NHỮNG CHIẾC LÁ SINGSAPA

DAININ KATAGIRI

Trích: Trở Về Yên Lặng-Thiền trong đời sống hàng ngày; Người dịch: Thái An; NXB Hồng Đức

Mục đích của Phật giáo là hiểu bản thân. Hiểu bản thân có nghĩa là tìm hiểu vấn đề sinh tử của cá nhân Phật giáo không phải là một giáo lý buộc chúng ta phải thực hành. Chúng ta vốn dĩ đang thực hành. Mọi người đều có vấn đề sinh tử. Sống, chết – đây là những vấn đề lớn của loài người.

Tìm hiểu vấn đề sinh tử của cá nhân là phải tìm hiểu vấn đề sinh tử của thế gian, của mọi sinh vật không riêng gì loài người, mà cả cây cối, chim chóc, mọi chúng sinh. Nói khác đi, đại sự sinh tử của mọi chúng sinh phải sống động trong trái tim mỗi cá nhân. Khi điều ấy xảy ra, sự tu tập sẽ thật sự có tác dụng.

Thông thường, người ta cho rằng tìm hiểu bản thân khiến chúng ta trở nên ích kỷ, khiến chúng ta tu tập Phật giáo chỉ cho riêng mình hoặc cho một số người nhất định. Nhưng tu tập Phật giáo không chỉ thuộc về cá nhân, mà về mọi chúng sinh. Chúng ta phải liên tục nghĩ tới vấn đề sinh tử của mọi chúng sinh, không riêng một cá nhân cụ thể nào. Đây là điều rất quan trọng.

Liên quan đến điều này, chúng ta phải có chút thực dụng, không lý tưởng hoá. Chúng ta không thể chỉ nghĩ tới sự sống còn của riêng mình. Chúng ta phải nghĩ tới sự sống còn của mọi chúng sinh. Đây không phải là lý tưởng hoá. Đây là điều rất thiết thực, và nó quả thực là một tình huống cấp bách trên thế giới lúc này.

Trước khi Đức Phật giảng cho đệ tử, ngài thường chỉ cho họ thấy thứ gì đó. Có một lần, ngài gom một nắm lá của cây singsapa trong lòng bàn tay. Rồi ngài hỏi các tu sĩ thấy lá trong tay ngài nhiều hơn hay lá trên cây nhiều hơn. Tu sĩ đáp rằng tất nhiên lá trên cây nhiều hơn. Và Đức Phật nói, giống như lá trên cây nhiều hơn hẳn, những gì ngài biết cũng nhiều hơn hẳn so với những gì ngài nói với họ, và có ba lý do: vì chúng không ích lợi; vì chúng không thiết yếu cho việc sống một đời sống đạo hạnh; và vì chúng không khuyến khích sự thản nhiên, diệt trừ, thanh tĩnh, thấu hiểu hoàn toàn, trí huệ hay nirvana, niết bàn.

Điểm đầu tiên trong câu chuyện này, đó là Đức Phật không dạy những điều không ích lợi. Nó có thể bao gồm những lý thuyết và thông tin thú vị nhưng không có ứng dụng thực tiễn, đặc biệt trong đời sống hàng ngày. Cuộc sống mỗi ngày giống như một tình huống cấp bách. Khi nhìn lại cuộc sống quá khứ, bạn thấy nhiều lỗ hổng. Thật khó để bắt kịp với cuộc sống vốn luôn đi tới. Mặt khác, bạn không thể lờ đi việc nhìn lại, suy ngẫm về cuộc đời mình. Chúng ta phải suy ngẫm, nhưng không thể làm vậy liên tục. Nó có thể thú vị, nhưng sau một lúc, nó không mang lại ứng dụng thực tiễn nào.

Làm thế nào chúng ta xử trí một tình huống cấp bách? Trí não của bạn không được tê liệt. Nó phải hoạt động êm ả, bình thường; nhưng bạn không thể bị kẹt trong sự vận hành của trí não. Đây là một thực hành không dễ đối với chúng ta. Chúng ta có thể nhạy cảm với một số chủ đề, nhưng đôi khi những chủ đề ấy không giúp được, bởi lẽ cuộc sống trong thực tế rất phức tạp. Đây là lý do tại sao Đức Phật không dạy nhiều hơn những gì cần thiết.

Điểm thứ hai là ngài chỉ dạy những gì căn bản cho việc sống một đời sống đạo hạnh. Trong trường hợp này, “đời sống đạo hạnh” nghĩa là các tu tập hoàn hảo, một thứ gì đó hơn cả sự tu tập mà chúng ta thường hiểu. “Các tu tập hoàn hảo” là các tu tập của bồ tát, là sáu ba la mật (paramita). Vì vậy, ngài chỉ dạy những gì giúp hiểu các tu tập hoàn hảo. Dù chúng ta có bàn luận bao nhiêu về bất kỳ khía cạnh nào của Phật giáo, chẳng hạn tính không, sự bàn luận ấy cũng không cho ta mạnh mối làm thế nào bắt đầu những tu tập hoàn hảo đích thực. Tính không không phải là một chủ đề triết học. Dù có bàn bao nhiêu về tính không, những gì bạn đang bàn cũng không phải thực sự là tính không. Nó chỉ là việc bạn tạo ra một khuôn khổ về tính không. Nhưng tính không tự nó không có khuôn khổ, bạn phải sống nó trong đời sống hàng ngày. Đó là tính không. Nếu cố hiểu tính không thông qua bàn luận, bạn tạo ra một khuôn khổ nhất định và bị kẹt ở đó. Những bàn luận như vậy là không cần thiết đối với việc thực hành các tu tập căn bản của đời sống đạo hạnh.

Điểm thứ ba Đức Phật nói tới là: những thứ ngài không dạy là những thứ không hữu ích cho sự thản nhiên, diệt trừ, thanh tĩnh, thấu hiểu hoàn toàn, trí huệ hoàn hảo hay niết bàn. Sự “thản nhiên” nghĩa là thiếu vắng tham đắm, làm tâm bạn lắng dịu để thấy được mình ở đâu, mình đang làm gì. “Diệt trừ nghĩa là dừng lại, chấm dứt hành động. Khi bạn hành động, khi bạn biểu lộ một hành động nào đó, luôn có những con sóng cảm xúc, nhưng sự diệt trừ nghĩa là ngừng lại để thực chứng sự lắng dịu. “Thanh tịnh” là trạng thái bình thản. “Thấu hiểu hoàn toàn” nghĩa là ôm trọn mọi thứ. Thấu hiểu hoàn toàn nghĩa là suy nghĩ ở phạm vi rộng lớn. Cuối cùng, “trí huệ hoàn hảo” nghĩa là bạn có thể tạo ra trí huệ dẫn tới niết bàn, nhưng nó không phải được tạo ra thông qua bàn luận, mà thông qua hành động phù hợp. Chẳng hạn, bàn luận lý trí và những biểu lộ giận dữ không hữu ích gì cho hoà bình hoàn hảo. Nếu bạn liên tục nhấn mạnh hoà bình, biểu lộ sự giận dữ vì hoà bình, vậy hoà bình ở đâu? Nếu bạn bực tức hét lên, “Hoà bình!”, vậy hoà bình ở đâu? Hoà bình hoàn toàn mất hẳn. Đây là lý do tại sao Đức Phật không dạy những gì không dẫn tới niết bàn.

Đức Phật chỉ dạy khổ là gì và con đường dẫn tới diệt khổ. “Khổ” nghĩa là cuộc sống con người bị hạn chế bởi các điều kiện, chẳng hạn xã hội, môi trường, cũng như bởi các hoàn cảnh cá nhân, như học vấn, tình trạng tâm lý, đời sống quá khứ, nghiệp (karma) của bạn, đời sống và các công việc hàng ngày. Tất cả những thứ này là các điều kiện làm hạn chế cuộc sống của bạn. Đây được gọi là khổ.

Những điều kiện này không phải là thứ gì đó tệ hại. Các điều kiện tự chúng là rỗng không. Theo Phật giáo, bản chất rốt ráo của các điều kiện chỉ giống như nước. Nước có thể lấy bất kỳ hình dạng hay màu sắc gì tuỳ theo người, thời gian, địa điểm. Những điều kiện nhất định đã xuất hiện trong quá khứ và hiện tại, có tác động lên cuộc đời bạn. Việc cuộc đời bạn bị hạn chế bởi các điều kiện chính là khổ. Sinh ra trong thế giới loài người là khổ. Dù bạn không nhận ra như vậy, nhưng nó là khổ.

Nguyên nhân của khổ là vì chúng ta có một đối tượng. “Đối tượng” nghĩa là các điều kiện, bạn bè, cha mẹ, Thiền tông, luân lý, khoa học, xã hội. Khổ đến từ sự dính mắc đến những điều kiện hay đối tượng này.

Đức Phật dạy chúng ta con đường dẫn tới chấm dứt khổ. Ngài chỉ ra rằng, chúng ta không thể bỏ qua cũng không thể tránh né các điều kiện, vì nếu không có một đối tượng, chúng ta không thể sống như loài người. Vậy, chấm dứt khổ nghĩa là gì? Nghĩa là bằng hết khả năng có thể, trong từng khoảnh khắc chúng ta nên tạo ra những điều kiện tốt hơn. Thông thường, khi có một đối tượng, bạn trở nên dính mắc với đối tượng ấy, và dễ dàng bị che mắt. Dù về mặt lý trí chúng ta biết là sai, nhưng lại liên tục tạo ra sự dính mắc đến một sống nhất định. Chúng ta dính mắc mạnh mẽ thay vì hiểu sâu xa và làm hết sức để tạo ra những điều kiện lành mạnh.

Chúng ta biết rõ một số tình huống là nguy hiểm, nhưng không thể chấm dứt nó được bởi đã tạo ra sự dính mắc mạnh mẽ, và những dính mắc này thật sự khiến chúng ta mù quáng. Mặc dù về lý trí chúng ta biết tình huống nguy hiểm, nhưng khó mà tạo ra những điền kiện lành mạnh. Vì vậy, ở cấp độ cá nhân, chúng ta phải làm hết sức mình để tạo ra các điều kiện tốt đẹp, dù rằng việc ấy khó.

Khi nhìn vào thế giới loài người, bạn nói thế giới này thật tồi tệ, nhưng đó là theo tưởng tượng của bạn. Thế giới mà bạn đã mường tượng, thế giới bạn có thể thấy thì không phải tất cả những gì có đó. Vẫn có cơ hội cho bạn tạo ra một thế giới hoà bình. Chẳng hạn, khi ngồi toạ thiền, bạn đang an bình, bạn đang tạo ra một thế giới an bình. Không có ai đang tranh đấu. Vì vậy, vẫn có cơ hội cho mỗi người chúng ta tạo ra những điều kiện tuyệt vời, lành mạnh. Hãy bắt đầu bằng việc tạo ra những hoàn cảnh tuyệt vời, những hoàn cảnh và điều kiện tốt hơn bằng sức mạnh của mỗi cá nhân cũng như cùng nhau. Tất nhiên, trong thế giới loài người có nhiều cá nhân không quan tâm đến điều đó. Đây là lý do tại sao chúng ta phải làm mọi người nhận thức về cách tạo ra những điều kiện tốt hơn. Đây là nỗ lực của chúng ta. Nó được gọi là con đường tới niết bàn, hoặc Bát chánh đạo.” Đây là sự chấm dứt khổ. Việc làm theo nó sẽ thực sự có tác dụng mang lại hoà bình, hoà bình đích thực cho bạn và người khác.

Điều quan trọng với chúng ta là giúp đỡ lẫn nhau trong nỗ lực chung, nhưng vẫn phải cẩn thận. Khi các cá nhân đến với nhau và hành động như một nhóm, nhiều chuyện có thể xảy ra mà bạn không bao giờ ngờ tới. Đây là lý do tại sao chúng ta phải xem xét làm thế nào liên kết hành động của từng cá nhân. Nhưng đây không phải là bàn luận hoặc nhìn vào vấn đề từ một khoảng cách. Chúng ta phải nghĩ xem làm thế nào để mọi người cùng nhận thức. Chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ. Nó không phải là một tình huống để chúng ta có kiểu thảo luận dẫn tới quyết định xem mình sẽ cảm nhận như thế nào.

Điều tôi có thể nói với bạn là hãy sáng suốt. Không nên bỏ qua nó, cũng không cần sa đà vào nó. Bạn phải hành động, nhưng bạn phải cẩn thận và có suy xét. Sẽ vô ích nếu biểu lộ sự giận dữ, vì bạn vốn dĩ đã ở trong tình huống đó rồi. Nếu biểu lộ sự giận dữ của mình, mọi thứ sẽ không có kết thúc. Đừng biểu lộ cơn giận hay sự căm ghét với những con người nhất định, với những tình huống nhất định, hay thậm chí bản thân cái ác. Hãy biểu lộ tâm thức hoà bình của bạn. Hãy nghiên cứu cách tạo dựng hoà bình. Có sự khác biệt lớn giữa hành động giận dữ và hành động hoà bình. Nếu bạn biểu lộ sự giận dữ, mặc dù về lý thuyết đó là điều hữu ích, nhưng lúc ấy, bạn đã không còn hoà bình nữa. Nếu biểu lộ sự giận dữ, bạn cũng tạo ra một dính mắc mạnh mẽ đến tình huống. Đây cũng là vấn đề y như sự dính mắc đến cái ác. Từ đầu tới cuối, chúng ta phải cố gắng biểu lộ sự hoà bình nhằm tạo ra những điều kiện tốt hơn. Vậy chúng ta hãy tạo những điều kiện lành mạnh. Đây là hành động của chúng ta.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT VÀ SỰ LAN TỎA CỦA PHẬT GIÁO
  2. TÍNH CÁCH VĨ ĐẠI CỦA ĐỨC PHẬT
  3. ĐỨC PHẬT DẠY LA HẦU LA

Bài viết khác của tác giả

  1. Ý NGHĨA CỦA MỘT NGÓN TAY
  2. TRANH BÁNH GẠO
  3. HOÀ BÌNH

Bài viết mới

  1. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM
  2. LÒNG TỰ TRỌNG
  3. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ