NGƯỜI HẾT MỰC VỊ THA

HH. DALAI LAMA XIV

VICTOR CHAN

Trích: Trí Huệ Của Sự Tha Thứ; Nguyên tác: The Wisdom of Forgiveness; Người dịch: Phạm Quốc Anh; NXB. Thế giới; Công ty CPVH Sách Sài Gòn, 2022

Các hoạt động trong hội thảo 100 năm giải Nobel diễn ra hết sức sôi nổi tại Oslo. Tôi đang ngồi tại sảnh chờ trên tầng lửng của khách sạn Holmenkollen cổ kính, trong khi chờ đợi đồ uống với Gyari Rinpoche, đại diện ngoại giao của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Mọi người ở sảnh chờ có vẻ hết sức tất bật. Tôi nhìn thấy Elie Wiesel – nhà văn viết về thảm họa diệt chủng người Do Thái kiêm chủ nhân giải Nobel Hòa Bình năm 1986 đang trò chuyện hăng say với một người bạn, hoàn toàn không để ý gì đến sự ồn ào náo nhiệt xung quanh ông. Một người đoạt giải Nobel khác, Jose Ramos-Hortas đến từ Đông Timor, đang ngồi ở bàn kế bên. Ông đang được một vài nhà báo phỏng vấn.

Từ chỗ tôi ngồi có thể nhìn thấy toàn cảnh sảnh khách sạn phía dưới. Những chiếc máy phát hiện kim loại tối tân được đặt ngay lối vào. Sáu nhân viên cảnh sát người Na Uy, trông hết sức phong độ trong bộ cảnh phục vừa vặn, đang kiểm tra tất cả những người bước vào sảnh. Song song với việc tổ chức các hoạt động chào mừng, Oslo triển khai các biện pháp an ninh hệt như thời chiến. Trên đường tới khách sạn Holmenkollen, tôi bắt gặp vài tay súng thiện xạ thuộc lực lượng cảnh sát đang túc trực tại những vị trí quan trọng trên mái nhà. Trông họ khá dễ nhận ra bởi bộ quân phục đặc biệt. Hai chiếc máy bay phản lực chiến đấu F-16 luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ. Trong vài ngày tới, quân đội sẽ tạm thời siết chặt quy định cấm không vận trên vùng trời Oslo.

Lodi Gyari tới trễ mười lăm phút và trông có vẻ hơi bực bội. Ông vừa rời khỏi cuộc gặp mặt giữa Đức Đạt Lai Lạt Ma và Richard Holbrooke diễn ra trong phòng khách sạn của nhà lãnh đạo Tây Tạng. Holbrooke là nhà ngoại giao người Mỹ đã trực tiếp đàm phán Hiệp định hòa bình Balkan vào năm 1995. Ông cũng có mặt tại đây để tham dự dịp lễ này. Như thường lệ, Gyari mặc một bộ đồ vest hết sức trang nhã, có lẽ được may tại Savile Row. Với gương mặt tròn và dáng người chắc nịch, ở ông hiện lên vẻ lịch thiệp không lẫn vào đâu được của một doanh nhân châu Á thành đạt.

Lodi Gyari, cùng với Tenzin Geyche Tethong, là một trong những vị cố vấn thân tín nhất của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Có thể nói Lodi Gyari là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất trong vấn đề về Tây Tạng tại các nước phương Tây, có lẽ chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tôi muốn lượm lặt thêm thông tin về nhà lãnh đạo Tây Tạng từ Lodi Gyari – người thân tín của Ngài trong suốt bốn thập kỷ qua.

Tôi hỏi ông: “Ông có cảm nhận gì khi làm việc cho Đức Đạt Lai Lạt Ma?”.

“Mọi người đều biết rằng Đức Đạt Ma là một người có đầy lòng từ bi”, Gyari đáp. “Nhưng đồng thời Ngài cũng có một ý chí sắt đá. Những người làm việc thân cận với Ngài sẽ biết điều này. Đó là điều khiến những người như tôi bị cuốn hút”.

“Đó là sức mạnh của Ngài”, tôi nói.

“Phải rồi, rõ ràng lòng thương cảm của Ngài bao trùm lên tất cả. Nhưng thành thật mà nói, Ngài không phải là một cấp trên dễ tính. Cách Ngài đánh giá anh thật vô cùng đặc biệt. Tôi rất thận trọng vì biết rằng mình đang làm việc cho một người có những lý tưởng hết sức cao đẹp. Điều này rất hữu ích bởi nó giúp tôi biết kiềm chế. Tôi sẽ không đi quá những giới hạn nhất định trong cách làm việc của mình.”

“Để tôi kể anh nghe điều này về cuộc biểu tình tại Thiên An Môn”, Lodi Gyari nói. “Khi ấy tôi đang là cố vấn ngoại giao cho Ngài. Tại thời điểm đó, dù con đường vẫn còn chông gai, nhưng chúng tôi sắp sửa bước vào quá trình đối thoại với chính phủ Trung Quốc. Yang Minfu đương thời là người đứng đầu Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, và chúng tôi đã tái kết nối được với nhau. Hai bên đã đạt được thỏa thuận chung cho một cuộc gặp mặt sơ bộ tại Hồng Kông để làm tiền đề xác định địa điểm và thời gian cụ thể cho phiên đàm phán.”

Tôi biết rằng với Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người dân Tây Tạng đang sống cảnh lưu đày, không gì quan trọng hơn là chứng tỏ thiện chí với chính phủ Trung Quốc trên bàn đàm phán. Tất cả những gì họ đã làm trong suốt bốn thập kỷ vừa qua là để chuẩn bị cho mục tiêu này. Ý kiến đồng thuận giữa đa số người dân Tây Tạng cho rằng xây dựng một mối quan hệ ngoại giao chân thành với Trung Quốc là cách duy nhất để duy trì đời sống của người Tây Tạng và giúp đất nước của họ thoát khỏi làn sóng người Trung Quốc nhập cư ồ ạt. Thế nhưng bất chấp ảnh hưởng đạo đức tuyệt vời của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chính phủ Trung Hoa hiếm khi cho thấy họ sẵn sàng đàm phán.

Gyari kể tiếp, “Tôi đang tất bật chuẩn bị cho sự kiện này thì cuộc biểu tình tại Thiên An Môn nổ ra. Tôi còn nhớ như in, khi ấy tôi đang ở nhà tại Dharamsala thì tài xế của Thánh Đức tới và đón tôi đi. Tôi bị triệu tập tới khu phức hợp ngay lập tức. Tôi nhanh chóng khoác chiếc áo choàng truyền thống Tây Tạng lên người. Người tài xế được chỉ dẫn đưa tôi tới tịnh thất của Đức Đạt Lai Lạt Ma thay vì tới văn phòng. Khi tới nơi, Tenzin Geyche đã đứng đó đợi sẵn. Hai người chúng tôi bước thẳng vào phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma”.

“Từ trước tới giờ, chưa khi nào tôi thấy Thánh Đức bồn chồn như lúc đó. Trông Ngài giống như Napoleon. Ngài không ngoái lại khi chúng tôi bước vào, hai tay Ngài đang nắm chặt và chắp lại sau lưng. Ngài đang suy nghĩ lung lắm. Ngài bỏ qua phép chào hỏi thường lệ và ngay lập tức hỏi chúng tôi: Các anh đã thấy chưa? Đã thấy chưa?”

“Tất nhiên là chúng tôi đã thấy rồi. Trên tivi không còn tin tức nào khác cả, và chúng tôi biết Ngài muốn nhắc đến chuyện gì. Vậy nên chúng tôi trả lời rằng mình đã biết rồi, Ngài nói: Hai anh lập tức soạn thảo một thông điệp mà tôi muốn gửi đi như sau: Lên án mạnh mẽ chính phủ Trung Quốc và chính sách đàn áp chính người dân của họ, cũng như sự ủng hộ vô điều kiện của tôi với những thanh niên tại Quảng Trường.

“Trong tôi lập tức trỗi dậy một ý nghĩ ích kỷ: “Trời ơi, việc này sẽ phá hỏng mọi cơ hội đàm phán, là điều mà chúng ta đã phải cố gắng vất vả suốt bao nhiêu năm trời!” Thánh Đức quay lại, đọc được ngôn ngữ cơ thể của tôi ngay tức khắc và lớn giọng hỏi: “Chuyện gì chứ?” Tôi nói: “Thưa Thánh Đức, hẳn Ngài cũng hiểu rằng điều này sẽ đẩy lùi cơ hội đàm phán, có thể là sẽ rất lâu nữa”. Tôi cảm thấy rằng Ngài ghi nhận ý kiến của mình, và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi tôi đã nghĩ có lẽ Ngài sẽ thay đổi cách tiếp cận. Nhưng rồi Ngài quay đi. Tôi cảm nhận được một luồng năng lượng mãnh liệt, như phát ra từ một con hổ vậy. Ngài cất tiếng: Quả đúng là như vậy, anh nói rất có lý. Nhưng nếu không lên tiếng vào lúc này, tôi không còn tư cách gì để nói về tự do và dân chủ nữa. Những thanh niên ấy đang yêu cầu chính những thứ mà chúng ta cũng đang yêu cầu, không hơn, không kém. Và nếu như tôi không lên tiếng vì họ – Gyari ngập ngừng như lục tìm lại ngôn từ chính xác trong ký ức của mình – “tôi sẽ mãi hổ thẹn khi nói về tự do và dân chủ”.

Gyari chìm vào im lặng. Như một thói quen, tôi cố giữ nét mặt mình không thay đổi. Nhưng điều này thật quá khó khăn. Tôi thực sự xúc động bởi cách phản ứng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Ngài đã quyết tâm đặt sự bình an của sinh viên học sinh Trung Quốc lên trước hy vọng của người dân nước mình. Tôi nhìn đi nơi khác. Tiếng cười nói rì rầm của đám đông trong sảnh chờ vẫn vang lên đều đều, không thay đổi.

“Tôi hết mực kính trọng Thánh Đức”, Gyari tiếp tục. “Tôi cũng cảm thấy mình thật nhỏ bé, thật ích kỷ. Quả thực, khi nghĩ lại, tôi đã đúng khi nói rằng lập trường của Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ dập tắt cơ hội đàm phán. Đặng Tiểu Bình chưa bao giờ tha thứ cho Ngài. Sau này chúng tôi được biết ông ta cảm thấy mình bị xúc phạm. Nhưng chính những sự kiện như vậy lại càng khiến tôi cảm thấy tự hào được phục vụ Thánh Đức, bởi Ngài thật chân thành. Ngài tin vào những điều mình rao giảng, và hành động đúng theo những lời ấy.”

Lodi Gyari và tôi trò chuyện trong sảnh chờ sang trọng của khách sạn Holmenkollen tới hơn một tiếng đồng hồ. Gyari là một người kể chuyện rất lôi cuốn, và tôi nghe như nuốt trọn từng lời ông nói. Có những tiếng ồn ào trong sảnh tiếp đón phía dưới. Hai người chúng tôi ngó qua thanh vịn và thấy Đức Tổng Giám Mục Desmond Tutu mới tới khách sạn. Trông rực rỡ trong tấm áo choàng đỏ tươi, vị khách Nam Phi đang cười ngoác miệng và lan tỏa một nguồn năng lượng thân thiện dồi dào.

Khi đặt lưng ngồi lại xuống ghế, Gyari tiếp tục câu chuyện của mình. “Thánh Đức lần đầu tới thăm châu Âu là vào năm 1973”, ông kể. “Khi ấy tôi còn rất trẻ, vô cùng hoạt bát. Kết thúc nửa hành trình trong chuyến đi sáu tuần, chúng tôi đặt chân tới Thụy Sỹ. Thánh Đức nghỉ chân tại một ngôi nhà gần Zurich. Tôi bắt đầu cảm thấy sốt ruột bởi từ đầu tới giờ Ngài rất ít khi nói về Tây Tạng trước công chúng”.

“Vậy Ngài phát biểu về tôn giáo ư?”, tôi hỏi.

“Ngài nói về những chủ đề mà Ngài luôn nói – về trách nhiệm toàn cầu, về lòng thương cảm, về trái tim thiện lành. Nhưng rất nhiều người muốn được biết về Tây Tạng. Tôi có cảm giác Ngài chưa làm tròn bổn phận với người dân Tây Tạng. Tôi còn nhớ rõ căn nhà mà Ngài lưu lại, đó là một căn nhà gỗ lớn với những ô cửa sổ kính nhiều màu. Một buổi sớm nọ, tôi bước vào phòng Ngài. Ngài nhận ra ngay rằng tôi đang rất khó chịu, rằng tôi có điều gì đó cần giãi bày.”

“Ngài hiểu rõ ông quá”, tôi nói.

“Phải. Ngài hỏi tôi: “Có chuyện gì vậy?. Tôi đáp: “Thưa Thánh Đức, con nghĩ Ngài nên phát biểu nhiều hơn về Tây Tạng. Đây là một cơ hội tuyệt vời, chúng ta cần cho thế giới biết nhiều hơn về những khổ đau mà người dân của ta đang phải chịu đựng. Ngài nói: Rất đúng. Ta hiểu điều này. Quả thực, ta cũng nghĩ rằng mình nên nói nhiều hơn về Tây Tạng. Nhưng anh biết không, rất nhiều người ở đây cũng có quá nhiều rắc rối trong tâm trí họ. Họ đến với ta với một niềm tin có thể hơi sai lầm rằng ta có khả năng giúp họ làm nhẹ bớt gánh nặng, mà ta thì không thể. Ta cảm thấy mình không có quyền đem thêm gánh nặng đến cho họ nữa, và đó là gánh nặng của ta. Tôi đã bật khóc khi nghe Ngài nói như vậy.”

Ngài Gyari ngừng lại và nhìn đi chỗ khác. Tôi có thể cảm nhận được ông đang rất xúc động với ký ức vừa rồi. Cuối cùng ông cũng phải nói lời tạm biệt. Khi chúng tôi đứng dậy, ông nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: “Victor, tôi có thể chắc chắn điều này. Thánh Đức là con người vị tha nhất mà tôi từng biết”.

Gyari ôm ghì lấy tôi rồi bước ra khỏi khách sạn, lên một chiếc xe đang chờ sẵn. Ông sẽ bỏ lỡ hầu hết các sự kiện đang được tổ chức tại Oslo trong dịp kỷ niệm 100 năm giải Nobel lần này. Như thường lệ, ông có một chuyến bay.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THA THỨ – CỞI BỎ XIỀNG XÍCH CỦA OÁN HẬN
  2. SỨC MẠNH CỦA SỰ THA THỨ

Bài viết khác của tác giả HH. DALAI LAMA XIV

  1. NHỮNG CÂU NÓI CỦA DALAI LAMA 14TH
  2. TÂM TỪ BI: CON NGƯỜI MÀ CHÚNG TA MUỐN TRỞ THÀNH
  3. TÂM BÌNH AN TRƯỚC NHỮNG KHÓ KHĂN KHÔNG THỂ TRÁNH

Bài viết khác của tác giả VICTOR CHAN

  1. NHÌN ĐỜI SỐNG BẰNG MỘT CÁCH KHÁC
  2. CHÚNG TA SỐNG Ở ĐỜI LÀ ĐỂ HẠNH PHÚC
  3. TÂM NỔI SÓNG, TÂM BÌNH LẶNG

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ