QUÁN LÝ SỰ VÔ NGẠI

KINH HOA NGHIÊM

Trích "Đi vào Kinh Hoa Nghiêm", NXB Thiện Tri Thức

Nếu trong pháp quán Lý vô ngại, sự được làm cho ẩn đi, che khuất, để lý hiển bày trọn vẹn thì ở pháp quán Lý Sự vô ngại, sự vẫn được giữ nguyên. Chính nơi sự người ta thấy lý, nơi sắc tướng người ta thấy tánh Không. Nơi sự có lý và nơi lý có sự, do đó được gọi là sự vô ngại của lý và sự, của sắc và Không. Sự vô ngại này còn được gọi là tương tức tương nhập, tương dung tương nhiếp.
Chân lý tuyệt đối có trong tất cả các chân lý tương đối:
lý tương tức tương nhập với sự:

“Thân Như Lai ở khắp tất cả chỗ, khắp tất cả chúng sanh, khắp tất cả pháp, khắp tất cả quốc độ, chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến”
(Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37).

“Quang minh Như Lai cũng như vậy:
Hiện khắp trong tâm của trời người
Chư Phật hiện thân cũng như vậy
Tất cả mười phương đều khắp cả
Thân Phật vô số chẳng kể được
Cũng chẳng phân thân, chẳng phân biệt”
(Phẩm Như Lai xuất hiện, thứ 37)

Và chân lý tương đối tương dung tương nhiếp chân lý tuyệt đối:
“Sự tương dung tương nhiếp Lý:
Thân Phật phóng quang minh
Đầy khắp cả mười phương
Trong mỗi mỗi vi trần
Quang minh đều đầy đủ.”
(Phẩm Như Lai hiện tướng, thứ 2).

Khi lý ở trong sự, tánh ở trong tướng thì trong một sự ấy có tất cả lý, tất cả tánh, vì lý hay tánh là cái toàn thể không thể phân chia. Nói cách khác, khi cái toàn thể nhập vào cái phần tử, cái phần tử ấy dung chứa cái toàn thể mà không chật, không phải nới rộng ra, vì cái toàn thể này là tánh Không.

Khi sự nhiếp lấy lý, tướng nhiếp tánh, thì một tướng ấy chứa tất cả tánh. Khi cái phần tử nhiếp cái toàn thể thì nhiếp tất cả cái toàn thể mà không chật hẹp, không phải nở lớn thêm, vì cái phần tử, cái sự này là tánh Không.

Quán thấy cái vô hạn nằm trong mỗi cái hữu hạn, mà nhỏ nhất là mỗi vi trần, và cái hữu hạn nhỏ nhất là mỗi vi trần chứa đựng tất cả cái vô hạn.
Đó là pháp quán Lý Sự vô ngại.

Thông thường tâm chúng ta không được vô ngại tự do vì tâm bị trói buộc trong những sự tướng hữu hạn, trong những khái niệm hữu hạn. Tâm thức bị phân mảnh trong những sự tướng và khái niệm thì đó là tâm phân biệt tạo nên sanh tử. Pháp quán Lý Sự vô ngại phá tan mọi giới hạn của hình tướng và khái niệm để tâm thức được tự do. Sự phân biệt, chia cắt biến mất, chân lý tương đối tức là chân lý tuyệt đối, sanh tử phân biệt tức là Niết-bàn vô phân biệt.
Sự tương nhiếp tương nhập này chính là giải thoát.

Chúng ta lấy thêm một thí dụ về quán thời gian:
“Vô lượng vô số kiếp
Hiểu đó tức một niệm
Biết niệm cũng vô niệm
Như vậy thấy thế gian.”
(Phẩm Phổ Hiền hạnh, thứ 36).

Vô số kiếp vào trong một niệm, một niệm nhiếp vô số kiếp. Sở dĩ có sự vô ngại như vậy vì vô số kiếp và một niệm đều là vô niệm, đều là tánh Không.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. THẾ NÀO LÀ SỨC KHỎE VÀ THẾ NÀO LÀ BỆNH TẬT?
  2. BÍ MẬT CỦA NƯỚC
  3. SỰ TƯƠNG DUNG GIỮA TOÀN THỂ VÀ CÁ THỂ

Bài viết khác của tác giả

  1. HẠNH PHỔ HIỀN: HỒI HƯỚNG ĐỒNG THỜI KHẮP CẢ
  2. CHÂN KHÔNG DIỆU HỮU TRONG KINH HOA NGHIÊM
  3. VÌ CHÚNG SANH MÀ BỒ TÁT HỒI HƯỚNG

Bài viết mới

  1. VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
  2. THỰC HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NHẬT
  3. CHINH PHỤC MỤC TIÊU