JIDDU KRISHNAMURTI
Trích: J. Krishnamurti nói về tình yêu; Từ Hóa Hoàng Lan biên soạn; NXB Dân Trí, Cty Sách Thiện Tri Thức
Người không có tình yêu là người đã chết
Tình yêu không phải để vun đắp. Tình yêu không thể được phân hai thành thánh thiện và phàm tục, chỉ duy có một tình yêu – không phải bạn yêu một hay nhiều người. Một lần nữa, đó lại là một thắc mắc phi lý khi: “Ông có yêu tất cả không?” Bạn biết đấy, hoa toả hương thơm, hoa không bận tâm ai tiến lại để thưởng thức hương hay quay lưng bỏ đi. Tình yêu cũng vậy. Tình yêu không phải là một kỷ niệm. Tình yêu không phải là một phần của tâm thức hay trí năng. Mà tình yêu biểu hiện một cách tự nhiên như lòng bi mẫn khi toàn bộ vấn đề về sự hiện hữu – bao gồm sợ hãi, tham lam, ghen tỵ, hy vọng, tuyệt vọng – đã được thấu hiểu và giải quyết. Người có tham vọng không có tình yêu. Người bị ràng buộc vào gia đình không có tình yêu. Cũng như ghen tuông không có liên hệ gì với tình yêu. Khi bạn nói: “Tôi yêu vợ tôi, thực sự không phải như thế, vì giây phút tiếp theo bạn lại nổi cơn ghen với nàng.
Tình yêu nghĩa là tự do vĩ đại – không phải để làm điều bạn thích. Tình yêu đến khi tâm thức cực kỳ tĩnh lặng, vô tư, không ích kỷ. Những điều này không đơn thuần là tư tưởng. Nếu không có tình yêu, dù bạn làm bất cứ điều gì – thờ phụng tất cả các vị thánh thần trên mặt đất, làm tất cả các công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo, làm chính trị, viết văn, làm thơ – bạn vẫn là một người đã chết. Khi không có tình yêu, vấn đề của bạn sẽ tăng và tăng theo cấp số nhân bất tận. Khi có tình yêu, dù bạn làm gì cũng không gây nguy hiểm, không có mâu thuẫn. Bấy giờ, tình yêu là tinh tuý của đức hạnh. Một tâm thức không có tình yêu sẽ không hướng đến sự cao cả. Chỉ có tâm hướng thiện mới thoát khỏi các vấn đề và thấy biết vẻ đẹp của tình yêu và sự thật.
Tình yêu không động cơ
Tình yêu không có động cơ là gì? Có thể có tình yêu nào không vị kỷ, không muốn lợi lộc cho mình không? Có tình yêu nào mà trong đó ta không cảm thấy bị tổn thương vì yêu mà không được đáp lại? Nếu tôi trao cho bạn tình cảm của tôi và bạn quay đi, tôi có bị tổn thương không? Cảm giác tổn thương ấy đến từ tình bạn, từ lòng bao dung, từ sự cảm thông chăng? Chắc chắn là chừng nào tôi còn cảm thấy bị tổn thương, chừng nào tôi còn sợ hãi, chừng nào tôi còn giúp bạn với hy vọng bạn giúp lại tôi thì đó là dịch vụ – không phải tình yêu.
Nếu bạn hiểu được điều này thì câu trả lời đã có ngay ở đó.
Tình yêu là gì?
Tình yêu là gì? Chúng ta hiện đang dùng từ “tình yêu” một cách quá dễ dãi, đầy tính dục. Tình yêu đang bị đồng hóa với lạc thú. Và để khám phá mùi hương đó, người ta phải đi sâu vào câu hỏi về những gì không phải là tình yêu. Qua phủ định, bạn tới được cái xác định, không phải theo cách ngược lại. Qua phủ định cái không là tình yêu, bạn đi tới sự thật bao la, đó chính là tình yêu.
Theo cách này, tình yêu không là ghét bỏ, hiển nhiên rồi. Tình yêu không là khoa trương, ngạo mạn. Tình yêu không nằm trong tay của quyền lực. Những kẻ nắm quyền hành, ước ao quyền hành – dù đối với một em bé ngây thơ hay đối với một nhóm dân chúng hay đối với một quốc gia – thì chắc chắn không phải là tình yêu. Tình yêu không là lạc thú. Tình yêu không là ham muốn. Tình yêu chắc chắn không là ý nghĩ. Thế nên, bạn có thể bỏ qua mọi thứ ấy trong bạn: sự phù phiếm, cảm giác quyền lực dù là nhỏ nhất, nó chẳng khác gì sâu mọt? Bạn càng có quyền lực, bạn càng xấu xí và bởi thế, không có tình – như bạn đã và yêu. Khi bạn tham vọng, gây hấn đang được nuôi dưỡng mọi mặt để thành công, để nổi tiếng, để được biết đến – tất cả những việc làm này hết sức ấu trĩ – thì làm sao có thể có tình yêu cho được?
Như thế, tình yêu là cái gì đó không thể được mời mọc hoặc vun trồng. Tình yêu tới một cách tự nhiên, dễ dàng khi không có những cái kia. Và trong khi tìm hiểu bản thân, người ta bắt gặp trạng thái này.
Ở đâu có tình yêu, ở đó có lòng bị mẫn, và lòng bị mẫn có trí thông minh’ của nó. Đó là hình thức tối thượng của trí tuệ, không phải là thứ trí thông minh của tư tưởng, của tinh khôn hoặc mánh khoé, mưu mẹo và tất cả những thứ khác. Chỉ khi nào có tình yêu trọn vẹn và lòng bị mẫn thì mới có sự tuyệt hảo của trí thông minh, cái không hề có tính máy móc.