NẮM GIỮ CHIẾC CHÌA KHÓA CỦA VẤN ĐỀ

BEOP SANG

Trích: Ngày hôm nay mang tên hạnh phúc; Anh Vũ dịch; Công ty Cổ phẩn Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội

Thỉnh thoảng có một số tín đồ nói rằng vấn đề mà họ gặp phải được tháo gỡ sau khi nghe sư thầy tư vấn. Nhưng họ cũng nói rằng có một điều đặc biệt là sư thấy dường như không cho họ một đáp án cụ thể nào. Cũng từ đó nhiều việc nếu suy nghĩ theo cách thông thường sẽ không thể hiểu được thường xuyên xảy ra, ví dụ như việc một người đang bị bệnh đã có những chuyển biển tích cực sau khi gặp sư thầy.

Điều đó liệu có khả năng xảy ra hay không? Câu trả lời là có. Sự khác nhau giữa nhà sư và một nhà tư vấn tâm lý bình thường nằm ở đây. Những người tư vấn thường coi vấn đề của người đến nghe tư vấn là vấn đề của người ngoài và chỉ cho họ biết cần phải chữa trị như thế nào, nhưng ngược lại, người tu hành không coi vấn đề mà đối phương gặp phải là vấn đề của người ngoài mà coi nó là vấn đề của bản thân. Giữa ta và đối phương luôn có mối liên hệ mật thiết bởi một quy tắc gọi là pháp duyên khởi, kể từ giây phút ta gặp người thì vấn đề đó đã trở thành vấn đề của cả ta và người.

Khi tư vấn rắc rối cho người khác, chúng ta thường nghĩ trong đầu rằng đó là “lỗi của anh”, “vấn đề của anh”. Vì đó là “vấn đề của anh” nên tôi chỉ có nhiệm vụ tư vấn. Tuy nhiên, thực ra, đó vừa là vấn đề của anh nhưng đồng thời cũng là “vấn đề của tôi”. Nếu trong ta không tồn tại một vấn đề nào đó thì người ta đã không mang vấn đề đó đến hỏi ta. Vấn đề mà người đó đến cho ta bỗng trở thành bài toán mà ta phải giải quyết cùng với người đó. Vì sao lại như vậy? Bởi vì mọi việc trên thế gian này đều có mối liên hệ với nhau. Giữa hàng vạn người tại sao người đó cứ phải tìm đến ta để nghe tư vấn? Bởi vì họ có cùng nghiệp và duyên với ta. Một tư vấn viên giỏi tháo gỡ khúc mắc cho đối phương thực chất cũng là đang loại bỏ nghiệp cho chính họ. Họ giải quyết vấn đề cho đối phương cũng có nghĩa đang giải quyết vấn đề cho chính họ.

Vì vậy, người tu hành, khi tư vấn, không quan sát đối phương mà ngược lại, quan sát con người bên trong của chính mình. Vấn đề gì, nghiệp chướng gì trong ta đã khiến cho đối phương mang theo nỗi băn khoăn của họ đến với ta. Tất nhiên người ta sẽ không thế tìm ra câu trả lời hoàn hảo. Bởi vì nguyên nhân không chỉ có một hoặc hai, vô vàn nghiệp chướng tích tụ từ không chỉ một hay hai mà rất nhiều kiếp ràng buộc phức tạp mà thành. Nhìn rộng ra thì nó có mối liên kết với toàn vũ trụ.

Làm sao chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường vô số những sợi dây liên kết nhân quả như vậy? Chúng ta, những người bình thường, chỉ có thể nhận thức được 15 bit trong khoảng 15 triệu bit thông tin đang diễn ra ngay lúc này thì làm sao có thể biết được hàng trăm triệu loại nghiệp và nhân quả trong cuộc đời. Điều đó chỉ có Phật và thần thánh mới biết.

Tuy nhiên, đó là cái gì không quan trọng mà điều quan trọng là mọi nguyên nhân đều xuất phát từ chính con người ta. Vì vậy, nếu xóa bỏ và làm biến mất mọi nguyên nhân xuất phát từ chính con người ta thì nghiệp chung giữa ta và đối phương sẽ tan biến, đồng thời vấn đề của đối phương cũng sẽ được giải quyết.

Đây chính là bí mật của ý thức Phật giáo hay của chúc nguyện được thực hiện trong pháp hội. Khi nhà sư nói rằng sẽ cầu nguyện cho ta thì vấn đề của ta sẽ được giải quyết sao? Biện pháp trực tiếp và nhanh nhất là chính ta tự tay gột rửa tâm mình. Tuy nhiên, nếu sự thầy có mối nhân duyên với ta trút nhẹ lòng, gọi tên ta với một tinh thần hoàn toàn tỉnh táo và cầu nguyện cho ta thì sức mạnh đó sẽ làm lay động pháp giới và khiến cho nghiệp trong ta biến đổi.

Tất nhiên, việc này không chỉ xảy ra với người tu hành mà có thể xảy ra với tất cả mọi người. Thực tế cho thấy sức mạnh từ sự cầu nguyện đã tạo nên vô vàn kỳ tích.

Điều này có nghĩa rằng mọi sự việc và khó khăn chúng ta gặp phải hoàn toàn là vấn đề và trách nhiệm của ta. Do vậy, không hề có chuyện lỗi là do đối phương. Cũng đừng cố gắng thay đổi đối phương. Có như vậy bản chất trong mỗi con người luôn cho rằng mọi vấn đề hay lỗi lầm là của đối phương và mong đối phương thay đổi mới biến mất.

Khi ta nhận ra “vấn đề của ta”, “trách nhiệm của ta” là thứ phản ảnh con người bên trong và quay lại với chính con người thật của mình thì lúc đó ta chính thức bắt đầu đi tìm chiếc chìa khóa của vấn đề. Khi ta quan sát bản thân và thanh tẩy con người bên trong thì một vấn đề của đối phương có mối liên quan với ta và mọi cảnh giới bên ngoài ta cũng bắt đầu được thanh lọc.

Đừng đứng ngoài vấn đề. Nội việc ta nhận thức được vấn đề đó thôi cũng đủ để biến nó thành vấn đề của ta, việc của ta. Hãy giải quyết vấn đề đó ở bên trong con người ta. Ta có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề của thế giới này ở bên trong con người mình. Các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, gia đình đều là “vấn đề” của ta xuất hiện từ bên trong con người ta. Nếu vấn đề của ta được giải quyết thì thế giới mà ta đang sống sẽ trở nên thanh tịnh hơn. Bởi thế mới có một câu nói kinh điển rằng: Nếu tâm ta thanh tịnh thì đất nước cũng trở nên thanh tịnh. Phật giáo Nguyên thủy gọi phần nội tại bên trong con người là lục căn, những thứ bên ngoài là lục trần nhưng cả hai suy cho cùng chỉ là sự nhầm lẫn viển vông xảy ra bên trong con người, còn thực tế không phải vậy. Do đó, nếu chúng ta loại bỏ được sự nhầm lẫn viển vông này thì ta và thế giới mà ta đang sống sẽ trở nên trống rỗng và tất cả sẽ quay về với sự hoàn thiện vốn có thuở ban đầu. Bởi vì ta và thế giới không phải là hai thứ tách biệt nên nếu muốn giải quyết vấn đề của thế giới thì phải thay đổi con người bên trong ta.

Đôi khi các nhà hoạt động xã hội ôm mong cải cách xã hội đã vận động đổi mới đất nước và thời đại đang bị vấy bẩn bởi những bất chính, hủ bại và lòng tham mà hoàn toàn xem nhẹ việc phải thay đổi chính bản thân mình. Thế rồi khi vấp phải hiện thực rằng xã hội này không hề biến đổi, thì cơ thể họ mang bệnh, tâm hồn họ bị vấy bẩn bởi sự hận thù và căm ghét. Việc thay đổi xã hội cũng quan trọng nhưng việc cần ưu tiên giải quyết hơn là phải làm chủ được chính bản thân mình.

Nếu ta thay đổi thì thế giới mà ta thuộc về cũng thay đổi. Bởi vì thế giới đã sớm thức tỉnh. Thế giới này luôn thanh tịnh bởi sự hiện diện của Phật pháp. Chỉ có điều tâm hồn ta bị vẩn đục nên thế giới mà ta nhìn qua lăng kính tâm hồn ấy mới trở nên vẩn đục mà thôi.

Có câu nói rằng ngay từ đầu thế giới này đã luôn thức tỉnh. Cũng có câu nói rằng nếu nhìn bằng con mắt của Phật thì không có chúng sinh nào cần đặc biệt loại trừ. Giây phút mà ta giác ngộ cũng là giây phút vũ trụ này cũng giác ngộ. Giây phút mà ta gột sạch và loại bỏ nghiệp chướng cũng là giây phút vũ trụ này thoát ra khỏi sự tối tăm. Hãy luôn coi mọi vấn đề là của mình và đừng lười biếng trong việc làm sạch bản thân.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THIỀN ĐỊNH – KHAI THÔNG SỨC MẠNH CỦA TÂM THỨC
  2. THIỀN VỀ BẢN TÍNH CỦA TÂM
  3. NÓI VỀ THIỀN VÀ TỊNH

Bài viết khác của tác giả

  1. BA ĐIỀU TRONG TÂM ĐỂ SÁNG TẠO NÊN THẾ GIỚI
  2. Ở ĐÂY, NGAY BÂY GIỜ, HÃY HẠNH PHÚC
  3. NIỀM VUI TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP