NAPOLEON HILL
Trích: Chiến Thắng Con Quỷ Trong Bạn-Bí Quyết Tự Do Và Thành Công; Công ty phát hành: Thái Hà; NXB. Lao Động Xã Hội.
Điều này có thể là sự thật hay sao? Có phải Napoleon Hill đã thuyết phục bạn rằng “thất bại là một tình huống do con người tạo ra”? Tôi tin rằng ông đã đưa ra một tình huống thuyết phục. Nếu tôi nhìn kỹ lại cuộc đời mình – những thành công và thất bại của cá nhân tôi trong công việc, những sai lầm và sơ suất – tôi còn có thể nói ai là người chịu trách nhiệm về những thứ đó ngoài bản thân tôi ra? Liệu khi bạn tự kiểm kê lại cuộc đời mình, kết quả của bạn có khác tôi chăng? Napoleon Hill đã giúp tôi có cái nhìn khác về giá trị của thất bại so với những gì tôi từng nghĩ trong quá khứ…
H: Vậy thì thất bại có vai trò gì trong việc giúp một người phá vỡ sự kìm kẹp của nhịp điệu thôi miên sau khi tâm trí của người đó đã bị quy luật ấy trói chặt?
Đ: Thất bại tạo ra một cao trào mà từ đó, một người sẽ có đặc quyền xóa sạch nỗi sợ hãi khỏi tâm trí mình và có một khởi đầu mới theo một hướng khác. Rõ ràng là thất bại chứng minh rằng có gì đó không ổn với mục tiêu hay kế hoạch tìm kiếm mục tiêu của một người. Thất bại là đường cùng của con đường thói quen mà một người đã đi theo, và khi đã tới đó, người đó sẽ buộc phải rời con đường ấy và tiếp tục đi con đường khác, do đó cũng sẽ tạo ra một nhịp điệu mới.
Nhưng thất bại còn làm được nhiều điều hơn thế. Nó cho con người cơ hội được thử thách bản thân mình xem sức mạnh ý chí của mình tới đâu. Thất bại cũng bắt con người phải tìm hiểu về rất nhiều sự thật mà nếu không có nó thì con người sẽ không bao giờ phát hiện ra. Thất bại cũng thường khiến con người hiểu về sức mạnh của kỷ luật tự giác mà nếu không có nó thì không ai có thể quay lại một khi đã trở thành nạn nhân của nhịp điệu thôi miên.
Hãy nghiên cứu về cuộc đời của tất cả những người đã đạt được những thành công nổi bật trong bất cứ lĩnh vực nào và quan sát và học hỏi xem thành công của họ thường có tỉ lệ chính xác với những trải nghiệm thất bại trước khi thành công.
“Thất bại tạo ra một cao trào mà từ đó, một người sẽ có đặc quyền xóa sạch nỗi sợ hãi khỏi tâm trí mình và có một khởi đầu mới theo một hướng khác”.
H: Đó là tất cả những gì ngươi có thể nói về lợi ích của thất bại?
Đ: Không, ta vừa mới chỉ bắt đầu thôi. Nếu ngươi muốn thấy ý nghĩa thật sự của nghịch cảnh, sai lầm, thất bại và tất cả những trải nghiệm khác có thể phá vỡ được thói quen của con người và buộc anh ta phải hình thành những thói quen mới, hãy xem tự nhiên làm công việc của mình như thế nào. Tự nhiên dùng bệnh tật để phá vỡ nhịp điệu thôi miên của cơ thể khi các tế bào và cơ quan gắn kết với nhau không đúng cách. Tự nhiên dùng suy thoái kinh tế để phá vỡ nhịp điệu của phần lớn các tư tưởng khi đa số mọi người gắn kết không đúng cách – thông qua các hoạt động kinh tế, xã hội và chính trị.
Và tự nhiên dùng thất bại để phá vỡ nhịp điệu của tư tưởng tiêu cực khi một người gắn kết không đúng cách với bản thân trong chính tâm trí của mình. Hãy quan sát thật kỹ và ngươi sẽ nhận thấy rằng mọi nơi trong vũ trụ này đều có một quy luật tự nhiên hoạt động khiến mọi vật chất, năng lượng và sức mạnh của tư duy thay đổi mãi mãi. Thứ duy nhất tồn tại vĩnh viễn trong vũ trụ này chính là sự thay đổi. Nhờ sự thay đổi vĩnh viễn và không thể thay đổi được này mà mọi nguyên tử của vật chất và mọi đơn vị năng lượng đều có cơ hội để gắn kết bản thân nó với mọi đơn vị vật chất và năng lượng khác theo đúng cách, và mọi con người đều có cơ hội và quyền gắn kết bản thân mình với tất cả những người khác theo đúng cách dù người đó từng phạm bao nhiêu sai lầm, thất bại bao nhiêu lần hay anh ta đã bị đánh bại theo cách nào đi chăng nữa.
Khi một thất bại lớn bất thình lình đến với một quốc gia, chẳng hạn như cuộc suy thoái kinh tế vào năm 1929, tình huống đó hoàn toàn phù hợp với kế hoạch phá vỡ thói quen và mang đến những cơ hội mới cho con người.
Cái hay của việc bây giờ mới xuất bản cuốn sách này, trong thời kỳ kinh tế rối loạn như hiện nay là một lần nữa, tự nhiên lại phá vỡ thói quen của con người và giới thiệu những cơ hội mới với họ.
H: Những điều ngươi nói khiến ta ngạc nhiên đấy. Có phải ta nên hiểu rằng nhịp điệu thôi miên có tác động tới cách mọi người gắn kết với người khác hay không?
Đ: Cái thứ khó hiểu và trừu tượng được gọi là tính cách ấy chính là biểu hiện của quy luật nhịp điệu thôi miên, do đó, khi nói về tính cách của một người, sẽ đúng hơn nếu nói rằng các thói quen tư duy của anh ta được kết tinh lại thành tính cách tích cực hay tiêu cực thông qua nhịp điệu thôi miên. Một người tốt hay xấu tùy thuộc vào sự liên kết giữa tư duy và hành động của anh ta qua nhịp điệu thôi miên. Một người bị đói nghèo vây hãm hay trở nên giàu
có là do nhịp điệu thôi miên đã khiến mục đích, kế hoạch và khao khát của anh ta, hay sự thiếu hụt chính những thứ đó của anh ta trở thành cố định và có thật.
H: Đó là tất cả những gì ngươi có thể nói về sự liên kết giữa nhịp điệu thôi miên và các mối quan hệ của con người?
Đ: Không, ta chỉ vừa mới bắt đầu thôi. Hãy nhớ rằng khi ta nói tức là ta đang nói tới ảnh hưởng của nhịp điệu thôi miên trong sự liên kết với tất cả các mối quan hệ của con người. Những người thành công trong công việc hoàn toàn là do cách kết nối bản thân họ tới các đồng sự và tới cả những người khác không liên quan gì tới công việc của họ nữa.
Những người chuyên nghiệp thành công phần lớn là do thái độ mà họ kết nối bản thân mình với các khách hàng. Đối với người luật sư, anh ta cần hiểu con người và các quy luật của tự nhiên hơn là hiểu về luật pháp. Và một bác sĩ sẽ thất bại trước khi anh ta kịp bắt đầu nếu anh ta không biết cách kết nối với các bệnh nhân cũng như khiến họ có niềm tin vào bản thân mình.
Một cuộc hôn nhân thành công hay thất bại hoàn toàn là do cách mỗi bên kết nối bản thân mình với người còn lại. Một mối quan hệ đúng đắn trong hôn nhân khởi đầu với một động cơ đúng đắn cho cuộc hôn nhân đó. Hầu hết các cuộc hôn nhân không mang lại hạnh phúc bởi các bên tham gia hoặc không hiểu, hoặc không cố gắng để hiểu được quy luật nhịp điệu thôi miên mà qua đó, sự hoạt động của mọi từ họ nói, mọi hành động họ tham gia vào và mọi động cơ thúc đẩy họ đối xử với người khác được thu thập lại và kết thành một cái mạng nhện khiến họ mắc vào sự đau khổ hay cho họ đôi cánh tự do giúp họ bay vút lên trên mọi bất hạnh.
Mọi mối quan hệ mới được tạo dựng giữa con người thường trở thành tình bạn và sau đó có thể trở thành sự hòa hợp về tâm hồn (đôi khi còn được gọi với tên gọi tình yêu) hoặc gieo một tế bào ngờ vực và hoài nghi – sẽ sinh sôi và phát triển thành cuộc nổi loạn mở, tùy theo cách mà mỗi người trong mối quan hệ đó gắn kết bản thân mình với những người khác như thế nào.
Nhịp điệu thôi miên lựa chọn những động cơ, mục tiêu, mục đích và cảm xúc chiếm ưu thế của những tâm trí có giao tiếp với nhau và kết tinh lại thành những mức độ tin tưởng hay sợ hãi, yêu thương hay thù hận khác nhau. Sau khi khuôn mẫu đó đã được định hình thành hình dạng nhất định, theo thời gian, nó ép buộc những tâm trí mà nó giao tiếp cùng và từ đó trở thành một phần của nó.
Tự nhiên đã khiến những nhân tố chiếm ưu thế trong mọi mối quan hệ của con người trở nên cố định theo cách thầm lặng này. Trong mọi mối quan hệ của con người, các động cơ và hành động xấu của các cá nhân có tiếp xúc với nhau được hợp nhất dưới một hình thức nhất định và kết tinh một cách tinh vi thành những đặc điểm quan trọng nhất của con người và chúng được biết đến với tên gọi là tính cách. Cũng theo cách đó, những động cơ và hành động tích cực cũng được hợp nhất và áp đặt lên mỗi người. Do đó, ngươi thấy đấy, không chỉ hành động của con người mà thậm chí đến suy nghĩ nhỏ nhất của con người cũng có thể quyết định bản chất của mọi mối quan hệ của con người.
H: Ngươi lại bắt đầu đi xa vấn đề rồi đấy. Chúng ta hãy quay lại bờ đi, để ta có thể đi theo ngươi mà không sợ vượt ra khỏi mực nước an toàn. Hãy tiếp tục và cho ta biết vấn đề về các mối quan hệ của con người này thực sự hoạt động như thế nào trong các hoạt động của một thế giới đầy rẫy những vấn đề như thế giới của chúng ta hiện nay?
Đ: Ngươi cũng khéo nghĩ ra ý tưởng đó đấy. Nhưng hãy để ta giúp ngươi hiểu được những nguyên tắc mà ta đang nói về trước khi ta có thể cho ngươi thấy cách áp dụng nó vào những hoạt động của cuộc sống thường ngày.
Ta muốn chắc chắn rằng ngươi hiểu được quy luật về nhịp điệu thôi miên là thứ không ai có thể kiểm soát, tác động hay né tránh được cả. Nhưng mọi người có thể kết nối bản thân mình với quy luật này để được hưởng lợi từ cách vận hành cố định của nó. Mối quan hệ hòa hợp với quy luật này bao gồm việc mỗi người phải hoàn toàn thay đổi thói quen của mình, từ đó họ có thể hình dung ra những tình huống và những thứ mà người đó muốn và sẵn sàng chấp nhận.
Không ai có thể thay đổi được quy luật của nhịp điệu thôi miên cũng như không ai có thể thay đổi được Luật Hấp dẫn, nhưng mọi người có thể thay đổi chính bản thân mình. Do đó, hãy nhớ rằng trong mọi cuộc thảo luận về chủ đề này thì mọi mối quan hệ của con người được tạo thành và duy trì bởi các thói quen của những cá nhân có liên quan.
“Không ai có thể thay đổi được quy luật của nhịp điệu thôi miên cũng như không ai có thể thay đổi được Luật Hấp dẫn, nhưng mọi người có thể thay đổi chính bản thân mình”.