NGƯỜI TA CÓ THỂ ĐI XA TỚI ĐÂU

JIDDU KRISHNAMURTI

Trích: Dòng Sông Thanh Tẩy; Người Dịch: Nguyễn Ước; Nxb: Văn Học, Năm 2002.

Sáng hôm sau, Krishnaji đi dạo trong khi tôi uống tách trà đầu tiên buổi sớm. Trước đó, đó chúng tôi đã khởi sự đàm đạo. Sau đó, trong ngày, chúng tôi có một cuộc đối thoại và Krishnaji nói, “Pupul, liệu chúng ta có thể thảo luận với các giới hạn của ý nghĩ và tới bên kia các giới hạn đó không?”.

Ông đang trong trạng thái lâng lâng. Tôi bị cảm ho khá nặng và sáng nay cảm thấy mình không được tươi tắn. Tôi không suy nghĩ gì tới đề tài chúng tôi hiện thảo luận, cũng không chút nào cố gắng đánh thức não mình.

Sau đó, khi Krishnaji và tôi ngồi đối mặt nhau, tôi vẫn không biết sẽ nói gì.  Rồi tôi bắt đầu nói, lời lời tuôn ra như thể chúng đã được chương trình hóa. Tôi nói trôi chảy, rõ ràng: có chiều sâu của hành động thăm dò và nhìn bao quát. Tôi nói rằng mới đây tôi có đọc về một tên lửa có thể đi tới ngoại tầng không gian vũ trụ mà có thể bay mãi không ngừng. Hẳn không có ma sát, không có thời gian và vì thế không có chung cuộc. Tôi hỏi, “phải chăng có sự việc như thế trong các lối đi của bản ngã, trong tâm trí của loài người, trong bên trong mọi sự? Phải chăng có những không gian bao la, vô lượng nằm bên trong vạn vật?”.

Có phải là bà có ý hỏi không biết bên trong não của con người – tôi muốn dùng chữ “tâm trí” tách bạch hẳn với “não” – có sở hữu hoặc có thể hiện hữu một không gian vô tận, cái hằng cửu ngoài thời gian? Chúng ta có thể ức đoán, nhưng ức đoán thì không là thực tại.”

Nhưng chính cái nhìn thấu suốt màu khả năng thăm dò ngoại tầng khí quyển đã khiến con người thám hiểm được ngoại tầng không gian. Nếu không đặt vấn đề thì chúng ta không thể thăm dò và chứng minh được rằng nó là như thế, tôi nói.

Để tra vấn, chúng ta phải đặt câu hỏi. Những gì phát sinh từ câu hỏi sẽ quyết định rằng nó có tính cách ức đoán hoặc có tính cách tra vấn.

Chúng ta đặt câu hỏi rằng não có thể nhận ra chân lý không, rằng có hay không có hằng cửu? Chúng ta bắt đầu tra vấn như thế nào? Làm thế nào chúng ta dò dẫm tẩn mẩn vào vấn nạn này, một vấn nạn được con người đặt ra trong hàng ngàn năm nay? Con người có bị ràng buộc vĩnh viễn vào thời gian không? Hoặc thật sự có – hoặc có thể có – sự nhận biết bên trong não, cho chính nó, rằng có hay không trạng thái hằng cửu?

Làm thế nào ông xúc tiến vấn đề? Ông bắt đầu bằng việc vẽ lằn ranh phân biệt giữa não và tâm trí. Phải chăng ông dự tính chuẩn bị kỹ lưỡng?

Não bị điều kiện hóa. Kiến thức, ký ức và kinh nghiệm làm xảy ra tình trạng bị điều kiện hóa ấy. Não bị giới hạn. Bạn như thế, phát hiện điều gì mới thì đòi phải có thời gian, dù chỉ tạm thời, lúc ấy ý nghĩ không trong chuyển động, lúc ấy ở trong tình trạng trống rỗng.

Não là vật hữu hình, nó có hoạt động của chính nó.

Vâng, một hoạt động không bị ý nghĩ áp đặt, Krishnaji nói.

Đối với chúng ta, hoạt động của não là hoạt động của ý nghĩ, tôi nói.

Đúng, chuyển động của não, cái phần của não đang được sử dụng, bị điều kiện hóa bởi ý nghĩ. Ý nghĩ lúc nào cũng bị giới hạn, bị điều kiện hóa tới độ xung khắc. Vì bị điều kiện hóa nên gây xung khắc. Tâm trí là một chiều kích hoàn toàn khác, nó không giao tiếp với ý nghĩ. Hãy để tôi giải thích. Não hoạt động như một khí cụ của ý nghĩ nên não bị điều kiện hóa; và chừng nào phần đó của não còn trong trạng thái ấy thì chừng đó hoàn toàn không thể hiệp thông với tâm trí. Như thế, lúc nào không có hoạt động của ý nghĩ thì sự hiệp thông – vốn là một chiều kích hoàn toàn khác – có thể truyền đạt với cái nào đang sử dụng ý nghĩ.

Phải chăng ông đang mặc nhận rằng có một trạng thái bên ngoài cảnh giới của ý nghĩ, tôi hỏi.

Hẳn thế. Nó ở bên ngoài cảnh giới của thời gian, Krishnaji nói.

Vì dường như thời gian và ý nghĩ làm thành cốt lõi thiết yếu của vấn đề, có lẽ chúng ta nên thử xem có thể đi sâu vào luồng thời gian để coi có thể phát hiện rằng vào khoảnh khắc nào có thể diễn ra sự ngăn chận.

Bà có ý nói gì qua tiếng “sự ngăn chận”? Krishnaji hỏi.

Tôi không nói tới người ngăn chận, nhưng tới một giao tiếp trực tiếp là sự chấm dứt thời gian. Phải chăng thời gian không phát xuất từ một quá khứ xa xưa đang phóng chiếu vào một tương lai không có chung cuộc?

Không, tương lai ấy bị điều kiện hóa bởi quá khứ.

như thế, nếu loài người chấm dứt nó, nó ngừng hiện hữu…

thì không còn bị điều kiện hóa, Krishnaji nói.

nhưng ông vẫn sẽ dùng tới ý nghĩ. Mỹ hà nội dung của nó trải qua thay đổi nhưng vẫn tiếp diễn tính cách máy móc của ý nghĩ, tôi nói.

Hiện nay, ý nghĩ là khí cụ chính mà chúng ta có. Sau hàng ngàn năm ma sát, chiến tranh, khí cụ đó trở thành trì độn. Nó không thể đi tới bên kia giới hạn của chính nó. Ý nghĩ bị giới hạn, bạn bị điều kiện hóa và ở trong trạng thái xung khắc không ngừng.

Tôi dùng tiếng “sự ngăn chận” để biểu hiện sự xung khắc với cái chuyển động phát xuất từ quá khứ, như cái hôm qua.

Như cái hôm nay, Krishnaji nói.

Cái gì là cái hôm nay? Làm sao chúng ta giao tiếp được với cái hôm nay?

Hôm nay là chuyển động của quá khứ bị thích nghi. Chúng ta là một bó các ký ức, mà nó là gì? Quá khứ, hiện tại, tương lai là chuyển động của thời gian – ý nghĩ. Làm sao bà có thể nhận ra nó?

Chúng ta hãy cụ thể. Để ý nghĩ rằng tôi sẽ về Ấn chiều nay và tôi sẽ giã biệt ông là một thực tế.

Nó là một thực tại.

Xuất từ đó sinh ra nỗi hoài cảm nhất định về việc từ giã ông, có tính cách cảm xúc, tâm lý, bủa vây thực tế đó. Chắc chắn đều phải giao tiếp không là sự kiện tôi sắp ra đi mà là nỗi đau của việc ra đi.

Nỗi đau của việc lên đường, của một ngàn thế kỷ đau đớn, khắc khoải, buốt nhói. Cái đó có tách biệt với bà là người cảm thấy nó không? Krishnaji hỏi.

Nó không thể tách biệt. Nhưng làm sao tôi chạm tới nó? Tôi hỏi.

Bà có ý nói gì? Krishnaji hỏi.

Chỉ trong hiện tại tôi mới có thể chạm tới toàn bộ cơ ngơi đăng đẳng ấy, tôi nói. “Cái bây giờ thì dung chứa cả quá khứ, tương lai và hiện tại”.

Hiện tại là quá khứ và tương lai. Hiện tại chuyển động. Hiện tại là ngàn năm quá khứ bị thích ứng, tương lai là cái “lúc này” cái hiện tại.

Hiện tại không là trạng thái tĩnh. Khoảnh khắc ông cố nhìn nó thì nó qua mất rồi. Như thế cái gì là cái ông thật sự quan sát? Tôi hỏi.

Thực tế là, hiện tại là chuyển động toàn bộ của thời gian và ý nghĩ. Liệu ta có thể nhận ra chân lý của cái đó không? Liệu ta có thể có cái nhìn thấu suốt, nhận thức vào thực tế ấy, rằng cái lúc này là toàn bộ thời gian và ý nghĩ không? Krishnaji hỏi.

Nhận thức đó có bắt nguồn từ não không?

Hoặc nó bắt nguồn từ hành động nhận thức, hoặc nhận thức đó là một cái nhìn thấu suốt chẳng dính dáng gì tới thời gian và ý nghĩ, Krishnaji nói.

Nó có phát sinh bên trong não không? Tôi hỏi.

Có, hoặc nó có phát sinh bên ngoài não không? Krishnaji hỏi. Nó ở bên trong trái cầu của não, hoặc cái nhìn thấu suốt xuất hiện khi có sự giải thoát khỏi tình trạng bị điều kiện hóa? Cái nhìn thấu suốt này, tâm trí này, là trí tuệ tối thượng, Krishnaji nói.

Tôi không nghe kịp.

Não bị điều kiện hóa bởi thời gian và ý nghĩ. Bao lâu còn tồn tại trạng thái bị điều kiện hóa thì không thể có cái nhìn thấu suốt. Tuy bạn có thể có cái nhìn thấu suốt bất chợt nhưng cái nhìn thấu suốt mà chúng ta nói tới đây là sự lãnh hội có tính chất toàn bộ, một nhận thức trọn vẹn. Đúng không? Cái nhìn thấu suốt này không bị ràng buộc bởi thời – gian – ý – nghĩ. Cái nhìn thấu suốt này là thành phần của cái não có một chiều kích khác.

Ngôn từ dừng. Hành động nghe đang ở chốn thẳm sâu hun hút.

Không có hành động nhìn thì không thể có cái nhìn thấu suốt, tôi nói. Như thế, hành động nhìn, nhận thức, lắng nghe, hình như là cốt tủy thiết yếu để có cái nhìn thấu suốt. Tiếng “nhìn thấu suốt” là hành động nhìn vào. Có phải nói là hành động nhìn vào việc nhìn không?

Không. Nó là hành động nhìn, lãnh hội cái toàn bộ, cái vô tận của một điều gì. Chỉ có thể có cái nhìn thấu suốt với sự chấm dứt ý nghĩ và thời gian. Ý nghĩ và thời gian thì bị hạn chế. Chế bởi thế trong sự hạn chế đó không thể xuất hiện cái nhìn thấu suốt, Krishnaji nói.

Để hiểu điều ông nói thì tôi phải có tai mắt mở ra để nhìn. Từ âm thanh, hình dạng phát xuất một hành động nhìn tới phía bên kia. Ông nói về cái nhìn thấu suốt nhưng không thể nào phát sinh cái nhìn thấu suốt mà không có hành động nhìn.

Chừng nào còn có thời gian và ý nghĩ thì chừng đó không thể phát sinh cái nhìn thấu suốt.

Cái nào xuất hiện trước? Tôi không thể bắt đầu với cái nhìn thấu suốt. Tôi chỉ có thể bắt đầu bằng sự quan sát, tôi nói.

Bà chỉ có thể bắt đầu bằng việc thấy rằng thời gian tâm lý luôn luôn bị giới hạn, vì thế bất luận ra sao đi nữa thì nó cũng sẽ bị giới hạn. Thời gian và ý nghĩ đem lại sự tàn phá trên thế giới. Bà thấy rõ điều đó mà. Vấn nạn là. Không biết bao giờ có thể chấm dứt sự giới hạn ấy? Hoặc con người mãi mãi ở trong tình trạng ấy?

Giữa các tế bào não và các giác quan có tương quan nào? Điều gì xảy ra khi ông nghe lời phát biểu như thế này: thời gian ấy, ý nghĩa ấy cũng bị giới hạn? Nó như thể nói với tôi, “Ông là ảo ảnh”. Pupul là một bó tâm lý bao gồm quá khứ, thời gian và ý nghĩ.

Bản ngã là thành phần của tâm thần và dù gì đi nữa nó vẫn bị giới hạn, Krishnaji nói.

Thế thì cái đó có gì trục trặc? Tôi hỏi.

Không gì cả nếu bà muốn sống vĩnh viễn trong xung khắc, Krishnaji nói.

Bản chất của sự chấm dứt mà ông nói tới đó là gì? Tôi hỏi.

Chấm dứt là gì? Krishnaji trả câu hỏi lại cho tôi.

Thấy rằng dòng chảy thôi chảy, tôi nói.

Đúng, thấy rằng thời gian và ý nghĩ chấm dứt về mặt tâm lý, Krishnaji nói.

Đó là vấn đề nhận thức, là vấn đề cái nhìn thấu suốt. Tôi thấy nó trong không – gian – thời – gian nào? Tôi hỏi.

Coi, Pupul, chúng ta hãy đơn giản. Thời gian và ý nghĩ làm phân ly thế giới. Bà không nhận thấy thực tế đó sao?

Không, thưa Ông, tôi không thấy ra thực tế đó. Đó là khoảnh khắc thấy ra thực tế đó hẳn là tôi chấm dứt được thời gian và ý nghĩ. Giả dụ nó giản dị như thế –  nhưng nó không như thế. Nó có những lối đi hết sức quanh co, tôi nói.

Liệu bà có thể có cái nhìn thấu suốt rằng chuyển động của ý nghĩ và thời gian – dù tại bất cứ cấp độ nào, ở bất cứ cảnh giới nào, trong bất cứ khu vực nào – cũng là cảnh giới của xung khắc bất tận? Krishnaji hỏi.

Ông có thể để nhìn thấy mặt ngoài ấy của nó trên thế giới, tôi nói.

Nếu bà thấy nó ở bên ngoài, rồi ở nội tâm, lúc đó bà có thể thấy rằng tâm thần là thời gian và ý nghĩ. Chuyển động tâm lý phân ly đã tạo ra thực tế phân ly ở bên ngoài. Cảm giác rằng tôi là một người ấn; tôi cảm thấy an toàn trong từ ngữ đó, trong sự tùy thuộc vào một cái gì đó, đó chính là tác nhân gây phân ly và xung khắc.

Toàn bộ tình trạng ấy có thể chấm dứt. Ta có thể thấy nó như một chuyển động của thời gian, ý nghĩ, nhưng bên trong toàn bộ cái đó, cảm giác của cái “tôi hiện hữu”. Tính cách cốt tủy của vấn đề là đó. Tại sao tôi không thấy ra nó? Tôi hỏi.

Vì tôi cho rằng tâm thần là cái khác biệt với trạng thái bị điều kiện hóa, Krishnaji nói. Tôi nghĩ rằng trong tôi, trong não tôi có điều gì đó vô tận, và nếu tôi với tới được cái ấy thì mọi sự sẽ được giải quyết. Cái ấy thuộc phần tình trạng bị điều kiện hóa của tôi. Tôi cảm thấy thượng đế, Nguyên lý Tối thượng sẽ che chở tôi.

Bản chất của nền tảng mà từ đó bật ra cái nhìn thấu suốt là gì? Tôi hỏi.

Chỉ có thể xảy ra cái nhìn thấu suốt khi có sự giải thoát khỏi thời gian và ý nghĩ, Krishnaji nói.

Đó là một diễn tiến bất tận.

Không, không phải thế. Sống trong hòa bình là thăng hoa, là hiểu thế giới dị thường của hòa bình. Ý nghĩ không làm xảy tới hòa bình, Krishnaji nói.

Có phải chính não ông lắng nghe điều ông nói?

Đúng. Kế đến quan sát cái gì xảy ra.

Nó yên lặng. Nó không xao động, nó yên lặng.

Khi nó yên lặng và lắng nghe thì xuất hiện cái nhìn thấu suốt. Tôi chẳng cần phải giải thích về những giới hạn của ý nghĩ bằng cả chục cách khác nhau.

Có điều gì thêm không? Tôi hỏi.

Ồ, có, có. Có cái lớn hơn nữa. Là có việc đang lắng nghe âm thanh, âm thanh nội trong một khu vực, hoặc tôi đang lắng nghe điều bà đang nói mà không có âm thanh của ngôn từ? Nếu bà muốn truyền đạt điều gì đó còn hơn ngôn từ thì lúc đó như thể có âm thanh trong hành động nghe của tôi. Tôi không thể hiểu độ sâu của điều bà đang nói. Hiện tại là cái “lúc này”. Trong đó là toàn bộ chuyển động của thời – gian – ý – nghĩ, toàn bộ cấu trúc của thời – gian – ý – nghĩ chấm dứt. Lúc ấy, cái “lúc này” có ý nghĩa khác hoàn toàn. Lúc ấy, “lúc này” là “hư vô”. Hư vô theo ý nghĩa con số không (zero) chứa đựng hết thảy mọi con số. Như thế, “hư vô” dung chứa mọi sự. Có điều chúng ta sợ mình là hư vô.

Khi ông nói hư vô dung chứa mọi sự, phải chăng có nghĩa đó là cái toàn bộ có tính cách môi trường và tính cách nòi giống – vạn vật – vũ trụ? Tôi hỏi.

Đúng, đúng. Bà có thấy một thực tế rằng có hư vô? Bản ngã là một bó các ký ức; các ký ức thì đã chết. Chúng hoạt động nhưng chúng phát sinh từ một quá khứ đã đi qua. Nếu tôi có cái nhìn thấu suốt vào nó thì nó bị chấm dứt. Tôi thấy rằng trong cái “lúc này” có “hư vô”.

Bà nói điều gì đó về âm thanh và hành động lắng nghe. Đúng, có thể lắng nghe như thế khi tâm trí hoàn toàn tĩnh lặng.

Chúng ta sẽ không nói tới tâm trí nhưng một khi não đã tuyệt đối tĩnh lặng thì như thế không có âm thanh do ngôn từ tạo ra. Trạng thái ấy là trạng thái lắng nghe chân chính. Ngôn từ thì chỉ nói được với bà điều tôi muốn truyền đạt, còn tôi thì muốn lắng nghe cả điều bà nói.

Não không có hành động nào ngoài việc lắng nghe sao? Tôi nói.

Khi não năng động thì nó là tiếng động. Nó hết sức quan tâm tra vấn vào âm thanh. Âm thanh thuần khiết chỉ hiện hữu khi có không gian và tĩnh lặng. Bằng không âm thanh chỉ là tiếng động. Chúng ta có thể trở lại câu hỏi của mình không? Toàn bộ việc giáo dục, kiến thức đều là chuyển động trong sự chuyển hóa có tính cách tâm lý cũng như tính cách bên ngoài. Chuyển hóa là tích lũy ký ức. Chúng ta gọi cái đó là kiến thức. Chừng nào tồn tại chuyển động ấy thì còn nỗi sợ bị là hư vô. Nhưng khi ta thấy ra tính chất ảo giác của chuyển hóa và trạng thái chuyển hóa đó là thời gian, ý nghĩ, xung khắc bất tận thì lúc ấy có sự chấm dứt cái đó.  Chấm dứt chuyển động của cái tâm thần vốn là ý – nghĩ – thời – gian. Chấm dứt cái đó là hiện hữu cái “hư vô”.

“Hư vô” lúc ấy dung chứa toàn thể vũ trụ. Không phải những nỗi sợ hãi, khắc khoải, khổ não nhỏ bé tầm thường của tôi. Nói cho cùng, Pupulji ạ, “hư vô” có nghĩa là toàn bộ thế giới của lòng từ bi. Từ bi là “hư vô” và bởi thế “ hư vô” là trí tuệ tối thượng.

Nhưng chúng ta sợ mình là hư vô. Tôi có nhận thấy rằng tôi là hư vô ngoại trừ một ảo ảnh đang cất bước, rằng tôi là hư vô ngoại trừ các ký ức chết không? Như thế, liệu tôi có thể giải thoát khỏi thời – gian – ý – nghĩ và thấy ra một thực tế rằng chừng nào còn chuyển động của chuyển hóa thì tất nhiên còn xung khắc, đớn đau bất tận? Ông dừng lại, tại ông đang nói từ chốn sâu thẳm.

Những nhà vật lý thiên thể đang ra sức hiểu vũ trụ. Họ chỉ có thể hiểu về thế giới về mặt vật chất, trong những giới hạn của họ. Nhưng họ không thể hiểu cái vô tận của nó; vô tận là thành phần của con người; không chỉ ở đó mà còn ở đây nữa ra – ông đặt tay lên ngực mình – điều này có nghĩa là phải không có bóng tối của thời gian và ý nghĩ. Đó là quán tưởng chân chính. Đó là ý nghĩa của chữ Sunya trong tiếng Sanskrit.

Dù chúng ta có đưa ra trăm lời luận giải thì sự kiện thực tế vẫn là, chúng ta là “hư vô” ngoại trừ một đống ngôn từ. Liệu chúng ta có thể thấu hiểu rằng con số không thì chứa đựng mọi con số? Như thế, trong “hư vô” hiện hữu toàn thể thế giới. Những cái nhìn thấu suốt tuôn trào tựa dòng sông đang gầm thét.

Nhưng trong cuộc đời, khi tôi có đau khổ hoặc sợ hãi thì tôi chỉ thấy chuyện đó thôi. Tôi không thấy được rằng chúng đều là những cái nhỏ bé tầm thường.  Làm thế nào bạn lắng nghe được toàn bộ cái đó? Và bạn nhận ra được gì? Nếu bạn không thể diễn tả nó thành ngôn từ thì thật là tốt. Và bạn cảm thấy gì? Những người sắp đọc những dòng này họ cảm thấy gì? Chúng có thể là rác rưởi, chúng cũng có thể là xác thực: bạn thu hoạch hoặc nhận ra được gì? Bạn có thấy ra tính chất vô tận của toàn bộ điều này không? Krishnaji dừng lại trong một lúc lâu.

Tôi nói, hết sức ngại ngần, điều này hàm ý chấm dứt bản tính tâm lý của bản ngã.

Đúng. Tôi đặt một câu hỏi và hẳn là rất hữu ích cho chúng ta nếu khi nghe nó thì bà có thể đưa ra câu trả lời nào. Cái gì là mùi hương của toàn bộ điều ấy?

Tôi tìm không ra lời để nói. Chớ hỏi tôi câu ấy. Tôi có trả lời ra sao thì nghe cũng hoàn toàn bất tương xứng. Vì như ông nói, ở đó có sự vô tận, tôi nói.

Đúng. Tôi cảm nhận được sự căng thẳng của cái đó. Phải chăng nó chỉ có tính cách tạm thời? Phải chăng nó chỉ trong chốc lát, rồi kết thúc? Rồi lần nữa lại có toàn bộ sự căng thẳng của việc hồi tưởng nó – túm bắt nó, Krishnaji nói.

Không, ta chuyển dịch khỏi cái đó, tôi nói. Ta nhận ra cái khác. Cái cực kỳ khó khan nhất thế gian này là làm sao được hoàn toàn giản dị.

Đúng, nếu ta thật sự giản dị thì từ đó ta có thể hiểu toàn bộ tính chất phức tạp của cuộc sống. Nhưng nếu chúng ta bắt đầu với sự phức tạp thì không bao giờ thấy được tính chất giản dị. Chúng ta luyện tập cho não mình nhìn cái phức tạp và rán sức tìm lời giải đáp cái phức tạp. Nhưng chúng ta lại không thấy sự giản dị lạ thường của các sự kiện. Ông ngừng lại.

Trong truyền thống Ấn thì từ âm thanh phát xuất toàn bộ các thành tố, cái “Panch maha Bhutas”, tôi nói. Âm thanh thì dội lại song không được nghe.

Thế thôi. Nhưng rốt cuộc, trong truyền thống Ấn, Đức Phật, Long Thọ nói rằng phải phủ định toàn bộ vấn đề. Long Thọ phủ định mọi sự, mọi chuyển động của tâm thần. Tại sao hai vị lại không đi theo lối này? Krishnaji hỏi.  Không qua hành động phủ định thế giới thì bạn không thể nào phủ định được thế giới. Có điều là hai vị lại phủ định thế giới qua sự phủ định toàn bộ cái “ta”.

Từ bỏ sự phủ định cái “ta” tôi nói. Một cách căn bản, sự từ bỏ thế tục thì không nằm ở bên ngoài.

Sự từ bỏ thế tục nằm ở nội tâm. Không bị tới cả cái khăn quấn quanh lưng ràng buộc. Tôi cho rằng chúng ta mắc kẹt trong chiếc lưới ngôn từ, chúng ta không sống trong thực tại. Tôi đau khổ và trốn chạy vào ảo ảnh không phải là cách chấm dứt nó. Tại sao loài người không đối mặt thực tế và biến đổi thực tế? Phải chăng chúng ta đang sống phi hiện thực, với các ý tưởng, lý tưởng? Chúng ta đang sống với lý tưởng của loài người. Loài người là ta và cái “ta” thì khổ não không cùng. Và như thế nếu bạn muốn chấm dứt khổ não thì bạn phải chấm dứt cái “ta”. Krishnaji vừa nói vừa thăm dò.

Có thật sự chấm dứt thời gian?

Được. Chấm dứt thời – gian – ý – nghĩ, lắng nghe không âm thanh. Lắng nghe vũ trụ không với âm thanh. Krishnaji dừng lại, xa vắng. Một bác sĩ ở New York có diễn thuyết một đề tài căn bản là không biết các tế bào não, vốn bị điều kiện hóa hàng hàng thế kỷ, có thể làm xảy ra sự thay đổi không? Tôi nói chỉ có thể làm được, qua hành động lắng nghe. Nhưng không ai muốn lắng nghe bằng toàn bộ của nó. Nếu con người thật sự nói, “Tôi phải sống hòa bình”, thì lúc ấy trên thế giới có hòa bình. Nhưng con người không muốn sống trong hòa bình. Con người tham vọng, kiêu căng, tủn mủn. Như thế chúng ta giảm thiểu tính cách vô tận của toàn bộ vấn đề ấy thành vài phản ứng vụn vặt. Bà có nhận ra như thế không, Pupul? Chúng ta có những cuộc đời vụn vặt như thế – từ người cao nhất tới người thấp nhất. Ông dừng lại.

Đối với ông, âm thanh gì, thưa ông? Tôi hỏi. Lại có sự im lặng lâu, từ trong im lặng đó Krishnaji nói, “Âm thanh là cái cây. Hãy lấy việc tụng kinh kiểu Ấn, hát lễ kiểu Gregorian, chúng gần gũi nhau kỳ lạ. Bà lắng nghe âm thanh của sóng, của cuồng phong, âm thanh của một người bà giao tiếp trong nhiều năm, bà hoàn toàn nghe quen cái đó.

Nhưng nếu bà không nghe quen thì lúc ấy âm thanh đó có một ý nghĩa lạ thường. Lúc ấy bà nghe mọi sự tươi mới. Bà nói với tôi thời gian và ý nghĩ là toàn bộ chuyển động của đời người. Bà truyền đạt một thực tế giản dị. Liệu tôi có thể lắng nghe nó mà chẳng có âm thanh của ngôn từ không?

Lúc ấy, tôi bắt được những sâu thẳm của phát biểu đó và tôi không thể mất nó. Tôi lắng nghe nó bằng toàn bộ của nó. Nó truyền đạt cái thực tế rằng nó là như thế và cái gì mà như thế thì luôn luôn tuyệt đối. Trong truyền thống Do Thái, chỉ có Jehovah, Đấng Không Tên mới là kẻ có thể nói “Ta Là”, đó là cái Tat Tvam Asi trong tiếng Sanskrit.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. KRISHNAMURTI VỀ Ý NGHĨ
  2. KRISHNAMURTI BÀN VỀ CHIẾN TRANH VÀ HOÀ BÌNH
  3. NGHE TRONG TĨNH LẶNG – J. KRISHNAMURTI

Bài viết khác của tác giả

  1. GIÁO DỤC ĐÚNG ĐẮN – KRISHNAMURTI BÀN VỀ GIÁO DỤC
  2. TÂM THỨC HOÀN TOÀN TỰ DO, KHÔNG PHÂN MẢNH LÀ MỘT TRẠNG THÁI CÓ TRẬT TỰ
  3. CỐNG HIẾN ĐỜI MÌNH CHO CÔNG CUỘC GIÁO DỤC CHÂN CHÍNH

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP