HỌC THEO BỤT THÍCH CA

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Sống Hạnh Phúc - Chết Bình An ( The Joy of Living - Dying in Peace ); Dịch: Chân Huyền 

Khi nói về Bụt, chúng ta không nói tới một con người đã có tỉnh thức ngay từ khi ra đời. Bụt bắt đầu giống y như chúng ta. Ngài là một con người bình thường như chúng ta, cũng nhìn thấy cái khổ của sanh, lão, bệnh, tử. Ngài cũng có những tư tưởng và cảm thọ sướng khổ y như chúng ta. Nhưng nhờ vào ý chí tu luyện quyết tâm và kiên trì, ngài đã đạt được những quả vị tỉnh thức đưa tới tình trạng toàn giác.

Chúng ta nên nhìn ngài như một tấm gương để noi theo. Chúng ta ra đời với tư cách một con người tự do và may mắn. Dù đã phải chịu ít nhiều khổ đau, chúng ta vẫn may mắn có trí thông minh, có sự tỉnh thức không khác gì ai. Chúng ta lại được nghe những lời giảng dạy thâm sâu của Bụt, và hơn nữa

còn có khả năng hiểu được Phật pháp. Từ thời Bụt Thích Ca tới nay, các Phật tử đã nhìn Bụt và các đệ tử giỏi của ngài như những tiền nhân đáng noi gương.

Dù chúng ta sanh ra là một con người bình thường, chúng ta cũng nên rán lợi dụng những duyên may quý báu này trước khi chết để thực chứng phần nào Phật pháp. Làm được vậy, chúng ta sẽ không còn sợ chết. Một người tu tập giỏi có thể chết bình an không hối tiếc gì, vì người đó đã xử dụng được tiềm năng của họ. Trái lại, làm người mà chúng ta không mang được dấu ấn tích cực nào vào trong tâm thức, chỉ lưu giữ những gì phiền trược, thì chúng ta đã lãng phí đời mình. Gây đau khổ hay chết chóc cho con người hay các loài khác, ta giống như loài quỷ chứ chẳng giống người. Vậy nên hãy sống cho xứng đáng với kiếp người, đừng làm một thứ phá hoại.

—o0o—

THỰC HÀNH THEO GIÁO PHÁP

Trên thế giới có khi người ta nhân danh tôn giáo để gây ra chiến tranh. Chuyện này xảy ra khi chúng ta coi tôn giáo là một thứ nhãn hiệu chứ không thực hành theo giáo pháp của tôn giáo đó. Tu tập phần tâm linh là một phương cách giữ gìn kỷ luật cho tâm trí ta. Nếu chúng ta để cho những tư tưởng bất thiện hướng dẫn, không bao giờ chịu gắng sức chuyển hóa chúng; nếu chúng ta dùng giáo pháp để làm cho tự ái tăng trưởng hơn, thì giáo pháp có thể trở thành mầm mống của chiến tranh. Trái lại, nếu chúng ta thực tập để chuyển hóa tâm mình, thì không bao giờ nó sẽ là nguyên nhân gây ra xung đột.

Có nhiều người chỉ nói giáo pháp trên môi lưỡi. Thay vì dùng giáo pháp để trừ khử những tư tưởng bất thiện của mình, họ lại nắm lấy nó như một thứ của cải mà họ là chủ nhân. Họ dùng giáo pháp để gây ra chiến tranh hay thúc đẩy các hoạt động phá hoại khác. Dù là đệ tử theo đạo Phật, đạo Ấn Ðộ, đạo Thiên Chúa, Do Thái giáo hay Hồi giáo, chúng ta không nên hài lòng chỉ với cái danh hiệu mà thôi. Ðiều quan trọng là ta biết rút tỉa ra những thông điệp được giảng dạy trong các truyền thống tôn giáo khác nhau này, để chuyển đổi tâm thức vô kỷ luật của chúng ta. Nói tóm lại, là con Bụt chúng ta nên noi gương Bụt Thích Ca.

—o0o—

TU TẬP KHÔNG DỄ

Ðôi khi suy ngẫm trên cuộc đời Bụt Thích Ca, tôi cảm thấy mắc cở. Dù giáo pháp của ngài được giảng dạy theo nhiều trình độ khác nhau, nhưng Bụt trong lịch sử rõ ràng đã khổ tu trong sáu năm liền. Ðiều này chứng tỏ rằng tâm ta không thể được chuyển đổi bằng cách chỉ ngủ, sống thoải mái và hưởng thụ những tiện nghi. Nó cũng chứng tỏ ta chỉ có thể đạt đạo sau một thời gian dài tu luyện khó khăn. Thật không dễ gì đạt tới một trình độ tâm linh trong một thời gian ngắn hoặc khi ta không cố gắng. Ngay cả Bụt, người đề xướng ra giáo pháp mà chúng ta theo đây, cũng còn phải khổ luyện như thế! Chúng ta làm sao hy vọng đạt được giác ngộ khi ta chỉ tu tập ít nhiều và an vui với sự thanh thản? Nếu đọc chuyện các bậc đại sư thời xưa, ta thấy rằng họ đã khổ công quán tưởng và thiền tập trong ẩn mật. Họ không dùng con đường tắt nào khác.

Nếu chúng ta thực tâm quy y Bụt, ta phải nhìn vào ngài như tấm gương để noi theo. Muốn khổ công tu luyện cũng phải biết tu như thế nào, không phải cứ cố gắng khổ cực là giác ngộ được. Trong đạo Bụt, chúng ta cần có niềm tin và sự tận tụy, nhất tâm, nhưng thêm vào đó ta cũng phải có trí tuệ sáng suốt nữa. Dĩ nhiên ta có thể đạt tới một mức phát triển tinh thần nào đó nhờ nỗ lực và tín tâm, nhưng muốn tới bờ giác, ta cần phải có trí tuệ.

Ðể có thể nuôi dưỡng những đức tính và phát triển những tánh thiện đã có sẵn, ta cần hiểu là trí tuệ cũng có nhiều trình độ. Ðiều quan trọng là ta biết chú tâm ta vào một đối tượng đáng quán chiếu. Một người thông minh nếu không có cơ hội, thì anh hay chị ta cũng không có cơ hội dùng trí tuệ của mình cho một đối tượng thích hợp. Muốn có sự hiểu biết lớn, ta cần tìm những cơ hội có thể áp dụng giáo pháp vào đời sống. Vậy nên Bụt không dạy ta chỉ cần có lòng tin vào Bụt là đủ. Ðầu tiên, Bụt dạy về Tứ Diệu Ðế rồi căn cứ vào đó ngài giảng dạy theo nhiều trình độ, đưa ra những phương cách khác nhau cho đại chúng học theo.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG GÂY HẠI CHO AI KHÁC
  2. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  3. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU