John J.Murphy
Trích: Làm Việc Nhóm - 10 Nguyên Tắc Để Phối Hợp Hiệu Quả; NXB Dân Trí; 2019
Những lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong cuộc đời chính là những thứ khó sao chép nhất. Bất kỳ ai cũng có thể tập hợp được một số người và gọi đó là một nhóm. Di chuyển thiết bị hoặc đồ đạc để bố trí chỗ cho mọi người là việc rất dễ dàng. Mua sắm thêm thiết bị và đồ đạc lại càng dễ dàng hơn nữa. Viết một bản tuyên bố về sứ mệnh? Chẳng phải vấn đề gì lớn. Chia sẻ thông tin? Trong thời đại ngày nay, chúng ta thậm chí còn đang chia sẻ quá nhiều! Thiết kế và sử dụng thẻ điểm cân bằng (BSC) hay bảng điều khiển (dashboard)? Đó là cách các cách quản lý và đo lường hiệu quả hoạt động khá phổ biến ngày nay rồi. Cung cấp đào tạo? Có ai không làm việc đó đâu? Thương thảo các quyền lợi? Bạn có thể nhận khi được sự đồng ý về mặt lý trí, nhưng nó sẽ không tạo được sự cam kết và lòng tin thật sự tới từ trái tim.
Vậy chúng ta phải làm sao để mọi người tin tưởng lẫn nhau hoặc làm thay được cho nhau trong những tình huống khẩn cấp? Làm sao để họ trung thực với nhau hay học hỏi lẫn nhau? Làm cách nào để các thành viên trong nhóm đối xử với nhau như những người chiến thắng – với giá trị, nhân phẩm và sự tôn trọng? Làm sao để họ thực sự đặt nhóm lên trên hết? Đây không phải là những điều chỉnh nhanh chóng hoặc các vấn đề về mà chúng ta có thể giải quyết bằng một cuốn sổ séc. Những thách thức này đòi hỏi thời gian, sự cam kết, cống hiến cùng bản lĩnh của người lãnh đạo.
Lòng tin cũng như sự bất tín là một hành vi do học hỏi mà có, và nó là một sự phản ánh trực tiếp của việc lãnh đạo nhóm. Nếu bạn chưa xây dựng được lòng tin trong tổ chức của mình, hãy bắt đầu bằng cách nhìn vào gương. Bạn có phải là hình mẫu về lòng tin và sự liêm chính không? Bạn có bằng chứng cụ thể nào chứng minh điều này mỗi ngày hay không? Làm sao bạn biết được điều này? Bạn có thể hiện sự can đảm, lòng tin và truyền được cảm hứng không? Đó có phải con người thật của bạn bạn không hay chỉ là những gì bạn làm? Bạn có thay thế được cho các thành viên trong nhóm khi cần không? Bạn có công khai chia sẻ các thông tin liên quan không? Bạn có trung thực và thẳng thắn với nhóm của mình không? Bạn có mặt đúng lúc không? Bạn có hoàn thành đúng thời hạn không? Bạn có làm đúng những điều bạn nói hay không? Bạn có sẵn sàng đón nhận các quan điểm trái chiều không? Bạn có cư xử với mọi người một cách đàng hoàng hay không? Bạn có thể hiện rằng mình coi trọng cái “tôi” của mỗi cá nhân đủ để đưa nhóm đi theo hướng “chúng ta” hay không?
- Bạn có học hỏi từ các thành viên trong nhóm nhiều bằng họ học hỏi từ bạn không? Điều gì chứng minh cho việc đó? Hãy nêu các ví dụ cụ thể.
- Bạn có đặt nhóm lên trên hết không?
- Bạn có phải là một hình mẫu tích cực không? Làm sao bạn biết điều đó?
- Mọi người có đồng ý như vậy không?
Và cuối cùng, các thành viên nhóm của bạn sẽ nhớ về bạn như thế nào?
Lãnh đạo là việc khuấy động mọi người để thúc đẩy họ từ bên trong. Đó là việc nêu các mục tiêu có thể khiến mọi người hào hứng và nâng cao tầm nhìn của họ. Đó là việc đặt ra hình mẫu cá nhân, truyền nhiệt huyết vào hành động và giao tiếp hai chiều (cả nghe và nói). _ Frederick R. Kappel
Niềm tin có được không phải nhờ kỹ xảo, mà là nhân cách. Chúng ta được tin tưởng bởi chính cách sống chúng ta, chứ không phải bởi lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài hoặc cách giao tiếp khéo léo và chuyên nghiệp của mình. _ Marsha Sinetar
Khao khát là chìa khóa của động lực, nhân chứng lòng quyết tâm và cam kết không ngừng theo đuổi mục tiêu – cam kết hướng tới sự xuất sắc – mới giúp bạn đạt được thành công mà bạn tìm kiếm. _ Mario Andretti