HỌC ĐỂ SỐNG HẠNH PHÚC

SƯU TẦM

CAO HUY HÓA
Nguồn: Văn Hóa Phật Giáo số 297– Ngày 15 - 5 - 2008

Sống trên đời, ai không mong cầu hạnh phúc?

Sống trên đời, ai không mong cầu hạnh phúc? Thế nhưng có mấy ai được mãn nguyện, ngược lại số người không hạnh phúc thì vô kể, đâu cũng có. Mà những người có hạnh phúc, thì hạnh phúc có khi là thực tế, có khi là ảo ảnh, không có gì chắc chắn. Hạnh phúc là trên đầu môi, nhưng hạnh phúc là gì, mỗi người diễn tả khác nhau, kể cả những nhà thông thái Đông Tây.

Tôi xin đứng ở vị trí người bình thường để quan niệm: Hạnh phúc là một cảm nhận cá nhân cho rằng, mình đang bằng lòng với cuộc sống. Dầu đơn giản như thế, nhưng những từ “bằng lòng cuộc sống” cũng gợi ra lắm điều: Bạn đang có điều kiện tốt lành gì để vui sống? Bạn đang vui sống với ai, với gia đình, với người thân, với bạn bè, với xã hội chung quanh và xã hội nói chung? Bạn vui sống bao lâu, bởi vì niềm vui không kéo dài, khi những nhân tố tạo niềm vui đi qua, khi cuộc sống có khó khăn, khi khát vọng đạt tới cái mới gia tăng, còn cái cũ thì nhàm rồi?

Cuộc sống mỗi người không thể tách rời xã hội, đất nước, nhất là ngày nay, cuộc sống bị xáo trộn với tốc độ nhanh bởi tiến trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Cuộc sống trầm lặng của mấy chục năm về trước đã thay bằng cuộc sống vội vã của đô thị,với đe dọa thường xuyên của thất nghiệp, của bấp bênh và an cư lạc nghiệp, của những bệnh thời đại do ô nhiễm môi trường, do stress thường xuyên, rồi mái ấm gia đình có nguy cơ tan vỡ, con cái bơ vơ, những tệ nạn xã hội, … Cũng trong xã hội đầy cạnh tranh gay gắt đó thì cũng có lắm cám dỗ của thị hiếu tiêu dùng, của địa vị, danh vọng, khiến con người dễ bị tha hóa.

Chính trong bối cảnh xã hội như thế, con người không còn bao nhiêu thời gian để thụ hưởng, và cũng không biết đích thực thụ hưởng cái gì, có đem lại hạnh phúc hay không, mà chỉ chạy theo dục lạc, theo vòng xoáy của thị trường, của tiếp thị, mù quáng theo tiếng gọi của số đông. Xã hội văn minh càng sản sinh nhiều vấn đề phức tạp trong đời sống, đến nỗi bệnh trầm cảm tràn lan, có nguy cơ tiến đến cái chết vì chán sống.

Có bệnh thì có thuốc chữa. Bệnh tinh thần thì có thuốc chữa tâm lý và giáo dục, có chuyên gia, và cả bệnh viện để chữa những căn bệnh rối rắm này. Từ ngày 12/01/2018, Đại học Yale, một đại học nổi tiếng ở bang Connecticut (Mỹ) đã giới thiệu một chương trình lấy tên “Psychology and the Good Life” (Tâm lý học và cuộc sống tốt). 1,200 sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai về Tâm lý học đã đăng ký học một giáo trình phổ thông nhất của Đại học Yale, như báo New York Times nhận định. Một đại học nổi tiếng khác, Harvard, cũng có giáo trình theo chủ đề về hạnh phúc như thế. Sau đây là 5 chủ đề của 5 bài học giúp bạn hạnh phúc hơn và lành mạnh hơn bất kể thời gian nào:

– Bài học về nhận thức.
– Bài học về các mối quan hệ.
– Bài học về hoạt động thể chất.
– Bài học từ thất bại.
– Bài học về chủ đề: “Đừng trông chờ mình sẽ luôn luôn hạnh phúc”.

Tại Pháp, những sáng kiến tương tự đã xuất hiện tại một vài trường Đại học. Giáo trình đã ra khỏi địa bàn của giáo dục cao cấp để đại chúng hóa, dân chủ hóa và biến thành những bài dạy của “sự phát triển cá nhân”, của “lãnh đạo tích cực” tại xí nghiệp, hay đơn giản là bài dạy về hạnh phúc. Những bài học để sống tốt hơn dành cho mọi người, trẻ, già, người về hưu. Thực sự, người ta học gì nơi những bài dạy đó?

Chỉ có bạn là người tốt nhất đo lường mức độ hạnh phúc của chính bạn.

Theo Corinne Cosseron, người sáng lập Ecole Internationnale du Rire (Trường Quốc tế về Cười), từ năm 2002, toàn bộ lợi ích của ngành tâm lý học tích cực nằm ở “khả năng lưu giữ đủ hạnh phúc, để đương đầu với những thời điểm khó khăn trong cuộc sống.”. Tất cả là để nhằm “cải thiện phương thức sống, bằng cách làm cho con người lạc quan hơn, nhiệt tâm hơn.”. Nội dung thực hành, suốt một thời gian mấy ngày nghỉ cuối tuần, được tổ chức mỗi năm từ 2 đến 3 lần khoảng 10 người tham dự, phần lớn là phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi cùng tụ họp tại một nơi, gọi là Ngôi nhà hạnh phúc (Maison du bonheur). Qua những bài tập đặt cơ sở trên những trắc nghiệm về nhân cách, của thiền định, của những tràng cười và sự góp phần lý thuyết của tâm lý học tích cực, những người tham dự tập suy nghĩ, theo cá nhân và trao đổi tập thể, về cách nhìn nhận hạnh phúc. Mục đích là, cuối cùng những 14 giờ học, mỗi người lại đi trên đường đời với cách giải quyết cụ thể mà họ có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Những gì khó nuốt khi học lý thuyết theo nhóm lại có thể đem niềm vui trong những lớp đặc biệt. Bên cạnh những giáo trình cổ điển về toán, về tiếng Pháp, lớp sẽ trông cậy giáo sư Thierry Penda về Tâm lý học tích cực, vì giáo sư đã sống trong môi trường văn nghệ và cũng là thầy giáo vũ điệu Salsa (một vũ điệu tập thể có nguồn gốc từ quần đảo Caribe). Giáo sư đã đưa ra những bài thực hành đơn giản có thể mang về nhà, chung quanh chủ đề tự tin, sự hài lòng và lòng biết ơn; mục đích là “hạnh phúc hơn trong cuộc sống” bằng cách “đặt đúng giá trị nguồn lực của mỗi người”. Giữa mỗi suất học, người sắp với-tới-hạnh-phúc được đề nghị xác định mỗi buổi chiều, 3 đến 5 sự việc dễ chịu sau khi được học trong ngày, hay có thể ghi trên giấy một lãnh vực mà mình cảm thấy tinh thông. Kể từ buổi sau, trò và thầy cùng nhau bàn luận.

Tiến thêm một bước nữa, vị giáo sư về hạnh phúc đề nghị người học hãy nghĩ cách tạo ra hạnh phúc cho mình. Trong suốt những buổi học khác, diễn ra trong những thính phòng có thể chứa đến 800 người, lý thuyết và thực hành kết hợp nhau. Toàn bộ diễn tiến được ghi và chữ trên màn hình lớn. Mục tiêu của những lớp như thế là để “học những gì cho phép mọi người tỏa sáng”.

Những cách huấn luyện và tổ chức lớp học đa dạng đó chỉ dành cho những người khá giả, chứ không dành cho mọi đối tượng. Cứ mỗi cuối tuần dự khóa học về hạnh phúc, thông qua Trường Quốc tế về Cười, người học phải trả 330 Euro. Tất cả đều có giá, kể cả hạnh phúc! Nhưng hề gì, khi người học là cô đơn trong guồng máy xã hội khổng lồ.

Phải chăng những hình thức dạy và học về hạnh phúc, ngoài việc tăng thêm tự tin và kiến thức, kỹ năng cho người học để đương đầu với cuộc sống khắc nghiệt, còn là dịp để trao đổi và chia sẻ, bù đắp tình cảm giữa những người học với nhau, cũng như giữa thầy và trò, và đó cũng là liệu pháp rất hiệu quả? Và trong xã hội hiện đại, phải tính đến vai trò lớn lao của bác sĩ và chuyên viên tâm lý, ngay cả ở trường học. Ngành “Tâm lý học tích cực” (Positive Psychology) là công cụ để con người nhận diện chính mình trong xã hội hiện đại, cho dầu con người không có mấy biểu hiện về rối loạn tâm lý.

Mỗi cá nhân phải tự đứng dậy và tự tin ở bản thân. Cảm xúc về hạnh phúc phải chăng chủ yếu đến từ một cách suy nghĩ tích cực? Theo bà Antonia Csillik, nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư Đại học Paris Nanterre, sự sung sướng chủ yếu được cảm nhận một cách chủ quan: “Chỉ có bạn là người tốt nhất đo lường mức độ hạnh phúc của chính bạn. Nhưng có vài đặc điểm vững chắc của nhân cách, hay nói cách khác, những nguồn tài nguyên tích cực, cho phép con người giữ gìn và nâng đỡ hạnh phúc”, nhà tâm lý học đã xác nhận như thế trong cuốn Les ressources psychologiques: apports de la psychologie positive (những nguồn tài nguyên tâm lý: sự đóng góp của tâm lý học tích cực).

Đối diện với sự gia tăng gây ấn tượng mạnh của những trường hợp trầm cảm và rối loạn vì lo âu trong những đạo học Mỹ, đầy tính cạnh tranh và yêu cầu cao, một số trường đại học đã quyết định cung cấp cho sinh viên một khóa nhập môn vè sự nẩy nở cá nhân. Một giáo trình dựa trên ứng dụng của tâm lý học tích cực để cải thiện trạng thái tinh thần: cảm nhận và biểu lộ nhiều hơn về lòng biết ơn, từ bỏ lối sống lề mề, nuôi dưỡng đời sống xã hội phong phú hơn. Từ điểm xuất phát của giáo trình đó, mỗi sinh viên phải trình bày một “dự án cá nhân về tự cải thiện”.

Nhưng để được hạnh phúc, bạn cần phải vun xới trên những tài nguyên cá nhân nào? Trước hết là niềm lạc quan và hi vọng. Ngoài ra còn có các nguồn lực khác, đáng kể nhất là tự xây dựng một trụ đỡ: đó là lòng khoan dung đối với mình. “Điều này hàm ý một sự so sánh nào đó về mặt xã hội và có thể đưa đẩy đến lòng quá tự mê mình (narcissisme). Tuy nhiên, lòng khoan dung đối với tự thân, thì ngược lại, khuyến khích chấp nhận mình là không thể hoàn hảo.”, bà Antonia Csillik phân biệt như thế.

Một nguồn tài nguyên khác, đó là khuynh hướng “hoàn toàn chú tâm và có ý thức về những gì xảy ra vào thời điểm hiện tại”. Khuynh hướng đó là bẩm sinh. Cũng theo bà Antonia Csillik, khuynh hướng đó có nguồn gốc di truyền, giúp con người tự điều chỉnh cảm xúc và những tình cảm tiêu cực, và hoàn toàn gắn bó với cảm giác sung sướng.

Đối với những ai không có được khuynh hướng bẩm sinh đó, không nên lo ngại! Một vài bài thực tập giúp cho khuynh hướng đó phát sinh một cách phong phú: như thiền định và những liệu pháp xây dựng trên chánh niệm, những hoạt động thể chất có chú ý dựa vào hơi thở; các môn thể thao: bơi lội, đi bộ, yoga, … Nếu bạn tập các môn thể thao đó và điều hòa nhịp điệu dựa trên hơi thở, không màng chuyện tranh đua, tức là bạn đã thiền định tốt và hiệu quả sẽ kéo dài trong ngày.

Đạo Phật có sẵn lời giải đáp, không hứa hẹn thiên đường nào mà chỉ hướng dẫn con người đến an lạc.

Đối với những người tin tưởng và Tâm lý học tích cực, bí quyết của hạnh phúc là ở trong khuynh hướng tự nhiên, đồng thời cũng ở trong khả năng phát triển những gì còn thiếu. Một cách huấn luyện hiện sinh có tác dụng chính yếu khiến con người vững chắc hơn khi gặp những thảm họa không thể tránh được của cuộc sống.

Không thể phủ nhận tính hiệu quả thiết thực của những khóa dạy về hạnh phúc, tuy nhiên, không có gì chúng thực hiệu quả sẽ còn lâu dài về sau. Có thể người học sẽ bước tiếp cuộc đời với tâm thế tự tin, với sự dày dặn trước thử thách, nhưng cũng có thể người học rơi lại vào lẻ loi khi bước vào khó khăn của cuộc sống mà bên mình không có người thân hỗ trợ tâm lý. Có lẽ người học cần trang bị một triết lý sống, về nhận thức tương liên, tương duyên với mọi người và thiên nhiên. Đạo Phật có sẵn lời giải đáp, không hứa hẹn thiên đường nào mà chỉ hướng dẫn con người đến an lạc. Người Phật tử bình thường, với nguyện giữ 5 giới, đi theo Bát chánh đạo, luôn luôn biết nhu cầu vừa đủ, sống với lẽ vô thường và nhân quả, thì sẽ an lạc hiện tiền, cho dầu trong hoàn cảnh bi thương thì vẫn trụ được. Nếu hạnh phúc như là cảm nhận riêng tư của mỗi người về sự bằng lòng trong cuộc sống – một điều rất khó khăn vì hạnh phúc như thế là chấp chới giữa sấm chớp ba đào và sóng yên bể lặng – thì an lạc là tự tại trong sự bất toàn của tương lai.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÓ MÔN HỌC MANG TÊN “HẠNH PHÚC”
  2. NIẾT BÀN LÀ HẠNH PHÚC TỐI THƯỢNG
  3. ĐẠO ĐỨC VÀ HẠNH PHÚC

Bài viết khác của tác giả

  1. BẠN
  2. NỮ GIÁO SƯ ĐÓNG GÓP 1 TỶ USD ĐỂ SINH VIÊN Y KHOA ĐƯỢC HỌC MIỄN PHÍ
  3. CHỈ CÓ TÌNH YÊU THƯƠNG MỚI GIẢI ĐƯỢC OÁN THÙ

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM