QUYẾT ĐỊNH GIÁC NGỘ

HH. DALAI LAMA XIV

Trích: Để Sống Đời Sống Có Ý Nghĩa; Nguyên tác: How to Practice the Way to A Meaningful Life; Việt dịch: Nguyên Hảo; NXB. Về Nguồn

Khi đã có sự mong muốn sâu xa làm bất cứ việc gì để thoát khỏi khổ và nhổ tận gốc những nguyên nhân tạo ra khổ, và giúp tất cả chúng sanh đạt được hạnh phúc và những nguyên nhân tạo ra hạnh phúc, hãy suy tư về cách làm thế nào để có thể thực hiện việc này. Việc này chỉ có thể thực hiện nếu người khác cũng hiểu được cách thực hiện và đưa vào thực hành. Vì vậy, nguyện làm lợi ích lớn nhất cho người khác có thể được thực hiện tốt nhất bằng cách dạy họ phương pháp thực hành và thái độ nào nên từ bỏ, để cho chính họ có được sức mạnh tiến đến hạnh phúc và từ bỏ đau khổ. Không có cách nào khác. Để có thể làm việc này, bạn phải biết khuynh hướng và sở thích của những người bạn muốn giúp đỡ, và biết điều gì cần dạy cho họ.

Nếu không thể giúp đỡ người khác, hãy đừng làm tổn hại đến họ. Đây là ý nghĩa nền tảng của việc giữ giới.

Như vậy, để giúp đỡ kẻ khác, bạn phải chuẩn bị đầy đủ. Những chuẩn bị đó là gì? Bạn phải xóa sạch những chướng ngại trong tâm thức để biết tất cả những gì có thể biết. Điều mà những hành giả từ bi – được gọi là Bồ Tát – thật sự muốn không phải chỉ là vượt qua những cản trở trên con đường giải thoát cá nhân; họ muốn dọn sạch con đường đưa đến toàn tri nhờ đó có thể hiểu được những khuynh hướng và nhận rõ phương pháp có thể giúp người khác. Nếu phải chọn lựa, Bồ Tát sẽ chọn con đường dọn sạch những chướng ngại dẫn đến toàn tri trước nhất. Tuy nhiên, những động năng phiền não (làm cho chúng ta bị nhốt trong sinh tử luân hồi) tạo ra những chướng ngại trên con đường tiến đến toàn tri là những thiên hướng trong tâm thức làm chúng ta thấy các hiện tượng như là những hiện hữu vốn có. Nếu trước tiên không vượt qua động năng phiền não nền tảng – tâm vô minh tin tưởng vào sự hiện hữu vốn có – bạn không thể vượt qua những thiên hướng do sự vô minh cài đặt vào tâm thức. Với việc tịnh hóa những chướng ngại gây đau khổ cũng như những thiên hướng do chúng thiết lập, bạn có thể chuyên hóa tâm thức trở thành một tâm thức toàn tri của Đức Phật, tức giác ngộ hoàn toàn.

Tóm lại, để đem đến sự hạnh phúc hoàn toàn cho kẻ khác, điều cần thiết là phải giác ngộ. Khi hiểu điều này và cố gắng tìm cầu giác ngộ với mục đích làm ích lợi cho tha nhân, tâm đó được gọi là tâm bồ đề, tâm hướng đến sự giác ngộ vì kẻ khác. Bằng cách thực hành phương pháp tu tập của Shantideva, thấy mình và người bình đẳng trong sự cố gắng tìm cầu hạnh phúc, và rồi chuyển sự chú tâm vào những mục đích cá nhân sang tha nhân mà số lượng là không cùng, bạn có thể làm phát triển sức mạnh của tâm bồ đề nơi bạn.

Có ba loại vị tha được thấy trong ba hạng người. Loại nhứ nhất giống như một vị vua, muốn đạt đến Phật Tánh trước, coi đó là cách có hiệu quả nhất trong việc giúp đỡ kẻ khác. Thứ hai giống như người lái thuyền, muốn đi đến bờ giác ngộ cùng với những người khác. Thứ ba giống như người chăn cừu, muốn tất cả những người khác đạt được Phật Tánh trước, trước khi mình được giác ngộ.

Hai loại sau chỉ chứng tỏ một thái độ từ bi của một số hành giả; trong thực tế không có trường hợp giống như người lái thuyền, tất cả mọi người giác ngộ cùng lúc, cũng không có trường hợp giống như người chăn cừu, mọi người giác ngộ trước mình. Giác ngộ luôn luôn đến trong cách thức đầu tiên, giống như một vị hoàng đế, và các vị Bồ Tát quyết định giác ngộ càng nhanh càng tốt để có thể giúp chúng sanh có hiệu quả hơn trong phạm vi rộng lớn. Như vị Thánh Tây Tạng Sakya Pandita dạy trong cuốn Phân Biệt Giữa Ba Nguyện, các vị Bồ tát có hai loại nguyện, những nguyện có thể thành tựu và những nguyện không thể thành tựu. Trong cuốn Hướng Dẫn Về Bồ Tát Hạnh của ngài Shantideva có rất nhiều dẫn chứng về những nguyện trong thực tế không thể đạt được nhưng dùng để phát triển một ý chí và quyết định mạnh mẽ. Ví dụ, thực hành việc xả bỏ hạnh phúc riêng và nhận lãnh những khổ đau của người khác là việc không thể có, ngoại trừ những hình thức thứ yếu của khổ. Sự thực hành này, mặc dù không thực tế, có mục đích làm tăng trưởng lòng can đảm của từ bi, những sự so sánh với người lái thuyền và người chăn cừu dùng để nói lên sức mạnh trong ý muốn giúp người khác của các vị Bồ tát.

Tôi xin cử ra một ví dụ về sự chứng nghiệm sâu xa do sự hiến dâng như vậy. Có một hành giả học giả ở chùa Drashikyil trong một tỉnh thuộc vùng Tây Bắc Tây Tạng tên là Amdo. Vào năm 1950 khi những người Cộng sản Trung Hoa xâm lăng và bắt giữ một ngàn trong ba ngàn vị sư ở chùa, và một trăm vị trong số đó bị chỉ định là sẽ bị giết. Ngài là một trong số những người sẽ bị giết này. Khi bị đem ra bãi bắn, và ngay trước khi bị bắn, ngài cầu nguyện:

Cầu nguyện cho tất cả những hành vi ác, những nghiệp chướng và những đau khổ của chúng sanh 

Đều chuyển qua tôi, không ngoại trừ ai, trong giờ phút này, 

Và niềm hạnh phúc và công đức của tôi được gởi đến cho những người khác. 

Nguyện tất cả chúng sanh được tràn trề hạnh phúc! 

Ngay giờ phút trước khi bị giết, ngài đã giữ vững được tinh thần để nhớ đến việc nhận lãnh khổ đau của người khác và cho đi hạnh phúc riêng tư của mình! Trong những lúc không có gì xảy ra thì nói đến việc tu tập này không gì khó khăn, nhưng ngài đã thực hành nó trong những thời điểm khó khăn nhất. Đó là một chứng minh rõ ràng về sự thành tựu tâm linh từ sự thực hành lâu dài việc tu tập này.

???

Như Shantideva dạy trong cuốn Hướng Dẫn Thực Hành Bồ Tát Hạnh, nếu một người mù tìm thấy một viên ngọc trong một đống rác, người đó sẽ vô cùng trân quí nó. Nếu giữa đám rác của tham, sân, si – những tác động tạo khổ đau cho tâm thức chúng ta và cho thế giới – chúng ta phát triển một đức tính từ bi, chúng ta sẽ yêu quí nó như một viên ngọc. Sự khám phá quí giá này có thể cho chúng ta niềm hạnh phúc và sự bình an thật sự. Đi nghỉ hè hay sử dụng ma túy chỉ đem lại một sự xoa dịu tạm thời. Một thái độ kỷ luật về lòng quan tâm đến người khác, ở đó bạn yêu mến người khác hơn chính mình, sẽ có ích lợi cho cả bản thân bạn và người khác. Nó không tác hại đến ai, dù tạm thời hay đài lâu. Từ bi là một viên ngọc vô giá.

Quan tâm đến người khác trong mọi lúc. Nếu không thể giúp đỡ người khác, hãy đừng làm tổn hại đến họ. Đây là ý nghĩa nền tảng của việc giữ giới.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ ĐỀ TÂM – NỀN TẢNG GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC PHẬT
  2. TRAU DỒI BỒ ĐỀ TÂM
  3. TÂM BỒ ĐỀ – NHẬP BỒ TÁT HẠNH

Bài viết khác của tác giả

  1. MỘT ĐẦU ÓC UYỂN CHUYỂN
  2. KHÁM PHÁ NHỮNG GÓC NHÌN MỚI
  3. SUY TƯ VỀ NHỮNG NGƯỜI MUỐN BƯỚC THEO CON ĐƯỜNG PHẬT GIÁO

Bài viết mới

  1. THEO BẠN ĐAM MÊ LÀ GÌ?
  2. KHÔNG LÀM HẠI
  3. HÒA HỢP TỪ NHỮNG ĐỐI KHÁNG