MỌI PHIỀN NÃO ĐỀU DO TÂM ĐỘNG

ĐẠI SƯ TINH VÂN

Trích: Pháp Môn Hạnh Phúc - Tinh Thần; Nguyễn Phỗ dịch; NXB Lao Động, THAIHABOOKS.

Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất đời Đường suốt đời xướng xuất “tức tâm tức Phật”, Pháp Thường, đệ tử của ông đã theo câu nói ấy mà tiến sâu vào con đường giác ngộ, và sau khi giác ngộ triệt để, ông ẩn cư ở núi Đại Mai. Một hôm, Mã Tổ sai thị giả đi thăm dò Pháp Thường, thị giả nói với ông:“Pháp Thường, ông đã hiểu rõ ‘tức tâm tức Phật của thầy, nhưng gần đây thầy lại nói ‘phi tâm phi Phật!” Pháp Thường nghe xong, không hề thay đổi, nói: “Cái gì khác đó tôi không cần biết, tôi vẫn cứ tức tâm tức Phật thôi!” Thiền sư Mã Tổ nghe thị giả báo lại, vui vẻ gật đầu nói: “Trái mơ đã chín muồi thật rồi!”

Vị cao tăng đạo Phật ngày xưa nói rằng “Bóng trúc quét thềm không nổi bụi” (trúc ảnh tảo giai trần bất động), Pháp Thường đã ngộ đạo lý “tức tâm tức Phật”, ổn chắc như núi Thái Sơn, dù thầy có quay 180 độ mà nói rằng “phi tâm phi Phật” thì đối với ông đó chẳng qua cũng giống như bóng trúc gió lay chẳng dấy lên một chút bụi nào.

Một khi tâm động thì thế gian vạn vật cũng theo đó mà dấy khởi, ồn ào rối loạn, không lúc nào ngơi; một khi tâm tĩnh, cuộc sống phiêu bồng lại trở về yên ắng, tranh chấp mất tăm, phiền não tiêu trừ. Trạng thái động của tâm có muôn ngàn sai khác, đủ hình đủ vẻ, “các hạnh vô thường, mọi pháp vô ngã”, trạng thái tĩnh của tâm thì “Niết bàn tĩnh lặng”. Điều gọi là “khi tâm bất tại (tâm không tập trung) thì nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, ăn mà không biết mùi vị”, dù thế gian sai khác náo loạn thế nào, đối với người ngộ đạo thì những sai khác to lớn ấy vẫn trở về bình đẳng, những náo loạn điên đảo ấy cũng trở về tĩnh lặng.

Phật giáo thường dùng “viên ngọc trong tay” để ví dụ Bát nhã Phật tâm hoàn toàn không ở chốn cao xa, mà là mọi người ai cũng có thể nắm bắt, giống như viên ngọc nằm trong tay. Nhưng “lửa trong đá, không gõ không ra lửa”, viên đá có thể phát ra lửa, nếu không gõ lửa sẽ không phát ra; trong tâm mọi người đều có Phật tính, nhưng nếu không tu chứng thì cũng giống trong bọc có viên ngọc lớn mà không biết đem dùng thật là uổng phí vậy!

Khi Linh Mộc Đại Chuyết, người Nhật Bản, hoằng pháp Thiền tông ở châu Âu, có người hỏi ông: “Phật Thích Ca Mâu Ni rốt cuộc hy vọng điều gì ở chúng sinh?” Linh Mộc Đại Chuyết trả lời: “Phật Thích Ca Mâu Ni cuối cùng hy vọng chúng sinh là: Dứt bỏ tâm lý ỷ lại”. Tâm lý của con người thường ỷ lại người khác, tự mình không thể làm chủ, lại thường bị ngoại cảnh lôi kéo, tự mình không thể nắm giữ, đó chính là căn nguyên của mọi thứ phiền não. Làm thế nào để tâm của chúng ta mãi mãi tĩnh lặng?

Trong lòng của chúng ta thường có tâm vọng tưởng, tâm thị phi, tâm nghĩ ác, tâm ích kỷ… Tất cả những cái tâm vọng động ấy cần phải dùng cái tâm chính động để đối trị chúng. Ví như nói chúng ta cần có cái tâm biết xấu hổ (tàm quý tâm), tâm biết sám hối (sám hối tâm), luôn luôn tự phản tỉnh, tự đòi hỏi mình; cần có cái tâm hoan hỷ, tức là đối với tất cả mọi người, luôn có tâm hoan hỷ để bao dung họ. Trong cuộc sống, nếu chúng ta thường nuôi giữ cái tâm hoan hỷ thì có thể tiếp cận với Phật tâm. Cần có tâm cảm ơn, tâm tri túc (biết đủ), phải luôn luôn nghĩ “mình có thể cho người khác cái gì”, không ích kỷ vụ lợi, không nghĩ đến “người khác có thể cho mình cái gì”. Những người nói lời dọa nạt, nói lời khiêu khích ly gián, nói lời dối gạt phỉ báng, nói lời không do tự đáy lòng… những lời ấy đúng là đừng để tâm.

Trước hết cần có tâm từ bi, sau đó đi vào sự tĩnh tâm. Thế nào là tĩnh tâm? Tâm bình đẳng là tĩnh tâm, tâm rộng mở là tĩnh tâm, tâm Bồ đề là tĩnh tâm, tâm yên lặng là tĩnh tâm.

Thứ nhất, đối với tình cảm, tĩnh tâm tức là không chấp không hòa. Con người là loài chúng sinh có tình cảm, muốn dứt bỏ tình cảm không thể được, nhưng nếu cố chấp quá đáng cũng không được, cho nên chúng ta cần dùng lý trí để hướng dẫn tình cảm, cần dùng từ bi để làm trong sạch tình cảm. Tình cảm quá nhạt nhẽo thì lạnh như băng, tình cảm quá nồng nàn thì nóng như lửa, lạnh như băng, nóng như lửa đều rất khó chịu, tốt nhất là dùng con đường trung dung để giải quyết. Trí tuệ của đạo trung dung có thể thăng hoa tình cảm của chúng ta, làm cho chúng ta tiến gần đến cái tâm của trạng thái tĩnh.

Thứ hai, đối với ngũ dục, tĩnh tâm tức là không chống không tham. Năm thứ dục là chỉ tiền của, nhan sắc, danh lợi, thức ăn, ngủ nghỉ. Đối với ngũ dục, có người tham lam không chán, có người lại sợ như nước lụt, như thú dữ. Thực ra, ngũ dục không đáng sợ, “sắc không làm mê người, chỉ có người tự mê, rượu không làm say người, chỉ có người tự say”, điều đáng sợ là tâm của chúng ta không biết làm thế nào để hướng dẫn giáo hóa ngũ dục. Nếu lăn lộn trôi nổi trong bể dục, đương nhiên có thể bị nuốt chửng, nhưng con người trên thế gian cũng cần có cuộc sống ngũ dục chính đáng. Ăn quá nhiều thì quá no, ngủ quá nhiều thì trở nên hôn ám. Thế nhưng không ăn không ngủ thì khí lực không thể nào vững mạnh, sự tinh tấn không thể nào thực hiện. Cho nên, đối với cuộc sống ngũ dục chính đáng, chúng ta không chống đối nhưng không tham lam.

Thứ ba, đối với thế gian, tĩnh tâm tức là không chán không cầu. Đối với thế gian, có người đòi hỏi quá nhiều, đã có con gái còn muốn có con trai, đã có nhà lầu lại muốn có xe hơi, mong cầu càng nhiều, dục vọng càng lớn, khả năng tiêu tan cũng càng lớn, giống như trẻ con thổi bọt xà phòng, càng thổi càng lớn càng đẹp, đồng thời lại càng nguy hiểm. Cũng có người chán đời thái quá, chỉ sống thui thủi một mình, vứt bỏ, thóa mạ danh lợi, một khi bàn đến điều gì có liên quan đến tên mình thì nói: “Tôi không cần tên tuổi, cứ viết giùm tôi là vô danh đi!” Thực ra “vô danh” cũng là một loại “tên” vậy. Cho nên, đối với thế gian này không nên chán ghét cũng không nên tham cầu, mà giữ lấy tâm bình thường để an nhiên chung sống. Tâm bình thường chính là tâm ở trạng thái tĩnh nhưng vẫn hoạt bát.

Thứ tư, đối với sống chết, tĩnh tâm tức là không sợ không mê. Sống là chết, chết là sống, sống chết như cây đèn cù, nỗi buồn to lớn nhất ở trong tâm là sự chết. Mê đắm trong sinh tử, sợ hãi đối với sinh tử, thì có tâm sinh tử; có tâm sinh tử thì có chuyện sinh tử luân hồi không dứt. Con người thường bị sinh tử làm mê đắm, hay sợ hãi đối với sinh tử. Thực ra, sinh tử có gì đáng mê? Sinh tử có gì đáng sợ? Chúng ta thử nhìn tuổi trẻ ngày nay, thường bắt chước khí phách thô mãnh trong các tiểu thuyết nghĩa hiệp: “Muốn giết là giết, có gì phải sợ? Dù sao hai mươi năm sau lại vẫn là một trang hảo hán!” Nhưng đó chỉ là cái dũng của kẻ thất phu, không có ý nghĩa đích thực. Nhân sinh quan của đấng Chính giác đối với cách nhìn nhận sinh tử là vừa không mê đắm vừa không sợ hãi. Cái chết không hẳn đã là kết thúc tất cả, mà là giống như sự chuyển nhà, ngôi nhà này sụp đổ phải nghĩ cách tìm đến một ngôi nhà khác.

Tóm lại, chúng ta sống trên thế gian này, đối với tình cảm không chấp không hòa, đối với ngũ dục không chống không tham, đối với thế gian không chán không cầu, đối với sống chết không mê không sợ, như vậy, trong tĩnh tâm, chúng ta có thể sống cuộc đời trọn vẹn tốt đẹp.

Trích dẫn từ sách Thái căn đàm

Trong tâm cần có gốc mới có thể ra hoa kết trái;

Trong tâm cần có nguyện mới có thể thành tựu sự nghiệp;

Trong tâm cần có lý mới có thể đi khắp thiên hạ,

Trong tâm cần có chủ mới có thể định chỗ đều đúng;

Trong tâm cần có đức mới có thể dung nạp vạn vật;

Trong tâm cần có đạo mới có thể có được tất cả.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  2. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP
  3. GIỮ BÍ MẬT LÀ MỘT HÌNH THỨC TU DƯỠNG

Bài viết mới

  1. NẾU MỘT THẤT BẠI KHÔNG MANG TỚI CẢM GIÁC ĐAU ĐỚN, KHÓ CHỊU GÌ, NÓ SẼ BỊ LỜ ĐI
  2. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  3. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT