KIÊN NHẪN KHOAN DUNG

ROBERT THURMAN

SHARON SALZBERG

Trích: Yêu Thương KT – Chuyển hóa mối quan hệ của chúng ta với mọi kẻ thù; Biên dịch: Trung Sơn; Nhà xuất bản Thanh Hóa

Đôi khi chúng ta nghiến răng để chịu đựng đau khổ một cách can đảm, nhằm phát triển sức mạnh hoặc trí thông minh. “Không đau đớn, không thành công” là câu châm ngôn ở đây. Tôi có thể phấn đấu chạy một dặm để đôi chân khỏe mạnh, giữ tư thế yoga để làm mạnh các cơ bắp, hoặc tự buộc mình lặp lại một từ nước ngoài nhiều lần để thông thạo thứ tiếng đó. Trong tất cả những trường hợp này, tôi có thể chịu đựng sự khó chịu, thậm chí đau đớn, với niềm vui. Đó không phải là khổ dâm, vì ý định của tôi không phải là để tạo ra đau đớn, nhưng tôi sẵn sàng chịu đựng để đạt được những mục tiêu trong tâm trí. Đó là kiên nhẫn khoan dung.

Nó trang bị cho chúng ta chống lại sự giận dữ bằng cách đẩy ngưỡng bùng nổ ra xa hơn và xa hơn nữa.

Chúng ta cần phải chống lại sự giận dữ bằng cách đẩy ngưỡng bùng nổ ra xa hơn và xa hơn nữa.

Chúng ta cần phải chống lại các phản ứng quá tinh nhạy với sự đau khổ và nỗi thất vọng. Đôi khi tình huống làm cho chúng ta vui sướng một cách tự phát và dễ dàng, nhưng cuộc sống thì khó chịu một cách thường xuyên hơn. Sự việc thường diễn ra không đúng: chúng đổ vỡ; ta va vào chúng; chúng làm ta thất vọng. Những người khác thường không biết phải làm gì để chúng ta hạnh phúc, hoặc họ cố gắng để chúng ta hạnh phúc, nhưng rồi đạt được kết quả ngược lại. Nếu chúng ta có thể áp dụng nhận thức là ngay cả đau khổ cũng có thể được sử dụng để tạo ra hạnh phúc, tất nhiên là niềm vui sẽ xuất hiện thậm chí còn nhiều hơn nữa. Chúng ta không cần tạo ra sự đau khổ không cần thiết để đạt được lợi ích này. Cuộc sống hàng ngày đã quá đủ đau khổ cho mục đích đó.

Thật không may, chịu đau khổ thì dễ dàng hơn nhiều so với được hạnh phúc. Những nguyên nhân của đau khổ thì nhiều hơn rất nhiều so với những nguyên nhân của hạnh phúc. Trừ phi có được một thứ thuốc giải độc tích cực, chúng ta buộc phải chịu đau khổ nhiều hơn. Như vậy, một cách thức hợp lý để tìm được nhiều hạnh phúc hơn là lợi dụng những nguyên nhân thường đem lại đau khổ và biến chúng thành nguyên nhân của hạnh phúc. Ghi nhớ điều này, chúng ta có thể lợi dụng những trải nghiệm về đau khổ và, thay vì đắm chìm trong những trải nghiệm đó, hãy sử dụng chúng để phát triển tâm trí. Đó là tâm trí hướng tới mục tiêu là sự giải thoát hoàn toàn và chúng ta sẵn sàng từ bỏ những niềm vui hời hợt và hạnh phúc nhất thời để đạt được hạnh phúc thật sự về lâu dài.

Nhưng việc ấy nói thì dễ hơn là làm. Bằng cách nào, bạn có thể biến một nguyên nhân gây khổ đau thành một nguyên nhân tạo ra hạnh phúc? Đó là vấn đề của việc chuyển đổi mục tiêu. Bạn phải tưởng tượng ra hạnh phúc thật sự, tận dụng bất cứ khoảnh khắc giải thoát nào mà bạn đã từng biết và nhân nó lên một ngàn lần.

Nhưng trước tiên, liệu có một sự giải thoát như vậy hay không?

Đức Phật đã nói, Chúa Jesus đã nói, nhiều vị thầy tâm linh vĩ đại khác, và các triết gia trong nhiều thể kỷ cũng đã nói.

Nhưng làm thế nào để chúng ta đạt được nó? Bằng cách thay đổi phản ứng của chúng ta với tất cả mọi chuyện. Nói cách khác, chúng ta không quá phấn khích với những niềm vui bình thường, và phản ứng với nỗi đau bằng cách sử dụng nó để phát triển lòng khoan dung. Khoan dung là bước khởi đầu để thoát khỏi việc bị kích động bởi nỗi đau. Chúng ta gắn lòng khoan dung đó vào sự kiên nhẫn, càng lúc càng mạnh hơn dưới áp lực của cuộc sống. Khoan dung với sự khó chịu cho chúng ta khả năng chịu đựng, là điều dẫn đến sự giải thoát nội tâm khỏi sức mạnh của hoàn cảnh, khiến cho hạnh phúc trở thành điều có thể. Chúng ta phát triển tính kiên nhẫn không phải để trải nghiệm niềm vui thoáng qua mà để phát triển sự buông bỏ siêu việt. Khoan dung siêu việt có nghĩa là thoát khỏi cảm giác sợ hãi bất kỳ loại đau khổ nào. Không có gì trên hành trình có thể làm chúng ta sa ngã. Đây là hạnh phúc bền vững.

Con người có khả năng lớn lao để thích nghi, làm quen với mọi chuyện. Chúng ta có thể xây dựng sự khoan dung cho hầu như bất kỳ thứ gì, thậm chí cho điều mà lúc đầu có vẻ không thể chấp nhận được, nếu chúng ta thực hành dần dần, từng chút một, lặp đi lặp lại cho đến khi chúng ta không còn trải nghiệm nó như điều không thể chấp nhận. Việc gãi ngứa dẫn đến ngứa nhiều hơn hoặc một vết trầy đau buốt, nhưng nếu chúng ta có thể chịu đựng ngứa mà không gãi, sau cùng cơn ngứa sẽ biến mất.

Thông thường, chúng ta thất vọng với sự khó chịu gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, thậm chí với sự khó chịu không kiểm soát được. Những thất vọng nhỏ hàng ngày có thể tích lũy thành những cơn bùng nổ giận dữ. Khi phải đối mặt với nỗi đau khổ cùng cực, chúng ta nguyền rủa số phận. Nhưng để làm gì? Những phản ứng do thất vọng và giận dữ không tác động đến bất cứ sức mạnh tự nhiên nào, cũng không làm thay đổi những hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng chỉ làm tăng thêm đau khổ và căng thẳng đối với nỗi thất vọng và áp lực mà chúng ta đã cảm nhận. Thay vì thế, chúng ta có thể khéo léo thích ứng với hoàn cảnh ngoài tầm kiểm soát, bằng cách sử dụng sức mạnh của thói quen tích cực để chống lại thói quen của những phản ứng giận dữ.

Với sức chịu đựng và lòng khoan dung lớn lao, bạn đã tìm thấy con đường đến tự do.

Biến đau khổ thành kẻ thù

Rất dễ dàng để biến đau khổ thành kẻ thù. Trong sự đau đớn của nỗi đau tinh thần hoặc thể xác, chúng ta muốn được ở bất cứ nơi nào khác ngoại trừ nơi mà chúng ta đang ở, muốn chống lại thân phận con người của mình. Chống lại đau khổ khi nó lao vào sẽ chỉ mang lại thêm nhiều đau khổ. Khi chứng kiến nỗi đau khổ trong cuộc sống của những người khác, chúng ta cố hết sức để tránh nó. Mặc dù chúng ta có một xung động tự nhiên hướng đến sự đồng cảm và mong muốn hành xử nhân từ đối với những người gặp hoạn nạn, đôi lúc điều này khó hơn là nó được hình dung. Chúng ta không biết làm thế nào để giảm nhẹ đau khổ của những người khác; trên thực tế, thường là chúng ta không thể. Khi đó, sự giúp đỡ duy nhất của chúng ta chỉ là có mặt và tham dự vào đau khổ, điều có thể là khó khăn. Phải đối mặt với khó khăn trong việc chứng kiến, chúng ta đôi khi quay lưng lại với những người gặp khó khăn, bị đè bẹp bởi cảm giác bất lực của mình và sợ hãi bởi việc thừa nhận rằng nỗi đau khổ vẫn ở đó, hoặc choáng ngợp bởi cảm giác có lỗi hay lo lắng.

Cho đến khi chúng ta phát triển một sự hiện diện yêu thương cho chính mình – dịu dàng và tin tưởng trong việc đối mặt với những con quỷ bên trong – điều khó khăn vẫn là chứng kiến nỗi đau của người khác. Chúng ta có thể tự thấy mình chuyển hướng những nhu cầu của họ hay giữ khoảng cách với họ bằng những lời nói vô vị: “Bạn sẽ mau chóng cảm thấy tốt hơn”. “Điều này sẽ làm cho bạn mạnh mẽ hơn”. Một người bạn kể cho tôi nghe câu chuyện về đúng vấn đề này, từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng AIDS. Trong một nhóm được chữa trị, một người với những thương tổn nặng nề vì căn bệnh, đã mất bình tĩnh khi một tình nguyện viên hớn hở với câu nói rập khuôn: “Chỉ cần nhớ rằng không ai có thể làm bạn đau khổ nếu như bạn không muốn!”. Để đáp lại những lời trống rỗng này, người sắp chết đã đứng thẳng lên, bùng nổ cơn thịnh nộ. Cho đến khi những người xung quanh có thể học cách lặng yên với nỗi đau, chứ không phải là những người có ý tốt nhưng vụng về, cố gắng làm người bệnh vui lên, người bệnh sẽ tiếp tục cảm thấy bị tách biệt và cô độc. Trường hợp này không cần những viên kẹo dối trá. Hơn bất cứ điều gì, con người đau khổ này chỉ mong muốn sự hiện diện đơn giản chân thật, không sợ hãi khi đối mặt với thảm họa.

Chúng ta cần hiện diện trung thực với nỗi đau khổ của mình. Mỗi con người phải đối mặt với những thách thức một cách thường xuyên: các vấn đề chưa được giải quyết, những nỗi sợ hãi, bất an, đau buồn. Chẳng có gì sai trong bất cứ điều gì. Rắc rối đến khi chúng ta cố duy trì quan điểm cho rằng, có khó khăn có nghĩa là có điều gì đó sai trái và nếu chúng ta có thể làm cho mình đủ hoàn hảo, đủ thông minh, đủ khôn ngoan, hoặc may mắn, chúng ta sẽ không bao giờ đau khổ nữa. Đây là cách mà cái tôi của chúng ta biến nỗi đau bình thường thành kẻ thù.

Trong một cuốn sách, tôi đã viết về những cảm xúc dường như không thể buông bỏ của tôi về sự cô lập và tuyệt vọng. Sau khi đọc cuốn sách, Bob Thurman nói với tôi, “Bạn phải không bao giờ xấu hổ về những đau khổ mà bạn đã trải qua”. Lời nhận xét của ông làm tôi bối rối. Trong giây phút đó, tôi nhận ra mình đã mang theo bao nhiêu nỗi xấu hổ mà không nhận ra. Bob cho tôi biết ông đã mất một mắt trong một tai nạn vào năm 1961 và trải nghiệm này đã giúp ông tập trung trở lại vào việc tìm kiếm những chân lý sâu xa. Sau đó, người thầy của ông, một nhà sư người Mông Cổ tên là Geshe Wangyal, đã nói với ông rằng, “Đừng bao giờ xấu hổ về những gì xảy ra với bạn. Bạn đã mất một mắt nhưng đã có được một ngàn con mắt của trí tuệ”. Đây là cách mà chúng ta có thể sử dụng nỗi bất hạnh như một động lực để thức tỉnh.

Nhìn quanh những người khác, chúng ta thấy một số người dũng cảm khi phải chịu áp lực hay đau đớn, trong khi những người khác đầu hàng trong một hoàn cảnh thậm chí ít căng thẳng hơn. Chúng ta ngưỡng mộ sự dũng cảm và điều này có thể truyền cảm hứng cho chúng ta có sự quyết tâm vững vàng để vượt lên sự giận dữ. Sự giận dữ sử dụng bạn như công cụ của nó để bày ra những nghịch cảnh không chỉ cho bạn, mà cho tất cả những người xung quanh bạn. Khi bạn chống lại sự giận dữ, bạn phải trông đợi nó trở nên thù hằn với bạn. Vì vậy, bạn phải tăng cường quyết tâm tự trui rèn mình để đối phó với nó. Khi nó trở nên thù hằn với bạn, giống như bất kỳ kẻ thù nào, nó muốn làm cho bạn đau khổ. Nhưng nếu bạn đã học được cách chịu đựng đau khổ mà không công kích nó hoặc tiếp nhận nó một cách tiêu cực, thì tâm trí bạn đã được củng cố để chống lại bất cứ điều gì mà sự giận dữ có thể gây ra. Nó không thể chiến thắng bạn, không thể làm cho bạn nổi nóng. Với sức chịu đựng và lòng khoan dung lớn lao, bạn đã tìm thấy con đường đến tự do.

Chủ nghĩa anh hùng trong trận chiến là một ẩn dụ cho việc chống lại kẻ thù giận dữ. Giận dữ và sợ hãi là những kẻ thù đáng gờm, việc đánh bại chúng đem lại thành quả xứng đáng. Bạn chỉ có thể vượt qua những thói nghiện ngập tinh thần này bằng cách vượt qua bất cứ nỗi đau nào xuất hiện trong trận chiến với chúng. Chủ nghĩa anh hùng thực sự vượt trên những thói quen ích kỷ lấy mình trung tâm và thậm chí trên cả nỗi sợ cái chết.

Chúng ta có thể triển khai sự hiểu biết và kinh nghiệm vượt qua sự giận dữ để thay đổi thái độ đối với sự đau khổ nói chung. Sự đau khổ xây dựng tính cách, giúp chúng ta vượt qua thói tự mãn và ích kỷ. Nó cho phép chúng ta đồng cảm với những người khác, những người chịu đau khổ và phát triển sự cảm thông thực sự, những thái độ mà không có chúng, chúng ta sẽ không bao giờ có thể phát triển lòng trắc ẩn, một chìa khóa để mở ra cánh cửa hạnh phúc. Chúng ta thực sự không thích chịu đau khổ, do đó sẽ có động cơ để xem xét những nguyên nhân của đau khổ, và phát hiện ra rằng, rất thường xuyên, những hành động và thái độ tiêu cực của chúng ta là những kẻ thù thực sự, những nguyên nhân thực sự của đau khổ, chúng cũng là những nguyên nhân thực sự của đau khổ, chúng cũng là những nguyên nhân mà chúng ta có sự kiểm soát nhiều nhất. Do đó, đau khổ sẽ khiến chúng ta từ bỏ những thái độ và hành động tiêu cực, đồng thời, nuôi dưỡng những thái độ và hành động tích cực.

Nếu hiểu được điều này, bạn đang khẳng định ở cấp độ đầu tiên của bài học về kiên nhẫn. Để phát triển tính kiên nhẫn, trong trận chiến của bạn để chinh phục sự giận dữ, bạn cũng phát hiện ra cách sử dụng nỗi đau khổ để chống lại thói tự mãn và ích kỷ, cho phép bạn đồng cảm với những sinh linh khác, thông cảm với đau khổ của họ, và mong muốn họ cũng được hạnh phúc và giải thoát.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO – CON ĐƯỜNG CHUYỂN HÓA TOÀN DIỆN
  2. SỐNG VỚI LÒNG VỊ THA
  3. CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU THÀNH TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH THƯƠNG CỦA ĐỨC PHẬT
  2. ĐEM TÌNH THƯƠNG VÀO CUỘC ĐỜI
  3. LÀM SAO GIỮ TÂM QUÂN BÌNH VÀ TĨNH LẶNG

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG