nói, người bác sĩ tâm bệnh thành công phải mang đến cho mối quan hệ tâm lý liệu pháp lòng can đảm và ý thức dấn thân cũng giống như người bệnh nhân. Nhà trị liệu cũng phải liều thay đổi. Trong số tất cả những nguyên tắc tốt đẹp và hữu dụng của tâm lý liệu pháp mà tôi đã được học, có rất ít nguyên tắc mà tôi không từng phá bỏ lúc này hay lúc khác, không phải vì lười biếng và vô kỷ luật nhưng đúng hơn là vì sợ và run rẩy, bởi vì việc trị liệu bệnh nhân của tôi hình như đòi hỏi rằng, cách này hay cách khác, tôi phải bước ra khỏi sự an toàn của vai trò nhà phân tích đã được quy định, phải khác và dám liều cái không theo quy ước. Mỗi khi nhìn lại từng trường hợp thành công của mình tôi đều thấy rằng vào một thời điểm nào đó hoặc vào nhiều thời điểm của từng trường hợp tôi đã phải tự mình đánh đu trên dây. Sự sẵn lòng chịu đựng của nhà trị liệu vào những giây phút như thế có lẽ là yếu tính của liệu pháp, và khi các bệnh nhân nhận ra điều đó, thường là như thế, nó luôn luôn có tính chất trị liệu. Một lần nữa, mỗi lần nhìn lại những trường hợp thành công của tôi, không có trường hợp nào là không dẫn đến một sự thay đổi rất có ý nghĩa, thường là tận gốc rễ, những thái độ và nhận định của tôi. Nó phải như vậy. Không thể nào hiểu được thực sự một người khác nếu không dành một chỗ cho người đó trong chính con người bạn. Việc dành chỗ này, lại một lần nữa chính là sự đóng khung, đòi hỏi một sự mở rộng và do đó một sự thay đổi bản ngã.

Muốn làm bố làm mẹ tốt cũng như muốn có tâm lý liệu pháp tốt đều phải như thế cả. Việc đóng khung và mở rộng bản ngã của chúng ta bao gồm trong việc lắng nghe con cái chúng ta. Để đáp ứng những nhu cầu lành mạnh của chúng, chúng ta phải thay đổi mình. Chỉ khi nào chúng ta sẵn lòng chịu đựng được sự khổ đau của sự thay đổi như thế chúng ta mới có thể trở thành những bố mẹ mà con cái chúng ta cần. Và vì con cái không ngừng lớn lên và yêu cầu của chúng đang thay đổi nên bắt buộc chúng ta cũng phải thay đổi và trưởng thành cùng với chúng. Chẳng hạn mọi người đều quen với sự kiện có những bố mẹ có thể xử sự hiệu quả với con cái cho đến khi chúng bước vào tuổi thành niên, nhưng sau đó họ trở thành những bố mẹ hoàn toàn không hiệu quả nữa vì họ không thể thay đổi và điều chỉnh thái độ của mình theo những đứa con bây giờ đã lớn và khác. Và cũng như trong mọi trường hợp khác của tình yêu, sẽ là sai lầm nếu xem sự chịu đựng và sự thay đổi của những bố mẹ tốt như một kiểu từ bỏ mình hoặc sự tuẫn đạo; trái lại bố mẹ gặt hái từ trong tiến trình này nhiều hơn là con cái họ. Những bố mẹ không sẵn lòng dám liều chịu đựng sự đổi thay, trưởng thành và học hỏi từ con cái là những người chọn con đường của già cỗi – dù họ có biết hay không biết – và con cái cùng người đời sẽ bỏ họ lại đằng sau. Học hỏi từ con cái mình là cơ hội tốt nhất mà đa số mọi người có được để đảm bảo cho mình một tuổi già đầy ý nghĩa. Đáng buồn là đại đa số không nắm lấy cơ hội này.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TIẾN TRÌNH THÀNH TOÀN TỰ NGÃ – MỘT KINH NGHIỆM CHUNG CỦA NHÂN LOẠI
  2. VƯỢT LÊN BẢN NGÃ: BẢN THỂ ĐÍCH THỰC CỦA BẠN
  3. CỐT LÕI CỦA BẢN NGÃ

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU CÓ KỶ LUẬT – HÀNH TRÌNH TRƯỞNG THÀNH ĐÍCH THỰC

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC “NĂNG LỰC LÀM NGƯỜI”
  2. MỘT CÁI NHÌN RÕ RÀNG VỀ CHÍNH MÌNH: NHỮNG ĐỐI TRỊ VỚI SỰ KIÊU MẠN
  3. NGƯỜI NÀO PHÔ TRƯƠNG, KẺ ĐÓ TỰ TI