PHÁP TU THỨ 35 VÀ 36

HE. GARCHEN RINPOCHE VIII

Trích: Bình Giảng 37 Pháp Tu Của Bồ Tát; Chuyển việt ngữ: Tiểu Nhỏ và Trần Lan; Xuất bản lần thứ hai vào tháng 6/2017, cúng dường cho chuyến hoằng pháp của Đại Sư Garchen Rinpoche lần thứ 3 tại Việt Nam 7/2017

 

35 Phiền não khi đã được huân tập thì thật khó vượt qua bằng các pháp đối trị. Hãy trang bị cho mình vũ khí đối trị là chánh niệm, và hãy phá tan các phiền não như tham ái ngay khi chúng vừa khởi hiện. Đó là pháp tu Bồ tát.

Chúng ta  đã quá quen với các cảm xúc phiền não từ thời vô thủy trong Luân hồi. Ngay một hành giả Phật pháp chân chính cũng không luôn luôn nhận biết được cảm xúc phiền não với sự tỉnh giác và chánh niệm của mình được. Những cảm xúc phiền não này tự khẳng định sự hiện diện của chúng là bình thường và chúng ta cảm thấy có nhu cầu phải nổi giận, phải ganh ghét. Nhu cầu phát khởi cảm xúc phiền não dường như là điều tự nhiên.

Khi chúng ta quy y, chúng ta được biết rằng Phật bên trong là chánh niệm, là trí huệ Ba-la-mật. Nếu chúng ta không có trí huệ, chúng ta sẽ không đạt giải thoát được cho dù chúng ta vẫn có năm Ba-la-mật kia. Tinh túy của chánh niệm cũng giống như trí huệ. Đại thủ ấn, Đại tri kiến, Đại viên mãn, Đại trung quán, dù tên gọi có là gì đi chăng nữa thì các pháp này đều chỉ đến chánh niệm. Về bản chất thì trí huệ của tất cả chư Phật trong ba thời và một khoảnh khắc chánh niệm của con là giống nhau hoàn toàn. Có giáo huấn cho rằng “Hình tướng và sự hiện hữu có chung một nền tảng duy nhất”. Nền tảng duy nhất này là trí huệ siêu việt. Đây là “Vũ khí đối trị – chính là chánh niệm” bởi vì chúng ta dùng trí huệ siêu việt và sự tỉnh giác để giữ Bồ đề tâm, vung bồi tình yêu thương và sự nhận biết rằng cảm xúc phiền não chính là kẻ thù.

Thừa nguyên thủy và Bồ tát thừa dùng các biện pháp khác nhau để đối trị cảm xúc phiền não. Ví dụ như trong Nguyên thủy thừa, thiền quán về bất tịnh để đối trị lòng tham dục, thiền quán về tình yêu thương để đối trị sân hận và thiền quán về duyên khởi để  để đối trị vô minh; đối với cảm xúc phiền não, có một cách đối trị riêng. Trong Bồ tát thừa, chúng ta thiền quán về tình yêu thương, xem mọi chúng sanh là mẹ hiền của mình. Chúng ta chỉ thiền quán về tình yêu thương. Một khi con đã được khai thị về tri kiến Đại thủ ấn và Đại viên mãn, con sẽ không cần dùng biện pháp đối trị nào nữa. Ngoài chánh niệm, con sẽ chẳng cần gì thêm. Nếu con đã tu tập tốt trong Nguyên thủy thừa và Bồ tát thừa, và nếu cuối cùng chánh niệm cũng tự duy trì được thì con sẽ chẳng cần gì cả ngoài chánh niệm. Trong Bồ tát thừa, chúng ta thực hành hạnh nhẫn nhục để đối trị sân hận khi nhớ rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ của mình. Nếu có kẻ định hãm hại con, như cướp tiền chẳng hạn, và nếu con nổi giận thì con phải nghĩ rằng ‘Ồ, Bồ tâm của mình là trân quý nhất. Nếu mình mất tiền thì đành chịu thôi, miễn là mình không đánh mất Bồ đề tâm vì nó là nguyên nhân dẫn đến hạnh phúc đời đời, kiếp kiếp’. Con cũng có thể nghĩ rằng sự cố này cũng giống như nghiệp cũ đã trổ quả và tên cướp là oan gia trái chủ. Nghĩ được như vậy, con sẽ không tức giận. Con phải lập tức dùng chánh niệm để đối trị cảm xúc phiền não. Một cách lý tưởng, nếu con chế ngự được sân hận bằng phương pháp chánh niệm thì con sẽ chẳng cần thêm gì cả và cảm xúc phiền não sẽ biến thành trí huệ. Nếu không chế ngự được sân hận bằng chánh niệm thì con phải dùng biện pháp đối trị khác. Ví dụ như trong Nguyên thủy thừa, khi con tức giận, con phải quán cảnh giới địa ngục và nguồn gốc của sự đọa sinh đó là tâm sân hận. Khi con nghĩ về điều đó và sau khi con đã quán sự khổ đau trong cảnh giới địa ngục thì con sẽ có thể ngăn chặn cơn giận ngay lập tức. Đây là cách mà biện pháp đối trị phải được áp dụng.

Một hành giả mới cần quán tưởng khổ đau trong cảnh giới địa ngục cho đến khi anh ta sợ hãi sự sân hận. Rồi trong Bồ tát thừa anh ta sẽ quán chiếu tình yêu thương với ý nghĩ rằng tất cả chúng sinh đều đã từng là cha mẹ của mình. Rồi anh ta sẽ chế ngự được cơn giận. Trong Mật thừa, tất cả những điều này đều là cần thiết để giữ vững tri kiến.

36 Tóm lại, bất luận đang làm gì, phải luôn tự hỏi “Tâm ta đang ở trạng thái nào?” Hãy liên tục duy trì chánh niệm và tỉnh giác để thành tựu mục đích làm lợi lạc chúng sanh. Đó là pháp tu Bồ tát.

Nếu phải tóm tắt mọi pháp tu của Nguyên thủy thừa, Bồ tát thừa và Mật thừa trong bốn dòng chữ thì tất cả đều được cô đọng trong đoạn kệ này. Khi chúng ta quán chiếu về ý nghĩa của tánh Không thì chúng ta duy trì trạng thái của nhất tâm không phóng dật. Khi chúng ta để tâm mình an trú trong tánh Không thì sự chú tâm sẽ xuất hiện. Người ta nói rằng ‘Cái được biết đến như là tánh Không là sự chánh niệm’. Khi duy trì trạng thái chú tâm, một tâm thức tập trung, một sự tỉnh thức rỗng rang thì mọi hoạt động thường ngày của con sẽ trở nên có chánh niệm và không phóng dật. Sự chánh niệm này có khả năng triệt tiêu các ý nghĩ và cảm xúc phiền não hay làm cho chúng suy yếu đi. Đây là ý nghĩa của tánh Không. Chúng ta phải thực hành chánh niệm trong tất cả các hoạt động của mình. Đức Milarepa đã dạy rằng ‘Hãy quán tâm của con khi đi, khi di chuyển, khi nằm, khi ngồi. Hãy thực hành quán tâm trong sự liên tục không gián đoạn’. Cách duy trì trạng thái này là tụng chú OM AH HUNG khi thở. Chúng ta trụ vào OM AH HUNG với chánh niệm. Lúc nào cũng có thể thực hành được việc tụng chú OM AH HUNG bởi vì chẳng có lúc nào mà chúng ta không thở. Nếu kết hợp OM AH HUNG với từng hơi thở thì sự tập trung của con sẽ không bị gián đoạn. Đây là cái gốc, con phải luôn luôn ghi nhớ điều này. Con phải quán chiếu bản tánh của tâm mình trong từng khoảnh khắc một để xem có cảm xúc phiền não nào còn vương vấn  hay không, để xem con có cảm xúc phiền não nào chi phối hay không.

 

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BÌNH GIẢNG 37 PHÁP TU CỦA BỒ TÁT_Pháp Tu Thứ 16
  2. CHÁNH NIỆM THÂN VÀ TÂM
  3. 37 PHÁP HÀNH BỒ TÁT ĐẠO

Bài viết khác của tác giả

  1. KHAI THỊ SỐ 13: CHUẨN BỊ CHO CÁI CHẾT
  2. SÂN GIẬN
  3. NHỮNG HÌNH THỨC BIỂU HIỆN CỦA TÌNH YÊU

Bài viết mới

  1. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH
  2. NIỀM TIN VÀO CHỦ NHÂN KHÔNG LÀ CHÌA KHÓA
  3. BẠN THÔNG MINH HƠN BẠN TƯỞNG