NGUYỄN THẾ ĐĂNG
Tuần báo Giác Ngộ số 563.
Mục đích chính yếu của pháp luật là bảo vệ quyền lợi của mỗi con người. Sự trừng phạt của pháp luật là trừng phạt những ai không bảo vệ, phá hoại quyền lợi của mỗi con người.
Giới luật của Phật giáo cũng như thế, tuy rộng hơn nhiều. Chỉ nhìn một phương diện, giới luật đã rộng hơn pháp luật: pháp luật thì biểu lộ nơi thân (hành động), nơi khẩu (nói năng) mới phạm luật, còn nếu cứ ở trong ý thì ‘tự do’, không phạm. Giới luật thì ở nơi ý cũng đã phạm.
Ở đây chúng ta chỉ nói đến Năm Giới, căn bản của giới luật Phật giáo, dành cho người sống ở đời lẫn người xuất gia.
1/ Có quyền và không có quyền
Mỗi người đều có quyền sống, quyền không bị làm hại, nên tôi không có quyền giết hại người khác.
Mỗi người đều có quyền sở hữu và sử dụng tài sản kiếm được một cách hợp pháp, cho nên tôi không có quyền trộm cướp tài sản của người khác.
Mỗi người đều có quyền yêu và được yêu, cả tinh thần lẫn thể xác, với vợ hay chồng của mình, do đó tôi không có quyền tà dâm với chồng hay vợ của người khác.
Mỗi người đều có quyền biết và sống theo sự thật, cho nên tôi không có quyền nói dối.
Mỗi người đều có quyền không bị quấy rầy bởi sự say sưa mất tự chủ của người khác, nên tôi không có quyền uống rượu, dùng chất kích thích để say sưa mất tự chủ.
Sự có quyền chính đáng của người khác nghĩa là sự không có quyền làm điều không chính đáng của tôi. Chính đây là miếng đất để sự bất hại, sự tôn trọng, lòng yêu công bằng, lòng từ bi…của tôi nảy nở. Chính sự không có quyền này nâng cao nhân cách của tôi, khiến tôi càng ngày càng hoàn thiện được mình, phong phú hóa con người mình.
2/ Không có quyền và có quyền
Tôi không có quyền giết hại một người nào tức là tôi có quyền ‘không giết hại’ với tất cả mọi người. Tôi không có quyền trộm cướp của một người nào tức là tôi có quyền ‘không trộm cướp’ với tất cả mọi người.
Tôi không có quyền lái xe ẩu gây thương tích cho một vài người nào đó tức là tôi có quyền không gây thương tích cho mọi người trong thành phố này. Tôi không có quyền đi xe xả khói, không có quyền bóp còi inh ỏi, tức là tôi có quyền bảo vệ môi trường của tất cả thành phố này. Sự có quyền ‘không làm điều xấu’ của tôi chính là sự tự do của tôi.
Sự không có quyền (làm điều xấu) của tôi thì quá nhỏ so với sự có quyền (làm điều tốt) của tôi thì quá lớn. Sự tự do làm xấu của tôi thì quá nhỏ so với sự tự do làm tốt của tôi thì quá lớn. Sự không có quyền của tôi thì quá nhỏ, vì sự không có quyền ấy chỉ là sự giới hạn, sự không nên làm của một cái tôi nhỏ hẹp trong xã hội rộng lớn. Trái lại sự có quyền của tôi thì quá lớn, vì sự có quyền của tôi có môi trường là toàn bộ xã hội con người, toàn bộ thiên nhiên. Và sự có quyền này đem lại lợi ích cho chính tôi và cho mọi người chung quanh, cho thiên nhiên chung quanh.
Chính sự có quyền này làm tôi thêm hòa hợp với con người và với thế giới. Sự có quyền này làm tôi mở rộng thêm cái tôi vốn bình thường nhỏ hẹp của tôi. Sự có quyền (làm tốt) của tôi đối với tất cả mọi người và đối với toàn bộ vũ trụ làm tôi mở rộng con người mình đến mức độ nhân loại, chúng sanh, vũ trụ.
Năm Giới đưa chúng ta đến tự do và giải thoát. Năm giới là quyền lợi của mỗi con người, quyền lợi ấy mở ra cho mỗi người quyền lợi tối hậu: tự do và giải thoát.
3/ Nghe, tư duy và thực hành Năm giới
Khi giữ giới là chúng ta có tự do ngay.
Hôm nay tôi nguyện không giết hại bất cứ một sinh vật nào. Như thế nghĩa là tôi tự do không giết hại tất cả mọi sinh vật. Đối tượng của Năm Giới – tất cả chúng sanh – càng lớn thì tự do của tôi càng lớn. Trong sự tương tác của tôi với chúng sanh, chính chúng sanh ban cho tôi sự tự do rộng lớn ấy.
Giới là cái học căn bản trong ba sự học Giới Định Huệ của Phật giáo. Cái học đó phải có trình tự Nghe (văn), Tư duy (tư) và Thực hành (tu). Chỉ mới tư duy sơ lược về Năm Giới, nhưng chân trời của đời sống đã mở ra trước mắt chúng ta.
Chúng ta cần nghe, tư duy và thực hành Năm Giới. Nghe tư duy và thực hành Năm Giới suốt đời, thì mỗi ngày mỗi ngày những chân trời mới của đời sống sẽ mở ra trước mắt chúng ta. Những chân trời mới ấy là khoảng trời của tự do, an vui và hạnh phúc.
Năm Giới, trong ý nghĩa trọn vẹn của nó, nghĩa là có sự hỗ trợ để làm sâu rộng thêm của Định và Huệ, chính là tất cả ý nghĩa cuộc đời.