CON NGƯỜI VỐN YẾU ĐUỐI NÊN HÃY NƯƠNG NHAU MÀ SỐNG

SHIGEAKI HINOHARA

Trích: Bí Quyết Trường Thọ Của Người Nhật; Anh Phong dịch; NXB. Tổng Hợp Tp.HCM

☘️Bất hạnh của người bệnh không phải bởi mắc bệnh ung thư mà bởi không tỏ bày được nỗi lo

Trước khi viết những dòng này, tôi vừa thăm một phòng bệnh trong khu chăm sóc cuối đời. Chỉ trong vòng 30 phút nhưng nét mặt căng thẳng của người bệnh đã dần dần giãn ra. Các bác sĩ và y sinh thực tập có mặt ở đó có lẽ cũng thoáng giật mình khi nhận ra thay đổi ấy.

Với bệnh nhân 75 tuổi này, tôi cũng chỉ làm như mọi lần là ngồi xuống bên cạnh giường cho vừa với tầm nhìn của bà, nắm tay và lắng nghe bà tâm sự.

Chỉ có thế nhưng trong chốc lát bà từ chỗ hít thở khó khăn vì ung thư phổi nặng đã có thể trao đổi thoải mái với tôi và trong suốt thời đó hơi thở không hề có vẻ khó nhọc, thậm chí còn hơi mỉm cười, vì cuối cùng thì bà cũng đã có người nghe mình trải lòng. Khi tôi hỏi: “Bà thấy điều gì khó chịu nhất?”, thì bà đáp: “Đó chính là khi trong lòng có nhiều lo lắng, bất an, muốn có người chia sẻ mà tôi lại không thể nói được với ai, không có người nào lắng nghe tôi nên tôi đành phải chịu đựng một mình”.

Bà vừa được chuyển đến khu chăm sóc cuối đời của bệnh viện quốc tế Sei Luca hôm trước, nhưng thực ra nửa năm trước đã được một bệnh viện khác chẩn đoán mức ung thư phổi, mà bà không hề biết ung thư là căn bệnh như thế nào. Bà e ngại cả việc yêu cầu bác sĩ giải thích, chỉ biết rằng có lẽ mình không còn sống được bao lâu nữa. Có lẽ chỉ bác sĩ của bà hiểu thông báo bệnh tình ở mức nghiêm trọng, nhưng rõ ràng là giữa hai bên không có sự giao tiếp chi tiết. Căn bệnh của bà đã ở mức không còn phương pháp nào có thể cứu chữa. Căn cứ vào bệnh trạng thì có lẽ cũng chỉ sống thêm chừng một tháng nữa. Tuy vậy, tôi cho rằng vai trò của bác sĩ và điều dưỡng không chấm dứt ở đây, mà chính từ thời điểm này trở đi mới thực sự là lúc cần đến tố chất của người làm công tác y tế, bởi vì đối tượng của y tế không phải là “bệnh” mà là “con người”.

☘️Xuất phát điểm của điều trị là xoa dịu bằng đôi tay ấm áp

Điều trị xuất phát từ việc thăm hỏi người bệnh, nhưng không phải hễ thấy người bệnh có vẻ đau đớn thì lại hỏi: “Đau ở xương bả vai hay đau ở xương đòn?”, thay vào đó nên hỏi: “Có phải đang đau ở chỗ này không? Hay là chỗ này? À, chỗ này, đúng không?”. Vừa hỏi vừa dùng tay chạm nhẹ nhàng lên người bệnh. Từ lòng bàn tay, bác sĩ có thể “nghe” được cơ thể người bệnh “cất tiếng”, tư thế khi tiếp xúc và ánh mắt có thể chuyển tải ý nghĩ. Không chỉ dựa vào ngôn từ mà phải sử dụng hết tất cả các giác quan. Tôi nghĩ đây là sự giao tiếp cần có trong điều trị chứ không chỉ đơn thuần là trao đổi thông tin Bác sĩ phải làm sao có được đôi tay như đôi tay kỳ diệu của người mẹ. Chúng ta chắc còn nhớ những kỷ niệm thời thơ ấu khi bị sốt, chỉ cần mẹ đặt tay lên trán là cảm thấy cơn sốt như giảm đi, chỉ cần đôi tay mẹ chạm vào xoa nhẹ là cơn đau quặn bụng như dịu đi mấy phần. Xuất phát của điều trị chính là “xoa dịu bằng đôi tay”. Năng lực giao tiếp cũng phải cảm thụ từ điểm này.

Bác sĩ William Osler mà tôi luôn ngưỡng mộ đã nói: “Y học là một nghệ thuật đặt trên nền tảng khoa học”. “Science” được dịch là “khoa học”; “art” là “tài khéo”, nghĩa là ta phải tiếp xúc, phải tiếp cận với từng người bệnh như thế nào cho khéo léo. Khoa học đánh giá bệnh tật bằng cái nhìn tỉnh táo, khách quan; nhưng nghệ thuật, hay tài khéo, ở đây là chạm vào tâm hồn người bệnh bằng sự cảm nhận vi tế. Y khoa có thể đã hết cách khả thi nhưng nghệ thuật vẫn còn có thể thi triển cho đến phút cuối của người bệnh. Điều trị vốn dĩ phải gồm đủ cả hai mặt vừa nêu, nhưng ngày nay không thể phủ nhận việc điều trị đang rơi vào tình trạng dựa hết vào kỹ thuật. Làm thế nào để tiếp xúc với từng người bệnh, làm sao có thể nghe được tâm tư hiện tại của người ấy từ quan điểm sống, trải nghiệm của họ trong quá khứ và trân trọng điều đó? Nhiều năm qua, tôi luôn nhấn mạnh rằng các bác sĩ và điều dưỡng lâm sàng không thể thiếu được khả năng giao tiếp có thể chạm đến tâm hồn người bệnh.

☘️Những trải nghiệm buồn làm người ta trở nên dịu dàng

Giao tiếp chạm đến tâm hồn không phải hễ nói là làm được ngay. Đó không phải là những kỹ thuật khớp nhịp bằng hình thức. Đầu thế kỷ XX, Florence Nightingale (1820 – 1910) đã nói với các học viên điều dưỡng về tầm quan trọng của sự cảm nhận tinh tế bởi bà biết sự có mặt hoặc thiếu vắng tinh tế ảnh hưởng rất lớn đến khả năng giao tiếp. Bà nói: “Kể cả khi bạn chưa có con nhỏ thì bạn vẫn phải làm thế nào để đồng cảm được với nỗi đau mất con như thể mình vừa mất chính đứa con của mình. Nếu bạn không có được sự cảm nhận tinh tế như thế, bạn nên bỏ nghề điều dưỡng”. Quả là lời nhắc nhở hết sức nghiêm khắc. Dường như bà cho rằng cảm nhận tinh tế là tố chất di truyền, không thể rèn tập mà có, nhưng tôi tin rằng tố chất con người có thể nuôi dưỡng được trong môi trường thích hợp. Có người kém tinh tế so với người khác nhưng không ai là không có sự tinh tế ở một mức độ nào đó, nên nếu biết chăm chút sẽ trở nên nhạy bén.

Đáng buồn ở chỗ không có thời đại nào lại khó nuôi dưỡng sự tinh tế như thời nay. Khi con người quen với sự xa xỉ và tiện lợi thì sự tinh tế ngày càng mờ nhạt. Nỗi đau của người khác cứ mãi là nỗi đau của người khác. Nếu có cảm thương một chút nào đó thì rồi người ta cũng quên ngay sau đó. Không hiểu người ta đã để quên sự biết ơn đối với cuộc sống ở nơi nào.

Nói cho cùng thì cách hữu hiệu nhất để giáo dục sự tinh tế chính là bản thân hãy nếm trải những trải nghiệm rơi nước mắt. Sẽ không có được sự tinh tế nếu chỉ dựa vào thực tại ảo.

Sự tinh tế sẽ tỷ lệ thuận với kinh nghiệm sống. Nếu ta không có những trải nghiệm như bệnh nặng hay chứng kiến cái chết của những người thân gần gũi nhất thì ít ra cũng phải nỗ lực tiếp xúc với nhiều người khác; nghe, nhìn, học hỏi từ những kinh nghiệm của người khác ở cự ly gần với sự hình dung mạnh mẽ nhất để có thể thâm nhập vào sâu trong tâm tưởng của người đó.

Chúng ta nên đưa trẻ nhỏ đi thăm viếng người bệnh hoặc dự lễ truy điệu, lễ tang. Những trải nghiệm này sẽ giúp trẻ hình thành sự tinh tế trong tâm hồn. Qua những trải nghiệm ấy, trẻ sẽ dần dần học biết được nên làm gì nói gì, nhìn bằng ánh mắt ra sao và vào thời điểm nào thì chạm được đến tâm hồn người khác.

☘️Kỹ năng giao tiếp là món quà được trao ban cho con người

Năm lên 10, tôi bị viêm thận nên không được phép ra ngoài chơi và nhờ đó có cơ hội tiếp xúc với đàn dương cầm. Kể từ đó, âm nhạc mang đến cho tôi niềm an ủi và năng lượng sống. Với ước mong chia sẻ năng lượng tích cực của âm nhạc đến với người bệnh, trong suốt 15 năm qua, tôi đã tiến hành trị liệu bằng âm nhạc, tránh bớt việc dùng thuốc. Tôi đã từng kinh ngạc khi thấy hiệu quả to lớn và êm ái của phương pháp trị liệu này đối với trẻ tự kỷ, các bệnh nhân rối loạn thần kinh nặng và những người cận kề cái chết. Như những giai điệu tuyệt vời trong thoảng chốc làm tươi mới những tâm hồn khô cằn, chúng ta cũng sẽ học tập được rất nhiều từ sự chuyển hóa rất tự nhiên đó trong lúc giao lưu tình cảm với người khác.

Nếu ta ở một mình mà vẫn không thấy cô độc, dù nghèo nhưng vẫn không thấy buồn lo, dù phải đối mặt với cái chết nhưng tâm hỗn vẫn an lạc thì chính khi ấy trong lòng ta, ở một góc nào đó, có sự xác tín về sự tâm giao với con người, hoặc ta biết những khoảnh khắc tim ta vui vì dao động cùng nhịp thở với vạn vật trên thế giới này. Đây chính là kỹ năng giao tiếp chỉ loài người mới có, và điều này quả thật là gạch nối với trái tim đang sống của người bệnh.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. SỨC MẠNH ĐỂ DUY TRÌ TRẠNG THÁI TÍCH CỰC
  2. CUỘC SỐNG KHỎE MẠNH VÀ QUÁ TRÌNH BỆNH TẬT
  3. BẠN CÓ THỂ SỐNG LÂU MÀ KHÔNG BỆNH TẬT

Bài viết khác của tác giả

  1. Ở ĐỘ TUỔI NÀO TA CŨNG CÓ THỂ THAY ĐỔI LỐI SỐNG
  2. HAM MUỐN KHÔNG NGỪNG KHIẾN HẠNH PHÚC TRÔI XA
  3. ƯỚC MONG CỦA TUỔI TRÊN 100

Bài viết mới

  1. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT KHỞI LÒNG SÙNG MỘ
  2. QUẢN LÝ NĂNG LƯỢNG THAY VÌ THỜI GIAN CỦA BẠN
  3. KIÊN TRÌ ĐẾN LÚC THÀNH CÔNG