KHÔNG CÓ BÙN THÌ KHÔNG CÓ SEN

THÍCH NHẤT HẠNH & KATHERINE WEARE

Trích: Thầy Cô Giáo Hạnh Phúc Sẽ Thay Đổi Thế Giới; NXB Hà Nội.

Tôi tin rằng thầy giáo, cô giáo hạnh phúc sẽ làm thay đổi thế giới.

Nếu không có hạnh phúc, chúng ta không thể giúp cho người khác hạnh phúc được. Thương yêu là hiến tặng hạnh phúc. Thực tập chánh niệm giúp ta có nhiều hạnh phúc và tình thương để có thể hiến tặng hạnh phúc và tình thương cho người khác. Nếu thầy cô giáo có nhiều hạnh phúc, nhiều tình thương, chắc chắn người đó sẽ đủ khả năng khiến cho học sinh của mình hạnh phúc.

Thực tập chánh niệm là một nghệ thuật. Chúng ta tự rèn luyện mình để có khả năng chế tác niềm vui và hạnh phúc bất cứ lúc nào dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra. Chúng ta biết rằng chánh niệm là suối nguồn hạnh phúc. Chánh niệm giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm trong ta và xung quanh ta. Nhờ có chánh niệm, chúng ta biết cách xử lý khổ đau và chăm sóc những cảm xúc mạnh. Để làm được điều đó, trước tiên ta phải học cách chế tác niềm vui và hạnh phúc cho tự thân. Điều này giúp ta có đủ sức mạnh mà xử lý khổ đau trong lòng.

Muốn học nghệ thuật khổ đau trước hết ta phải học nghệ thuật hạnh phúc. Trong lòng, chúng ta thường tin rằng hiện tại mình không có đủ những điều kiện hạnh phúc. Chúng ta có khuynh hướng chạy về tương lai để tìm kiếm thêm những điều kiện hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng, chỉ khi nào có cái nọ cái kia chúng ta mới hạnh phúc. Là một người thực tập, ta phải rèn luyện cho mình khả năng chế tác niềm vui và hạnh phúc trong bất cứ thời điểm nào. Chế tác bằng cách nào? Nếu nắm được phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm thì rất dễ dàng, bởi vì khi thở vào thở ra chánh niệm, chúng ta đem tâm trở về với thân và buông bỏ những căng thẳng trong thân thể. Chúng ta thiết lập thân tâm trong cái bây giờ và ở đây. Và chúng ta có khả năng nhận diện nhiều điều kiện vui tươi và hạnh phúc đang có sẵn. Chúng ta khám phá ra rằng ngay bây giờ và ở đây đã có quá đầy đủ điều kiện cho ta vui vẻ và hạnh phúc rồi.

Giữa niềm vui (hỷ) và hạnh phúc (lạc) có một chút khác biệt. Trong niềm vui (hỷ) có một ít háo hức, bồn chồn. Nhưng trong hạnh phúc (lạc) thì chúng ta định tĩnh hơn. Hãy tưởng tượng có một người rất khát nước đang đi ngang qua sa mạc, bỗng nhiên người ấy thấy được một hòn đảo, có nhiều cây cối bao quanh một hồ nước. Đó là niềm vui (hỷ). Người ấy chưa uống nước, người ấy vẫn còn khát, nhưng người ấy rất vui mừng vì biết rằng mình chỉ cần đi vài phút nữa là đến hồ. Trong lòng người ấy có một ít háo hức và hy vọng. Khi đến bên hồ, quỳ gối xuống, dùng tay múc nước lên uống, người ấy cảm thấy hạnh phúc trong từng ngụm nước, cơn khát dịu đi. Đó là hạnh phúc (lạc). Người ấy rất thỏa mãn.

Giả sử chúng ta thiền tập: “Thở vào, tôi thấy mắt tôi còn sáng”. Có đôi mắt sáng là một điều mầu nhiệm, chúng ta chỉ cần mở mắt ra là thấy được cả thiên đường sắc màu luôn có đó cho chúng ta. Tất cả những gì ta cần làm là mở mắt ra thưởng thức thiên đường và ánh nắng mặt trời. Tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi ta không thấy được ánh nắng mặt trời, suốt ngày sống trong bóng tối? Chánh niệm giúp ta thấy được ánh nắng mặt trời, những ngọn đồi nhấp nhô, thấy được chim chóc, cây cối, thấy được hành tinh xinh đẹp này. Nhờ chánh niệm, chúng ta nhớ rằng mình có một thân thể, có đôi chân đủ khỏe mạnh để đi lại và chạy nhảy.

Nhận ra điều này đem đến hạnh phúc cho ta ngay lập tức, như người đang khát được uống nước.

Khi học cách chế tác hạnh phúc, chúng ta không những chế tác hạnh phúc cho tự thân mà còn cho những người khác nữa. Chánh niệm về hạnh phúc là một lời nhắc nhở cho những người xung quanh. Chánh niệm có thể lan truyền đi xa. Chúng ta nhắc mọi người rằng họ đang ở trong thế giới mầu nhiệm, những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt cho họ, và điều đó khiến cho họ hạnh phúc. Chúng ta thắp sáng ngọn đèn chánh niệm trong họ. Là một giáo viên, chỉ trong vòng vài giây thôi là ta đã có thể thực hiện được phép lạ đó, và ta có thể giúp cho học sinh trong lớp hạnh phúc.

Điều quan trọng cần nhớ là ta không nên chạy trốn khổ đau. Hầu hết mọi người, kể cả giáo viên và học sinh, thường hay chạy trốn khổ đau bằng cách tìm một cái gì đó để khỏa lấp. Chúng ta làm bất cứ thứ gì để tránh chạm trán với những khổ đau trong lòng. Nghe nhạc, lên mạng, bật ti vi, hay kiếm cái gì đó trong tủ lạnh để ăn. Xã hội hiện đại cung cấp rất nhiều hình thức tiêu thụ để giúp chúng ta khỏa lấp khổ đau. Chúng ta để cho khổ đau lớn lên và cứ mãi lớn lên bởi sự tiêu thụ.

Bằng cách nhìn sâu vào bản chất khổ đau, chúng ta mới có khả năng tìm cách đi ra. Nếu cứ chạy trốn thì chúng ta không có cơ hội vượt thoát đau khổ. Chúng ta có thể học được rất nhiều từ khổ đau. Hoa sen rất đẹp được trồng trong bùn dưới đáy hồ và nở ra trên mặt nước. Khi nhìn vào hoa sen, chúng ta thấy bùn. Cũng vậy, hạnh phúc là một loại sen. Không có yếu tố khổ đau, chúng ta không thể làm nên hạnh phúc. Đây là lời dạy sâu sắc nhất chánh niệm: cái này có vì cái kia có. Nhờ bùn mà có sen.

Vì vậy, thay vì trốn tránh khổ đau, chúng ta rèn luyện cách xử lý khổ đau. Xử lý bằng cách nào? Điều đầu tiên chúng ta cần làm là thực tập hơi thở ý thức hoặc đi thiền để chế tác năng lượng chánh niệm. Khổ đau là nguồn năng lượng không dễ chịu, vì vậy ta không muốn có mặt với nó, ta muốn chạy trốn nó. Sự thực tập là làm ngược lại.

Chúng ta được cấu tạo nên bởi hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức. Chúng ta rất rộng lớn. Thức chúng ta có ít nhất là hai phần. Phần trên gọi là ý thức, phần dưới gọi là tàng thức.

Sợ hãi, giận dữ và tuyệt vọng nằm ở đáy tâm thức dưới hình thức hạt giống. Khi hạt giống giận dữ ngủ yên thì ta yên ổn, chúng ta có thể cười và có thể hạnh phúc. Nếu có ai đó đến nói hay làm điều gì đó đụng tới hạt giống giận dữ, hạt giống giận dữ sẽ đi lên trở thành một nguồn năng lượng giận dữ. Dưới tàng thức, nó được gọi là hạt giống, nhưng khi đi lên trên tầng ý thức nó trở thành một năng lượng gọi là tâm hành, trong trường hợp này nó là tâm hành giận.

Chăm sóc cảm xúc mạnh (những tâm hành khó chịu) bằng chánh niệm có năm bước:

  1. Nhận diện cảm xúc đang có mặt. Khi vui, ta biết rằng niềm vui đang có mặt. Khi giận, ta nhận diện cơn giận đang có mặt đó. Chúng ta phải gọi đúng tên nó. Nếu ta không nhận diện được cảm xúc nào đang có mặt trong ta thì thật rất khó để chăm sóc.
  2. Chấp nhận cảm xúc đang thực sự có mặt. Giận cũng không sao. Kỳ thực, là con người thì giận là chuyện hoàn toàn bình thường. Nếu không chấp nhận cảm xúc khó chịu đang có mặt, chúng ta sẽ tiếp tục suy nghĩ làm cho cảm xúc đó lớn lên. Vì vậy chúng ta không nên đè nén hay khỏa lấp khổ đau. Chánh niệm làm công việc nhận diện và chấp nhận mà không đè nén, không đấu tranh chống lại nó. Đó là bất bạo động, bởi vì nỗi đau cũng chính là ta, nó không phải là kẻ thù của ta. Chánh niệm cũng là ta. Chánh niệm giúp ta chuyển hóa niềm đau. Điều này cũng đúng với lạc thọ, như hạnh phúc. Chúng ta phải cho phép mình hạnh phúc và tiếp tục nuôi dưỡng hạnh phúc của mình để nó ở lâu với ta.
  3. Ôm ấp cảm xúc bằng chánh niệm như người mẹ đang ôm đứa con của mình đang khóc. Khi đứa trẻ khóc, người mẹ bồng đứa trẻ lên, ôm nó vào lòng một cách nhẹ nhàng Người mẹ chưa biết lý do vì sao con mình khóc nhưng sự kiện người mẹ ẵm đứa bé lên là đã làm cho đứa bé bớt khổ nhiều rồi. Ban đầu có thể chúng ta chưa biết cái khổ từ đâu đến, nhưng vì ta có khả năng nhận diện, chấp nhận và ôm ấp nó nhẹ nhàng thì chúng ta đã bớt khổ đi rồi.
  4. Nhìn sâu vào cảm xúc. Ánh sáng chánh niệm giúp ta thấy rõ gốc rễ của cảm xúc khó chịu và những gốc rễ này được nuôi lớn như thế nào qua suy nghĩ và tri giác. Thấy rõ cảm xúc bằng cách này rất cần thiết để chuyển hóa phân xanh khó chịu thành hoa trái an vui và hạnh phúc.
  5. Có tuệ giác, thấy được chúng ta lớn rộng hơn một cảm xúc. Cho dù đang ở giữa đám sương mù mịt cảm xúc mạnh, chúng ta cũng có thể thấy được cảm xúc là vô thường, luôn luôn thay đổi. Ta thấy được lãnh thổ của ta rất rộng lớn và cảm xúc chỉ là một cái rất nhỏ. Với tuệ giác này, ta biết rằng chuyển hóa là điều ta hoàn toàn có khả năng làm được.

Với sự thực tập thở sâu bằng hơi thở bụng, chúng ta có thể sống sót qua cơn bão cảm xúc rất dễ dàng. Tuy nhiên chúng ta không nên đợi đến khi có cảm xúc mạnh mới thực tập. Chúng ta nên bắt đầu ngay bây giờ. Nếu thực tập năm hoặc mười phút mỗi ngày thì đến khi cơn bão cảm xúc phát khởi, tự nhiên ta sẽ nhớ trở về với hơi thở và chúng ta sẽ sống sót qua cơn bão dễ dàng hơn. Nắm vững được sự thực tập này, chúng ta có thể trao truyền cho học sinh. Trong lớp học, nhiều em có cảm xúc mạnh và không biết cách xử lý. Là giáo viên, chúng ta phải giúp các em. Chúng ta giúp các em chuẩn bị cho cơn cảm xúc mạnh. Nếu học sinh bị khủng hoảng trong lớp, chúng ta cần giúp các em đó thực tập thở bụng thật sâu, và một ngày nào đó các em sẽ có khả năng tự thực tập. Chúng ta có thể cứu cuộc đời các em bằng cách giúp cho các em chuẩn bị ngay bây giờ.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HẠNH PHÚC GIẢN ĐƠN
  2. HẠNH PHÚC PHẢI CHĂNG LÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI?

Bài viết khác của tác giả

  1. THỞ ĐI, BẠN ĐANG CÒN SỐNG
  2. ĂN CƠM CHÁNH NIỆM

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ