TÌNH YÊU VÀ SỨC MẠNH CHỮA LÀNH BÊN TRONG

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Be here, Sống Với Thực Tại; Dịch Giả: Thảo Triều; NXB Lao Động 2021; Cty Sách Thái Hà

Chúng ta không chỉ đơn thuần là động vật, mà là động vật sở hữu trí thông minh, năng lực trí thông minh này tạo ra nền văn minh, nhưng nó cũng mang lại cho chúng ta rất nhiều đau khổ.

Hầu hết các vấn đề tinh thần của chúng ta đều tùy thuộc vào trí thông minh phức tạp và trí tưởng tượng mạnh mẽ. Khoa học và Công nghệ cũng cho chúng ta những niềm hi vọng không giới hạn. Và hệ quả là đôi khi chúng ta quên đi những thuộc tính căn bản tốt đẹp của con người.

Bản chất căn bản của chúng ta khi là con người bắt nguồn từ bản chất căn bản của loài động vật có vú.

Hãy lấy hệ thống y tế hiện đại làm ví dụ. Khi một người bị ốm, y học Tây Tạng nói chung thường đưa ra các phương pháp để cơ thể tự chữa lành một cách tự nhiên. Nhưng quy trình phẫu thuật của phương Tây thì lại tìm cách cắt bỏ các phần hỏng của cơ thể, như thể họ đang sửa chữa một cỗ máy.

Khi một cỗ máy bị hỏng, nó không thể tự phục hồi. Với một cỗ máy như vậy, phần hỏng hóc sẽ bị tháo ra và bỏ đi.

Nhưng cơ thể chúng ta không phải là những cỗ máy. Thậm chí nếu cơ thể con người bị hỏng, ốm đau hay bị tổn thương, nó có khả năng tự chữa lành.

Khi chúng ta quá phụ thuộc vào khoa học hiện đại và Công nghệ, chúng ta sống giống như những cỗ máy, và chúng ta xa rời lối sống tự nhiên căn bản.

Một người có lối sống như vậy thì tâm hồn họ sẽ không nuôi dưỡng tình yêu thương hay lòng bi mẫn với kẻ khác. Họ có thể có hiểu biết, nhưng thiếu đi tình thương.

Khi chúng ta hợp tác với nhau, khi chúng ta được kết nối thông qua sự tin tưởng lẫn nhau, khi chúng ta yêu thương và được yêu thương, hệ thống miễn dịch của chúng ta rất khoẻ.

Khi những người khác phản bội chúng ta hoặc khi chúng ta cảm thấy mình bị bỏ rơi, khi chúng ta cảm thấy giận dữ và buồn phiền về cách mà người khác đối xử với chúng ta, hệ thống miễn dịch của chúng ta sẽ bị suy giảm đáng kể.

Cảm giác cô đơn kết hợp với sự bất lực làm suy yếu hệ miễn dịch hơn bất kỳ điều gì khác.

Khi chúng ta cảm thấy đơn độc và bị bỏ rơi mà không thể làm được gì, khi tình yêu và lòng tốt bỏ rơi chúng ta, khả năng phòng thủ của cơ thể ở mức thấp nhất.

Như thế chúng ta rất dễ bị ốm, hoặc một căn bệnh như ung thư chẳng hạn mà hệ thống miễn dịch đang giữ ổn định có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Khoa học đã chỉ ra rằng sức khoẻ tinh thần và sức khoẻ thể chất của chúng ta có mối quan hệ sâu sắc.

Đây là một lập luận vô cùng mạnh mẽ cho tầm quan trọng của sự an tâm, tình yêu thương và lòng tốt.

“Khi Chúng Ta Quá Phụ Thuộc Vào Khoa Học Hiện Đại Và Công Nghệ, Chúng Ta Sống Giống Như Những Cỗ Máy Và Chúng Ta Xa Rời Lối Sống Tự Nhiên Căn Bản.”

Trong một xã hội công nghiệp hoá như đất nước Nhật Bản, việc nghiên cứu giáo lý Phật giáo không phải là điều gì quá ghê gớm. Chúng ta cần nỗ lực để liên kết những giáo lý đó với kiến thức khoa học.

Sợ hãi, lo lắng và căng thẳng làm suy giảm hệ miễn dịch. Một số nhà khoa học thực tế đã mô tả cơn giận dữ giống như một thứ ăn mòn các chức năng miễn dịch của chúng ta.

Mặt khác, một trạng thái thư giãn của tình yêu thương và lòng tốt sẽ mang đến cho chúng ta trạng thái yên bình nội tâm và hỗ trợ, tăng cường thêm sức mạnh của hệ miễn dịch.

Những sự thật khoa học đã chứng minh tầm quan trọng của những giá trị bên trong đối với đời sống con người trong xã hội hiện đại.

“Chúng Ta Phải Nhận Ra Tầm Quan Trọng Của Những Giá Trị Này Và Nỗ Lực Nuôi Dưỡng Chúng”

Những giá trị bên trong này không thể được tạo ra bởi các loại thuốc, ống tiêm hay máy móc.

Cách duy nhất là chúng ta phải nhận ra tầm quan trọng của những giá trị này và nỗ lực nuôi dưỡng chúng.

Điều quan trọng bây giờ là thẩm tra những điều này trong phòng thí nghiệm tinh thần của chúng ta, đặc biệt là bất cứ điều gì liên quan đến các cảm xúc.

Với mục đích đó, truyền thống Phật giáo đưa ra rất nhiều nguồn phong phú. Đạo Phật phân rõ các cảm xúc khác nhau và giải thích chi tiết cách ứng phó với các cảm xúc tiêu cực và làm tăng cảm xúc tích cực. Như vậy Phật giáo mới trở nên gần gũi với đời sống hàng ngày của chúng ta.

Đạo Phật cho một thế giới hiện đại

Đạo Phật không chỉ là những nghi lễ như tụng kinh mà còn được kết nối với kiến thức khoa học mà chúng ta vừa nói, về sự kết hợp giữa hệ miễn dịch và một trạng thái nội tâm của lòng tốt. Nhưng ý nghĩa của đạo Phật ngày nay là gì, và cách để Phật giáo gần gũi hơn với xã hội hiện đại là gì? Đạo Phật cần phải được ứng dụng vào đời sống hàng ngày chứ không phải chỉ là một tôn giáo khép kín.

Có ai đó nói rằng: “Bất kể bạn làm gì, nếu điều đó không đem đến sự giác ngộ thì dù bạn có tụng bao nhiêu câu thần chú đi nữa, bạn vẫn sẽ tái sinh làm một con rắn”.

Tâm giác ngộ không chỉ là kiến thức thu thập được mà là một phẩm chất tinh thần bên trong vốn sẵn cần được nhận ra. Chúng ta cảm nhận và trải nghiệm nó sâu sắc bên trong mỗi chúng ta.

Nghi lễ, cầu nguyện, thần chú, và tụng kinh sẽ không có hiệu quả. Nếu chúng ta không làm những điều này cùng với một tâm giác ngộ thì ngay cả việc tụng Bát Nhã Tâm Kinh cũng không khác gì việc bật một bản nhạc trong máy ghi âm (cười).

Chắc chắn có rất nhiều thầy tu tụng kinh nhưng Với tâm chưa giác ngộ thì cũng chỉ giống như những chiếc máy phát loa. Một số người nói rằng tụng Bát Nhã Tâm Kinh Có những sức mạnh thần kỳ, và họ thực sự cảm thấy rằng âm thanh của những câu chữ trong bản kinh chứa đựng điều gì đó bí ẩn.

“Bản Thân Việc Đọc Thuộc Lòng Kinh Điển Không Khác Gì Bật Chiếc Máy Ghi Âm, Nếu Việc Đọc Tụng Không Đi Kèm Với Tâm Giác Ngộ”

Tôi nghĩ là chỉ có một số trường hợp đặc biệt mới có cảm ứng tốt khi nghe âm thanh. Nhưng liệu điều này cũng có thể giúp cho các loài động vật khác chứ? Thậm chí nếu một con vật không có nghiệp lực để có được sự cảm ứng tốt thì bạn có nghĩ rằng việc lắng nghe kinh sẽ giúp đỡ được nó chăng?

Để trở thành một vị Phật – Tathagata, người ta phải tích luỹ cả đức hạnh và trí tuệ. Cả hai thứ này đều phải đồng thời cũng được tích luỹ vun bồi.

Để mang đạo Phật vào trong đời sống, chúng ta phải có một cuộc chấn hưng Phật giáo. Để làm được điều đó, Phật giáo phải được giải thích thấu đáo trên căn bản nghiên cứu khoa học. Tôi cho rằng đó là cách đúng đắn để thực hiện điều đó.

Đầu tiên, Cộng đồng Phật giáo sẽ phải có một kiến thức sâu hơn về cách thức hoạt động của hệ thống Phật giáo. Sau đó thực hành này nên được nghiên cứu kỹ lưỡng ở góc độ khoa học, để nó trở nên thực tế và thuyết phục.

Sau đó, các thầy tu nên hướng dẫn mọi người trong việc nghiên cứu Đạo Phật.

Đó là lý do tại sao bản thân các thầy tu trước tiên phải chú ý nhiều hơn đến tầm quan trọng của việc học tập.

Thông qua việc thực hành tôn giáo, các nhà sư sẽ phụng sự và làm gương điển hình về những Con người tốt.

Nếu các nhà sư thực sự có thể trở thành những tấm gương cho người khác, thì mọi người sẽ được dẫn dắt để học tập và thực hành Phật giáo.

Vì vậy những thay đổi này không có gì mới. Đây không phải là một cuộc cải cách mà là sự hồi sinh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. TÌNH YÊU LÀ GÌ?
  2. NHỮNG QUY TẮC CƠ BẢN CỦA TÌNH YÊU
  3. BƯỚC CHÂN AN LẠC TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI

Bài viết khác của tác giả

  1. TÌNH YÊU THƯƠNG GIỐNG NHƯ MỘT VIÊN NGỌC QUÝ
  2. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  3. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI

Bài viết mới

  1. TƯ DUY PHẢN BIỆN ĐÃ HẾT THỜI
  2. LỄ TRƯỞNG THÀNH
  3. KẾT NỐI VỚI NGUỒN ÁNH SÁNG VÀ YÊU THƯƠNG VÔ ĐIỀU KIỆN