JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: Giáo Dục Và Ý Nghĩa Cuộc Sống; Đinh Hồng Phúc dịch; NXB Hồng Đức.
Hầu hết chúng ta đều đang cố gắng đào thoát khỏi chính mình, và vì nghệ thuật cung cấp cho ta phương tiện thích hợp và dễ dàng để làm việc đó, nó trở nên có ý nghĩa quan trọng trong cuộc sống. Với mong muốn lãng quên chính mình, người thì đến với nghệ thuật, kẻ thì đến với rượu chè, còn những người khác thì đi theo các học thuyết tôn giáo hư ảo, huyễn hoặc.
Khi chúng ta sử dụng cái gì đó, dù có ý thức hay không có ý thức, để thoát khỏi chính mình, chúng ta lại đâm ra nghiện ngập nó. Phụ thuộc vào một người, một bài thơ hay những gì bạn muốn, như là một phương tiện để giải thoát mình khỏi những mối lo lắng và băn khoăn, dù tạm thời nguôi ngoai, chỉ làm nảy sinh thêm xung đột và mâu thuẫn trong cuộc sống mà thôi.
Trạng thái sáng tạo không hiện hữu ở nơi có xung đột, và do đó loại giáo dục đúng đắn nên giúp cá nhân đối diện với các vấn đề của mình và không ca ngợi những phương cách tránh né; nó nên giúp anh ta hiểu rõ và loại bỏ sự xung đột, bởi lẽ chỉ khi đó anh ta mới có thể đạt được trạng thái sáng tạo. Nghệ thuật thoát ly khỏi cuộc sống thì không có ý nghĩa gì cả.
Khi nghệ thuật tách ra khỏi đời sống hằng ngày, khi có sự cách biệt giữa đời sống và những nỗ lực của ta trên tấm voan vẽ, trên phiến đá cẩm thạch hay trong ngôn từ, thì nghệ thuật lại trở thành sự biểu hiện của cái ham muốn nông nỗi, tức là muốn thoát khỏi cái hiện thực mình đang sống. Lấp đi sự cách biệt này là rất khó, nhất là đối với những ai có tài năng hay giỏi về kỹ thuật, nhưng chỉ khi nào hố sâu cách biệt ấy được lấp đi thì cuộc sống của chúng ta mới trở nên toàn diện và nghệ thuật mới trở thành sự biểu hiện toàn diện của chính chúng ta.
Tâm trí có sức mạnh sinh ra những ảo tưởng, nếu không hiểu rõ những phương cách tạo tác của nó mà chạy theo cảm hứng thì có khác nào mời gọi mình tự lừa dối mình đâu. Cảm hứng đến khi ta cởi mở với nó, chứ không phải khi ta ve vãn nó. Có gắng có được cảm hứng bằng bất cứ hình thức kích thích nào chỉ dẫn đến những thứ hoang đường mà thôi.
Trừ phi ta có ý thức về ý nghĩa của sự hiện hữu, không thì năng lực hay tài năng chỉ càng củng cố thêm cho cái tôi và những thèm khát của nó. Tài năng có xu hướng làm cho cá nhân cảm thấy mình là cái rốn của vũ trụ, và do đó tự tách mình ra, anh ta cảm thấy mình là duy nhất, là đỉnh cao muôn trượng không ai sánh bằng, tất cả những điều đó là mảnh đất dung dưỡng cho cái ác và không ngừng gây ra xung đột, khổ đau. Cái tôi là một mớ gồm nhiều thực thể, thực thể này lại đối lập với những thực thể còn lại. Nó là bãi chiến trường của những ham muốn xung đột với nhau, tâm điểm của cuộc đấu tranh thường trực giữa cái “của tôi” và cái “không phải của tôi” ; và bao lâu chúng ta còn đề cao bản ngã, cái “tôi” và cái “của tôi” thì sự xung đột trong bản thân chúng ta và trong thế giới vẫn sẽ gia tăng.
Người nghệ sĩ đích thực là người vượt ra khỏi sự hão huyền của cái tôi và những tham vọng của nó. Có năng lực diễn tả tài tình, thế nhưng lại bị trói buộc trong những phương cách thế nhân phàm tục, nên đã để cuộc đời vướng lụy vào những mối xung đột và mâu thuẫn. Sự ca ngợi hay nịnh bợ, một khi đã xâm nhập vào con tim, chúng sẽ thổi cái tôi lên và theo đó hủy hoại khả năng tiếp thu; và thói sùng bái sự thành công, trong bất cứ lĩnh vực nào, rõ ràng sẽ gây hại cho trí tuệ.
Bất cứ xu hướng hay tài năng nào mà gây ra tình trạng tự cô lập, bất cứ hình thức tự đồng hóa nào, dù hứng thú đến đâu, cũng đều bóp méo sự tinh nhạy và tạo ra sự vô cảm. Độ tinh nhạy bị tê liệt khi tài năng trở thành cái gì đó riêng tư, tức là khi chúng ta đề cao cái “tôi” và cái “của tôi” – tôi vẽ, tôi viết, tôi sáng chế. Chỉ khi nào chúng ta ý thức về sự vận động của tư tưởng và tình cảm của chúng ta trong mối tương quan giữa cá nhân mình với người khác, với các sự vật và với thế giới tự nhiên, thì tinh thần của chúng ta mới cởi mở, linh hoạt, không bị trói buộc vào nhu cầu tự vệ hay theo đuổi; và chỉ khi đó chúng ta mới nhạy bén trước cái xấu và cái đẹp mà không bị bản ngã gây trở ngại.