Ở ĐỘ TUỔI NÀO TA CŨNG CÓ THỂ THAY ĐỔI LỐI SỐNG

SHIGEAKI HINOHARA

Trích “Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật” Tác giả: SHIGEAKI HINOHARA Dịch giả: Anh Phong NXB Tổng Hợp Tp.HCM, 2018

BÍ QUYẾT TRƯỜNG THỌ CỦA NGƯỜI NHẬT – SHIGEAKI HINOHARA

—☀?☀—

Nếu nói vắn tắt thì cuộc đời là thói quen. Triết gia Hy Lạp cổ đại Aristotle (384 – 322 TCN) nói rằng: “Thói quen là những hoạt động lặp đi lặp lại”, và thói quen sẽ hình thành nhân cách, cá tính của con người.

Những người sớm ý thức được thói quen của bản thân sẽ thành công lớn trong đời, những kẻ coi thường thói quen của bản thân sẽ kết thúc cuộc đời mình một cách vô vị. Thói quen được hình thành qua sự tích lũy theo năm tháng nên nếu ta biến nó thành hoạt động học hỏi thì sẽ không còn cảm thấy chán nản hay mệt mỏi. Việc còn lại phải làm là để cho cơ thể mình ngấm dần những thói quen tốt.

Loài chim không thể thay đổi cách bay cố hữu của chúng. Động vật khác không thể thay đổi cách thức bẩm sinh của chúng trong việc trườn, bò, chạy, nhảy. Chỉ có con người là có thể thay đổi lối sống của mình. Con người làm được điều đó bởi ngay từ ban đầu ta đã biết đời sống của mình một ngày nào đó sẽ chấm dứt. Chỉ con người mới có năng lực đặc biệt để tư duy xem mình nên sống như thế nào với cuộc đời hữu hạn của mình. Nhà phân tâm học Erik Erikson (1902 – 1994) đã từng phát biểu rằng: “Tiến trình phát triển của con người song hành với con đường tiến đến cái chết”. Thật đáng quý biết bao khi cùng với năm tháng, cơ thể ngày càng suy yếu đi nhưng tâm hồn ta vẫn có thể tiếp tục tìm tòi ý nghĩa cuộc sống và tiến lên phía trước.

—*—

“Ngay từ hôm nay, hãy xem lại cách ăn uống, hoạt động, làm việc và ngủ nghỉ”

—*—

Nghĩa vụ của chúng ta là phải bảo vệ cơ thể – lớp vỏ chứa sinh mệnh của mình, tức phải sống khỏe mạnh. Từ sau khi xã hội phát triển phồn thịnh hơn, những bệnh tật mà người Nhật mắc phải cũng thay đổi. Những căn bệnh có nguyên nhân từ môi trường sinh hoạt kém vệ sinh và cuộc sống quá vất vả như lao phổi dần biến mất. Thay vào đó, quá nửa những căn bệnh phổ biến người ta thường mắc phải là huyết áp cao, xơ cứng động mạch, đột quỵ, bệnh tim, ung thư. Cho tới cách đây ít năm thì người ta vẫn gọi những bệnh này là nhóm “bệnh của người lớn tuổi” do tỷ lệ phát bệnh nhiều ở độ tuổi chớm già, nhưng từ hơn 20 năm trước tôi đã đề nghị gọi đây là “những bệnh do thói quen sinh hoạt”. Lý do là những căn bệnh này thực chất bén rễ từ thói quen sinh hoạt của người bệnh từ thời trẻ.

  Y học phát hiện hiện tượng xơ cứng động mạch bắt đầu từ lứa tuổi đôi mươi trở đi. Chính bản thân chúng ta, chứ không ai khác, làm cho mình mắc bệnh. Ta tạo bệnh cho chính bản thân ta. Nếu ta xem lại và thay đổi cách ăn uống, món ưa thích, vận động, làm việc, nghỉ ngơi và cách chúng ta sinh hoạt thường ngày thì chúng ta có thể suốt đời không mắc phải những căn bệnh vừa kể. Việc phải tốn phí cho những căn bệnh lẽ ra không mắc phải là tổn thất rất lớn. Cơ bản vẫn là chính ta phải giữ gìn sức khỏe của mình. Đừng giao phó cho bác sĩ hoặc bất kỳ ai khác.

—*—

“Cảnh giác với sự quá đà”

—*—

Hàng ngày chúng ta dùng bữa, tốn thời gian và tiền bạc cho bữa ăn. Chúng ta cần ăn để duy trì cuộc sống. Thói quen ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Nếu ta sử dụng hết, không lãng phí năng lượng nạp vào qua ăn uống thì đó là điều không gì tốt bằng.

Cơ thể con người thực ra có cơ chế rất tuyệt vời. Máy móc cũ đi sẽ tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn nhưng cơ thể người thì ngược lại, người lớn tuổi chỉ cần ít năng lượng là đủ. Việc cung cấp cho cơ thể quá nhiều năng lượng ở thời trẻ có thể không gây ra vấn đề gì nhưng đến khi có tuổi thì năng lượng thừa sẽ trở thành gánh nặng cho cơ thể.

Mỗi ngày tôi nạp khoảng 1.300 kcal, chỉ bằng phân nửa một người trẻ. Đây là lượng vừa đủ. Nhịp độ làm việc và thời gian ngủ 5 tiếng đồng hồ mỗi ngày, hoàn toàn không khác so với thời 30 tuổi nhưng lượng thức ăn thì giảm đi. Khi tập trung làm việc, tôi không cảm thấy khát, cũng không cảm thấy đói. Có khi tôi quên cả ăn, nhưng kể cả có quên thì cũng không gặp vấn đề gì.

Khi đã có tuổi, không cần phải bám vào con số ngày ba bữa ăn. Khi đã nắm được lượng vừa đủ cho cơ thể của mình, chúng ta có thể tự do dùng bữa khi mình muốn cho phù hợp với nhịp sinh hoạt. Tốt nhất là không thừa. Tôi ăn ít nhưng sử dụng hết năng lượng đã nạp, không để thừa.

Người thời nay rất kém trong việc điều tiết cho đúng mực. Người ta thường ăn quá no, uống quá nhiều, nạp quá nhiều muối, quá nhiều đường, quá nhiều mỡ, hút thuốc quá nhiều,… Chính thói quen ăn uống quá đà này gây ra bệnh.

Trong cuốn sách về thuật dưỡng sinh Youseikun, Kaibara Ekiken 300 năm trước đã từng viết là: “Ăn lưng lửng bụng”. Bí quyết để chúng ta sống khỏe mạnh đã được người xưa thể hiện qua câu chữ và phong cách sống như thế. Chúng ta cần khiêm tốn đón nhận những bí quyết ấy.

—*—

“Sử dụng cơ thể liên tục không ngừng nghỉ, không gián đoạn”

—*—

Cùng với tuổi tác, cơ thể và đầu óc sẽ lão hóa, nhưng dù không tránh được sự lão hóa đó, chúng ta vẫn có thể không làm cho cơ thể và đầu óc của mình bị hỏng đi, bằng cách sử dụng cơ thể hàng ngày, liên tục không ngưng nghỉ, không gián đoạn. Cơ thể chúng ta có khả năng vừa hoạt động, vừa điều chỉnh để phục hồi.

  Để có được sức khỏe, không thể thiếu thói quen tốt. Không được lần lữa với suy nghĩ kiểu một ngày nào đó ta sẽ tập thói quen tốt, mà phải hành động ngay hôm nay.

Sức khỏe là kết quả của hành động. Sức khỏe chỉ có được qua những hoạt động thực tiễn.

Chúng ta mắc phải sai lầm là ngay cả sức khỏe của bản thân cũng gởi gắm cho y học, là ngành vốn đặt tiêu điểm ở công tác khám, chữa bệnh. Rõ ràng là sức khỏe chỉ có được từ hoạt động thực tiễn trong sinh hoạt thường ngày. Vâng, cần phải làm ngay!

—☀?☀—

 

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CON NGƯỜI VỐN YẾU ĐUỐI NÊN HÃY NƯƠNG NHAU MÀ SỐNG
  2. HAM MUỐN KHÔNG NGỪNG KHIẾN HẠNH PHÚC TRÔI XA
  3. ƯỚC MONG CỦA TUỔI TRÊN 100

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU