ĐƯƠNG ĐẠO
Trích: Thực hành con đường Bồ tát qua kinh Duy Ma Cật; NXB: Thiện Tri Thức.
Bấy giờ tôn giả Xá Lợi Phất thấy trong phòng ông trưởng giả Duy Ma Cật không có giường ghế gì cả thì nghĩ rằng, các Bồ tát và các đại Đệ tử sẽ ngồi ở đâu?
Trưởng giả Duy Ma Cật biết ý nghĩa ấy, mới nói tôn giả Xá Lợi Phất rằng: “Thưa tôn giả, ngài đến vì pháp hay vì chỗ ngồi?”
Tôn giả Xá Lợi Phất nói: “Tôi đến vì pháp, chẳng phải vì chỗ ngồi.”
Duy Ma Cật nói: “Dạ thưa ngài Xá Lợi Phất, phàm cầu pháp thì thân mạng cũng không tiếc, huống gì chỗ ngồi.
Phàm cầu pháp, thì chẳng có cầu sắc, thọ, tưởng, hành, thức, chẳng có cầu (mười hai) nhập, (mười tám) giới, chẳng có cầu ba cõi Dục, Sắc, Vô sắc.
Dạ thưa ngài Xá Lợi Phất, phàm cầu pháp thì không tham luyến Phật mà cầu, không tham luyến Pháp mà cầu, không tham luyến Tăng mà cầu.”
—
Pháp đây là pháp tánh hay Phật tánh, người cầu pháp mà chẳng có cầu năm ấm, mười hai nhập, mười tám giới, chẳng có cầu nơi ba cõi dục, cõi sắc, cõi vô sắc, không tham luyến tướng Phật, tướng Pháp, tướng Tăng mà cầu, thì chính ngay nơi tâm không cầu tướng đó, tâm không bị các tướng ngăn ngại đó, Phật tánh hay pháp tánh hiển lộ. Tâm không có tướng, tâm đó là một với Phật tánh, với pháp tánh.
“Thấy các tướng là chẳng phải tướng, đó là thấy Như Lai” (Kinh Kim Cương)
Phàm cầu pháp là không thấy Khổ mà cầu, không đoạn Tập mà cầu, không tạo ra sự chứng Diệt, tu Đạo mà cầu. Bởi vì sao thế? Pháp không có hý luận. Nếu có, “Tôi phải thấy Khổ, đoạn Tập, chứng Diệt, tu Đạo”, thì đó là hý luận, không phải cầu pháp.
Thưa ngài Xá Lợi Phất! Pháp là tịch diệt. Nếu hành sanh diệt, đó là cầu sanh diệt, chẳng phải cầu pháp.
—
Thấy Khổ nghĩa là thấy tướng khổ mà cầu pháp, thì pháp trở thành một tướng để đối trị với tướng khổ kia, pháp do đó mà thành pháp sanh diệt. Đoạn Tập, tức là đoạn trừ nguyên nhân của khổ, thấy có tướng nguyên nhân của phiền não để dùng pháp đối trị, lại ra sức đoạn diệt, thì pháp đó cũng ở bình diện của tướng phiền não, pháp đó cũng chỉ là một tướng, một phương tiện đối trị nên cũng là pháp sanh diệt. Tiếp theo, tạo ra sự chứng Diệt, tu Đạo là dùng một pháp hữu vi để đối trị với phiền não hữu vi. Thật ra, lối tu trên tướng, dùng pháp sanh diệt, hữu vi để đối trị này vẫn có kết quả, nhưng thứ nhất là mệt nhọc, thứ hai là khó triệt để, thứ ba là dễ bị chấp vào phương tiện để đối trị.
Như chúng ta đã nói ở trước, sự tu hành bắt đầu bằng cái thấy (tri kiến, quan điểm) sau đó là thiền định, và hạnh (tức là quả). Cái thấy như thế nào thì thiền định và hạnh như vậy. Cái thấy theo hình tướng, do đó mà có Khổ, Tập, Diệt, Đạo theo hình tướng.
Cái thấy của Đại thừa nhìn vào bản thể của sự viễn, nghĩa là nhìn theo tánh. Lối tu của Thanh văn về Khổ, Tập, Diệt, Đạo ví như thấy có sóng (có khổ do những tư tưởng khởi lên tạo ra một bản ngã giả tạo) và dùng những sóng khác, tức những tư tưởng khác (các pháp quán Không, Vô Thường, Khổ, Vô ngã…) để triệt tiêu các sóng tạo thành cái ngã gây khổ kia. Lối tu của Đại thừa nhìn thấu vào bản chất của sóng (của tư tưởng), sóng vốn là nước, là đại dương, một khi nhận biết đại dương thì sóng cũng theo sự tịch lặng của đại dương mà lắng xuống. Từ đó dù khởi hay lặng, sóng cũng không ra ngoài đại dương. Cũng vậy,một khi nhận biết tư tưởng khởi từ tâm mà tâm vốn không hình tướng, không nền tảng, không tự tánh thì tư tưởng cũng thế, không tự tánh, và do đó mà tư tưởng tự-giải thoát vậy.
Nhìn sâu hơn nữa, thì tư tưởng vốn luôn luôn tự giải thoát vì vô tự tánh.
Bởi thế ngài Duy Ma Cật nói:” Pháp (tánh) là tịch diệt. Nếu hành sanh diệt (theo tư tưởng mà hành), đó là cầu sanh diệt, chẳng phải cầu pháp (tánh)”. Pháp tánh này là cứu cánh cần phải thấy biết, nhưng đồng thời nó là phương tiện nền tảng cho mọi sanh khởi của sự tu hành.