SÁCH DẠY TÔI SỐNG, YÊU THƯƠNG VÀ LÀM VIỆC

SƯU TẦM

TIẾN SĨ QUÁCH THU NGUYỆT

(Chân dung hội họa – Hoàng Tường)

Gần 20 năm làm việc ở nhà xuất bản Trẻ là khoảng thời gian hạnh phúc nhất trong đời chị, bởi không chỉ được đọc nhiều sách mà còn có thể tìm kiếm, khai thác và xuất bản những đề tài hay, thú vị, có ích cho giới trẻ và cộng đồng. Sau khi nghỉ hưu, tình yêu sách vẫn nguyên vẹn trong chị, thậm chí có vẻ mạnh mẽ hơn với hàng loạt dự án, công việc giảng dạy, cố vấn xuất bản cho một số đơn vị kinh doanh sách…

Làm việc nhiều hơn ở tuổi hưu trí – điều này đến từ cốt cách của một người hoạt động xông xáo từ trẻ, hay từ ý thức chọn lựa cho mình một nghĩa vụ nào đó đối với cộng đồng?

Thời học sinh – sinh viên, tôi rất năng động, xông xáo với các sinh hoạt học tập, ngoại khoá. Rồi sau đó, môi trường làm việc tại các đơn vị thuộc đoàn Thanh niên TP.HCM (1977 – 1990), nhà xuất bản Trẻ (1991 – 2009), khiến tôi lúc nào cũng trẻ trung, sung sức. Nay dầu đã nghỉ hưu, nhưng “năng lượng” vẫn tràn đầy. Được tự do làm theo ý mình, làm những điều mình yêu thích và có ý nghĩa cho cộng đồng mà không chịu một sức ép nào như lúc này đây, với tôi quả là hạnh phúc.

So với trước khi nghỉ hưu, giờ công việc nhiều hơn, đa dạng hơn, thử thách nhiều hơn, nhưng lại thấy nhẹ nhàng, vui, hiệu quả vì không bị vướng bận thời gian cho con cái, cho gia đình, không phải lo hoàn thành kế hoạch, chỉ tiêu, lo chuyện “cơm áo gạo tiền” cho nhân viên mỗi năm như thời làm quản lý trực tiếp ở nhà xuất bản Trẻ.

Sách có vị trí thế nào đối với chị?

Tôi mê sách từ bé. Thời còn đi học, tôi thường xuyên “ngồi đồng” ở các thư viện hàng ngày. Rồi ước mơ sau này sẽ làm quản thủ thư viện để được đọc thật nhiều sách. Khi lập gia đình, trước ngày cưới vài ngày, tôi khệ nệ bê cả tủ sách thời con gái từ nhà mình sang nhà chồng như là “của hồi môn” trước con mắt đầy ngạc nhiên của mẹ chồng!

Ở tuổi này, nghiệm lại cuộc đời mình, sách là tình yêu của tôi, là thầy dạy tôi mọi chuyện sống, yêu thương và làm việc.

Với giới trẻ, sách có ý nghĩa thế nào, theo chị?

Trước đây, tôi thường nói với các bạn trẻ ở nhà xuất bản Trẻ rằng các em thật diễm phúc vì đang sống trên “đống vàng tri thức”, phải biết trân trọng và sử dụng chúng làm “vốn liếng” cho cuộc đời. Với học trò của tôi ở các trường đại học, tiết học đầu tiên dù là dạy chuyên đề nào thì cuộc trò chuyện của thầy trò tôi vẫn là sách: Các em đọc sách nào? Kể tên 5 – 10 cuốn sách mà các em đã đọc qua? Cuốn sách nào các em yêu thích nhất? Một định nghĩa ngắn gọn về sách? Lợi ích của sách là gì?… Tuy nhiên có một điều đáng buồn: đang phổ biến sự thiếu vắng thói quen và kỹ năng đọc sách ở phần lớn sinh viên, kể cả nghiên cứu sinh sau đại học. Ở đây tôi chỉ nói đến việc đọc sách phục vụ cho môn học hoặc chuyên đề mà các em đang học, chưa nói đến các sách văn học, kỹ năng sống… Việc đọc sách chuyên môn ở bậc đại học chủ yếu là để đối phó, “trả nợ quỷ thần” thay vì đọc với sự say mê, khám phá, kiếm tìm và rút ra từ đây những kiến thức lý thú, bổ ích từ môn học đến cuộc sống.

Chính do cách học và đào tạo như vậy nên sinh viên ra trường không hổng kiến thức thì cũng hổng kỹ năng ứng xử và thích nghi với môi trường làm việc và xã hội.

Hình như trong đời người, chúng ta phải phân loại và có ý thức sử dụng nhiều loại sách khác nhau?

Một người mà cả đời không đọc một cuốn sách văn học nào thì có lẽ tâm hồn họ sẽ khô cứng biết bao!

Với tôi, để có đủ vốn liếng sống và làm việc trong đời một con người, trong một xã hội nhiều thay đổi, chỉ cần lựa chọn và đọc hai dòng sách: sách văn học và sách kiến thức. Với sách kiến thức, tuỳ cấp độ tuổi và yêu cầu nghề nghiệp mà việc đọc những loại sách này xuất phát từ yêu cầu học tập trong nhà trường (sách giáo khoa, sách tham khảo) hay nhu cầu cá nhân, nhằm giúp trang bị những kiến thức từ phổ thông, kiến thức nền, hoặc chuyên môn ngành nghề… Sách văn học đáp ứng nhu cầu cảm thụ thẩm mỹ, làm giàu cảm xúc người đọc và rất cần cho mọi lứa tuổi. Một người mà cả đời không đọc một cuốn sách văn học nào thì có lẽ tâm hồn họ sẽ khô cứng biết bao! Tôi vẫn mong sao, ở mỗi cấp học sẽ có một số tựa sách phù hợp cho từng lứa tuổi, được gợi ý từ danh mục những tác phẩm văn học kinh điển hoặc tinh hoa văn học trong và ngoài nước, các tác phẩm văn học đoạt giải để bắt buộc các em phải đọc trong suốt những năm học phổ thông. Đó cũng là một cách gieo trồng thói quen và niềm yêu thích đọc sách từ nhà trường.

Trong gia đình, nhất thiết nhà dù to hay nhỏ, cũng cần có một tủ sách, và bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để biết phải khuyến khích con trẻ đọc những tác phẩm văn học nào.

Làm sao để có những cuốn sách mà người đọc nó chẳng phải mưu cầu điều gì cụ thể như thi cử, ứng phó? Sách như vậy hiện nay có nhiều không chị? Vì sao độc giả ở mình vẫn chưa nhiều quan tâm?

Đổi mới và hội nhập giúp sách xuất bản ở Việt Nam phong phú và đa dạng hơn. Người đọc có nhiều sự lựa chọn theo sở thích, theo nhu cầu và “gu” đọc sách của mình. Thống kê số tựa sách mới xuất bản hàng năm trong các báo cáo của cục Xuất bản cho thấy tỷ trọng tựa sách mới ngoài sách giáo khoa, tham khảo ngày càng nhiều hơn, đây là một tín hiệu vui. Cần ghi nhận điểm son cho các đơn vị sách tư nhân đã nỗ lực kiếm tìm, khai thác và tổ chức nhiều tựa sách giá trị, bắt nhịp được với đời sống xuất bản thế giới và nhịp sống tri thức của thời đại. Dưới tác động của việc truyền thông, tiếp thị từ nhiều đơn vị kinh doanh sách, đã có nhiều cuốn sách trở thành hiện tượng với con số hàng chục ngàn bản. Bên cạnh đó cũng có những tựa sách giá trị, cực hay, nhưng số bản in vẫn chỉ là 1.000 – 2.000. Tôi vẫn không lo lắng lắm về điều này, bởi giới thiệu được những tác phẩm ấy ra đời đã là một thành công rồi. Hiện nay có một số đơn vị lựa chọn những dòng sách quản trị, hoặc giáo dục kinh điển với những tựa sách khá kén đối tượng như nhà xuất bản Tri Thức, DT Books, đại học Hoa Sen… Rồi một ngày không xa, “mưa dầm thấm lâu”, tôi tin như vậy.

Xét về dân số và ngôn ngữ, Việt Nam là một nước lớn (thuộc top 20 trong hơn 200 nước) – vậy mà đa số sách tiếng Việt chỉ dừng lại ở con số một vài ngàn bản/đầu sách. Xét về vi mô thì có muôn vàn lý do để một người nào đó không đọc sách, còn về vĩ mô thì sao?

Với những quốc gia đang phát triển và chịu nhiều thách thức bởi sự lạc hậu, thụt lùi… như Việt Nam, thì sách là phương tiện chuyển giao công nghệ, là chuyên gia tư vấn rẻ tiền nhất, tiết kiệm nhất cho lãnh đạo, cho các đội ngũ chuyên gia ở các bộ, ngành…, nếu như chúng ta biết tuyển chọn, tìm kiếm, giới thiệu những cuốn sách giá trị cung cấp tư duy, tầm nhìn, quản trị và cách thức ứng dụng cho nền kinh tế và công nghệ quốc gia.

Cần có một chiến lược đầu tư cho hệ thống thư viện văn hoá và trường học trên cả nước. Trước mắt, tập trung cho thư viện trường học với các thiết bị phục vụ nhu cầu đọc sách giấy và sách điện tử. Gia tăng ngân sách để bổ sung nguồn sách mới giá trị đáp ứng yêu cầu sử dụng sách phục vụ học tập của học sinh, sinh viên.

Phải công bố ngân sách tài trợ xuất bản và tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị xuất bản căn cứ vào danh mục và năng lực tổ chức bản thảo của các đơn vị, không phân biệt nhà xuất bản nhà nước hay công ty sách tư nhân. Theo báo cáo của cục Xuất bản, dự kiến ngân sách tài trợ xuất bản năm 2013 là 16 tỉ đồng, và sẽ có 38 nhà xuất bản tham gia!

Nhà nước cùng các tổ chức xã hội tiếp tục truyền thông, tổ chức các hoạt động khích lệ, khơi gợi thói quen và nhu cầu đọc sách trong nhân dân. Năm nay, hội Sách thành phố 2014, Ngày đọc sách thế giới 23.4, lễ hội Đường sách mừng xuân Giáp Ngọ… là những dịp để cổ vũ tình yêu với sách, để kích cầu người đọc mua sách.

Trong cuộc đời làm xuất bản của chị, thử thách quyết liệt nào mà chị nhớ nhất? Sự lựa chọn giữa một quyển sách giá trị khai minh và sách bán chạy có khiến chị đau đầu?

Đó là câu chuyện hội nhập trong lĩnh vực xuất bản, khi chúng tôi quyết định thương thảo để mua cho được bản quyền bộ sách Harry Potter, dẫu rằng lúc ấy Việt Nam chưa tham gia công ước Berne, và việc dịch, xuất bản các sách nước ngoài mà không phải mua bản quyền là chuyện bình thường ở thị trường xuất bản Việt Nam bấy giờ. Bài học tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh giúp chúng tôi thành công trong thương vụ này và là lợi thế cho nhà xuất bản Trẻ trong giao dịch với các đối tác xuất bản nước ngoài sau này, khi cánh cửa hội nhập chính thức mở ra bằng việc Việt Nam gia nhập công ước Berne và WTO.

Thời còn quản lý nhà xuất bản Trẻ, rất may là chúng tôi chưa rơi vào sự lựa chọn “khó khăn” giữa một cuốn sách bán chạy và một quyển sách mang giá trị khai minh. Bởi trong chiến lược kinh doanh, chúng tôi cân đối được khoản làm sách lãi để bù cho sách giá trị, buộc phải làm, tuy biết rằng, sách in ra chắc chắn bị lỗ.

Còn bây giờ, DT Books, với định hướng cho dòng sách quản trị và giáo dục kinh điển thì chúng tôi và những thành viên sáng lập xác định mục tiêu cho lợi ích và phát triển cộng đồng là chính.

Tính cách nào giúp chị trở thành một trong số ít nữ tướng trong ngành xuất bản? Tinh thần “trẻ” của nhà xuất bản Trẻ đã theo chị lan toả khắp mọi hoạt động như thế nào?

Được tự do làm theo ý mình, làm những điều mình yêu thích và có ý nghĩa cho cộng đồng mà không chịu một sức ép nào như lúc này đây, với tôi quả là hạnh phúc.

Thời còn làm ở nhà văn hoá Thanh niên, để tập hợp và thu hút thanh niên, tôi luôn luôn phải có những ý tưởng sáng tạo để thiết kế những chương trình mới, độc đáo cho giới trẻ, hết đợt phong trào này đến đợt khác. Thói quen làm việc này đã thấm vào máu và theo tôi vào nhà xuất bản Trẻ, cho đến tận hôm nay. Do vậy mà các em ở PACE, DT Books, IRED, nhiều đứa bằng hoặc xấp xỉ con tôi, tất cả đều gọi tôi là “chị Nguyệt”, sướng chưa!

Chị đã từng hy sinh điều gì để giữ được lửa, truyền lửa cho người khác… như trách nhiệm của một trí thức dấn thân?

Thời trẻ, khi xông pha ngày đêm với các chương trình ở nhà văn hoá Thanh niên, các hoạt động văn hoá, giải trí cho giới trẻ phần lớn hoạt động ngoài giờ, nên khi thiên hạ được nghỉ thì mình lại đi làm các ngày chủ nhật, ngày lễ tết, bỏ chồng con “chèo queo” ở nhà thật tội. Giờ thì không còn áy náy vì vướng bận gia đình, có thời gian hơn, tôi dành nhiều cho đào tạo để truyền tình yêu nghề, yêu sách vở đến với các em. Với tôi, đó là sự bận rộn trong hạnh phúc.

Cuốn sách gối đầu giường nào khiến chị thay đổi suy nghĩ, thay đổi tư duy, truyền chị sức mạnh tinh thần mãnh liệt trong những lúc cùng cực nhất?

Cuốn sách theo tôi từ ấu thơ đến già và là kim chỉ nam sống trong suốt cuộc đời tôi là cuốn Sans famille (Vô gia đình), bản dịch của Hà Mai Anh. Cuốn này tôi tìm đọc từ giới thiệu của thầy dạy Pháp văn năm tôi học đệ thất (lớp 6 bây giờ).

Nhân dịp đầu xuân, chị có thể chia sẻ với bạn đọc về tâm tình mà chị gửi gắm vào thế giới sách?

Đọc xong một cuốn sách hay, gấp lại, bạn sẽ thấy một thế giới mới đẹp đẽ đang mở ra trước mặt… Vậy thì, tại sao không tìm đến với sách?

TS Quách Thu Nguyệt từng học đại học Luật, đại học Sư phạm và đại học Văn khoa Sài Gòn. Bà tốt nghiệp cử nhân lịch sử tại đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là đại học Khoa học xã hội và nhân văn thuộc đại học Quốc gia TP.HCM), tốt nghiệp cao học và tiến sĩ chuyên ngành dân tộc học tại viện Khoa học xã hội Việt Nam.

Bà Nguyệt từng là phó giám đốc nhà văn hoá Thanh niên TP.HCM, và giám đốc kiêm tổng biên tập nhà xuất bản Trẻ từ 2003 – 2009. Sau khi nghỉ hưu, bà là đồng sáng lập công ty sách DT Books; thành viên hội đồng sáng lập dự án văn hoá – giáo dục Sách hay, thành viên ban thường trực giải thưởng Sách hay; thành viên ban thường vụ hội Xuất bản Việt Nam; thành viên hội đồng điều hành của viện IRED (phụ trách xuất bản và đối ngoại).


Nguồn: Sài Gòn tiếp thị

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÁCH ĐỌC MỘT CUỐN SÁCH KHÓ
  2. ĐỌC
  3. Đọc Sách NHÀ GIẢ KIM

Bài viết khác của tác giả

  1. SỨC MẠNH CỦA NHÂN LÀNH – SỨC MẠNH CỦA THIỆN PHÁP – SỨC MẠNH CỦA BỐ THÍ
  2. CON CHỒN CỦA HÒA THƯỢNG HƯ VÂN
  3. 5 CÁCH NUÔI DƯỠNG TÌNH YÊU THIÊN NHIÊN Ở CON TRẺ

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP