PHẬT PHÁP VÀ GIÁO DỤC

HT. THÍCH THÁNH NGHIÊM

Trích: Bình An Trong Nhân Gian; NXB Thời Đại -Thaihabooks


“Phật” có ý nghĩa là “giác ngộ”, và cũng có nghĩa là trí tuệ. Giáo dục trong Phật pháp bắt đầu từ lập trường và thái độ về trí tuệ để thúc đẩy công năng giáo dục cảm hóa của từ bi. Vậy “từ bi” là gì? “Từ” tức chỉ việc đem lại niềm vui cho người khác, còn “bi” chỉ cứu vớt đau khổ, khổ nạn của con người. Sau khi cứu thoát con người khỏi đau khổ, một mặt từ bi đem lại cho họ niềm hạnh phúc, một mặt mang tới cho họ môi trường yên vui. Trong cuộc đời này, đâu là nơi không còn đau khổ nữa? Có ai không muốn hưởng yên vui an nhàn không? Vì vậy, trên lập trường của Phật pháp, đối tượng giáo dục không có tiêu chuẩn đặc biệt.

Trong bốn điều nhận thức chung của Pháp Cổ Sơn, thì điều chúng tôi đề xuất là: “giáo dục toàn diện, thực hiện quan tâm toàn diện”. Đây không chỉ là phương pháp giáo dục của Pháp Cổ Sơn, mà có thể nói đây là phương pháp giáo dục của Phật giáo.

I. Giáo dục trong thời kỳ mang thai – cha mẹ cần phải làm gương
Giáo dục trong thời kỳ người mẹ mang thai gọi là giáo dục dành cho thai nhi – thai giáo, vậy cần phải giáo dục như thế nào? Liệu có phải dùng ngôn ngữ để dạy không? Hay là dùng văn tự để dạy? Thực ra, ngay từ khi người mẹ vừa bắt đầu mang thai cần phải giáo dục bản thân mình ngay, cần tự dặn mình không được tức giận nóng nảy, không được kích động, không được tham lam, cáu gắt. Bởi nếu tâm trạng người mẹ không ổn định, có vấn đề thì đứa trẻ trong bụng sẽ chịu ảnh hưởng xấu từ chính những hành vi đó. Trong kinh Phật ta có thể thấy Đức Thích Ca Mâu Ni rất coi trọng việc giáo dục dành cho thai nhi, và ngài cũng tự miêu tả lại quá trình mình nằm trong bụng mẹ khi bà thai nghén. Bản gốc bộ Đại Tạng Kinh có cuốn Phật Bản Hạnh Tập Kinh giảng giải về việc quá trình Đức Thích Ca Mâu Ni đầu thai cho đến khi được sinh ra và sự giáo dục mẹ ngài dành cho ngài trong suốt thời kỳ bà  mang thai. Trong kinh văn có ghi chép, trong quá trình mang thai, bà có linh cảm như có một vị Bồ-tát đang ở trong bụng mình, không hề có chút phiền não, mỗi một cái giơ tay, duỗi chân, mỗi một động tác, ý niệm đều rất uy nghi, dường như đó là một sự lễ phép, phù hợp với tiêu chuẩn của một vị thánh hiền.

Do việc giáo dục thời kỳ mang thai rất quan trọng, cho nên đối với các cặp vợ chồng mới kết hôn, nếu có kế hoạch sinh con thì tôi thường khuyên họ nên chuẩn bị ngay chế độ giáo dục cho thai nhi, sửa đổi những thói quen không tốt trong sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi phải tuân theo quy củ, bằng không khi mang thai mà người mẹ vẫn còn uống rượu bia, đánh bài, hút thuốc, thậm chí hút thuốc phiện sẽ trực tiếp hạ độc hại chính đứa con trong bụng mình. Nếu đợi sau khi mang thai rồi mới bắt đầu chú ý đến việc giáo dục thời kỳ thai nhi, tôi e rằng là quá muộn, không chỉ vậy khi đó thói quen đã hình thành và khó sửa đổi.

Nếu thật sự có thể tiến hành giáo dục trong thời kỳ thai nghén, thì sau khi sinh con, bản thân cha mẹ cũng bị giáo dục. Vì vậy, giáo dục trong thời kỳ này rất quan trọng đối với em bé trong bụng và cũng rất quan trọng đối với bậc cha mẹ.

II. Giáo dục thời kỳ sơ sinh – từ bi và trí tuệ
Sau khi đứa trẻ ra đời thì bắt đầu giáo dục thời kỳ dành cho trẻ sơ sinh. Chúng ta đừng lầm tưởng rằng trẻ sơ sinh thì không hiểu biết gì, không dạy dỗ cũng chẳng sao. Tín đồ Phật giáo lại cho rằng những hài nhi đó là những tiểu Bồ tát, chúng ta không những tôn trọng chúng mà còn phải chăm sóc, giáo dục, khai trí soi sáng cho chúng. Bậc cha mẹ cần dùng lòng từ bi, lòng yêu thương và trí tuệ để nuôi dưỡng những bảo bối này, và đây cũng là thời kỳ cha mẹ tự giáo dục lại bản thân mình.

Có một cặp vợ chồng sinh được một đứa con, khi đứa trẻ vừa mới ra đời thì bị dị dạng bẩm sinh và chậm phát triển, bác sỹ nói với họ rằng: “Sau này vợ chồng anh chị sẽ phải chịu tội cho đến khi đứa trẻ kia vĩnh viễn mất đi, nó cần được chăm sóc cả đời này, anh chị cần chuẩn bị tâm lí”, nếu là người khác sau khi nghe vậy liền bỏ đi biệt tăm biệt tích, để lại đứa trẻ cho bệnh viện nuôi dưỡng và không màng tới số phận đứa trẻ đó nữa. Nhưng cặp vợ chồng này là tín đồ Phật giáo, cho nên họ nói rằng: “Đây là nghiệp báo của kẻ làm cha làm mẹ như chúng tôi, đã liên lụy đến con cái mình, khiến nó phải chịu khổ chịu tội thay, vì vậy, cả đời này chúng tôi phải chăm sóc nó cẩn thận”.

Sau đó, họ mang đứa bé đến gặp tôi, và xin tôi chúc phúc cho họ. Ngoài quan tâm chúc phúc họ, tôi còn cho họ biết rằng: “1/ Cần tìm y bác sỹ giỏi điều trị bệnh cho con; 2/ Cần tích cực hành thiện tích đức, vừa bố thí cho kẻ nghèo khó, vừa niệm Quan Thế Âm Bồ-tát”.
Sau khi nghe tôi khuyên giải, họ dùng cả tấm lòng mình đón nhận, chăm sóc đứa bé, và miệng thường hay niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát, làm nhiều việc thiện tích đức cho con. Chính vì cha mẹ làm được như thế mà họ chăm sóc đứa con đó như chăm sóc cho một vị Bồ-tát. Như vậy đứa trẻ mới có được ảnh hưởng từ cha mẹ mình mà ngày càng tiến bộ, ngày càng trưởng thành hơn. Cho đến nay đứa trẻ đó không những có được mái ấm gia đình tràn đầy yêu thương mà còn có một sự nghiệp vững vàng.

III. Giáo dục thời kỳ thiếu nhi – thiết lập tín ngưỡng tôn giáo
Sau khi đứa trẻ bước sang giai đoạn nhi đồng, thiếu nhi thì việc giáo dục càng trở nên quan trọng. Lúc này, bậc cha mẹ nên cho con bắt đầu học Phật. Hiện nay có nhiều cha mẹ đích thân quy y tam bảo mà không cho con cái theo. Họ cho rằng các con còn nhỏ, chưa có khả năng lựa chọn, bắt ép chúng đến chùa chiền quy y tam bảo là không công bằng, và nghĩ rằng đợi sau khi con cái trưởng thành rồi tự chúng sẽ quyết định. Sự thực là những lí luận như vậy sai lầm tuyệt đối.

Ví như khi con cái còn nhỏ tuổi, chúng thường hay nhìn thấy tượng Phật Quan Thế Âm Bồ-tát và làm lễ bái Phật, miệng niệm Nam Mô Quan Thế Âm Bồ-tát thì ta nên kể cho chúng nghe những câu chuyện về Phật giáo có ích cho sự phát triển trí tuệ, dạy chúng hiểu thế nào là từ bi, thế nào là sáng suốt, và khi nhìn thấy ếch nhái, ruồi muỗi hay con kiến tự nhiên chúng sẽ không đành lòng nhẫn tâm giết hại những loài vật nhỏ bé này. Sau khi lớn lên sẽ khó học tập những thói hư tật xấu từ bạn bè xung quanh.

Vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ cha mẹ nên giáo dục con cái về tín ngưỡng tôn giáo, không cần phải đợi đến khi chúng trưởng thành mới bắt đầu. Đặc biệt là khi chúng bước sang giai đoạn dậy thì khó bảo mới bắt chúng tiếp nhận tôn giáo thì thật là khó khăn.

IV. Giáo dục trong trường học cần chú trọng giáo dục nhân cách
Giáo dục trong trường học có thể chia thành giáo dục về tri thức, giáo dục về nhân cách, và giáo dục về kỹ năng. Giáo dục về kỹ năng là dạy cho học sinh học được một nghề nghiệp nào đó để sau này dễ dàng mưu sinh kiếm sống; giáo dục về tri thức là hình thức truyền thụ lại kiến thức, học vấn cho người học, còn giáo dục nhân cách là sự dạy dỗ nhằm nâng cao phẩm chất đạo đức cho con người. Trong ba loại hình giáo dục nói trên thì giáo dục nhân cách quan trọng nhất, cơ bản nhất.

Tôi có ba yêu cầu đối với học sinh theo học trung tâm nghiên cứu Phật học Trung Hoa do tôi sáng lập ra: thứ nhất là phải có đạo tâm – tức phải có nhân, lễ, nghĩa, trí, tín; thứ hai là phải có sức khỏe, thứ ba là phải có học vấn. Dù trung tâm nghiên cứu của chúng tôi chỉ truyền thụ kiến thức và học vấn, nhưng tôi khuyến khích các học viên đặt
đạo tâm lên hàng đầu.

Vậy đạo tâm là gì? Đó là giáo dục nhân cách, giáo dục nhân phẩm. Một người nếu không có đạo tâm chứng tỏ nhân cách của anh ta không tốt, phẩm chất của anh ta kém; một người phẩm cách không tốt thì dù có học vấn cao đến đâu thì cũng chẳng có lợi gì cho xã hội, cho thế giới này. Đặc biệt là kẻ có nhân phẩm xấu xa nhưng có học vấn cao, họ dễ dàng dựa vào trí thông minh mà làm điều xằng bậy, phạm tội ác, và hậu quả thì thật khó tưởng tượng, thà rằng học vấn thấp kém hơn một chút nhưng có nhân phẩm đạo đức thì vẫn tốt hơn.

Thứ hai là sức khỏe. Ngoài việc khỏe mạnh về thể chất cần có sự  lành mạnh về tinh thần, về tâm lí. Nếu thân thể và tâm lí không khỏe mạnh, không lành mạnh thì chính người đó tự gây phiền nhiễu, đau khổ, tự làm phiền mình và cũng mang lại không ít rắc rối, gánh nặng và đau khổ cho những người sống xung quanh.

Giáo dục trong trường học không chỉ nghiêng về ba phương diện giáo dục nhân cách, thân thể khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, và truyền thụ kiến thức, mà cần phải học tập quan điểm ai cũng nhận được sự giáo dục như nhau của Khổng Phu Tử, không được thất vọng về bất cứ ai. Đây cũng là quan điểm nhìn nhận của Phật pháp, tất cả chúng sinh đều có mang nhân cách của Đức Phật, ai cũng có thể trở thành Phật, vì vậy họ đều được chỉ bảo dạy dỗ, chỉ có điều là trong hoàn cảnh khác nhau thì áp dụng phương pháp giáo dục tương ứng thích hợp – đây là nguyên tắc cơ bản trong giáo dục Phật pháp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THẾ NÀO LÀ BÌNH AN ?
  2. SỰ BÌNH AN KHÔNG LAY CHUYỂN
  3. BÌNH AN

Bài viết khác của tác giả

  1. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  2. LIỆU CÓ “ĐOÁN” ĐƯỢC “MỆNH” KHÔNG? – HT. THÁNH NGHIÊM
  3. THUẬN CẢNH, NGHỊCH CẢNH

Bài viết mới

  1. BIỂU LỘ CHÍNH MÌNH MỘT CÁCH TRỌN VẸN
  2. CHÂN LÝ CÓ THỂ CÓ ĐƯỢC BẰNG LAO ĐỘNG QUÊN MÌNH
  3. CẢM GIÁC TỰ DO, ĐƯỢC GIẢI PHÓNG BẢN THÂN