SÁU LỢI ÍCH CỦA VIỆC CHO TẶNG

BRIAN KLEMMER

Trích: Tinh Thần Samurai Trong Thế Giới Phẳng; Tác Giả: Brian Klemmer; NXB Trẻ 2012

Tại sao lại cho tặng? Chọn cách sống của chiến binh nhân từ từ đồng nghĩa với việc phải cống hiến, dù việc đó thuận lợi hay khó khăn, dù bạn muốn hay không, và bất kể việc đó có mang lại lợi ích cho cá nhân bạn hay không. Điều này có thể không đơn giản. Vì thế, chúng ta hãy xây dựng một mô hình để lý giải tại sao bạn nên cho tặng. Có sáu lợi ích cơ bản như sau:

1. Bạn thấy lòng thanh thản.
2. Khi cho đi, bạn sẽ được nhận lại.
3. Lòng trung thành được vun đắp.
4. Quyền lực của bạn gia tăng.
5. Sự hy sinh thầm lặng khiến sức mạnh nhân lên bội phần.
6. Tinh thần thăng hoa.

Lợi ích đầu tiên của việc cho tặng là mang lại cảm giác tích cực. Tôi học được một “kỹ thuật” của người mà tôi xem là một chiến binh nhân từ thực thụ, Bob Harrison (www.increase. org). Đó là ngoài khoản tiền cần dùng, bạn hãy luôn có thêm một ít tiền nữa trong ví. Bất cứ khi nào nghe thấy lời kêu gọi, bạn liền tặng ngay khoản tiền kia cho người cần đến. Niềm vui cuộc sống nằm ngay trong cử chỉ cho tặng ấy.

Lợi ích thứ hai của việc cho tặng nằm trong những gì bạn sẽ nhận về. Đó là quy luật – không phải quy luật xã hội mà là một quy luật giống như luật vạn vật hấp dẫn vậy. Không thể cho đi mà không được nhận lại gì. Người nông dân rất hiểu điều này; họ gieo hạt giống vào lòng đất và kỳ vọng một vụ mùa bội thu. Các công ty đáp ứng nhu cầu khách hàng và đạt được lợi nhuận trong kinh nhờ những khách hàng trung thành đó. Hãng Nordstrom nổi tiếng về dịch vụ của mình: nhân viên bán hàng không ngại dẫn bạn đi khắp cửa hàng, giúp bạn tìm đúng loại hàng mà bạn muốn mua và đối đãi với bạn như thượng khách. Tương tự, Starbucks cũng tạo được uy tín nhờ dịch vụ đặc biệt. Nhân viên của hệ thống cửa hàng cà phê này thuộc tên những vị khách quen và còn nhớ cả thức uống mà họ ưa thích.

Một số người vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc cho tặng. Họ mong chờ người nhận đền đáp sự hy sinh hay cống hiến của họ. Nhưng thực tế không phải lúc nào cũng như vậy. Sự đền đáp có thể đến từ một người khác, hoặc thậm chí từ một nơi khác. Những người bình thường khi cảm thấy bị công ty khai thác quá mức hay xao lãng công việc và tự nhủ: “Mình có được trả lương để làm việc vất vả thế này đâu!”. Chiến binh nhân từ không bao giờ hành động như vậy mà vẫn tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho công ty, bởi họ hiểu rằng chính nỗ lực đó sẽ mở ra muôn vàn cơ hội đưa họ đến với những tổ chức tốt đẹp hơn, nơi có công việc thú vị và mức lương hấp dẫn hơn.

Lợi ích thứ ba của việc cho tặng là bạn sẽ nhận được lòng trung thành. Ví dụ, nếu bạn cho nhân viên cấp dưới cơ hội, sự chở che hay dìu dắt, nâng đỡ, họ sẽ rất trung thành với bạn. Khi bạn giúp đỡ một người nào đó thì theo bản năng, người đó tin rằng họ đang nợ bạn, và món nợ đó thường là sự trung thành.

Lợi ích thứ tư bạn có thể nhận được chính là quyền lực. Đặc biệt là nếu bạn cốmng hiến một cách thầm lặng, bạn sẽ thật sự có quyền lực. Mọi người sẽ vô cùng cảm kích khi phát hiện ra bạn chính là người làm điều đó. Để hiểu thêm về khái niệm thú vị này, hãy tìm đọc quyển The Magnificent Obsession (Sự ám ảnh lạ thường) của Lloyd C. Douglas, hoặc xem bộ phim cùng tên với diễn xuất của Rock Hudson và Jane Wyman. Con người thể hiện quyền lực không phải dựa vào khối lượng những gì họ tích lũy, mà bằng mức độ những cống hiến họ mang lại cho đời.

Lợi ích thứ năm là khi bạn cho tặng mà không màng đến sự đền đáp hay công nhận, một điều kỳ diệu sẽ xảy ra – bạn nhận thấy mình có quyền lực hoặc sức ảnh hưởng không sao lý giải nổi. Mọi người thể hiện quyền lực không phải dựa vào khối lượng những gì họ tích lũy được, mà bằng mức độ những cống hiến họ mang lại cho đời. Cống hiến thực ra là tự phục vụ. Hầu hết mọi người trưởng thành đều nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới “cá lớn nuốt cá bé”, và nếu không tự lo cho bản thân thì sẽ chẳng có ai làm việc đó thay mình. Quan niệm này chỉ là triết lý mang tính ngắn hạn, nhất thời. Tôi càng cố gắng bao nhiêu để giành lấy “vị trí số 1” đó thì những người xung quanh tôi cũng nỗ lực nhiều bấy nhiêu để vươn tới, để rồi sau đó tôi nhận ra mình đang sống trong một thế giới cạnh tranh, chứ không phải một thế giới đoàn kết để cùng xây dựng những tiềm năng và vận hội tươi sáng.

Lợi ích thứ sáu là lợi ích tinh thần. Hãy quan sát một người lúc nào cũng theo đuổi một niềm tin mà bạn cho là tâm linh. Họ chính là những người biết cho tặng. Hành vi của họ bác bỏ giá trị của thế giới vật chất và tôn thờ năng lực tinh thần của đấng tối cao đó là lý do khiến việc đóng thuế thập phân trở thành một thông lệ tuyệt vời. Bạn luôn cảm giác là với việc đóng góp 10% đầu tiên của mọi khoản thu nhập, bạn đang tuyên bố với mọi người rằng tiền bạc không chi phối được bạn.

Khi họ thật sự cống hiến, động lực chính của họ nằm ở một trong sáu lợi ích nêu trên. Còn chiến binh nhân từ nghĩ đến việc phục vụ trước khi nghĩ đến bản thân.

Nếu bạn trao tặng cho một nơi mà ở đó tinh thần bạn luôn được nuôi dưỡng, thì đó hẳn phải là nơi thật sự quan trọng đối với bạn. Những người bình thường lúc nào cũng bị ám ảnh bởi nỗi lo thiếu thốn. Họ tin mình là cái kho dự trữ mà nếu cho đi thì sẽ chẳng còn lại bao nhiêu… Ngay cả khi bạn không chấp nhận nguyên tắc tinh thần này thì nó vẫn làm gia tăng sự thịnh vượng cho bạn. Và những ai dám cho đi đều có quyền nhận lại những lợi ích ấy.
Sau đây là sự khác biệt cơ bản giữa người bình thường và chiến binh nhân từ: Người bình thường không phải là những người cho tặng hào phóng. Khi họ thật sự cống hiến, động lực chính của họ nằm ở một trong sáu lợi ích nêu trên. Còn chiến binh nhân từ nghĩ đến việc phục vụ trước khi nghĩ đến bản thân. Họ tin rằng cho tặng là việc làm tốt, và tinh thần đó còn cao thượng hơn khi động cơ không nhuốm màu vị kỷ. Chiến binh nhân từ thường làm những điều tốt đẹp cho người khác mà không bao giờ mong được đền đáp.

Không có gì sai trái khi bạn cho tặng và kỳ vọng được đền đáp, bởi đó chỉ đơn thuần là quy luật “gieo hạt và hái quả”. Điều lớn lao hơn là bạn gieo hạt mà không bị chi phối bởi nguồn gốc của những trái ngọt bạn sẽ hái về. Khái niệm này tương tự như một tình yêu cao cả, không vụ lợi. Cái khó ở đây là bạn phải nghĩ về sự cống hiến ở một cấp độ hoàn toàn mới. Những khách hàng mang lại lợi nhuận nhiều hơn bao giờ cũng được ưu tiên phục vụ tốt hơn. Người bình thường có khuynh hướng đặt câu hỏi “làm thế thì tôi được lợi gì chứ?”. Họ chẳng cho đi thứ gì cả, trừ phi họ được nhận lại một thứ khác.

Chiến binh nhân từ biết rằng họ sẽ được nhận lại, nhưng không phải vì điều đó mà họ cho tặng. Họ xem phục vụ người khác là một vinh dự và đặc quyền. Đó là lý do để họ tồn tại. Họ nhận thức rõ ràng mối liên hệ giữa con người với con người và cam kết mang lại sự khác biệt cho người khác. Họ hiểu rằng thân thể họ không phải là con người họ; nó không đồng nghĩa với sự tồn tại của họ. Do đó, họ mong muốn được nhìn vào một bức tranh tổng thể rộng lớn hơn bao trùm lên mọi mặt của đời sống con người.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. BỒ TÁT HẠNH

Bài viết khác của tác giả

  1. ĐỪNG CHO NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, HÃY TẶNG NHỮNG GÌ NGƯỜI KHÁC CẦN
  2. TÔN TRỌNG TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI GIAO THIỆP VỚI BẠN
  3. SỰ TRUNG THỰC

Bài viết mới

  1. PHÁ VỠ SỰ ĐỒNG HÓA VỚI KHỔ ĐAU
  2. HOÀN THÀNH TỐT CÔNG VIỆC CỦA MÌNH, KHÔNG NÊN SO SÁNH
  3. LÀM MỘT BẬC THẦY KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỀ NGHIỆP