HÃY CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC NHƯ CHÍNH HỌ LÀ

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm-Đưa Yêu Thương, Ý Nghĩa Và Sự Gắn Kết Vào Mọi Khía Cạnh Cuộc Sống; Người dịch: Thái An; NXB.Hồng Đức

Khi bắt đầu nghĩ tới ý tướng này, tôi tìm từ “chấp nhận” (acceptance) trên mạng để xem nó có những gì. Tôi phát hiện, có một số lớn các nhóm hỗ trợ được lập ra bởi những người đang cùng nhau tìm kiếm sự chấp nhận. Chẳng hạn, một nhóm như vậy được thành lập bởi những người bị béo phì, một nhóm khác bởi những người đồng tính. Đó là một lời nhắc buồn rằng trên thế giới này ít có sự khoan dung đến vậy, và điều vô cùng cần thiết là chúng ta đừng chối bỏ mọi người vì vẻ ngoài, ý nghĩ, hay con người họ. Tôi vẫn sốc vì mức độ thiếu khoan dung và cố chấp mà ngay ở thời kỳ hiện đại này vẫn tồn tại; cứ như thể mỗi lần bật tivi lên, lại có một ví dụ về điều ấy được minh hoạ. Đây là một trong những vấn đề “Khi nào chúng ta mới học được?” mà mọi người cần giải quyết trong cuộc sống của mình.

Bài học chấp nhận là một phần không thể thiếu của con đường tâm linh. Xét cho cùng, sự chấp nhận vô điều kiện chính là tình yêu; là sự mở rộng trái tim, trao tặng một lời “ừ vâng/ đúng” vô điều kiện cho thế gian. Gần đây, tôi đọc một cuốn sách của tu si dòng Benedict, David Steindle-Rast, ông viết:

“Lời “ừ/ vâng/ đúng” của trái tim con người chính là phản ứng trọn vẹn của chúng ta với điều chân thực trong cốt lõi của vạn vật’. Khi nói câu “ừ/ vâng/ đúng” này, chúng ta trở thành điều chúng ta là. Con người thật của chúng ta là ừ/ vâng/ đúng”. Đúng vậy, tôi tự nghĩ, Đúng! David Steindle-Rast khuấy động trái tim Phật trong tôi.

Là những người truy cầu tâm linh, câu hỏi ta cần tự hỏi mình là: Làm thế nào có thể nói “ừ/ vâng/ đúng” một cách hiệu quả với những người xung quanh? Làm thế nào ta có thể bày tỏ sự chấp nhận và tình yêu một cách thích hợp? Để hiểu rõ hơn cách thực hiện điều này, hãy nghĩ tới những người, những nơi, những hoàn cảnh làm bạn cảm thấy mình được chấp nhận. Tôi có một số người bạn mà tôi thích ghé thăm. Khi tôi bước vào cửa, họ bày tỏ một cảm giác hết sức vui mừng vì thấy tôi. Trong nhà họ, tôi cảm thấy được bao bọc bởi sự ấm cúng, bởi tình bạn và sự chấp nhận. Chúng tôi gắn kết với nhau như thể là một nhà – gần như thể chỉ là một người. Đây là sự gắn kết tâm linh, là mối quan hệ chân thực.

Khi cảm thấy được chấp nhận, chúng ta thấy như mình “thuộc về”, chẳng phải thế sao? Chúng ta cảm thấy như mình ở cùng một đội; ta có một vị trí trong thế giới, một mục đích khi hiện hữu ở đây; ta cảm thấy được liên minh với những người khác, những người mà chúng ta được kết nối theo cùng một cách căn bản nhất. Bởi vậy, có thể thấy một trong những phương pháp đơn giản nhất để bày tỏ sự chấp nhận là bằng cách khoan dung, giúp người khác cảm thấy họ cũng “thuộc về”. Nói ngắn gọn, chúng ta làm điều đó bằng cách nói ừ/ vâng/ đúng với những người mình gặp. Chúng ta làm điều đó bằng cách ôm trọn người khác trong tư tưởng, trong lời cầu nguyện và hành động của mình; chúng ta làm điều đó bằng cách nhổ bật gốc rễ mọi hình tướng hư ảo của định kiến và thiếu khoan dung trong tâm trí. Chúng ta làm điều đó bằng cách nuôi dưỡng những ý nghĩ, những mong muốn về hạnh phúc, từ tâm, trắc ẩn cho tất cả những ai đang sống, đang hít thở, đang là.

Phật pháp dạy rằng, ta có thể rèn luyện bản thân trở nên cởi mở hơn, chấp nhận người khác hơn bằng cách trước hết tập trung vào đối tượng mà mình có tình cảm nhất. Hãy nghĩ tới những cảm giác ấm áp bạn dành cho con cái, ông bà, hay thậm chí con mèo của mình. Hãy tiếp tục yêu thương, chấp nhận những người mình yêu, kể cả nếu họ không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Chúng ta rèn luyện tâm từ bằng cách mở rộng cảm giác ấy đến người khác, bắt đầu với những người mình yêu thương nhất, từ đó toả ra tới những phạm vi ôm ấp tâm linh ngày càng lớn hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. ÔM LẤY BỒ ĐỀ TÂM
  2. KIÊN NHẪN KHOAN DUNG
  3. BÀI HỌC QUAN TRỌNG VỀ LÒNG KHOAN DUNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG