TỐNG MẶC
Trích: Nóng Giận Là Bản Năng - Tĩnh Lặng Là Bản Lĩnh; Hà Giang dịch; NXB Thế Giới.
Không thể buông thả bản tính của mình, nên dùng phương pháp ngược lại để kiềm chế nó, đạo lý này nằm ở một chữ “nhẫn”.
Đại sư Hoằng Nhất – “Tuyển tập cách ngôn”.
Thế nào là nhẫn? Người Trung Quốc có cách lý giải đặc biệt với từ này, họ cho rằng, “nhẫn” có nghĩa là “nhẫn nhục”. Chúng ta thường nói nhẫn nhục gánh trọng trách, không nhẫn nhục, không thể gánh trọng trách, không nhẫn nhịn, không làm được việc. Tại sao phải nhẫn nhịn? Bởi vì nhẫn nhịn sẽ tránh được rất nhiều rắc rối và tổn thương vô nghĩa. Khi còn chưa đủ mạnh mẽ, chúng ta phải học cách nhẫn nhịn, chuyện nhỏ không nhịn sẽ ảnh hưởng đến đại cục. Khi chúng ta đã mạnh mẽ rồi, cũng phải học cách nhẫn nhịn.
Một học giả phương Tây từng nói: “Nhẫn nhịn và kiên trì rất đau khổ, nhưng dần dần chúng sẽ đem lại lợi ích cho bạn.” Một người muốn có thành tựu thì phải học cách nhẫn nhịn. Đối với một số người, nhẫn nhịn thường bị coi là nhu nhược, dễ bị bắt nạt. Nhưng trên thực tế, nhẫn nhịn là một cách rèn giũa bản thân, là kết quả được đúc kết sau khi trải qua thử thách sóng gió, giúp con người tôi luyện ý chí để bình tĩnh hơn khi xử lý mọi chuyện, đối mặt với gian nan vẫn bình thản ung dung, bị chê hay được khen cũng không tự ti, không kiêu ngạo.
Khi bị ức hiếp, phản ứng đầu tiên của chúng ta luôn là trả đòn, người ta đánh bạn một cái, tốt nhất phải trả lại người ta hai cái. Cho nên, chúng ta thường nhìn thấy có người chỉ vì một chút chuyện nhỏ mà tức đến nỗi đỏ mặt tía tai, đánh đến mức sứt đầu mẻ trán. Thật ra, có rất nhiều người từng trải qua những chuyện giống như bạn, thậm chí có thể nói, tất cả mọi người đều từng bị như vậy. Nhưng tại sao chỉ có bạn cho rằng mình bị bắt nạt? Đó là vì bạn không thể “nhẫn”. Một số chuyện nhẫn nhịn thì sẽ qua.
Nhẫn nhịn không phải nhu nhược, dễ bị ức hiếp, hoàn toàn trái ngược, đó là phản ứng tự nhiên của những người có tinh thần mạnh mẽ. Người biết nhẫn nhịn luôn có chỗ đứng bất bại trong cuộc cạnh tranh xã hội. Một người thiếu đi sự nhẫn nhịn rất dễ bị đè nén, còn người có sức chịu đựng lớn thì dù trong giông bão cũng không sợ hãi, trở thành người thắng cuộc cuối cùng.
Đời người luôn vì không thể nhân nhịn nên dù một câu nói, một chuyện nhỏ cũng có thể dẫn đến tranh chấp, làm cho mọi người đều không vui vẻ.
Có một thanh niên tính tình nóng nảy, thường hay đánh nhau với người khác, mọi người đều không thích anh ta. Một ngày nọ, người thanh niên này vô tình dạo chơi đến chùa Đại Đức, tình cờ nghe được một thiền sư đang giảng pháp. Nghe xong, anh ta thề rằng sẽ thay đổi, anh ta nói với thiền sư: “Sau này con sẽ không đánh nhau với người ta nữa, tránh để mọi người đều không muốn nhìn thấy con. Cho dù người khác có nhổ nước miếng vào mặt con, con cũng chỉ nhẫn nhịn lau đi, bình tâm chấp nhận!”
Thiền sư nghe người thanh niên nói vậy, chỉ cười nói:
“Hà tất phải làm vậy? Cứ để nước miếng tự khô, sao phải lau đi?”
Người thanh niên nghe xong, rất đỗi ngạc nhiên, hỏi lại thiền sư:
“Sao mà như vậy được? Tại sao phải chịu đụng như vậy?”
Thiền sư nói:
“Điều này thì có gì mà không chịu đựng được, cậu cứ coi như nó là con muỗi đậu trên mặt thôi, không đáng để đánh nhau vì nó.”
Thanh niên lại hỏi:
“Nếu như đối phương không nhổ nước miếng, mà đưa ra một nắm đấm, thì con phải thế nào?”
Thiền sư trả lời:
”Thì cũng vậy thôi. Cậu đừng quá để tâm. Chỉ là một đấm thôi mà”
Người thanh niên nghe xong, bỗng giơ nắm đấm ra, đánh vào đầu của thiền sư, và hỏi: ”Hòa thượng, bay giờ ông thấy sao?”
Thiền sư rất ân cần nói:
“Đầu tôi cứng như đá, không cảm thấy gì hết, nhưng tay cậu chắc đau lắm phải không?”
Thanh niên đứng ngay ở đó, không biết nói gì hơn.
Thế mới nói, nhẫn nhịn là một loại tu hành thâm sâu, cần chút công sức mới được. Đại sư Hoàng Nhất từng nói: “Ở nơi phồn hoa, gặp người ngu đần, gặp lúc bế tắt, gặp chuyện phức tạp, đây là những tình huống con người ta dễ tức giận. Nóng nảy hấp tấp không những không có lợi, mà còn dễ khiến người khác oán trách, bản thân thì hỏng việc, đó là việc ngu ngốc. Nhẫn nhịn cho qua là chuyên có lợi vô cùng.”