HỌC CÁCH YÊU ĐIỀU MÌNH KHÔNG THÍCH

LAMA SURYA DAS

Trích: Đánh Thức Phật Tâm/Lama Surya Das; Thái An; NXB. Hồng Đức; 2014

—–?—–
Một đệ tử hỏi giáo sĩ Shmelke: “Chúng ta được dạy yêu hàng xóm như chính mình. Làm sao con làm được điều này nếu hàng xóm đã làm điều xấu với con?”
Giáo sĩ trả lời: “Con phải hiểu đúng những lời này. Hãy yêu thương hàng xóm của con như điều mà bản thân con là. Bởi lẽ, mọi linh hồn là một. Mỗi linh hồn là tia sáng loé ra từ linh hồn gốc, và linh hồn gốc này lại trọn vẹn ở trong mọi linh hồn, cũng giống như linh hồn của con ở trong mọi bộ phận của cơ thể con. Nếu tay con phạm sai lầm và đánh con, liệu con có đánh tay mình bằng một cây gậy chỉ để làm mình đau thêm không? Cũng tương tự với hàng xóm, nếu trừng phạt người ấy, con chỉ làm đau chính mình”.
Đệ tử hỏi tiếp: “Nhưng nếu con thấy một người xấu xa với Thượng đế, làm sao con yêu người ấy được?”
“Con có biết rằng”, giáo sĩ Shmelke nói, “linh hồn gốc phát ra từ bản chất của Thượng đế, và mọi linh hồn con người là một phần của Thượng đế? Và liệu con có không xót thương người ấy khi thấy rằng một trong những tia sáng thiêng liêng đã bị lạc trong mê cung, hầu như sắp tắt?”
– Martin Buber, Các giai thoại về Hasidim
Tại sao chúng ta nên học cách yêu và kết nối với những người, những chúng sinh khác mà mình không thích? Tại sao ta nên yêu những người khiến ta tổn thương, gây cho ta đau khổ? Làm thế nào ta yêu được những người không khoan dung, nhỏ mọn, không tốt với đồng loại? Làm thế nào ta yêu được những người làm mình tức giận? Làm thế nào ta có thể học cách yêu những sinh vật nhầy nhụa mà ta không muốn chúng ở gần chút nào? Tại sao? Làm thế nào? Nói tới yêu thương, có rất nhiều những câu hỏi tại sao và làm thế nào.
Ít nhất, có một lý do căn bản, đơn giản, phổ quát và rốt ráo sẽ lợi cho chúng ta để yêu thương: tự thân hành động yêu thương tự nhiên có tác dụng chữa lành. Các cảm giác tiêu cực như giận dữ, căm ghét khiến chúng ta co lại và khép lòng; thậm chí, chúng có thể khiến ta cảm thấy phát bệnh và thật sự bệnh. Nói ngắn gọn, yêu thương người khác là một cách để yêu thương – và chữa lành – bản thân. Gửi ra lòng nhân ái của chúng ta, và nó sẽ dội lại; sự trao yêu thương và nhận yêu thương đi song hành với nhau. Ta yêu thương để cảm nhận sự yêu thương. Đó là lý do của yêu thương.
Chẳng phải cởi mở và yêu thương là một cảm giác tuyệt vời sao? Chắc chắn cảm giác ấy tốt hơn sự căm ghét! Ta nghĩ tới điều gì khi lần đầu nghe từ “yêu”? Ta có nghĩ tới con mình, bạn đời mình, các con vật nuôi của mình? Ta có nghĩ tới cha mẹ, anh chị em, hay bạn bè? Ta có nghĩ tới thiên nhiên, một cái cây trong vườn chẳng hạn, hay một địa điểm ưa thích khiến ta vui? Dù nói tới Phật pháp, tâm linh, hay chân lý và tình yêu, thật ra tất cả đều quy về cùng một thứ – sự trân trọng sâu xa một thứ gì đó, ai đó, hoặc một khoảnh khắc nhất định trong đời, sự cảm kích một điều đẹp đẽ và có ý nghĩa đối với chúng ta. Chẳng phải đó thật sự là điều ta yêu sao? Ta cảm thấy thế nào trong khoảnh khắc ấy? Có thể nói ta yêu một người, một địa điểm, nhưng nếu thật sự nhìn vào nó, có lẽ điều chúng ta đang yêu là mình cảm thấy thế nào khi người ấy ở bên.
Phật giáo dạy rằng, tình yêu là sự đối trị với giận dữ, ác cảm, căm ghét và sợ hãi. Phật giáo cũng nói tới cách yêu; nó dạy ta rằng, sự tỉnh thức – sự hiện hữu chân thưc – là con đường để yêu. Đây là câu trả lời cho câu hỏi yêu như thế nào. Sự tỉnh thức trong khoảnh khắc hiện tại khiến ta hiểu “cái đang là”. Sự tỉnh thức cho phép ta chạm đến Phật tính bẩm sinh; nó khiến ta thấy được, chạm được vào Phật tính trong mọi người ta gặp. Trong cuốn sách đặc biệt Phật sống, Chúa sống (Living Buddha, Living Christ), thiền sư Thích Nhất Hạnh viết:
“Khi tỉnh thức, chạm sâu vào khoảnh khắc hiện tại, ta có thể thấy và lắng nghe sâu hơn, kết quả luôn là sự thấu hiểu, chấp nhận, yêu thương, và mong muốn gỡ bỏ đau khổ, mang đến niềm vui… Với tôi, sự tỉnh thức rất giống như Chúa Thánh Linh. Cả hai đều là những tác nhân chữa lành. Khi có sự tỉnh thức, bạn có tình yêu và sự thấu hiểu, bạn thấy sâu hơn, và có thể chữa lành những vết thương trong tâm mình. Đức Phật được gọi là Dược Sư Vương, vua của sự chữa lành. Trong Kinh Thánh, khi ai đó chạm vào Chúa Jesus, người ấy được chữa lành. Không phải do chỉ chạm vào một cái áo mà đem lại phép màu. Bạn được chữa lành khi chạm tới sự hiểu biết và tình yêu sâu xa”.

“YÊU” KHÁC VỚI “THÍCH”

Hồi còn trẻ, tôi nghĩ tình yêu luôn được cho là đến một cách dễ dàng và tự nhiên. Rồi tôi phát hiện ra, trong cuộc sống, đôi lúc chúng ta được kỳ vọng yêu những người, những hoàn cảnh mà mình không thật sự thích. Đó là khi tình yêu trở nên đòi hỏi hơn, thách thức hơn.
Trong những năm 1980, tôi dành tám năm an cư trường kỳ trong một tu viện hẻo lánh ở Pháp. Mọi người thường hỏi, từ những năm tháng ở trung tâm an cư Dzogchen ấy, điều quan trọng nhất tôi nhận được là gì, vì vậy tôi đã suy nghĩ về câu hỏi này rất nhiều. Có hai mươi ba người cùng tu tập trong một kỳ an cư trong rừng. Một số người không biết nhau đủ nhiều để bắt đầu cùng nhau, bởi vậy mọi thứ có phần giống như đi vào một hôn nhân sắp đặt trước. Có nhiều vấn đề không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng thuận. Nhưng cuối cùng tôi học được rằng, mình có thể yêu thương, quan tâm tới những người có những ý kiến và thói quen mà mình không phải luôn thích hay đồng ý. Với tôi, đây là một bài học quan trọng, và theo một cách rất riêng cho tôi, nó củng cố các lời dạy của Phật về bản chất của yêu thương và trắc ẩn. Nó đem lại sự an tĩnh khác thường cho tâm tôi, đem lại ích lợi cho tôi nhiều năm sau khi tôi đã tham dự tích cực hơn vào đời sống hiện đại và các hoạt động tôn giáo với đủ những thử thách, thăng trầm của nó.
Những lời dạy tâm linh của tất cả các truyền thống lớn đều nói đi nói lại rằng, tình yêu khiến trái tim ta mở ra, trở nên chấp nhận và khoan dung. Với tôi, điều này cho thấy có sự thư thái bên trong, có khả năng trân trọng mọi thứ ngay cả khi chúng thăng trầm thất thường, biến hình thành hết kiểu trải nghiệm này tới trải nghiệm khác. Tình yêu là nơi ta sống, nơi từ đó ta đến, không chỉ là nơi ta đang hướng tới. Nó giống như khi ta còn nhỏ – đầy những tò mò và cảm kích, đón nhận trước mọi thứ. Ta đi đến chỗ cảm nhận sự vật với con mắt và cái tai tươi mới. Mọi thứ đều mới mẻ, do vậy là huyền diệu và phi thường. Ta yêu nó. Ta có thể ôm trọn cuộc sống trong toàn bộ chiều dài của cơ thể nó.
Đi trên con đường tâm linh nghĩa là ta đang cố gắng học cách yêu tất cả – không chỉ vợ chồng mình, bạn bè hay con cái mình, mà là mọi người. Ta đang học cách yêu sự vật chỉ như chúng là, bởi đây là “chân lý” theo định nghĩa của Đức Phật. Ta đang cố gắng học cách yêu thông qua mọi trải nghiệm – dù tốt, xấu, hay chẳng tốt chẳng xấu. Đây là tình yêu của trí huệ, nó không chỉ dựa trên tình cảm, cảm giác hay tự suy xét nhất thời, mà cắm rễ sâu xa hơn nhiều trong sự quan tâm, cảm thông và vị tha chân thực.

HỌC ĐỂ CÓ SỰ CHẤP NHẬN VÀ KHOAN DUNG SÂU XA HƠN

 

Nói tới tình yêu là ta đang nói tới một thứ hoàn toàn thuộc về tâm hồn, không phải thứ trừu tượng như “tính không” hay một thứ triết học như “cái vô hạn”. Khi có ai trong chúng ta cố gắng đưa các thực hành yêu thương và trắc ẩn vào cuộc sống nhiều hơn, tôi nghĩ họ làm vậy vì muốn sửa chữa điều gì đó đang không ổn trong cuộc sống của họ. Nhưng thay vì thế, tôi nghĩ chúng ta nên tập trung vào việc trân trọng mọi thứ, mở lòng đón nhận các trải nghiệm của cuộc sống với sự khoan dung, kiên nhẫn và chấp nhận lớn hơn. Tất nhiên, để đến được chỗ ấy, ta phải bắt đầu với rèn luyện tha thứ cho mọi người vì những thiếu sót của họ, kể cả bản thân mình.
Hồi còn nhỏ, tôi là một đứa trẻ nghịch ngợm. Ở lớp, tôi thấy thầy giáo của tôi như một mối đe dọa thật sự. Ông là kẻ thù của tôi, và tôi cố tình tìm cách gây rắc rối cho ông bằng tất cả sức lực mà một đứa trẻ hiếu động có thể gom lại; tôi cũng nghĩ ông cố tình tìm cách gây rắc rối cho tôi. Nhưng dần dần, thái độ của tôi bắt đầu thay đổi. Ông phát hiện ra tôi quan tâm đến thể thao, vậy là ông đưa tôi tới thư viện, chỉ cho tôi cách tìm và mượn các tạp chí thể thao; ông khuyến khích tôi tìm cách kết hợp quá trình học tập với những thứ tôi có hứng thú tự nhiên. Quan trọng nhất, ông không mất niềm tin nơi tôi. Cuối cùng, tôi đã trân trọng, thậm chí yêu thương ông. Tất nhiên, ngày nay tôi nhận ra ông là một chuyện không may mà hóa may. Kẻ thù của tôi lại thật sự là bạn tốt nhất của tôi. Người ấy có thể đã cứu vớt cuộc đời tôi. Ông là giáo viên tiểu học duy nhất tôi từng thăm lại sau nhiều năm. Tôi vẫn luôn nhớ tới ông với lòng yêu thương.
Đương nhiên, người thầy phổ thông không phải một mối đe dọa lớn. Khi trưởng thành, ta thường thấy mình đối mặt với những kẻ thù có khả năng gây hủy hoại hơn nhiều. Ta mặt đối mặt với những người có động cơ bất thiện, lừa lọc; ta buộc phải đương đầu với những kẻ thù dưới hình tướng bệnh tật, bi kich. Kẻ thù của ta có thể xuất hiện dưới dạng các mối quan hệ tồi tệ, lối sống bệnh hoạn. Đây cũng là những kẻ thù, và là thứ khó đương đầu.
Shantideva (Tịch Thiên) nói rằng các kẻ thù là những vị thầy lớn nhất của chúng ta. Kẻ thù dạy ta sự kiên nhẫn, buông bỏ, và tình yêu. Qua đó, kẻ thù cũng dạy ta sự khoan dung và chấp nhận.
Khoan dung và chấp nhận cũng đóng vai trò quan trọng trong nhiều giai thoại Phật giáo. Tôi luôn thích một câu chuyện thiền về lòng khoan dung và chấp nhận trong cuốn sách kinh điển của Paul Reps, Thịt thiền, xương thiền (Zen Flesh, Zen Bones). Chuyện về thiền sư Shichiri, một tối đang đọc kinh sách thì bị một tên trộm đột nhập. Shichiri, vốn rất chú tâm vào những gì đang làm, bảo tên trộm: “Đừng làm phiền ta. Trong hộc tủ có tiền đấy” Shichiri quay lại với kinh sách trong vòng một phút, nhưng rồi ông lại kêu lớn: “Đừng có lấy hết. Ta cần một ít để mai trả tiền thuế”.
Tên trộm lấy gần hết số tiền, và khi hắn rời di, Shichiri nói: “Hãy cám ơn khi nhận được quà”. Kẻ đột nhập ngạc nhiên nói lời cám ơn ông rồi dời đi.
Trong vòng một tuần, tên trộm bị bắt và thú tội. Khi hắn bị đưa ra toà, Shichiri, lúc ấy đã được gọi làm nhân chứng, nói rằng: “Người này không phải kẻ trộm, ít nhất với những gì liên quan tới ta. Ta cho hắn tiền, và hắn đã cám ơn ta”.
Khả năng chấp nhận và khoan dung của thiền sư Shichiri gây ấn tượng cho tên trộm đến nỗi khiến hắn trải qua sự chuyển biến nội tâm. Khi được tha, hắn đi thẳng tới Shichiri và thành đệ tử của thiền sư.
Ta có khả năng nhận ra rằng, có thể căm ghét hành động của một người mà không căm ghét người ấy; có thể căm ghét tội lỗi mà không căm ghét người gây tội, như người ta thường nói. Một lần tôi đã thấy một bà mẹ trừng phạt đứa con nhỏ, bà nói: “Con là một đứa bé ngoan, nhưng con vừa làm một việc xấu”. Tôi nghĩ, đây là sự khác biệt mà hầu hết chúng ta cần phải nhận ra. Có thể phán xét, chỉ trích hành động, nhưng không phải người thực hiện hành động ấy. Ta có thể bất đồng với điều ai đó nói, nhưng vẫn tôn trọng quyền nói của người ấy. Đây là cách giúp chúng ta bỏ đi một vài gánh nặng của giận dữ, cay đắng, oán thán mang theo bên mình. Ta có thể yêu thương rộng lớn hơn mà vẫn duy trì sự chính trực, lương tri của mình.
Sự khoan dung là một phần chủ yếu của yêu thương và chấp nhận. Khi mang theo gánh nặng giận dữ và không khoan dung, ta làm bản thân tổn thương. Giáo sĩ Harold Kushner nói, nếu sau hai ngày bạn vẫn chưa tha thứ cho ai đó vì điều gì đó, nó sẽ trở thành trách nhiệm của bạn. Và ông đang nói về những thứ trầm trọng nhất, không chỉ những chuyện vặt vãnh. Tôi thấy gợi ý của giáo sĩ Kushner là một gợi ý hay nên làm theo, dù nó có vẻ khó khăn. Là Phật tử, ta nhận ra rằng bất kỳ điều gì ai đó làm là nghiệp của họ mà họ phải chịu. Nhưng nếu ta giữ cơn giận quá giới hạn hai ngày, nó cũng trở thành nghiệp của ta và ta đang biến mình thành nạn nhân.

Ai Là Người Bạn Cần Tha Thứ?

Bạn có một danh sách riêng những người bạn cần tha thứ không? Chẳng phải ta đều có sao?
Nếu phải xem lại tâm trí mình, liệu bạn có thấy một danh sách những người, những việc bạn thấy khó tha thứ không? Danh sách ấy sẽ như thế nào? Bạn đang nuôi dưỡng những ác cảm, hận thù gì? Bạn đang mang theo những định kiến nào? Bạn có nhớ những sự kiện quá khứ khiến mình tràn ngập đau đớn hoặc giận dữ mỗi khi nghĩ tới chúng không? Không cần phải cảm thấy có lỗi rằng những thứ này tồn tại; hãy đơn giản xem lại những ký ức cũ ấy, nhận biết về chúng. Dưới ánh sáng trong trẻo của sự nhận biết, bóng ma ngày xưa sẽ đi khỏi, sẽ biến mất; nếu không, những gì trong vô thức vẫn tiếp tục làm khổ ta.
Thông thường, những gì ta thiếu khoan dung và căm ghét sâu xa nhất lại hướng đến chính ta. Ta nhớ điều gì đó đã làm hoặc đã nói, và ta chùn bước trước hành vi của mình. Ta tự hỏi, sao mình lại có thể ngớ ngẩn, tổn thương, hay hoàn toàn vô ý thức đến thế.
Để bắt đầu quá trình trở nên khoan dung, ta để tâm mình dịu lại, tìm cách trở nên mềm dẻo hơn, bớt cứng nhắc hơn. Tìm cách buông bỏ sự dính mắc đến các ý nghĩ về quá khứ; tìm cách nhìn vào thế giới với tâm trí cởi mở, tha thứ hơn. Một số người chúng ta có một quá khứ chứa đầy những con người, những sự việc quá ám ảnh đến nỗi dường như khó mà khoan dung. Khi tôi nói tới nghiệp lực và quy luật nhân quả, một số người phản đối: “Kinh Thánh nói, mắt đổi mắt, răng đổi răng”. Một người giận dữ sẽ thúc đẩy người khác, và thậm chí trở nên giận dữ hơn. Bạn có thể nói gì trước kiểu năng lượng ấy? Khó mà bàn tới quy luật phổ quát “gieo gì gặt nấy” trước những cảm xúc độc hại, thiếu suy xét. Khi ai đó đã làm hại hay giết một người ta yêu thương, sự tha thứ xem ra giống như một thách thức to lớn, dẫu vậy tôi cho rằng đây là một thách thức cần phải được vượt qua nếu ta muốn đạt tới bất kỳ cấp độ an lạc, hạnh phúc nào. Thách thức lớn chừng nào, chúng ta càng lớn chừng ấy.
Điều chúng ta cố gắng thực hiện là có sự phân biệt thông minh giữa khoan dung và quên đi. Ta nên khoan dung kể cả khi nhớ và học từ quá khứ. Quá khứ truyền đến hiện tại, định hình hiện tại theo những cách lớn và nhỏ. Chẳng hạn, nếu bạn biết mình bị di ứng, sự tỉnh thức sẽ nhắc bạn nhớ tránh những thức ăn khiến bạn bị bệnh. Trên tivi, thỉnh thoảng ta thấy các cuộc phỏng vấn những bậc cha mẹ bị mất con bởi những lái xe say xỉn hoặc bởi một bi kịch nào đó, và họ đã cố gắng làm thế giới tốt đẹp hơn cho các đứa trẻ khác bằng cách lập ra hoặc tích cực tham gia các tổ chức giúp đỡ bảo vệ cuộc sống. Họ đã không cho phép bản thân trở nên tê liệt, cay đắng bởi sự giận dữ và tuyệt vọng; thay vào đó, họ đã chuyển hóa nỗi đau khổ của mình thành các ý nguyện tâm linh, giúp người khác sống tốt hơn với mất mát. Thậm chí, một số người còn thật lòng tha thứ cho kẻ sát nhân đã bị buộc tội và bị kết án, và tìm kiếm sự khoan hồng cho kẻ ấy. Đây thật sự là một sự bày tỏ về tâm linh.
Tôi thích câu chuyện về bà thợ giặt già ở Missisipi tên là Oscela McCarty, người nhiều năm liền tiết kiệm tiền kiếm được từ việc giặt giũ quần áo người khác, rồi trao nó cho một quỹ học bổng để giúp những người trẻ học đại học. Bản thân bà chỉ có học vấn tối thiểu, mặc dù vậy, thay vì đau khổ bởi những cơ hội đã mất của mình, bà nguyện giúp đỡ người khác – và quả thực bà đã làm vậy. Làm như thế, bà đã giúp chuyển hóa cuộc sống của nhiều người khác cũng như của chính bà.
Quá khứ là một phần của hiện tại; cách duy nhất ta có thể chữa lành quá khứ là chuyển hóa hiện tại. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Những bóng ma quá khứ theo ta vào hiện tại thì cũng thuộc về khoảnh khắc hiện tại. Quán sát sâu xa về chúng, nhận ra bản chất của chúng và chuyển hóa chúng, tức là chuyển hóa quá khứ”.
Đương nhiên, hiện hữu trong khoảnh khắc hiện tại là chủ đề trung tâm của Phật giáo; nhớ điều ấy sẽ giúp ta xử trí những ký ức ám ảnh, những thứ ta thấy khó tha thứ. Đức Phật đã dạy đệ tử:
“Đừng theo đuổi quá khứ
Đừng mơ chuyện tương lai.
Quá khứ không còn.
Tương lai chưa tới.
Nhìn sâu vào cuộc sống như nó đang là
Ngay ở đây, ngay lúc này,
Hành giả an trú
Trong an định và giải thoát”.
—–?—–

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THỰC TẬP TÌNH YÊU THƯƠNG, LÒNG TỪ BI VÀ SỰ KHOAN DUNG
  2. HÃY TRÂN TRỌNG TỪNG KHOẢNH KHẮC
  3. BÀI HỌC QUAN TRỌNG VỀ LÒNG KHOAN DUNG

Bài viết khác của tác giả

  1. NỮ THẦN TARA
  2. GIÁO PHÁP TUYỆT VỚI CỦA TỊCH THIÊN
  3. LỜI KHUYÊN CỦA GAMPOPA CHO THƯƠNG NHÂN

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ