CUỘC SỐNG KHỎE MẠNH VÀ QUÁ TRÌNH BỆNH TẬT

DAVID R. HAWKINS

Trích: Power vs Force, Trường Năng Lượng Và Những Nhân Tố Quyết Định Tinh Thần, Sức Khỏe Con Người; Việt dịch: Quế Chi – Hoàng Lan; NXB. Thế Giới; Công ty CP Sách Thái Hà, 2020

Khi tâm trí bị một thế giới quan tiêu cực thống trị, thì hệ quả trực tiếp là trong các dòng năng lượng dẫn đến các cơ quan khác nhau của cơ thể sẽ liên tiếp xuất hiện những thay đổi cực nhỏ. Trường sinh lý học tổng thể vi tế này sẽ bị tác động ở tất cả mọi chức năng phức tạp của nó, thông qua hoạt động truyền electron, quá trình cân bằng hormone thần kinh, tình trạng dinh dưỡng, v.v. Rốt cục, những thay đổi vô cùng nhỏ sau một quá trình tích lũy có thể được nhận biết thông qua các kỹ thuật đo đạc, như kính hiển vi điện tử, hình ảnh từ, X-quang, hoặc phân tích sinh hóa. Nhưng khi chúng ta có thể phát hiện ra chúng cũng là lúc quá trình bệnh tật đã tiến một bước dài trên con đường tự diễn biến của nó.

Có thể nói, vũ trụ vô hình của ý nghĩ và thái độ đã trở nên hữu hình như một hậu quả của lối phản ứng theo thói quen của cơ thể. Nếu xét đến hàng triệu triệu ý nghĩ liên tục dịch chuyển qua tâm trí, ta sẽ chẳng ngạc nhiên khi biết rằng tình trạng cơ thể có thể thay đổi một cách triệt để nhằm phản ánh những mô thức tư duy vốn do sự điều chỉnh của các yếu tố di truyền và môi trường mà đang chiếm ưu thế nổi trội. Chính tác động dai dẳng và lặp đi lặp lại của tác nhân kích thích, thông qua quy luật phụ thuộc nhạy cảm vào các điều kiện ban đầu, đã tạo nên quá trình bệnh tật hữu hình.

Tác nhân kích thích khởi động quá trình này có thể nhỏ tới nỗi bản thân nó thoát khỏi mọi cuộc truy tìm.

Nếu giả thuyết về tiến trình hình thành bệnh tật này là đúng, thì mọi loại bệnh đều có thể được đảo ngược bằng cách thay đổi các mô thức tư duy và các phản ứng theo thói quen. Trên thực tế, những câu chuyện về sự phục hồi tự phát khỏi đủ loại bệnh mà loài người biết đến đã được ghi chép lại trong suốt lịch sử của chúng ta. Y học cổ truyền tuy đã ghi chép về nhiều trường hợp “chữa khỏi” tự phát nhưng chưa bao giờ có các công cụ nhận thức để nghiên cứu những hiện tượng như vậy. Song, ngay cả những bác sĩ tuyệt đối nghiêng về y học hiện đại cũng tỏ ra cực kỳ miễn cưỡng khi phải phẫu thuật cho bệnh nhân nào một mực tin rằng mình sẽ chết ngay trên bàn phẫu thuật, bởi vì đã có không hiếm trường hợp niềm tin này trở thành sự thực.

Trong Hội Người nghiện rượu Ẩn danh (AA) có một câu nói: chừng nào đối tượng chưa trải qua sự thay đổi trọng yếu trong tính cách thì chừng đó họ chưa thể phục hồi. Đây là một thay đổi cơ bản, một cuộc chuyển biến sâu sắc trong toàn bộ hệ thống niềm tin cùng với một bước tiến nhảy vọt đột ngột về ý thức, và người đầu tiên chứng minh nó là Bill W., nhà sáng lập AA. Một sự biến đổi quan trọng trong thái độ như vậy lần đầu tiên được nghiên cứu chính thức bởi bác sĩ tâm thần học Harry Tiebout ở Greenwich, bang Connecticut. Ông đã phát hiện ra hiện tượng này trong lúc đang điều trị cho một phụ nữ nghiện rượu vô vọng tên là Marty M., thành viên nữ đầu tiên của AA. Cô đã trải qua sự chuyển biến đột ngột về tính cách tới một mức độ không thể lý giải dù bằng bất kỳ phương pháp trị liệu nào được biết đến lúc bấy giờ. Theo ghi chép của bác sĩ Tiebout, từ một con người đầy giận dữ, than thân trách phận, thiếu khoan dung, và ích kỷ, cô đã “lột xác” thành người tốt bụng và dịu dàng, ngày một vị tha và nhân ái. Đây quả là một ví dụ quan trọng bởi vì nó minh chứng rõ ràng cho yếu tố then chốt này trong quá trình phục hồi khỏi bất kỳ căn bệnh nan y hoặc có tính tiến triển nào. Bài báo đầu tiên của bác sĩ Tiebout trong loạt bài mô tả quá trình quan sát trường hợp này có nhan đề, “Sức mạnh của sự quy phục.” Trong mọi trường hợp bình phục khỏi những căn bệnh tưởng chừng nan y và vô vọng từng được nghiên cứu, luôn xuất hiện một sự chuyển dịch chủ chốt trong nhận thức của người bệnh, nhờ đó mà những mô thức điểm hút gây ra quá trình bệnh tật không còn thống trị tâm trí họ. Các bước cần thiết để bình phục khỏi trọng bệnh đã được 100 người thoát nghiện rượu đầu tiên nghi thức hóa, sau đó trở thành 12 bước nổi tiếng được AA cùng tất cả các nhóm “bình phục 12 bước” ra đời sau đó khuyến nghị áp dụng, và đã giúp cho hàng triệu người hồi phục; con số ấy mở ra khả năng áp dụng kinh nghiệm này cho tất cả các quá trình bệnh tật. Lời khuyên của tiến sĩ Carl Jung dành cho Rowland H. – “Dù tin hay không, anh cứ chọn lấy một nhóm tâm linh bất kỳ mà dồn hết tâm sức của mình vào đó, rồi hi vọng rằng phép màu sẽ đến.” – có thể cũng ứng nghiệm với bất kỳ ai đang ao ước được bình phục khỏi một căn bệnh tiến triển.

Trong các trường hợp hồi phục tự phát, năng lực yêu thương và nhận thức về tầm quan trọng của yêu thương ở người bệnh thường gia tăng rõ rệt – đây vừa là một yếu tố vừa là thể thức của sự chữa lành. Vô số những cuốn sách được liệt vào hàng bán chạy nhất từng nói với chúng ta rằng, yêu thương tức là sống một cách lành mạnh. Song, vì kiêu hãnh mà tâm trí thường kháng cự trước sự thay đổi.

Tình yêu đồng loại chỉ nảy nở khi chúng ta dừng quy kết, sợ hãi, và thù ghét người khác. Sự cải biến triệt để như vậy có thể gây mất phương hướng và đòi hỏi lòng can đảm để vượt qua mọi cảm giác khó chịu tạm thời trong quá trình chuyển tiếp. Đối với một quá trình bệnh tật bất kỳ, sự bình phục phụ thuộc vào mức độ người bệnh sẵn sàng khám phá những phương thức mới để tự suy xét về bản thân và cuộc sống, bao gồm cả khả năng chịu đựng những nỗi sợ thầm kín trong lúc hệ thống niềm tin của họ bị lay chuyển. Mọi người thường ve vuốt và bám riết vào những hận thù và bất bình trong lòng họ; muốn chữa lành cho loài người, có lẽ cần buộc toàn nhân loại phải tránh xa khỏi những lối sống dung dưỡng thù oán.

Trở ngại lớn nhất mà những ý nghĩ và hành vi gắn với các trường năng lượng có điểm hiệu chỉnh dưới 200 mang đến là chúng tạo ra các phản ứng ngược. Trong vũ trụ khả kiến, chúng ta đã quen thuộc với định luật một lực luôn tạo ra một phản lực – tức lực mang cùng giá trị nhưng ngược chiều. Vì thế, mọi sự tấn công dù trên phương diện tinh thần hay thể chất đều gây ra sự phản công. Ác tâm khiến ta đau ốm; ta luôn là nạn nhân của lòng thù hận của chính mình. Ngay cả những ý nghĩ oán hận thầm kín của ta cũng công phá chính cơ thể ta trên phương diện sinh lý học.

Ngược lại, giống như lòng yêu thương, tiếng cười có tác dụng chữa lành bởi nó nảy sinh nhờ ta biết đứng ở bối cảnh bao quát và rộng lớn để suy xét về một bối cảnh nhỏ, vì thế, người quan sát là ta đã tách khỏi tâm thế của một nạn nhân. Mỗi câu pha trò nhắc cho ta nhớ thực tại của ta vô cùng lớn lao và siêu việt, nó vượt lên trên những tiểu tiết của các sự kiện. Chẳng hạn, những lời bông đùa trong tình cảnh ngặt nghèo xuất phát từ việc người pha trò đem những liệu đối lập của một nghịch cảnh đặt kề nhau, vì thế, nỗi lo lắng đang hiển hiện trước mắt họ được xoa dịu và nhờ vậy họ mới có thể bật ra tiếng cười. Khi con người đột nhiên được giác ngộ, một trong những điều đi liền với nó thường là tiếng cười. Những câu chuyện hài về thánh thần thường là các phép so sánh trong đó thực tại được đem đặt cạnh ảo ảnh.

Ngược lại, việc thiếu vắng sự hài hước sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe và hạnh phúc của con người. Các hệ thống chuyên chế đều thiếu tính hài hước một cách rõ rệt ở mọi cấp độ. Tiếng cười – thứ mang đến tự do và sự chấp nhận – lại là mối đe dọa đối với công cuộc cai trị bằng dọa dẫm và vũ lực của họ. Họ khó có thể áp chế người mang khiếu hài hước. Hãy luôn cảnh giác trước sự vô hài hước, dù nó hiện diện trong một cá nhân, một thể chế, hay một hệ thống niềm tin; đi kèm với nó luôn là một ham muốn kiểm soát và thống trị mãnh liệt, bất kể mục tiêu mà nó tuyên bố có là hòa bình hay thịnh vượng chăng nữa.

Hòa bình không thể được tạo nên bằng cách đó. Hòa bình là một trạng thái thuận tự nhiên của các mối quan hệ trong đó tất cả những gì ngăn chặn hòa bình đều bị loại bỏ. Chỉ có một số ít người thực sự cam kết hướng tới hòa bình như một mục tiêu thực tế. Trong đời sống cá nhân, mọi người quan tâm hơn tới việc họ bằng mọi giá phải cư xử “đúng đắn” trong các mối quan hệ của mình hoặc đối với bản thân mình. Sự định vị đầy ngụy biện là kẻ thù thực sự của hòa bình. Khi đứng trên quan điểm áp bức để tìm kiếm các giải pháp, người ta sẽ không thể tìm ra cách giải quyết hòa bình.

Một quá trình bệnh tật là bằng chứng cho thấy đã xảy ra một sai hỏng nào đó trong sự vận hành của tâm trí, và đây chính là nơi chứa đựng sức mạnh tạo nên sự thay đổi. Điều trị một căn bệnh nào đó mà chỉ coi nó như một quá trình vật lý nằm gọn trong thế giới ảo ảnh A -> B -> C thì không thể điều chỉnh được căn nguyên của sự sai lệch và chỉ làm bệnh thuyên giảm tạm thời thay vì chữa khỏi dứt điểm. Một sự đau đớn kéo dài cả cuộc đời có thể bình phục một cách thần tốc chỉ nhờ một cú chuyển dịch thái độ; dù nhìn bề ngoài cuộc chuyển dịch này dường như chỉ diễn ra trong tích tắc, nhưng trên thực tế, trong thâm tâm người bệnh có thể đã phải mất nhiều năm trời để từng bước chuẩn bị cho thời khắc ấy.

Cần nhớ rằng điểm tới hạn của một hệ thống phức tạp bất kỳ là điểm mà ở đó chỉ một lực nhỏ nhất cũng đủ làm thay đổi toàn bộ hệ thống. Thậm chí, nước đi của một con tốt trên bàn cờ cũng có thể xoay chuyển hoàn toàn thế cờ. Từng chi tiết của hệ thống niềm tin mà chúng ta nắm giữ đều gây ra những hệ quả hoặc tốt hoặc xấu. Điều này giải thích vì sao một căn bệnh “hết thuốc chữa” là thứ không hề tồn tại; ở đâu đó, vào một lúc nào đó, có một ai đó mắc phải nó đã bình phục hoàn toàn nhờ những quá trình đã được mô tả ở trên.

Nhân tố này đóng vai trò quan trọng không chỉ trong quá trình bình phục mà còn đối với mọi tiến triển trọng yếu của nhận thức để từ đó một người – trong lúc trải qua những vật lộn đầy đau đớn của sự tiến hóa – nảy sinh lòng trắc ẩn đối với bản thân và với toàn nhân loại. Chỉ theo cách ấy ta mới cùng lúc vừa được chữa lành vừa trở thành người chữa lành. Và cũng chỉ theo cách ấy ta mới hy vọng bình phục khỏi bất kỳ cơn bất ổn nào, dù ở phương diện thể chất hay tinh thần.

Phải chăng tất cả những điều này ngụ ý rằng nếu chúng ta học cách vận hành cuộc sống của mình qua lăng kính yêu thương vô điều kiện thì ta sẽ trở nên bất tử? Không. Chất nguyên sinh của cơ thể vật lý dễ bị tổn thương trước các tác động đến từ lập trình di truyền học của chính nó cũng như từ môi trường bên ngoài. Nhưng đứng trên quan điểm của cấp độ ý thức 500 hoặc cao hơn, thì có vẻ bản thân cái chết cũng chỉ là một ảo ảnh và sự sống vẫn tiếp diễn bất chấp những hạn chế của nhận thức do phải khu trú trong một thân thể vật lý. Ý thức là năng lượng thiết yếu vừa đem đến sự sống cho cơ thể vừa tồn tại vượt khỏi cơ thể trong một cõi khác.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁC CẤP ĐỘ Ý THỨC CỦA CON NGƯỜI
  2. MỞ RỘNG TÌNH YÊU THƯƠNG VÀ LÒNG BI MẪN
  3. TÌNH YÊU THƯƠNG, NGUỒN GỐC CỦA HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. SỰ HÌNH THÀNH TÍNH CÁCH VÀ CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA TÍNH CÁCH TÍCH CỰC THEO ĐỊNH CHUẨN CỦA Bs.Ts. DAVID R. HAWKINS
  2. NIỀM HÂN HOAN VÀ SỰ XUẤT THẦN MANG TÍNH SIÊU VƯỢT
  3. CHỨNG KIẾN VÀ QUAN SÁT KHÔNG DÍNH MẮC

Bài viết mới

  1. KHÔNG LÀM HẠI
  2. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG
  3. LỢI ÍCH CỦA TINH THẦN TU TẬP