NGỪNG LẠI TRONG THẾ GIỚI VẬT CHẤT – ĐIỀM TĨNH TRONG BẬN RỘN

MARC LESSER

Trích: Điềm Tĩnh Trong Bận Rộn - ít hơn hiệu quả hơn; dịch giả: Thu Hương; NXB Thanh Niên

Vào một buổi trưa nọ, tại một công ty công nghệ lớn, tôi đi cùng một kĩ sư cấp cao tên là Robert. Chúng tôi rời khỏi khu đỗ xe, đi thẳng tới một tòa nhà trong trụ sở công ty. Mặt trời rực rỡ trên đầu và những cây keo nở rộ một màu vàng. Tay trái tôi cầm cuốn sổ ghi chép chủ đề của buổi huấn luyện hôm đó: lập kế hoạch chiến lược, lãnh đạo đội ngũ, những điều cần chú ý về ngân sách trong quý tới. Chúng tôi cũng bàn về cách để cải thiện khả năng lãnh đạo trong dài hạn của Robert. Tay phải tôi ôm hai tấm nệm đen để ngồi Thiền còn Robert giữ dây xích chú chó to lớn và hiếu động của mình, Molly.

Robert quét thẻ nhân viên qua một chiếc máy đặt cạnh cửa ra vào, và hai chúng tôi, hai tấm nệm Thiền và chú chó đi qua khu vực kiểm tra an ninh. Khi lên cầu thang tới phòng họp trên tầng hai, chúng tôi nhận được những ánh nhìn tò mò và kinh ngạc – không phải bởi chú chó mà bởi những tấm nệm. Thú cưng không phải là điều kì lạ ở đây, nhưng các cuộc họp kinh doanh thường không bắt đầu bằng việc ngồi Thiền. Robert đóng cánh cửa căn phòng kín, rồi anh và tôi bắt đầu buổi huấn luyện kĩ năng quản lí hằng tuần bằng 20 phút ngồi Thiền. Chúng tôi ngồi trên tấm nệm đen bọc vải cotton, hít thở sâu, tập trung để hiện diện trong hiện tại, cho tâm trí và trái tim mình rộng mở. Kể cả chú chó cũng ngồi im lặng.

Khi tôi lần đầu tiên gợi ý bắt đầu buổi huấn luyện bằng việc ngồi Thiền, Robert, cũng như hầu hết mọi người, phản ứng với thái độ hoài nghi. Anh cảm thấy trong một ngày làm việc thông thường bận rộn đến điên cuồng, mình không thể có 20 phút để ngồi xuống và Thiền được. Và thậm chí là nếu có, anh cũng không thể không cho rằng việc đó chỉ “lãng phí thời gian”. Bên cạnh đó, ban đầu anh cũng tự đánh giá bản thân và cảm thấy hơi kì cục khi làm việc này tại văn phòng, vì anh biết đồng nghiệp của mình sẽ có những phản ứng khác nhau, từ cảm thấy thú vị đến phản đối.

Bây giờ, Robert nhận ra rằng dành 20 phút ngồi yên lặng – kể cả trong một ngày cực kì bận rộn tại trụ sở một công ty tăng trưởng nhanh – giúp nâng cao sự tập trung, khả năng thấu hiểu và năng suất tổng thể của mình. Việc này giúp anh bình thản, tỉnh táo và lấy lại sự điềm tĩnh giữa những thử thách trong công việc và cuộc sống cá nhân. Những ích lợi hữu hình và vô hình này vượt xa bất kì phí tổn nào phát sinh từ khoảng thời gian dừng làm việc này.

Thêm vào đó, tôi đưa Thiền vào những buổi huấn luyện vì một lí do cụ thể. Khi chúng tôi bắt đầu làm việc với nhau, Robert cảm thấy mình thiếu những kĩ năng điều hành cần thiết để quản lí một nhóm (anh được đào tạo để trở thành một kĩ sư phần mềm), và khía cạnh này trong vai trò điều hành mới dần trở thành một cơn ác mộng. Ngoài ra, nói chung anh cảm thấy bị quá tải và kiệt sức bởi cường độ căng thẳng và cảm giác như vỡ vụn sau những ngày làm việc kéo dài 12 – 14 giờ. Sau vài tháng huấn luyện cùng tôi, tập trung làm ít hơn – nghĩa là không còn chuyện làm việc điên cuồng nữa – cùng với việc Thiền hằng ngày, nâng cao sự tập trung và tiếp thu các chiến lược để phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn với nhóm, Robert đã đạt được một vài kết quả sau:

– Năng suất tổng thể của nhóm tăng ngoạn mục, số lượng sản phẩm thành công và sản phẩm mới ra mắt tăng 30%.

– Từ chán nản, lo lắng và không muốn cố gắng, nay anh cảm thấy luôn sẵn sàng và hào hứng trong công việc. Anh được cất nhắc lên vị trí kĩ sư cấp cao và quan trọng nhất là hiện giờ anh cảm thấy mình có thể đảm nhiệm được những yêu cầu của vị trí mới này.

– Số lượng thành viên nhóm tăng thêm 25%. Robert cảm thấy việc quản lí nhân viên dễ dàng hơn nhiều và sẵn sàng nhận thêm những dự án mới.

Đương nhiên, đây không phải là cái kết của câu chuyện công việc và cuộc sống của Robert phức tạp; và với mỗi thành công, những vấn đề và thách thức mới sẽ xuất hiện. Nhưng trải nghiệm của Robert là ví dụ cho một trong những trích dẫn ưa thích của tôi từ Thiền sư Shunryu Suzuki. Đó là dù những mong ước, so sánh và phàn nàn của chúng ta là gì, theo một cách sâu sắc và uyên thâm thì “chúng ta đều có vừa đủ những vấn đề” Thách thức, hay thực ra cũng chính là cơ hội, là phát triển sự linh hoạt và khả năng đối phó để có thể giải quyết trọn vẹn, đón nhận và trân trọng những “vấn đề” đó.

Bài viết này đã đóng bình luận.


Bài viết khác của tác giả

  1. BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC: THÓI QUEN
  2. QUY TRÌNH BỐN BƯỚC CHO SỰ SÁNG TẠO TRUYỀN CẢM HỨNG
  3. THIỀN SƯ VÀ NHÀ LÃNH ĐẠO KINH DOANH

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH