LÀM CHỦ CÁC SUY NGHĨ VÀ CẢM XÚC

MATTHIEU RICARD

Trích: Thực Hành Thiền Định; Việt dịch: Lê Việt Liên; NXB. Hà Nội, Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

Người ta thường nghe nói rằng đạo Phật nói chung và thiền nói riêng nhằm mục đích là xóa sổ các cảm xúc. Tất cả đều phụ thuộc vào việc ta hiểu cảm xúc là gì. Nếu đó là những xáo động tâm thần như thù hận và ghen tỵ thì cớ sao không rũ bỏ kia chứ? Còn nếu đó là một tình cảm yêu thương tha nhân mạnh mẽ hoặc cảm thông với những người đang đau khổ thì tại sao không phát triển những phẩm chất đó lên? Đó chính là mục đích của thiền.

Thiền dạy chúng ta làm chủ những cơn tức giận xấu xa, hoặc ghen tức, những sự thèm muốn không kìm hãm nổi và những lo sợ vô cớ. Thiền giải phóng chúng ta khỏi sự bức bối của những trạng thái tinh thần khiến cho cách suy nghĩ của chúng ta bị ngu muội, và là nguồn gốc của những khổ đau dằn vặt triền miên. Khi ấy, người ta gọi chúng là những “độc tố tinh thần”, bởi lẽ các trạng thái tinh thần ấy đầu độc thực sự cuộc sống của chúng ta cũng như của những người khác. 

Từ “cảm xúc” có gốc là emovere trong tiếng Latin, có nghĩa là “làm cho chuyển động”. Như vậy, cảm xúc là cái làm cho tâm thức vận động, dù là theo hướng có hại, trung tính hay có lợi. Cảm xúc quyết định tâm thức và bắt nó phải chấp nhận một quan điểm nào đó, hay một cách nhìn nhận sự vật nào đó. Cách nhìn nhận này có thể phù hợp với thực tế nếu đó là tình thương vị tha và lòng thông cảm, hoặc có thể sai lệch trong trường hợp tham lam hay thù hận. Như chúng tôi đã nhấn mạnh ở phần trên, tình thương yêu đồng loại thể hiện qua nhận thức rằng tất cả các chúng sinh đều mong muốn thoát khỏi khổ đau như chúng ta. Nền tảng của tình cảm vị tha ấy dựa trên sự thừa nhận trạng thái phụ thuộc lẫn nhau, trong đó có chúng ta. Ngược lại, thù hận bóp méo thực tại vì nó thổi phồng những khiếm khuyết và phớt lờ những phẩm chất của đối thủ. Cũng như vậy, lòng ham muốn vô độ khiến chúng ta yêu thích mọi khía cạnh của đối tượng và không đếm xỉa gì đến những nhược điểm của nó. Vì thế, cần phải công nhận rằng một số cảm xúc làm cho ta bị rối loạn và một số khác khiến ta an lạc. Nếu cảm xúc nào làm tâm ta yên hơn và khuyến khích ta làm điều tốt cho người khác thì có thể được coi là tích cực, hoặc có tính xây dựng; còn nếu nó làm ta bất an, khiến tâm trí ta rối bời và đẩy chúng ta tới chỗ làm hại những người khác thì đó là một cảm xúc tiêu cực, hay có tính chất gây rối loạn. Đó chính là điều khác nhau giữa một sự bất bình căm phẫn hay một “cơn nóng giận thánh thiện” khi phải chứng kiến một điều bất công, với thái độ tức tối do muốn làm hại ai đó. 

Cho nên, điều quan trọng không phải là cố hết sức để hủy diệt các cảm xúc của mình – điều này là hão huyền – mà là làm thế nào để các cảm xúc này giúp chúng ta yên tâm hơn và khiến chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động theo hướng thiện tâm đối với những người khác. Muốn thế, chúng ta phải tránh là nạn nhân lệ thuộc hoàn toàn vào các cảm xúc, phải học cách làm tan biến dần những cảm xúc tiêu cực khi chúng khởi lên và vun bồi những cảm xúc tích cực. 

Cũng nên hiểu rằng các cảm xúc và suy nghĩ nối tiếp nhau dồn lại sẽ tạo nên tính khí của chúng ta, tính khí này có thể tồn tại trong chốc lát, hoặc trong một thời gian nhất định, rồi về lâu dài, tạo thành những khuynh hướng và những nét cá tính của chúng ta. Chính vì thế, nếu học cách làm chủ tối đa các cảm xúc của mình thì dần dần, từ cảm xúc này qua cảm xúc khác, từ ngày này sang ngày khác, rốt cục chúng ta cũng sẽ thay đổi được lối sống của mình. Đó là tinh túy của việc rèn luyện tâm thức và của thiền về các cảm xúc. 

Trong số các phương pháp thiền nhằm chế ngự cảm xúc, chúng tôi giới thiệu hai phương pháp: một là áp dụng các liều thuốc đối trị; hai là không đồng hóa mình với những cảm xúc nhất thời nữa, mà nhận ra bản chất chân thực của chúng. 

PHƯƠNG PHÁP 1: ÁP DỤNG CÁC LIỀU THUỐC ĐỐI TRỊ 

Ở đây, thuốc đối trị chỉ một tâm thái hoàn toàn đối lập với cảm xúc gây rối loạn mà ta đang muốn cưỡng lại. Cũng như một cốc nước không thể vừa nóng vừa lạnh, chúng ta không thể cùng một lúc vừa muốn làm cả điều thiện lẫn điều ác đối với cùng một người. Như vậy, đây là một cách vun bồi những phương thuốc đủ mạnh để vô hiệu hóa các cảm xúc làm ta bất an. 

Nhìn dưới một góc độ khác, càng phát triển lòng nhân từ thì tâm trí càng không có chỗ cho tính độc ác, cũng như càng có nhiều ánh sáng trong một căn phòng thì bóng tối càng biến mất. Trong các cách thiền được giới thiệu dưới đây, trước hết, chúng tôi sẽ lấy tham ái làm ví dụ, sau đó là tức giận. 

THAM ÁI

Không ai phản đối rằng ước muốn là điều tự nhiên và tình cảm này có vai trò cơ bản trong cuộc sống để thực hiện các khát vọng của chúng ta. Nhưng ước muốn tự nó chỉ là một sức mạnh mù quáng, không tốt cũng không xấu. Tất cả đều tùy vào ảnh hưởng của nó đối với chúng ta. Ước muốn có thể gây cảm hứng cho cuộc đời ta, hay cũng có thể đầu độc nó. Ước muốn có thể thúc đẩy chúng ta hành động một cách xây dựng cho mình và cho mọi người. Song ước muốn cũng có thể biểu hiện bằng những cơn dày vò dữ dội, trở thành một cơn thèm khát trói buộc và hủy hoại chúng ra, khiến chúng ta lệ thuộc vào chính những nguyên nhân gây bất hạnh. Khi ấy, ước muốn là nguồn gốc của khổ đau, và chúng ta phải tránh trở thành nạn nhân của nó. Đối với loại tham ái này, chúng ta lấy tự do nội tâm làm liều thuốc đối trị. 

Thiền

Khi bị ám ảnh và điên đảo vì ham muốn, hãy bắt đầu bằng việc phân tích các đặc tính cơ bản của nó và tìm ra thuốc đối trị thích hợp. 

Ham muốn có đặc tính là vội vàng, khẩn cấp. Hãy làm cho các suy nghĩ lắng dịu đi bằng cách quan sát hơi thở ra, vào như chúng tôi đã mô tả ở phần trên. 

Ham muốn có đặc tính ràng buộc và gây nhiễu. Liều thuốc đối trị của nó là hãy tưởng tượng ra sự thoải mái và nhẹ nhõm đi liền với tự do trong tâm. Hãy dành một lát cho cảm xúc tự do đó nảy nở và tăng trưởng trong ta. 

Ham muốn có xu hướng bóp méo thực tại và thèm thuồng tới cao độ đối tượng mình yêu thích. Để tái thiết lập được một cách nhìn nhận đúng đắn về vạn vật, hãy dành thì giờ để xem xét đối tượng mà mình ham thích dưới mọi góc độ của nó, và thiền một lát về những khía cạnh ít quyến rũ hơn, thậm chí không được ưa chuộng. 

Cuối cùng, hãy để tâm trí chúng ta thư giãn trong sự bình yên của trạng thái ý thức trọn vẹn, thoát khỏi mọi hy vọng, sợ hãi và thưởng thức khoảnh khắc tươi mát của hiện tại, nó có tác dụng làm dịu đi ngọn lửa ham muốn. 

Những nguồn cảm hứng 

“Một tâm thức bình yên không đồng nghĩa với tâm vô niệm, mất hết những cảm giác và cảm xúc. Một tâm bình yên không phải là tâm vắng mặt.”

Thích Nhất Hạnh

“Hãy xử lý tham muốn theo cách sau đây. Quan sát suy nghĩ hay cảm giác khi nó xuất hiện. Tách biệt trạng thái tham muốn ra khỏi suy nghĩ đó. Ghi nhận tầm cỡ hay mức độ chính xác của tham muốn này. Sau đó, để ý xem nó kéo dài trong bao lâu và cuối cùng biến mất lúc nào. Khi đã làm xong tất cả những điều trên, bạn lại chú ý vào hơi thở.” 

Bhante Henebola Gunaratna 

“Thật là sướng khi được gãi lúc đang bị ngứa, nhưng còn sướng hơn khi ta hết ngứa. Được thỏa mãn những ham muốn của mình thì tốt, song hạnh phúc biết bao khi không còn ham muốn nữa.” 

Nagarjouna

TỨC GIẬN 

Tức giận mang tính ích kỷ, là tiền đề của thù hận. Nó tuân theo ý đồ loại trừ bất cứ ai cản trở điều mà “cái tôi” đòi hỏi, bất chấp lợi ích của người khác. Nó được thể hiện bằng thái độ thù địch khi bản ngã bị đe dọa và phản công lại, bằng oán giận và căm hờn khi “cái tôi” bị tổn thương, bị khinh miệt hoặc bị lãng quên. Một cơn giận dữ đơn thuần cũng có thể được kết hợp với sự độc ác, với ý muốn cố tình làm hại ai đó. 

Bị ám ảnh bởi tức giận và oán hờn, tâm thức bị đóng chặt trong ảo tưởng và tự nhủ rằng nguồn gốc của sự bất mãn hoàn toàn nằm bên ngoài nó. Sự thực là oán giận không nằm ở đâu khác mà nằm ở ngay trong tâm thức chúng ta, ngay cả khi tâm thái này do một đối tượng ở bên ngoài gây ra. Hơn nữa, nếu lấy oán để trả oán thì chúng ta chỉ nằm trong cái vòng luẩn quẩn không bao giờ dứt. Thiền sau đây không có mục đích là đè nén hận thù, mà để hướng tâm tới điều ngược lại hoàn toàn: đó là tình thương yêu và lòng cảm thông. 

Thiền

Hãy quan sát một người đã hành xử độc ác với mình hoặc với người thân của mình và đã khiến mình đau khổ. Quan sát cả những người đang gây ra, hoặc đã gây ra những nỗi khổ đau lớn lao cho những người khác. Hãy hiểu rằng những độc tố trong tâm thức khiến họ đi tới chỗ hành xử như vậy có thể mất đi trong tâm họ, khi đó, họ sẽ đương nhiên không còn là kẻ thù của chúng ta và của nhân loại nữa. Hãy mong ước hết lòng rằng sự thay đổi này sẽ xảy ra. Để được như vậy, chúng ta phải nhờ tới thiền về lòng vị tha và cầu mong như sau: “Cầu cho tất cả các chúng sinh đều được hết khổ đau và những nguyên nhân gây khổ. Mong cho hận thù, tham lam, hiếu chiến, khinh miệt, thờ ơ, keo kiệt và đố kỵ biến khỏi tâm thức của họ để được thay thế bằng lòng thương người, sự hài lòng, khiêm nhường, thiện chí, thái độ ân cần, rộng lượng và thiện cảm.” 

Hãy để cho tình cảm nhân hậu vô điều kiện này tràn ngập tâm trí mình. 

Những nguồn cảm hứng 

“Tôi không thấy có cách nào khác: mỗi chúng ta hãy xem xét chính bản thân mình, rồi nhổ bật và tiêu diệt trong mình tất cả những gì mình cho là phải tiêu diệt ở người khác. Và hãy biết rằng nếu chỉ cần chúng ta tăng thêm chút xíu oán hờn vào thế giới hận thù này thôi thì nó sẽ trở nên tàn bạo hơn nữa đối với chúng ta.” 

“Tôi hết tin rằng chúng ta có thể sửa đổi bất cứ điều gì trên thế giới này trước khi tự sửa mình. Bài học duy nhất của cuộc chiến tranh này đã dạy cho chúng ta rằng phải tự tìm kiếm trong tâm mình, chứ không phải ở bên ngoài” 

Etty Hillesum

“Đã đến lúc phải chuyển hướng hận thù khỏi những cái đích quen thuộc, những người bị coi là kẻ thù của bạn, để chĩa mũi nhọn của hận thù vào chính nó. Thực vậy, chính hận thù mới là kẻ thù thực sự của bạn và chính nó là thứ mà bạn phải tiêu diệt.” 

Khyentsé Rinpoché 

“Khi nuôi lòng hận thù, chưa chắc chúng ta đã hại được đối thủ của mình, song chắc chắn là chúng ta đã hại chính mình. Tâm chúng ta mất đi sự bình yên, chúng ta làm việc gì cũng chệch choạc, ăn không tiêu, ngủ không yên, bạn bè xa lánh, chúng ta ném những ánh mắt giận dữ vào những ai dám cản trở mình. Chúng ta khiến cuộc sống của những người xung quanh trở nên không chịu nổi và xa lánh luôn cả những bạn bè thân thiết nhất. Và vì những người thông cảm với chúng ta ngày một thưa dần, chúng ta ngày càng cô đơn. […] Để được gì kia chứ? Ngay cả khi đã lồng lộn điên cuồng hết mức, chúng ta cũng không bao giờ diệt trừ được hết kẻ thù của mình. Bạn có biết ai làm được điều đó chưa? Chừng nào ta còn chứa chất kẻ thù nội tâm là giận dữ và thù hận trong lòng, thì dù hôm nay chúng ta có đập tan được những kẻ thù bên ngoài, ngày mai những kẻ thù khác lại xuất hiện”. 

Đức Dalai Lama thứ XIV 

PHƯƠNG PHÁP 2: KHÔNG ĐỒNG HÓA MÌNH VỚI CẢM XÚC 

Cách thứ hai để đối đầu với những cảm xúc gây rối loạn là, trong tâm trí, tách mình ra khỏi cảm xúc đang hành hạ mình. Bình thường, chúng ta thấy mình hoàn toàn chính là những cảm xúc đó. Khi cơn giận trào lên, ta với cơn giận là một. Nó thường trực trong tâm trí chúng ta và không để thừa một chỗ nào cho những tâm thái khác như bình yên nội tâm, hay sự kiên nhẫn để xem xét những lý do có thể làm dịu đi nỗi bất bình của chúng ta. Tuy nhiên, nếu lúc đó chúng ta còn giữ được một chút tỉnh táo – có thể tập luyện để phát triển khả năng này – thì chúng ta sẽ không đồng hóa mình với cơn giận. 

Thật vậy, tâm thức có khả năng xem xét những gì đang xảy ra ở trong mình. Muốn làm được điều đó, chỉ cần quan sát những cảm xúc của mình như khi chúng ta nhìn một sự kiện xảy ra trước mắt ta. Vậy là, phần tâm nhận biết được cơn giận của chúng ta chính là ý thức: nó không nổi giận. Nói cách khác, ý thức trọn vẹn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc mà nó đang quan sát. Hiểu tức là cho phép mình lùi lại, là nhận ra rằng cảm xúc kia không hề thật, và tạo cho nó một không gian vừa đủ để tự tan biến đi. 

Làm như vậy, chúng ta tránh được hai thái cực đều có hại như nhau: chèn ép cảm xúc (nó sẽ nằm lại trong một góc tối tăm của tâm thức, như một quả bom nổ chậm), hoặc mặc cho cơn giận bung ra và có thể gây tổn hại tới những người xung quanh ta và tổn hại tới chính sự bình an của tâm ta. Không đồng hóa mình với những cảm xúc là một phương thuốc đối trị cho mọi tình huống. 

Trong cách thiền sau đây, chúng ta lại lấy ví dụ là cơn giận, song đối với bất kỳ một cảm xúc gây rối loạn nào khác, tiến trình thực hành đều như nhau. 

Thiền 

Hãy tưởng tượng rằng chúng ta đang bị tức giận đến nghẹt thở. Dường như chúng ta không có cách lựa chọn nào khác là để mặc nó cuốn mình đi. Bất lực, tâm trí chúng ta cứ quay lại hoài với đối tượng đã gây ra trạng thái giận dữ đó, hệt như sắt hút nam châm vậy. Nếu ai đó lăng mạ ta thì hình ảnh kẻ đó với những lời độc địa của hắn liên tục lởn vởn trong tâm trí ta. Và cứ mỗi lần nghĩ tới là chúng ta lại điên tiết lên; rồi cái vòng luẩn quẩn của những nghĩ ngợi và phản ứng tức tối liên tục diễn ra không dứt. 

Vậy thì hãy thay đổi chiến thuật xem sao. Không nghĩ tới đối tượng của cơn giận nữa và hãy quan sát chính cơn giận. Điều đó cũng hơi giống như ta theo dõi ngọn lửa khi không cho thêm củi vào nữa. Dù lửa có mạnh đến đâu, nó cũng nhanh chóng tự tắt lụi. Cũng như vậy, nếu chúng ta chỉ cần chăm chú nhìn cơn giận, nó sẽ không thế tự kéo dài được mãi. Bất kỳ một cảm xúc nào, dù có mãnh liệt đến đâu, cũng tự yếu đi và tự nhiên tắt ngấm nếu ta ngừng nuôi dưỡng nó. 

Cũng nên hiểu rằng rốt cục, cơn tức tối dù có ghê gớm nhất đi nữa cũng chỉ là một suy nghĩ, không hơn không kém. Chúng ta hãy xem xét nó kỹ hơn. Nó lấy sức mạnh ở đâu ra để có thể thống trị chúng ta đến mức như vậy? Nó có vũ khí nào không? Phải chăng nó bốc cháy như một ngọn lửa? Nó sẽ nghiền nát chúng ta như một trái núi chăng? Chúng ta có thể định vị được cơn giận ở trong ngực, trong tim hay trong đầu không? Nếu được, liệu nó có màu sắc hay hình dạng gì không? Chúng ta khó mà có thể tìm cho cơn giận những đặc tính như vậy. Khi chiêm ngưỡng một đám mây đen lớn trong một bầu trời giông bão, đám mây có vẻ như rất dày và ta tưởng có thể ngồi lên đó được. Tuy nhiên, nếu chúng ta bay tới đám mây thì sẽ chẳng nắm bắt được gì: ở đó chỉ toàn hơi nước! Cũng như vậy, khi chăm chú quan sát cơn giận, chúng ta sẽ không thấy gì có thể minh chứng cho tình huống tàn bạo mà cơn giận đang hành hạ chúng ta. Chúng ta càng tìm cách khoanh vùng cơn giận thì nó càng nhanh chóng biến mất dưới con mắt của chúng ta như sương giá tan đi dưới những tia nắng mặt trời. 

Rốt cục, cơn giận từ đâu tới? Còn bây giờ, nó ở đâu? Nó biến đi đằng nào? Tất cả những gì ta khẳng định chì có thế là nó khởi lên từ tâm thức, trụ lại đó một lát, rồi sau đó lại tan biến vào tâm thức. Bản thân tâm thức là không thể nắm bắt được, nó không phải là một thực thể riêng biệt và không là gì khác ngoài dòng chảy các kinh nghiệm. 

Nếu cứ mỗi khi xuất hiện một cảm xúc mãnh liệt mà chúng ta biết làm chủ nó một cách có trí tuệ thì không những chúng ta sẽ nắm vững nghệ thuật giải phóng các cảm xúc vào lúc chúng xuất hiện, mà còn bào mòn luôn chính cả những khuynh hướng là nguyên nhân gây ra những cảm xúc đó. Như thế, dần dần, những nét trong cá tính và cách sống của chúng ta rốt cục sẽ thay đổi. 

Phương pháp này có thể tỏ ra hơi khó lúc ban đầu, nhất là khi tâm trí chúng ta còn đang loạn động, song cứ thực hành liên tục thì dần dần rồi sẽ thành quen. Khi cơn giận, hoặc bất cứ cảm xúc gây rối loạn nào chớm khởi lên trong tâm trí, chúng ta sẽ lập tức nhận diện ra nó và sẽ biết cách đương đầu với nó trước khi nó bùng lên quá mức. Điều này cũng gần giống như việc chúng ta nhận diện một kẻ móc túi vậy: ngay cả khi hắn trà trộn vào đám đông, chúng ta cũng sẽ lập tức phát hiện ra ngay và luôn luôn cảnh giác đối với hắn, sao cho hắn không thể lấy cắp được ví của mình. 

Như thế, bằng cách làm quen dần với những cơ cấu của tâm thức, và bồi dưỡng trạng thái ý thức trọn vẹn, chúng ta sẽ không còn để cho tia lửa của những cảm xúc mới nảy sinh chuyển thành đám cháy, có thể thiêu rụi hạnh phúc của chúng ta và hạnh phúc của những người khác.

Phương pháp này có thể được sử dụng để đối phó lại với tất cả các cảm xúc gây rối loạn; nó là cầu nối giữa thực hành thiền định với những mối bận tâm trong sinh hoạt thường ngày. Nếu chúng ta quen nhìn nhận những suy nghĩ của mình vào lúc chúng xuất hiện, và để cho chúng tự tan biến trước khi có thể choán hết tâm trí, thì chúng ta sẽ rất dễ dàng làm chủ tâm thức và quản lý được những cảm xúc mang tính xung đột ngay trong những hoạt động hàng ngày của mình. 

Những nguồn cảm hứng 

“Các bạn hãy nhớ rằng suy nghĩ chỉ là sản phẩm của sự kết hợp thoáng qua của rất nhiều yếu tố. Chúng không thể tự tồn tại. Do vậy, ngay khi chúng xuất hiện, hãy nhận ra bản chất của chúng là trống rỗng. Lập tức, chúng sẽ mất khả năng sản sinh ra những suy nghĩ khác và chuỗi ảo vọng sẽ bị cắt đứt. Hãy nhận ra tính trống rỗng của các suy nghĩ và để chúng tự tan biến trong bản chất sáng suốt của tâm thanh tịnh và bất biến.” 

“Khi một tia nắng chiếu vào mảnh pha lê, những tia ngũ sắc phát ra, lấp lánh nhưng không có thực thể. Cũng như vậy, những suy nghĩ đủ loại: sùng kính, cảm thông, độc ác, tham muốn… là không thể nắm bắt, phi vật thể, không thể sờ thấy. Không suy nghĩ nào lại có thể tự nó tồn tại được. Nếu bạn biết nhận ra đặc tính rỗng không các suy nghĩ của mình đúng vào lúc chúng xuất hiện thì chúng sẽ tự tan biến. Hận thù và bám chấp không thể nào lay chuyển được tâm bạn và những cảm xúc gây rối loạn sẽ tự biến mất. Bạn sẽ thôi tích lũy những hành vi tiêu cực, và nhờ đó, bạn sẽ không còn gây ra những khổ đau. Đó là trạng thái an lạc tối hậu”. 

Khyentsé Rinpoché

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TA CÓ THOÁT KHỎI NHỮNG CẢM XÚC TIÊU CỰC ĐƯỢC KHÔNG?
  2. CHUYỂN HÓA CẢM XÚC TIÊU CỰC – BÀI TẬP NGẮM NHÌN
  3. SỐNG HÀI HÒA VỚI CẢM XÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. NHỮNG KỸ NĂNG DỄ DÀNG
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. LÒNG VỊ THA VÀ TRẠNG THÁI HẠNH PHÚC

Bài viết mới

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG