PHƯƠNG PHÁP NHÌN THẤU THẾ GIAN

BEOP SANG

Trích: Ngày Hôm Nay Mang Tên Hạnh Phúc; Anh Vũ dịch; Công ty Cổ phẩn Sách Thái Hà; NXB. Lao Động-Hà Nội

Nếu lặng lẽ quan sát cuộc đời mình thì ta sẽ thấy đó là một chuỗi của những lựa chọn. Không có phút giây nào sống trên đời mà ta có thể ngừng lựa chọn cả. Dường như không thể nào sống được nếu không lựa chọn. Những lựa chọn đúng đắn ở mỗi thời điểm chính là con đường duy nhất để ta tô diểm cho cuộc đời mình mỗi ngày một đẹp hơn. Thế nhưng ngược lại, sự lựa chọn cũng là khởi nguồn của tất cả vấn để. Lựa chọn cô lập ta và đẩy ta vào những trường hợp khiến ta trở nên ngốc nghếch.

Hơn tất cả, ta đều nghĩ rằng phải đưa ra lựa chọn sáng suốt. Từng phút từng giây chẳng phải ta vẫn tìm kiếm thông tin để đưa ra được những lựa chọn đúng đắn đó sao? Ta được học rằng đó là điểu ta có thể làm được cho cuộc sống của mình. Thể nhưng có những khi ta chẳng thể nào áp dụng được những bài học ấy. “Sự lựa chọn” để phân biệt không cho ta đáp án thỏa đáng về bản chất cuộc đời này.

Nếu lựa chọn một điều này sẽ phải từ bỏ một điều khác, luôn luôn là như thế. Lựa chọn điều mà mình cho là đúng đắn sẽ không thể lựa chọn được phương án còn lại. Nếu vậy cuộc sống của ta luôn chia làm hai. Mọi thứ luôn được phân chia rõ ràng, đúng và sai, công bằng và bất công. Nếu chia hai, nhất định sẽ có một bên được yêu mến và một bên bị chối bỏ. Con người ta vẫn thường chọn lấy điều mình thích, tìm cách để nó là của mình còn những gì mà mình không thích sẽ loại bỏ, ruồng rẫy, thậm chí tiêu diệt, triệt tiêu.

Nếu quan sát kĩ cuộc đời của ta, lúc nào cũng sẽ thấy lặp lại theo những khuôn mẫu đồng nhất. Tất cả những gì nhìn, nghe, nếm, tiếp xúc, suy nghĩ đều được chia ra thành “tốt hoặc xấu”, sau đó ta cố gắng chiếm lấy cái tốt và vứt bỏ cái ta ghét, cuồng mê cái tốt và căm hận thứ mình ghét, dậy lòng tham với những điều ta muốn, bực tức với những điều ta không vừa lòng. Tùy thuộc xem đối tượng là gì mà ta trở thành kẻ săn đuổi hay kẻ chạy trốn, tất cả điều đó chỉ quyết định trong nháy mắt. Chính bởi sự phân biệt tồn tại trong con người ta mà thế gian này mới chia ra làm ta và địch, đối đầu lẫn nhau rồi sinh ra chiến tranh, chém giết.

Thế nhưng phân chia ra làm yêu và ghét không phải là quan điểm chân lí của cuộc đời này. Nó chỉ gây ra những xáo trộn và chia cắt trong tâm hồn, vị kỉ và ghen tị, đối lập và chiến tranh mà thôi. Vậy mà trái tim ta vẫn cứ phân biệt yêu ghét và dần dần nhìn mọi thứ một cách thiên lệch. Nếu cứ nhìn sự vật một cách đầy thiên vị thì ta sẽ mất đi đôi mắt vốn dĩ khách quan của mình.

Lúc nào đáp án của ta cũng là một trong hai sự lựa chọn. Thích hay ghét, đúng hay sai. Thế nhưng cuộc đời chỉ có những thứ ta thích và những thứ đúng đắn thôi hay sao? Chỉ có những thứ ta ghét và những thứ sai lầm thôi hay sao? Nhiều khi hỏi “người kia như thế nào”, câu trả lời có thể là một trong hai dáp án, “người ấy ổn” hoặc “chẳng ra gì đâu”, “người tốt” hoặc “người xấu”. Con người làm sao có thể bị và đánh giá theo cách nhìn nhận một trong hai như thế được. Làm sao có thể nói một người hoàn toàn là “người tốt” hoặc hoàn toàn là “người xấu” được. Sự quy định phán xét ấy chính nó đã gây ra định kiến về một người.

Hãy coi như ta vừa nghe đánh giá về một người là “người xấu”, “tính cách chẳng ra gì”. Nếu vậy chắc chắn trong lòng ta sẽ nảy sinh định kiến rằng người đó là “xấu”, “chẳng ra sao”. Đối phương dù có hảo ý đối xử với ta tốt như thế nào thì ta cũng như kẻ bị đeo cặp kính đen nhìn họ với suy nghĩ “có lẽ họ có mục đích hay ý đồ xấu”. Định kiến ấy không dễ dàng có thể xóa bỏ. Tất cả những chia cắt, phân loại, phán xét, lựa chọn cũng đều giống như thế.

Nhìn mọi thứ theo hướng tốt hay xấu cũng đều không đúng với bản chất của chính nó. Nhìn một sự việc theo hướng tốt, tất cả sẽ trở nên tốt hơn. Nhìn theo hướng xấu đi, tất cả mọi vật đều trở nên đáng ghét. Nếu là người mình thương thì mặt gì của họ cũng đều tốt cả nhưng nếu là người ta ghét thì hành động nào của họ cũng khiến ta thấy khó chịu. Ta, những người đeo mắt kính của sự yêu ghét, không thể nào nhìn sự vật “như nó vốn có” được. Chỉ có trái tim ta là ngày càng trở nên thiên vị và bị chia rẽ mà thôi.

Hơn tất cả, cách sống trên thế gian này để đúng với bản chất của nó nhất chính là đừng lựa chọn, đừng phán xét. Làm theo đúng những gì ta nhìn thấy mà không cần lựa chọn. Hãy chỉ nhìn thôi chứ đừng phán xét. Đừng soi xét, đừng phân biệt, cũng đừng lựa chọn. Phải như thế mới có thể mở được tầm mắt với đúng chính kiến của mình. Quan điểm công bằng trong sáng của ta mới không bị gò ép chỉ trong hai mặt tốt và xấu.

Một ai đó nhục mạ ta? Ta bị rớt trong kì thi tuyển hay bị giáng chức? Con cái của ta hư hỗn? Bị bạn bè phản bội? Xảy ra những việc không như ý muốn? Thất bại? Những lời đó rốt cuộc là gì? Bản thân những điều ấy chẳng phải là điều tốt cũng chẳng phải là điều xấu. Đó chỉ do ta mang trong mình sự phân biệt về tốt và xấu tùy theo từng tình huống thực mà thôi.

Hãy coi như ta vừa rớt kì thi tuyển vào một doanh nghiệp lớn. Sự việc ấy luôn luôn nội hàm hai mặt. Một là ta đã trượt và không được làm việc, hai là bởi vì ta đã trượt kì thi nên ta có thể bắt đầu một công việc khác. Thông thường ta mong muốn tình huống đầu tiên xảy ra và vì thế mà tự đẩy mình vào u buồn. Thế nhưng vì sao con người cứ luôn ngoan cố và bị trói buộc trong sự lựa chọn? Nếu là người sáng tạo, độc lập, tích cực thì dù có bị trượt cũng sẽ không phán xét. Ví dụ trên chỉ là một khả năng có thể xảy ra giữa hai sự lựa chọn, có thể thế này hoặc thế khác. Nhưng ta cứ luôn ngoan cố “nhất định mọi chuyện phải như thế này”, “nhất định phải là đậu”. Chính những ngoan cố và ám ảnh ấy dằn vặt bản thân ta.

Đừng phán xét hay mổ xẻ về hoàn cảnh. Đừng chỉ lựa chọn theo một phía một chiều dựa theo sự phân biệt và chọn lọc của bản thân. Dù là hoàn cảnh nào đi chăng nữa cũng không thể tốt hoàn toàn hay xấu hoàn toàn. Đó chỉ là sự lựa chọn tốt xấu của trái tim ta mà thôi.

Vì sao cứ thất bại đều bị coi là điều xấu? Thất bại có thể cho ta những kinh nghiệm quý báu để có thể đạt được thành công lớn hơn, nhiều lần thất bại là nhiều lần ta biết chắt chiu sức mạnh của ta, là nhân duyên để có thể tiêu tan những ác nghiệp của bản thân trong quá khứ, và đôi khi chỉ là một bước cơ bản cần thiết để từ thất bại đó ta có được thành công cho mai sau. Hãy bỏ tất cả những soi xét đi. Đừng lựa chọn gì cả. Hãy cứ nghiễm nhiên đón nhận mọi hoàn cảnh mọi tình huống. Hãy đón nhận toàn bộ cuộc đời này bằng một trái tim vui vẻ. Hãy sống thật vui vẻ và thanh thản trước cuộc đời này. Đó chính là con đường để vượt lên được cái “nghiệp”, là con đường không bị trói buộc hay giam giữ bởi cái “nghiệp”, là con đường tự giải thoát khỏi ác nghiệp và tội nghiệp.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. HỌC ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC
  2. HẠNH PHÚC PHẢI CHĂNG LÀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI?
  3. ĐIỀU GÌ KHIẾN CHÚNG TA KHÔNG THẬT SỰ HẠNH PHÚC?

Bài viết khác của tác giả

  1. Ở ĐÂY, NGAY BÂY GIỜ, HÃY HẠNH PHÚC
  2. NIỀM VUI TỪ NHỮNG ĐIỀU BÌNH DỊ
  3. HÃY CHO THẤY MỘT CUỘC SỐNG ĐẦY NHIỆT HUYẾT

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH