LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT VỀ VIỆC GIÚP ĐỠ NGƯỜI SẮP CHẾT

SOGYAL RINPOCHE

Trích: Tạng Thư Sống Chết; Thích Nữ Trí Hải dịch; NXB Hồng Đức.

Trong một Tiếp dẫn đường mà tôi biết, Emily, một bà tuổi gần 70 đang chết với bệnh ung thư vú. Con gái bà đến thăm hàng ngày, và dường như có một liên hệ hạnh phúc giữa hai mẹ con. Nhưng khi con gái bà bỏ về, thì Emily gần như luôn luôn ngồi một mình mà khóc.

Sau một thời gian, hóa ra lý do bà khóc là vì con gái bà hoàn toàn không chịu chấp nhận cái điều không thể tránh là bà sẽ chết, mà suốt buổi cứ khuyên mẹ hãy “có tư tưởng tích cực”, hy vọng rằng nhờ vậy bệnh ung thư của bà có thể chữa khỏi. Sự tình bấy giờ là Emiy phải ôm những ý tưởng, những nỗi sợ hãi, kinh hoàng và buồn đau một mình mình biết, không có ai để san sẻ, không ai phụ giúp bà thám hiểm những tình huống ấy, không ai giúp bà thấu hiểu cuộc đời bà, và không ai giúp bà tìm một ý nghĩa tích cực ở trong cái chết.

Ðiều quan trọng nhất trong đời là thiết lập một tương giao thật tình vô úy với những người khác, và càng quan trọng hơn, với một người sắp chết – như trường hợp Emily đã chứng tỏ cho tôi thấy. Thường người sắp chết cảm thấy dè dặt bất an, và không biết chắc ý định của bạn lúc bạn đến thăm lần đầu. Bởi vậy đừng tưởng sẽ có chuyện gì kỳ diệu xảy ra, hãy tự nhiên thoải mái. Người sắp chết thường không nói họ muốn gì, nghĩ gì, nên người gần họ không biết nói gì hay làm gì cho họ. Thật khó mà biết họ đang cố nói cái gì, hay họ có thể đang che dấu điều gì. Ðôi khi ngay cả họ cũng không biết. Bởi thế, điều cốt yếu trước tiên là buông xả bất cứ một căng thẳng nào trong bầu không khí, bằng cách nào dễ nhất và tự nhiên nhất.

Một khi miềm tin cậy đã được thiết lập, không khí bớt căng, thì sẽ làm cho người sắp chết bắt đầu đề cập những gì họ thật tình muốn nói: hãy ân cần khuyến khích để họ cảm thấy thoải mái mà nói ra những ý nghĩ, lo sợ và cảm xúc của họ về cái chết sắp đến. Sự nói trắng ra những cảm xúc ấy một cách chân thành là điều cốt tủy để có được một cuộc đổi thay, giảng hòa với cuộc đời và chết một cái chết tốt đẹp. Bạn cần phải để người sắp chết hoàn toàn tự do bày tỏ, cũng như cho bạn đủ cả gan để nói ra những điều mà người sắp chết đang cần.

Khi người sắp chết cuối cùng chịu nói ra những cảm nghĩ riêng tư của họ thì đừng ngắt lời, từ chối hay giảm nhẹ những gì họ nói. Người hấp hối hay bệnh nặng sắp chết là đang ở một giai đoạn dễ bị thương tổn nhất trong đời họ, nên bạn phải vận dụng tất cả khéo léo và tình cảm, sự cảm thông, từ mẫn của bạn để giúp họ thổ lộ tâm can. Hãy học lắng nghe, học im lặng thu vào, một sự im lặng cởi mở, trầm tĩnh, làm cho người sắp chết cảm thấy đượcchấp nhận. Hãy hết sức thoải mái tự nhiên, ngồi đó với người sắp chết xem như là bạn không có việc gì quan trọng hơn, vui hơn thế để mà làm.

Tôi đã nhận thấy rằng trong việc chết chóc cũng như trong tất cả mọi tình huống trầm trọng của cuộc đời, có hai điều hữu ích nhất: thái độ thực tiễn và óc hài hước. Óc hài hước có một đường lối kỳ diệu để giảm bớt không khí căng thẳng, giúp đặt tiến trình chết vào đúng viễn ảnh phổ quát của nó, đánh tan tính cách nghiêm trọng quá mức của tình huống. Vậy bạn hãy xử dụng óc hài hước càng nhẹ nhàng khéo léo càng tốt. Tôi cũng thấy rằng, theo kinh nghiệm riêng tôi, điều cần yếu là không nên xem cái gì quá riêng tư. Người sắp chết, vào một lúc bất ngờ, có thể biến bạn thành mục tiêu cho tất cả sự giận dữ hay trách móc của họ. Elisabeth Kubler-Ross nói rằng: sự giận dữ, trách móc có thể “trút lên mọi phía, nhằm vào hoàn cảnh xung quanh, vào những lúc hoàn toàn bất ngờ” . Ðừng tưởng tượng sự giận dữ ấy thật sự nhắm vào bạn; nhận chân được nó tuôn phát từ sự lo sợ đau buồn như thế nào, sẽ làm cho bạn khỏi phản ứng bằng những cách có thể làm hỏng mối liên hệ giữa bạn với người sắp chết.

Ðôi khi bạn có thể muốn giảng đạo cho người sắp chết nghe, hoặc cho họ công thức tu tập của riêng bạn, xin hãy tuyệt đối tránh làm chuyện ấy, nhất là khi bạn không biết người sắp chết có muốn vậy không! Không ai muốn được “cứu rỗi” với niềm tin của một người khác. Hãy nhớ công việc của bạn không phải là hoán cải một người nào theo một đường (đạo) nào, mà là giúp cho người trước mắt liên lạc được với năng lực của chính họ, niềm tin, tinh thần hay bất cứ gì khác ở trong họ. Dĩ nhiên nếu người sắp chết thực sự muốn nghe những vấn đề tâm linh, và thực sự muốn biết bạn nghĩ gì về họ, thì cũng không nên quá dè dặt.

Ðừng quá trông mong rằng sự giúp đỡ của bạn phát sinh những kết quả mầu nhiệm nơi người sắp chết hay “cứu rỗi” họ. Bạn chỉ thất vọng mà thôi. Người ta sẽ chết như khi họ đã sống, họ vẫn nguyên vẹn là họ.

Muốn thiết lập được tương giao thực sự, bạn phải làm một nỗ lực quyết định là sẽ nhìn người ấy theo cuộc đời họ, bối cảnh họ, lịch sử họ, chấp nhận con người của họ không chút dè dặt. Cũng đừng buồn nếu sự giúp đỡ của bạn dường như đem lại rất ít hiệu quả và người sắp chết không đáp ứng. Chúng ta không thể biết được những hiệu quả sâu xa mà sự săn sóc của chúng ta đem lại.

CHỨNG TỎ TÌNH YÊU VÔ ĐIỀU KIỆN

Người sắp chết cần nhất là ta bày tỏ với họ một tình yêu hoàn toàn vô điều kiện, không mong đợi bất cứ gì. Ðừng nghĩ bạn phải là một người chuyên môn trong trong bất cứ kiểu nào. Hãy tự nhiên, hãy chính là bạn, là một người bạn chân tình, thì người sắp chết sẽ an tâm rằng bạn thật sự ở với họ, cảm thông với họ như một con người đối với một con người.

Tôi đã nói “Tỏ cho người sắp chết một tình yêu vô điều kiện”, nhưng ở vài trường hợp điều ấy hoàn toàn không dễ. Chúng ta có thể có một lịch sử dài đau khổ với người ấy, có thể cảm thấy tội lỗi về những gì mình làm đối với họ trong quá khứ, hoặc cảm thấy ân hận về những gì họ đã làm cho ta.

Bởi thế, tôi xin đề nghị hai đường lối đơn giản để bạn có thể bung ra tình yêu trong bạn đối với người sắp chết. Tôi và các bạn tôi khi làm việc với những người sắp chết đã nhận thấy hai phương pháp này rất hiệu nghiệm:

Thứ nhất, hãy nhìn người sắp chết trước mắt bạn và nghĩ họ cũng như ta, cũng có những nhu cầu giống ta, muốn được hạnh phúc, muốn tránh đau khổ, họ cũng có nỗi cô đơn như ta, nỗi sợ đối với cái chưa biết, cũng có những lãnh vực buồn khổ âm thầm, cũng có những cảm giác bơ vơ mà họ chỉ mơ hồ nhìn nhận. Nếu bạn nghĩ thế, tim bạn sẽ mở ra về phía người ấy, và tình yêu sẽ hiện diện giữa bạn và người sắp chết.

Phương pháp thứ hai còn hiệu lực hơn, là đặt bạn vào địa vị người sắp chết. Tưởng tượng bạn đang nằm trên giường trước mắt bạn, đang đối diện cái chết. Tưởng tượng bạn đang ở đấy, đau đớn và cô độc – rồi thực sự tự hỏi mình: Ta sẽ cần gì nhất? Ta sẽ thích gì nhất? Ta sẽ thực sự mong muốn gì từ nơi người bạn trước mặt ta?

Nếu bạn làm hai thực tập này, tôi nghĩ bạn sẽ tìm ra rằng, cái mà người sắp chết cần nhất là cái mà chính bạn cần nhất: được yêu thương, được chấp nhận.

Tôi cũng thường thấy rằng những người ốm nặng khao khát được sờ, được xem như người sống, chứ không phải chỉ là những chứng bệnh. Một niềm an ủi lớn lao có thể đến với người bệnh nặng nếu ta chỉ cầm tay họ, nhìn vào mắt họ, nhẹ nhàng chà xát họ hay ôm họ trong vòng tay, hay cùng thở với họ một nhịp thở nhẹ nhàng. Thân thể cũng có ngôn ngữ yêu thương của riêng nó, hãy xử dụng nó đừng sợ hãi, bạn sẽ thấy bạn đem lại cho người sắp chết niềm an ủi và thoải mái.

Thường chúng ta quên rằng người sắp chết đang mất cả thế giới của họ: nhà cửa, công việc, bạn bè, thân thể và tâm trí; họ đang mất tất cả mọi thứ. Tất cả những mất mát mà ta có thể kinh quá trong đời hợp lại thành một sự mất mát tràn trề khi ta chết, hỏi làm sao một người sắp chết không ba hồi sợ, ba hồi giận dữ, ba hồi buồn? Elizabeth Kubler-Ross kể năm giai đoạn trong tiến trình giảng hòa với cái chết: chối bỏ, giận dữ, mặc cả, xuống tinh thần, và chấp nhận. Dĩ nhiên không phải ai cũng qua cả năm giai đoạn ấy, hoặc luôn luôn theo thứ tự ấy. Với vài người, con đường đi đến chấp nhận cái chết có thể rất dài và đầy chông gai; có những người hoàn toàn không đạt đến giai đoạn chấp nhận. Nền văn hóa chúng ta (Tây phương) không giúp cho con người có cái tầm nhìn xa về tư tưởng, cảm xúc, và kinh nghiệm của chínhmình, khiến nhiều người – khi đối mặt cái chết và thử thách cuối cùng này – tự thấy mình bị lừa bịp bởi chính sự ngu si của mình, lấy làm vô cùng bất mãn, giận dữ, nhất là khi không có ai muốn hiểu họ và những nhu cầu tha thiết nhất của họ (khi sắp chết).

Ciceley Saunders, tiên phong của phong trào “Tiếp dẫn đường” ở Anh quốc, viết: “Một lần tôi hỏi một người sắp chết rằng họ cần gì hơn hết nơi những người săn sóc họ. Ông ta bảo, tôi cần một người có vẻ cố gắng để hiểu tôi”. Quả thực không thể nào hoàn toàn hiểu được một người khác, nhưng tôi không bao giờ quên rằng ông ta không đòi hỏi sự thành công, mà chỉ mong có một người nào quan tâm đến sự cố gắng tìm hiểu.

Chỉ cốt chúng ta đủ quan tâm để cố gắng hiểu người sắp chết, và trấn an họ rằng dù họ cảm thấy gì đi nữa, dù họ có bất mãn, giận dữ cũng là chuyện thường. Sự chết sẽ đem lại nhiều cảm xúc bị ức chế: sự buồn rầu, sự trơ lì hay mặc cảm tội lỗi, hay cả đến sự ganh tị với người còn mạnh khỏe. Hãy giúp người sắp chết đừng đè nén những cảm xúc ấy khi chúng khởi lên. Hãy ở lại với họ khi những cơn sóng đau đớn buồn khổ đang lên, cùng với sự chấp nhận, thời gian và kiên nhẫn, thông cảm, những cảm xúc ấy từ từ lắng xuống và trả lại cho người sắp chết nền tảng an bình, tĩnh lặng và sự sáng suốt mà tự thẳm sâu vốn thực là của họ.

Ðừng cố làm bộ quá minh triết, đừng luôn luôn cố tìm lời gì cho sâu sắc. Bạn không cần phải làm hay nói một điều gì để làm cho sự thể trở nên tốt hơn. Chỉ cần hiện diện ở đấy một cách trọn vẹn càng tốt. Nếu bạn cảm thấy lo ngại, sợ hãi không biết phải làm gì, thì hãy thẳng thắn nói ra như vậy, và xin người sắp chết giúp đỡ bạn, để bạn biết phải làm gì. Sự chân thành này sẽ đem bạn và người sắp chết lại gần nhau hơn, mở ra một sự truyền thông thoải mái hơn. Ðôi khi người sắp chết biết hơn chúng ta nhiều, cách thế nào để giúp đỡ họ, và chúng ta cần phải biết làm sao để rút từ trí tuệ của họ, và để họ cho ta biết những gì họ biết. Cicely Saunders đã bảo chúng ta phải tự nhắc mình rằng, khi ở cạnh người sắp chết chúng ta không chỉ là người “cho” mà thôi. “Sớm hay muộn, ai làm việc với người sắp chết cũng biết mình “nhận” được nhiều hơn “cho”, vì ta học được sự kiên nhẫn, can đảm và thông thường, óc hài hước. Chúng tôi cần phải nói thế…”. Thường ta có thể làm cho người sắp chết lên tinh thần khi ta công nhận sự can đảm của họ.

Tôi cũng nhận ra rằng tôi đã được người sắp chết giúp cho tôi nhớ một điều: con người trước mặt tôi, người đang chết ấy, ở đâu đó, vẫn là một người tốt, dù họ có nổi giận, gây kinh hoàng trong chốc lát, nhưng nếu chúng ta tập trung vào thiện tính ấy nơi họ, ta sẽ tự chế và có được lối nhìn cần thiết để trở nên càng hữu ích cho họ càng tốt. Cũng như khi bạn gây gổ với một người bạn thân, bạn không quên những tính tốt nhất của người ấy. Hãy làm như vậy với người sắp chết. Ðừng phê phán họ, dù họ có nổi lên những cảm xúc như thế nào. Sự chấp nhận của bạn sẽ làm cho người chết có được niềmthoải mái tự nhiên mà họ đang cần. Ðối xử với họ như thể một đôi khi họ cũng có tính ấy: cởi mở, thương yêu, độ lượng.

Ở một bình diện tâm linh sâu xa hơn, tôi nhận thấy một điều vô cùng lợi ích là nhớ người sắp chết có Phật tính, dù họ có nhận ra hay không, và tiềm năng đạt giác ngộ. Khi người ấy tiến gần hơn đến cái chết, thì khả năng ấy lại càng lớn hơn về nhiều phương diện. Vậy họ đáng được nhiều săn sóc và kính trọng hơn.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHẤP NHẬN CÁI CHẾT
  2. CÁI CHẾT TRONG THẾ GIỚI TÂN TIẾN

Bài viết khác của tác giả

  1. TÍNH SÁNG TẠO-THIỆN TÂM
  2. THIỆN TÂM
  3. SÓNG VÀ ĐẠI DƯƠNG

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP