HAM MUỐN KHÔNG NGỪNG KHIẾN HẠNH PHÚC TRÔI XA

SHIGEAKI HINOHARA

Trích: Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật; Anh Phong dịch; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

?Con người vốn có thể chịu đựng được mọi bất hạnh

Bình an trong tâm hồn thường bị uy hiếp bởi những tại họa không lường trước được mà người ta gọi đó là xui xẻo, là bất hạnh; nhưng thật sự bất hạnh không phải là những tai họa vừa ập đến đó, mà bất hạnh chỉ bắt đầu khi tai họa xảy ra và người ta mất hết mọi hy vọng.

Bác sĩ Viktor Frankl, người mất cả vợ con trong trại tập trung của phát xít Đức, sau khi sống sót qua thời gian đau khổ cực độ “tưởng chừng chết luôn có lẽ sẽ tốt hơn” ấy, đã nói: “Việc bị đưa vào trại tập trung là điều bất hạnh, nhưng dù vậy tôi vẫn còn may mắn (sống sót)”.

Tôi nghĩ rằng con người có khả năng chịu đựng được bất kỳ bất hạnh nào, trong nghịch cảnh vẫn có thể cảm nhận được hạnh phúc. Tất cả đều nhờ vào hy vọng. Hy vọng là tin vào tương lai tươi sáng hơn sẽ đến. Chuyện cũng giống như sự tĩnh lặng trong lòng một người luôn tin rằng dù bây giờ cơn dông tố đang hoành hành, nhưng khi nó qua đi thì sau lớp mây đen dày che phủ kia là bầu trời xanh. Không phải là bỏ cuộc mà là ẩn nhẫn đợi chờ. Hy vọng như thế dù nhỏ đến đâu cũng hoàn toàn đủ sức soi sáng tâm hồn con người.

?Chính những người cận kề cái chết là những người cần có hy vọng sống

Vì thế, tôi luôn tận tâm tận lực với việc săn sóc những người bệnh cuối đời, những người cận kề cái chết, những người đang ở vực thẳm tuyệt vọng với mong muốn có thể đem hy vọng đến với họ.

Tám năm trước, thi thoảng tôi thường viếng thăm nhà chăm sóc cuối đời được xây dựng ở thành phố Hirazuka, tỉnh Kanagawa. Ở đó, bốn mùa thay đổi nhanh hơn tất cả những nơi khác trên đất Nhật Bản. Lý do là những bức tranh phong cảnh đẹp của Kyoto được trang trí ở đó luôn thay đổi sớm hơn mùa thực tế. Bên ngoài vừa sang xuân thì trong nhà đã có tranh phong cảnh thực vật xanh um, mùa hè vừa chớm thì phong cảnh lá đỏ bao phủ núi đồi đã được mang ra bày, mùa thu vừa đến thì trong nhà có tranh cây phủ tuyết trắng, và khi đông về thì tranh hoa anh đào nở rộ đã treo kín các bức vách.

Tùy theo tiến triển của bệnh tình, có thể có người bệnh không mong là có thể nhìn thấy được lá đỏ mùa thu lần cuối cùng. Tuy nhiên, trong lòng người bệnh ấy hẳn có rất nhiều cảnh thu đã trải nghiệm. Nếu người bệnh nhìn thấy bức tranh lá đỏ mùa thu và nảy ra suy nghĩ: “Mình muốn ngắm lại cảnh thu ấy một lần nữa” thì suy nghĩ ấy có thể sẽ gắn với hy vọng giúp họ sống thêm một ngày. Con người cần phải được hỗ trợ bằng hy vọng sống cho đến khoảnh khắc cuối cùng.

Nói thêm là cũng có nhiều người rất khéo gieo hy vọng. Có một cô gái vào thăm bà mẹ ung thư nặng nằm ở bệnh viện quốc tế Sei Luca mang theo một cái túi rất to khác hẳn ngày thường. Điều dưỡng trưởng nhìn thấy bộ dạng thì đã đoán được sự tình nhưng không truy hỏi, giả vờ không để ý đến. Trong chiếc túi ấy là một chú chó. Chắc hẳn cô con gái muốn mẹ mình ít ra là có được một đêm ở cùng với chú chó cưng mà bà đã không được gặp kể từ ngày vào viện nên đã nảy ra ý tưởng ấy. Tất nhiên, nếu chú chó đột nhiên cất tiếng sủa thì mọi sự chấm dứt ở thời điểm đó, nhưng hẳn là cô con gái đã đánh liều để thực hiện. Chắc chắn cô gái đã mang lại niềm hy vọng cho người mẹ đang tuyệt vọng trước cái chết. Hẳn mẹ cô cũng sẽ vui mừng khôn xiết khi thấy con mình hết lòng như vậy.

?Biết mình là con đường ngắn nhất dẫn đến hạnh phúc

Hy vọng nghĩa là không có nhiều trông mong. Vì vậy, biết mình ở đâu trong sự trông mong mới gọi là hy vọng, và hy vọng là biết bằng lòng ở mức độ vừa phải. Cần phải khiêm tốn để thấy biết ơn với những gì đang có trên tinh thần “chỉ cần phân nửa như thế cũng đã mãn nguyện lắm rồi”. Khi ở trạng thái đó thì hy vọng dù nhỏ đến đâu đi nữa cũng đủ để mang lại hạnh phúc.

Cùng mang hàm ý “trông mong” nhưng hy vọng khác biệt rất lớn với “khát vọng” – hàm ý mong muốn có được những điều vượt ngoài tầm. “Khát vọng” là ham muốn sâu đậm. Khát vọng có thể phình to không giới hạn – từ chuyện muốn cho con cái mình đậu vào trường đại học danh tiếng, vào làm ở doanh nghiệp lớn, cho đến việc trở nên giàu có. Tuy nhiên, nếu không tính đến năng lực thực tế của bản thân, con cái của mình mà cứ có mong muốn có được những điều cao xa như thế thì rốt cuộc cũng vô ích. Đến lúc đó, thay vì nhận khuyết điểm, người ta thường đổ lỗi, oán hận người khác, nguyền rủa xã hội. Tâm hồn cứ thế rối bời, bấn loạn.

Lâm bệnh, gặp sự cố, tai nạn hoặc năng lực, tài sản không bằng người khác nhưng nếu ta biết đón nhận hiện thực đó thì xem như đã có được phân nửa hy vọng. Biết mình là bước đầu để nắm trọn hy vọng. Chúng ta không sống bằng khát vọng mà sống trong hy vọng, bởi vì ở đâu có hy vọng, ở đó có hạnh phúc.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. NIỀM VUI CỦA CÁI TÔI SUY GIẢM
  2. HẠNH PHÚC CHÂN THẬT
  3. HẠNH PHÚC LÀ BIẾT ĐỦ

Bài viết khác của tác giả

  1. Ở ĐỘ TUỔI NÀO TA CŨNG CÓ THỂ THAY ĐỔI LỐI SỐNG
  2. CON NGƯỜI VỐN YẾU ĐUỐI NÊN HÃY NƯƠNG NHAU MÀ SỐNG
  3. ƯỚC MONG CỦA TUỔI TRÊN 100

Bài viết mới

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG