MỞ RỘNG TÂM ĐỂ THẤY MỌI VIỆC NHƯ-NÓ-ĐANG-LÀ

SHUNRYU SUZUKI

Trích : Những nhánh sông thầm trôi; NXB Văn Hóa-Văn Nghệ; Người dịch: Viên Chiếu.

Tâm khi tọa thiền của chúng ta là tâm rộng lớn: Chúng ta không cố gắng để tìm thấy điều gì, chúng ta ngừng suy tưởng; chúng ta ngừng các hoạt động cảm xúc; chúng ta chỉ ngồi mà thôi. Điều gì có xảy đến, chúng ta cũng kệ. Chúng ta chỉ ngồi mà thôi. Nó giống như một điều gì đó xảy ra trên bầu trời bao la vậy. Có loài chim nào bay qua đi chăng nữa, bầu trời cũng chẳng bận tâm. Đó là tâm mà đức Phật truyền cho chúng ta.

Nhiều việc sẽ xảy ra khi các bạn tọa thiền. Bạn có thể nghe tiếng róc rách của dòng suối. Bạn có thể nghĩ điều gì đó, nhưng ta chẳng màng quan tâm. Tâm rộng lớn của bạn ở ngay đó, đang tọa thiền. Ngay cả khi quý vị không ý thức được việc nhìn, nghe hay suy nghĩ, có điều gì đó đang diễn ra trong tâm rộng lớn. Chúng ta quan sát mọi hiện tượng. Không hề dán nhãn “tốt” hay “xấu”, chúng ta ngồi. Chúng ta hân thưởng cuộc sống, nhưng chúng ta không dính mắc vào bất cứ điều gì. Chúng ta trân quý mọi điều vào lúc này, tất cả chỉ có vậy. Sau khi đã tọa thiền, ta nói với nhau, “Ồ, chào buổi sáng!” Theo cách này, mọi việc sẽ tuần tự xảy đến với chúng ta, và chúng ta có thể trân quý chúng một cách trọn vẹn. Đó là tâm mà đức Phật đã truyền cho chúng ta. Và đó là cách chúng ta tọa thiền.

Nếu tọa thiền theo cách này, bạn sẽ ít gặp rắc rối khi thưởng ngoạn điều gì đó.  Bạn hiểu chứ? Bạn có thể có một trải nghiệm đặc biệt và nghĩ, “Nó đây rồi. Nó chính ra phải thế này”. Và nếu có người nào đó phản đối, bạn sẽ tức giận, “Không, nó phải là thế này chứ không phải như thế ấy. Trung tâm Thiền là phải thế này”. Có thể là như vậy. Nhưng không phải luôn như vậy. Nếu thời thế thay đổi và chúng ta mất Tassajara và chuyển đến một ngọn núi  khác, cách thức chúng ta sắp xếp mọi việc ở đó không thể như cách thức ở đây. Vì thế, không chấp vào một cách thức cụ thể nào, chúng ta mở rộng tâm để thấy mọi-việc- như-nó-đang-là và chấp nhận mọi-việc-như- nó-đang-là. Nếu không có nền tảng cơ bản này, khi quý vị nói “đây là núi”, hay “đây là bạn tôi”, hay “đây là mặt trăng”, núi không phải là núi, bạn tôi không phải là bạn tôi, và mặt trăng không phải là chính bản thân mặt trăng. Đó là sự sai biệt giữa việc dính mắc vào điều gì đó và đường lối của Phật.

Đường lối của Phật là tham học và truyền bá về bản tánh con người, bao gồm cả việc chúng ta dại khờ ra sao, chúng ta có những ham muốn gì, những gì làm ta ưa thích và các tập khí của chúng ta. Không hề  chấp vào bất cứ điều gì, tôi cố gắng để nhớ lại cách dùng của cụm từ “rất có thể sẽ làm  gì”. Chúng ta rất có thể sẽ làm một việc nào đó, chúng ta có xu hướng sẽ làm điều đó. Đó là phương châm của tôi.

Trong khi tôi đang chuẩn bị cho bài giảng này có người hỏi tôi, “Lòng tự trọng là gì, và làm thế nào để có nó?” Tự trọng không phải là điều mà quý vị có thể cảm thấy mình có. Khi bạn cảm thấy “Mình có tự  trọng” thì nó không còn là lòng tự trọng nữa rồi. Khi bạn chỉ đơn giản đang là chính mình, không nghĩ suy hay không cố nói điều gì đó đặc biệt, chỉ nói điều trong tâm trí hay cảm giác mình đang trải nghiệm, chính lúc ấy là bạn đang tự trọng một cách hoàn toàn tự  nhiên. Khi tôi có liên quan mật thiết với tất cả quý vị và với tất cả mọi thứ, lúc đó tôi là một phần của cái toàn thể rộng lớn. Khi trong tôi nảy sinh một cảm giác nào đó, lúc ấy tôi gần như là một phần của nó, nhưng không hẳn như vậy. Khi bạn làm một việc mà không hề cảm giác đã làm việc gì, thì đó là bạn, chính bản thân bạn. Bạn hoàn toàn hòa nhập với mọi người và bạn không có ý thức về chính mình. Đó là tự trọng.

Khi bạn cảm thấy mình là một con người riêng biệt, bạn phải cố gắng tọa thiền nhiều hơn nữa. Bạn cũng biết rồi đấy, rất khó có thể ngồi mà không nghĩ suy hay không có cảm giác gì. Thường thì khi bạn không nghĩ gì hay không cảm giác gì, bạn sẽ ngủ gục mất. Nhưng không ngủ mà cũng không nghĩ, chỉ đơn giản là chính mình – đó là pháp môn của chúng ta. Khi bạn có thể làm như vậy, bạn sẽ có thể nói mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều hay có một mục đích đặc biệt nào. Khi bạn nói năng hay hành động, bạn chỉ đang thể hiện chính mình mà thôi. Đó là lòng tự trọng toàn hảo.

Quý vị cần phải nghiêm khắc với chính bản thân mình, nghiêm khắc với tập khí của mình. Mỗi người chúng ta đều có tập khí rất riêng biệt. Nhưng nếu quý vị cố gắng loại bỏ chúng, hay cố gắng để không nghe thấy tiếng suối chảy khi quý vị tọa thiền, điều này hoàn toàn bất khả. Cứ để tai quý vị nghe mà không cố gắng nghe. Cứ để tâm nghĩ tưởng mà không cố gắng nghĩ cũng không cố gắng dừng. Đó là pháp môn của chúng ta. Dần dà, quý vị sẽ phát triển một nhịp điệu, cũng có thể nói là một sức mạnh, một khả năng có được khi dụng công như vậy. Nếu quý vị chăm chỉ dụng công, quý vị sẽ như những đứa trẻ.

Lúc nãy khi chúng ta đang nói về lòng tự trọng, có một con chim đang hót ngoài vườn. Chíp-chíp-chíp. Đó chính là tự trọng. Chíp-chíp-chíp. Chẳng có nghĩa gì cả. Có thể chú ta đang hót. Có thể là không hề cố gắng suy nghĩ điều gì chú ta hót chíp-chíp-chíp. Nghe tiếng chú hót, chúng ta mỉm cười. Không thể nói rằng đó chỉ là một con chim nhỏ. Đó là điều làm chủ ngọn núi này, thế giới này. Đó chính là tự trọng.

Để có thể dụng công hằng ngày như thế này, chúng ta cần nỗ lực học tập. Khi đến chỗ này, không còn cần phải nói “cái toàn thể rộng lớn” hay “con chim” hay “vạn pháp bao gồm cái toàn thể”. Có thể chỉ là một con chim hay một ngọn núi hay một bài tụng có tên gọi Tham Đồng Khế thôi. Nếu quý vị hiểu được điều này thì không còn cần tụng Tham Đồng Khế mỗi ngày làm gì. Mặc dù chúng ta tụng theo âm Hán và phát âm kiểu Nhật, vấn đề không nằm ở chỗ âm Hán hay  kiểu Nhật. Nó chỉ là một bài thơ, một chú chim, hay là bài giảng của tôi. Đó là điều quý vị trực nghiệm một cách chắc thật.

Nó khó. Nhưng dù sao thế giới này là một nơi khó làm ăn, nên đừng lo lắng gì. Thà gặp khó khăn trong thực tập còn hơn là gặp những khó khăn lung tung xèng nào đó.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NỀN TẢNG CỦA THIỀN ĐỊNH
  2. THIỀN ĐỊNH LÀ GÌ?
  3. ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT NHƯ LÀ THIỀN ĐỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. KHÔNG CÓ GÌ LÀ ĐẶC BIỆT
  2. CHUYỂN NGHIỆP
  3. NGHIÊM TÚC TRONG TỪNG KHOẢNH KHẮC CỦA SỰ SỐNG

Bài viết mới

  1. THẦY VÀ ĐỆ TỬ
  2. QUAN SÁT TÂM, ĐIỀU PHỤC TÂM
  3. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU