GYALWANG DRUKPA XII
☘Giới luật và tinh tấn
Trong sự thực hành tâm linh thời hiện đại, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa tốt đẹp của giới luật và sự tinh tấn vì chúng khiến người ta có cảm giác bị kiểm soát và tự trói buộc bản thân thay vì sống một cuộc đời tự do.Việc thực hành giới luật không có sự giúp đỡ của người khác là rất khó nên Đức Phật và nhiều bậc Thánh nhân khác như Chúa Jesus đành phải chế lập giới luật để khuyên bạn nên làm gì và không nên làm gì. Mặc dù các giới luật này có ích nhưng đôi khi do không có trí tuệ, hiểu biết đúng đắn về ý nghĩa mục đích, bạn cảm thấy chúng trở thành gánh nặng. Bạn muốn uống một chút rượu hay ăn những món mình thích nhưng lại không được phép vì phải trì giới. Đây là lý do vì sao bạn nên nuôi dưỡng tâm chí thành truyền cảm và tìm hiểu ý nghĩa của giới luật trước khi hành trì, khi đó bạn sẽ hành xử một cách khoan khoái nhẹ nhàng mà không còn cảm giác tù túng hay bị ép buộc. Bạn tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc với trí tuệ tỉnh giác về những điều nên hay không nên làm xuất phát từ trái tim thắm đậm tình yêu thương.
Ý nghĩa của hai chữ tinh tấn sẽ dễ nắm bắt hơn khi chúng ta nhìn vào những nghệ sỹ vĩ đại đã phải khổ công luyện tập say mê để cống hiến cho người nghe những giai điệu tuyệt phẩm. Khi biết nghiêm khắc với bản thân, tâm ta sẽ được rèn luyện và ta sẽ giữ được sự an định cho dù bị bao vây bởi bao lo toan nhiễu loạn.. Sự tinh tấn chính là biểu hiện của tâm chí thành, tâm chí thành chính là biểu hiện của trí tuệ hiểu biết. Với tâm chí thành và sự tinh tấn, chúng ta luôn giữ cam kết thệ nguyện thay vì để lười nhác và thói quen trì hoãn khiến chúng ta luôn thụt lùi về đằng sau. Nếu biết trưởng dưỡng thêm tâm chí thành truyền cảm, chúng ta sẽ thực sự tìm thấy niềm vui ngay cả trong những công việc khó khăn nhất. Tôi luôn nói rằng: thiếu tinh tấn, trí thông minh chẳng có ý nghĩa gì.
Câu chuyện về bậc Đại Thượng sư Vô Trước (Asanga) người Ấn Độ kể lại rằng: Sau khi nhập thất thực hành pháp tu của Đức Phật Di Lặc suốt ba năm trời nhưng không có kết quả, Ngài bèn quyết định xuống núi. Trên đường đi Ngài thấy một người đàn ông đang mài một thanh sắt lên một miếng vải. Nhìn người đàn ông làm việc rất cần mẫn, đức Asanga hỏi ông đang làm gì. Người đó trả lời:“Tôi đang mài thanh sắt này thành kim để khâu áo.” Khi nghe được điều này, Ngài Asanga nhận thấy tất cả quá trình tu luyện của mình ba năm qua trên núi thật chẳng đáng kể chút nào so với những gì người đàn ông đang làm chỉ để có được một cây kim!
Vì thế, Ngài trở lại thất thêm ba năm nữa nhưng vẫn không đạt được kết quả gì. Thấy chưa ngộ thêm điều gì sau ngần đấy năm tu tập, Ngài rất thất vọng và gần như quyết định bỏ cuộc. Rời hang thất, Ngài lại nhìn thấy một người đàn ông đã dùng lông chim mài vào vách núi và hỏi tại sao anh ta làm như vậy.“Nhà tôi ở dưới chân núi, ngọn núi này che hết ánh nắng vào nhà tôi”, người đàn ông trả lời,“Tôi phải cố gọt bớt vách núi này đi để đón ánh nắng vào nhà”. Nghe vậy, Ngài như được tiếp thêm động lực và quyết định trở lại hang thất và tu tập thêm một thời gian nữa.
Rồi nhiều năm trôi qua. Cứ ba năm một lần, Ngài Asanga lại chứng kiến một sự việc tương tự khiến Ngài hiểu tầm quan trọng của sự tinh tấn. Sau mười hai năm, trên đường trở về từ kỳ nhập thất cuối cùng, Ngài bắt gặp một con chó bị thương nằm hấp hối bên vệ đường. Phía thân dưới của con chó đã bị thối rữa, đầy giòi bọ. Ngài cảm thương con chó, và muốn giúp nó lấy những con giòi ra khỏi vết thương. Nhưng nếu dùng tay mà nhặt thì những con giòi kia sẽ chết, vì thế, với lòng từ bi vô bờ, Ngài quyết định cúi xuống, nhắm mắt và dùng lưỡi của mình để lấy chúng ra. Ngài vừa làm như vậy thì con chó bỗng biến mất. Thay vào đó, khi Ngài ngước lên thì thấy Đức Phật Di Lặc đang an tọa trên một tảng đá phía trước mặt. Ngài Asanga khóc hỏi Đức Phật: “Con đã tu tập được mười hai năm, từ trước đến nay Ngài đã ở đâu mà không hiện ra cho con thấy?”
Đức Phật Di Lặc trả lời: “Ta vẫn luôn hiện diện ở đó, nhưng vì con chưa đủ tinh tấn nên không trông thấy ta. Mỗi lần con ra khỏi hang đá là ta lại đến giúp con. Hình ảnh con chó bị thương cũng chính là cách ta kiểm chứng được lòng từ bi đã chín muồi và sự tinh tấn của con.”
Rồi Ngài Asanga cùng Đức Di Lặc bay tới cõi Tịnh độ của Đức Di Lặc nơi Ngài Asanga thụ nhận vô số giáo pháp. Sau này khi trở lại cõi Dục giới, Ngài đã viết rất nhiều sách về những giáo pháp Đức Di Lặc chỉ dạy. Những giáo pháp của Ngài vẫn còn được lưu giữ, giảng truyền và thực hành đến tận hôm nay.
Nếu bạn từng thất hứa, thoái lui, xin đừng tự trách mình mà hãy tìm cách khắc phục vấn đề ngay khi có thể. Đừng nản lòng mà hãy tập trung duy trì kỷ luật để đối trị thói quen tiêu cực. Khi đã dự định làm bất kỳ việc gì, chúng ta phải có nghị lực và quyết tâm thực hiện. Tuy nhiên, nếu thấy căng thẳng bức xúc với chính mình, bạn nên quán chiếu để tìm lại động cơ chân chính. Cảm giác bị ép buộc thường đè nặng và cản bước chúng ta. Với tâm lý này, đôi khi chúng ta vẫn hoàn thành các nghĩa vụ của mình, nhưng đây không phải cách hay về lâu dài, nhất là trên con đường trưởng dưỡng tâm linh. Bằng việc mở rộng trái tim và tâm hồn, ta sẽ nhận ra rằng có một con đường thành tựu khác.
☘Sức mạnh hàn gắn của giới luật
Giới luật có thể mang lại cho chúng ta sự cân bằng và cảm giác dễ chịu. Khi cảm thấy không kiểm soát nổi các xúc tình tiêu cực đang trào dâng bên trong thì giới luật như làn gió mát sẽ làm dịu đi những cảm xúc đang thiêu đốt bạn, giúp bạn được bình tâm. Thứ giới luật nội tâm này cực kỳ hữu ích và thực ra có sẵn trong bạn. Bạn cần dành thời gian chăm sóc để nó có cơ hội phát triển. Một số truyền thống và tôn giáo như Đạo Phật có nhiều bài giảng và hướng dẫn thực hành để giúp hành giả đạt được sự kiểm soát thân tâm. Thực hành các pháp này giúp bạn đối trị hiệu quả với những cảm xúc phiền não như giận dữ, ghen tỵ và tham dục. Con đường đi của bạn cũng chính là nơi bạn có thể quy y nương tựa, nơi bạn cảm thấy an nhiên tự tại. Con đường này sẽ đưa bạn đến miền thực tại nơi mọi hiểu lầm vô minh đều bị xua tan. Chúng ta bình thản đi qua mọi trải nghiệm thăng trầm bất kể tốt hay xấu mà không bị trôi lăn và nhiễm ô bụi trần.
Khả năng kiểm soát thân tâm cho bạn cảm giác được giải thoát khi nó xuất phát từ tình yêu thương và lòng từ bi đối với cả bản thân mình và người khác, trái ngược lại với thái độ hống hách muốn kiểm soát mọi người mọi việc khi chúng ta không an vui, không tự hài lòng, hoặc khi phán xét, chê bai người khác. Nó tạo nên những xiềng xích vô hình kìm kẹp chúng ta trong những thói quen hành xử cứng nhắc, biến bạn trở thành nô lệ của cảm xúc, nhìn nhận bản thân và thế giới qua lăng kính phiến diện, hẹp hòi. Trong khi đó, sức mạnh kiểm soát nội tâm giúp bạn có khả năng lắng nghe người khác bày tỏ quan điểm, tôn trọng mọi người, dẹp bỏ định kiến, đồng thời được sống là chính mình thay vì hùa theo hay trốn chạy khỏi những khuôn mẫu, nhãn mác mà xã hội đã gắn cho bạn. Khi đó, bạn được thanh thản và tự do để tập trung vào những điều thực sự quan trọng trong cuộc đời.
Khi trì giữ giới luật, bạn sẽ cảm thấy thân tâm thực sự an bình hạnh phúc và sẽ phát khởi niềm tri ân giới luật thay vì để mình phiêu diêu mơ màng trong tự mãn vọng tưởng. Sự thành tâm thực hành sẽ đem lại niềm hỷ lạc và niềm mãn nguyện với công việc đang làm, khiến bạn cảm thấy mình thật may mắn, hạnh phúc. Bạn không cần phải thể hiện với mọi người về giới hạnh của mình mà ngược lại, bạn nên lặng lẽ khiêm nhường tri ân những nỗ lực cá nhân đầy ý nghĩa.
Ngay một cộng đồng nhỏ bé như Tự viện Druk Amitabha cũng được phát triển từ một tập thể với những kỹ năng khác nhau. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng điều mấu chốt cho sự tiến bộ của cộng đồng này là những trái tim chứ không phải những kỹ năng. Kỹ năng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có trái tim chia sẻ và ý thức trách nhiệm hoàn thành công việc. Thiếu con tim, mọi việc sẽ chẳng đi tới đâu dù thiện xảo đến mấy. Trong bất cứ việc gì đang thực hiện, bạn cần tận tâm và khơi gợi được nguồn cảm hứng nơi mình để đạt kết quả tốt đẹp. Đó chẳng phải là cách tốt nhất để bạn khai thác tối ưu kiến thức và tài năng của chính mình hay sao?