MỌI VIỆC BẠN LÀM ĐỀU CÓ MỤC ĐÍCH VÀ Ý NGHĨA

DAVID NIVEN

Trích: Bí mật của Hạnh Phúc; Tổng hợp và biên dịch: Nguyễn Văn Phước (M.S.) - Tâm Hằng- Phương Anh; NXB. Trẻ 2005

Cuộc sống này sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không xác định cho mình một mục đích cụ thể và không hiểu giá trị của những điều mình đang làm. Đó sẽ là kim chỉ nam cho cuộc sống của chính bạn. Bạn có thể làm việc 48h một tuần, rồi sau đó lại bận bịu với công việc gia đình cùng hàng tá những công việc không tên khác, nhưng nếu bạn không thể lý giải tại sao bạn lại làm những điều đó thì không một hoạt động nào trong hàng loạt các hoạt động này có ý nghĩa đối với bạn. Hiểu được ý nghĩa sâu xa của những gì bạn đang làm hôm nay không những ta nên động lực sáng tạo, làm cho công việc luôn đạt kết quả tốt mà còn mang đến cho bạn niềm vui, niềm hạnh phúc. Và chỉ có bạn mới biết đó là gì.

Chúng ta hãy thử nghĩ tại sao các sinh viên lại học bài trước mỗi kỳ kiểm tra? Để hoàn thành tốt các môn học. Tại sao họ lại quan tâm đến kết quả của môn học? Là vì họ muốn được nhận bằng cấp. Tại sao họ quan tâm đến việc có nhận được một tấm bằng hay không? Bởi nó sẽ giúp họ có một công việc tốt. Mặc dù công việc ấy hiện còn xa vời, nhưng nó lại chính là cơ sở cho mọi nỗ lực. Nếu không có mục đích cuối cùng thì tất cả những bước thực hiện trước đó chỉ là sự lãng phí thời gian. Sao lại phải mất công làm điều này điều nọ nếu chúng không dẫn đến một điều gì đó mà bạn quan tâm?

Còn khi bạn tốt nghiệp ra trường và đã kiếm cho mình một công việc. Mỗi sáng thức dậy, bạn thấy đầu mình nặng trĩu khi nghĩ đến công việc phải làm trong hôm nay, bạn tự nhủ giá gì hôm nay mình được ở nhà và tiếp tục giấc ngủ mà bạn còn chưa muốn tỉnh giấc. Đôi khi bạn thấy chán nản và tự hỏi tại sao mình phải làm công việc ấy.

Bạn muốn tự do đi đây đó, được ở bên người thân suốt cả ngày, bạn cần thời gian để cùng gia đình, bạn bè tham gia những chuyến dã ngoại. Và bạn thấy mình loay hoay trong những suy nghĩ ấy làm bạn không muốn đến nơi làm việc nữa hoặc bạn sẽ đến đấy với một tâm trạng chán ngán vô cùng. Những lúc như vậy, điều cần làm là hãy tự khẳng định xem mục đích công việc bạn đang làm là gì? Nó có thật sự giúp bạn tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong cuộc sống hay không? Hay chẳng qua đó chỉ là bạn đã làm việc quá sức? Đã đến lúc bạn cần nghỉ ngơi để lấy lại sinh lực cho những ngày tiếp theo.

Còn nếu công việc hiện tại thực sự là nỗi ám ảnh đối với bạn, hãy nên tìm cho mình một công việc khác – một công việc thực sự đem lại niềm đam mê mà ở đó, bạn cảm nhận được ý nghĩa và giá trị của những điều mình đang làm.

Bạn là một người thầy, mỗi ngày bạn phải lên lớp với những học sinh, sinh viên quen thuộc để truyền đạt lại những kiến thức và kinh nghiệm của mình. Công việc cứ thế lặp đi lặp lại mà chẳng có gì mới cả. Nếu bạn thực sự nghĩ như vậy thì cuộc sống hẳn là đang trôi qua và bạn đang tồn tại chứ không phải sống. Nhưng nếu để ý quan tâm đến từng học sinh, bạn sẽ khám phá sau mỗi gương mặt ẩn chứa một thế giới đang khao khát những kiến thức mới được truyền từ bạn. Và những gì bạn dạy hôm nay có thể sẽ góp phần làm cuộc sống của các học sinh ấy tốt đẹp hơn sau này. Bạn sẽ cảm nhận cuộc sống mình thật sự có ý nghĩa và tràn đầy niềm vui.

Cùng một công việc thợ hồ, những người thợ làm chỉ để nhận lương sẽ làm việc kém hiệu quả và không có được niềm vui so với những người thợ hiểu được ý nghĩa công việc bình dị mà họ đang làm. Một người làm từ thiện chỉ vì muốn nổi tiếng sẽ chẳng bao giờ có được niềm vui thực sự so với những người làm việc đó xuất phát thực sự từ trái tim, từ tình thương yêu, đồng cảm và chia sẻ với những người bất hạnh hơn mình.

– Rahman và Khaleque-

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NHỮNG CÂU NÓI HAY VỀ YÊU THƯƠNG
  2. BIẾT CHIA SẺ, GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC – BÍ MẬT CỦA MAY MẮN
  3. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. BIẾT VUI ĐÙA VÀ HÀI HƯỚC – BÍ QUYẾT CỦA THÀNH CÔNG
  2. BIẾN CÔNG VIỆC THÀNH NIỀM VUI CUỘC SỐNG
  3. KHƠI DẬY THÁI ĐỘ VÀ ĐỘNG CƠ LÀM VIỆC ĐÚNG, BẠN SẼ TÌM THẤY Ý NGHĨA VÀ SAY MÊ VỚI CÔNG VIỆC

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG