SỐNG CẠNH NGƯỜI HẤP HỐI

HT. THÍCH NHẤT HẠNH

Trích: Không Diệt Không Sinh  Đừng Sợ Hãi; Người dịch: Chân Huyền; NXB Hội Nhà Văn.

Ông Cấp Cô Độc là một đệ tử rất thân cận với Bụt. Ông là người xứ Koshala, phía Bắc con sông Ganga, dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn. Ông là một thương gia thành công và được kính trọng. Mọi người thương quý ông vì ông có tấm lòng rất rộng rãi. Tên thật của ông là Sudatta, nhưng ông được gọi là ông Cấp Cô Độc, có nghĩa là “người chu cấp, thương tưởng tới những kẻ nghèo đói”. Đây là một điều thể hiện sự kính trọng ông, vì ông luôn luôn giúp tất cả những người nghèo hay thất nghiệp và các trẻ mồ côi.

Khi ông mới ba mươi tuổi, một hôm ông đi tới vương quốc Magadha, nơi mà Bụt cũng mới tới. Ông đi thăm người em gái và em rể đang sống tại xứ đó. Ông khá ngạc nhiên thấy các em không đón tiếp ông long trọng ân cần như mọi khi. Khi hỏi cô em vì sao cô không có thì giờ với ông thì cô cho biết cả nhà đang rất bận rộn để sửa soạn đón tiếp Bụt, một vị thầy tuyệt hảo. Nghe tên Bụt, ông Cấp Cô Độc rất tò mò. Ông hỏ: cô em: “Đó là ai vậy?”. Cô liền trả lời ông với giọng rất tôn kính Bụt, khiến cho ông nóng lòng muốn tới thăm Bụt ngay.

Sớm hôm sau, ông Cấp Cô Độc đi tới tu viện Trúc Lâm để nghe Bụt thuyết pháp. Bài giảng đã khiến ông rất xúc động. Ông đã lạy Bụt và thỉnh Ngài tới thuyết giảng tại quê ông để cho gia đình và bạn bè ông được nghe pháp.

Dù Bụt chỉ mới đi thuyết pháp ba năm, Ngài đã có một ngàn hai trăm đệ tử. Trong số các tăng sĩ cùng du hành với Bụt có Ngài Xá Lợi Phất. Ngài đã nổi tiếng là một vị đại sư trước khi trở thành đệ tử của Bụt. Khi Ngài Xá Lợi Phất làm môn sinh của Bụt, các sư đệ và môn sinh của Ngài cũng đi theo Ngài làm môn sinh của Bụt.

Bụt nhận lời ông Cấp Cô Độc để tới Shravasti, thủ đô của vương quốc Koshala. Ông Cấp Cô Độc về đó trước để sửa soạn đón tiếp. Ông cần một tăng sĩ đi cùng. Bụt cử thầy Xá Lợi Phất là người rất giỏi trong việc xây dựng tăng thân, đi cùng với ông Cấp Cô Độc. Hai vị, một tăng sĩ và một cư sĩ đó, chẳng bao lâu trở nên thân thiết với nhau.

Có người nghĩ rằng tu sĩ chỉ thân được với tu sĩ và cư sĩ cũng chỉ gần được cư sĩ thôi. Nhưng không phải vậy. Một khi cả hai cùng có ước vọng tu tập tỉnh thức và nhìn sâu, họ có thể trở thành bạn thân, người cộng sự và bạn đồng tu được. Không có sự phân biệt. Người tu sĩ hay cư sĩ đều có thể là người tốt và là bạn thân thiết của nhau.

Ông Cấp Cô Độc muốn tặng cho Bụt một mảnh đất để xây tu viện tại Koshala. Sau khi tìm kiếm nhiều nơi, ông biết chỉ có một khu đất kia là khá đẹp. Đó là một khu công viên xinh xắn của Thái tử Kỳ Đà (Jeta). Ông Cấp Cô Độc rất giàu có, nên tin rằng ông có thể thuyết phục Thái tử bán mảnh đất ấy cho ông. Ông hoàng đã trồng nhiều thứ cây đẹp đẽ trên mảnh đất nên nó đẹp như một cõi thiên đàng. Khi ông Cấp Cô Độc tới hỏi mua thì Thái tử từ chối. Ông trả giá cao hơn nhưng vẫn bị từ chối. Cuối cùng ông Cấp Cô Độc hỏi: “Thái tử muốn bao nhiêu tiền, tôi cũng sẵn sàng trả”. Thái tử trả lời: “Nếu ông có thể phủ kín đất bằng cách trải vàng lá lên đó, thì tôi sẽ bán”. Thái tử nói đùa như thế, không ngờ rằng ông Cấp Cô Độc lại nhận lời.

Ông Cấp Cô Độc mang vàng tới trải khắp khu vườn. Thái tử vẫn không muốn bán, nhưng các cố vấn của Ngài nói rằng: “Ngài là hoàng thân quốc thích, thuộc gia đình hoàng tộc, Ngài không thể nuốt lời hứa”.

Thái tử Kỳ Đà tự hỏi không hiểu vị thầy tâm linh kia có gì xuất chúng tới độ ông Cấp Cô Độc chịu trả giá cao như thế để mua đất cúng dường. Mọi người liền nói với Thái tử Kỳ Đà về Bụt, một đạo sư trẻ tuổi nhưng hoàn toàn tỉnh thức, và các bài giảng cùng lòng từ bi của Ngài không người nào có thể so sánh được. Thấy được sự kính tín và ngưỡng mộ của ông Cấp Cô Độc, Thái tử Kỳ Đà bảo ông ngừng, không cần trải thêm vàng ra nữa và nói: “Ông trả như vậy là quá đủ để mua đất rồi. Tôi xin tặng Bụt tất cả cây cối tôi đã trồng, coi như tôi cúng dường Ngài”. Vì thế nên người ta gọi đó là vườn Kỳ Đà – Cấp Cô Độc. Vườn do ông Cấp Cô Độc và cây do Thái tử Kỳ Đà hiến tặng cho Bụt. Bụt rất thích khu vườn này và Ngài ở đó tới hai mươi mùa mưa an cư. Bạn có thể tới viếng khu này và nay vẫn còn thấy những dấu tích của các tu viện cổ tại đó.

Trong suốt các năm sau khi gặp Bụt, ông Cấp Cô Độc vẫn tiếp tục công việc giúp người nghèo và hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Cả gia đình ông hàng tuần tới vườn Kỳ Đà nghe pháp và thực tập tỉnh thức. Ông thường dẫn các bạn cùng ngành thương mại tới nghe Bụt giảng dạy. Một lần ông dẫn tới hơn năm trăm thương gia để nghe Bụt dạy các cư sĩ thực tập chánh niệm. Đa số các bạn ông thọ nhận ngũ giới. Suốt cuộc đời, ông Cấp Cô Độc rất an lạc và hạnh phúc trong việc hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Dù có nhiều thành công, ông Cấp Cô Độc cũng đã gặp nhiều khó khăn trong cuộc đời. Có lần mất hết tài sản, sau nhờ các người cộng sự và bè bạn, ông lại trở nên giàu có.

Ba mươi lăm năm sau khi gặp Bụt lần đầu, ông Cấp Cô Độc bị đau nặng. Nghe tin ông bị ốm, Bụt tới thăm ông và nhắc ông thực tập thở khi nằm trên giường bệnh. Rồi Bụt cử thầy Xá Lợi Phất chăm sóc cho người bạn thân của Thầy. Bụt bảo thầy Xá Lợi Phất ở lại Koshala với ông Cấp Cô Độc để giúp ông chết một cách bình an.

Khi thấy Xá Lợi Phất biết tin ông Cấp Cô Độc đang tiến dần tới cái chết, Ngài mời người sư đệ A Nan cùng đi thăm ông với Ngài. A Nan là anh em bà con của Bụt và là người nhớ hết tất cả những bài giảng của Bụt. Ngài là cái duyên chính khiến chúng ta được học giáo pháp của Bụt ngày nay.

Sau buổi khất thực, hai Ngài tới thăm ông Cấp Cô Độc tại nhà ông. Khi hai vị tăng tới nơi, ông Cấp Cô Độc rất vui sướng được gặp hai người, vì ông cảm thấy rất cần gặp quý vị đó. Ông cố hết sức để ngồi dậy đón tiếp  hai thầy cho phải phép, nhưng ông quá yếu nên không thể ngồi lên.

Thầy Xá Lợi Phất nói: “Ông bạn ơi, đừng cố ngồi dậy làm gì. Hãy cứ nằm yên, chúng tôi sẽ mang ghế tới ngồi cạnh ông đây”. Rồi thầy Xá Lợi Phất hỏi: “Ông bạn cảm thấy thế nào? Có đau lắm không? Cái đau nó tăng hay giảm?”.

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Thưa Thầy, hình như cái đau trong thân tôi không giảm mà càng lúc càng gia tăng”.

Thầy Xá Lợi Phất liền nói: “Như vậy, tôi đề nghị ông thực tập thiền quán về Tam Bảo”. Thầy giúp ông Cấp Cô Độc thiền quán về Bụt, Pháp và Tăng với sự trợ giúp của thầy A Nan ngồi kế bên. Thầy Xá Lợi Phất được coi là vị đệ tử xuất sắc nhất của Bụt, như là cánh tay mặt của Bụt vậy. Ngài là sư huynh của hàng ngàn tăng ni. Ngài biết ông Cấp Cô Độc đã có nhiều năm hạnh phúc khi hỗ trợ Bụt, Pháp và Tăng. Ngài cũng biết rằng khi thiền quán về Tam Bảo, ông Cấp Cô Độc sẽ tưới tẩm được các hạt giống hạnh phúc trong ông, ngay lúc khó khăn này.

Ngài cùng ông Cấp Cô Độc thiền quán nhớ tưởng tới bản chất huyền diệu của Bụt, Pháp và Tăng. Chỉ sau sáu phút, cơn đau của ông Cấp Cô Độc đã đỡ nhiều vì hạt giống an lạc trong ông đã được tưới tẩm. Cơ thể ông được quân bình lại và ông Cấp Cô Độc mỉm cười.

Tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc là việc rất quan trọng cho người bệnh hay người sắp lìa đời. Tất cả chúng ta đều có những hạt giống hạnh phúc trong mình. Trong những lúc khó khăn như đau ốm hay sắp chết, cần có bạn bè ngồi với ta để giúp ta tiếp xúc được với những hạt giống tốt đó. Nếu không các hạt giống sợ hãi, hối tiếc hay thất vọng sẽ xâm chiếm chúng ta dễ dàng.

Khi ông Cấp Cô Độc có thể mỉm cười, thầy Xá Lợi Phất biết đã có sự quân bằng giữa cái đau và niềm vui. Ngài mời ông Cấp Cô Độc tiếp tục thiền quán theo Ngài hướng dẫn. “Bạn hãy thực tập theo tôi và A Nan như sau: Thở vào tôi thấy thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân này. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt”.

Khi bạn sắp chết, có lẽ bạn không có nhiều tỉnh thức về cái thân mình. Bạn có thể bị tê bại, và bạn bị kẹt vào ý niệm cái thân ấy là bạn. Bạn bị kẹt vào ý tưởng là khi thân đó chết thì bạn cũng bị diệt. Vì vậy mà bạn sợ hãi. Bạn sợ trở thành hư vô. Sự hoại diệt của cái thân người không thể đụng tới bản chất thật sự của người đó. Bạn cần giải thích cho người đó hiểu rằng anh ta có một đời sống không có giới hạn. Cái thân này chỉ là một biểu hiện, như đám mây. Khi đám mây không còn là mây nữa, nó cũng không mất đi đâu hết. Nó không trở thành hư không mà chỉ chuyển hóa ra thành mưa mà thôi. Vậy thì ta không nên đồng hóa ta với cái thân này. Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang”.

Thật vậy, ta cần bắt đầu thực tập với mắt, rồi mũi, tai, lưỡi, thân và ý. “Mắt này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi mắt này. Tôi là sự sống thênh thang. Tai này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào đôi tai này. Tôi là sự sống thênh thang. Mũi này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào cái mũi này. Tôi là sự sống thênh thang…”.

Thực tập như vậy giúp ta không tự đồng hóa mình với cặp mắt, đôi tai, cái lưỡi, cái mũi hay cái thân mình. Ta khám phá ra các thức của những ngũ quan đó và thấy ta không phải chỉ là các giác quan. Ta phong phú hơn sự biểu hiện của các giác quan đó nhiều. Sự ngừng bặt của các biểu hiện kia không ảnh hưởng tới ta.

Chúng ta nhìn lại coi cái gì là tự tánh của ta. Trên cơ thể và giác quan có ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, và thức. Nhìn sâu vào từng uẩn, ta nói: “Những thứ đó không phải là ta”. Nhận thức, cảm thọ, tư tưởng tới rồi đi, đó không thể là ta được. Tâm thức cũng như vậy, chỉ là những biểu hiện. Khi các duyên đầy đủ thì chúng biểu hiện. Khi duyên không còn đầy đủ thì chúng không biểu hiện. Dù có biểu hiện ra hay không, những thứ đó cũng không phải là ta.

Thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông Cấp Cô Độc qua các thức của giác quan và qua năm uẩn, và ông Cấp Cô Độc thấy chúng không phải là mình. Sau đó thầy Xá Lợi Phất hướng dẫn ông thiền quán về tứ đại. Thầy nói với ông Cấp Cô Độc: “Bạn ơi, chúng ta hãy tiếp tục thiền quán. Đất không phải là tôi (đất này nghĩa là tất và vật chất rắn như thịt, xương, các cơ quan, bắp thịt). Lửa (hay hơi nóng để giữ cho thân ấm áp và tiêu thức ăn) không phải là tôi. Tôi không kẹt vào yếu tố lửa hay hơi nóng đó. Chất nước trong tôi không phải là tôi. Có nước cùng khắp trong thân tôi, nhưng tôi không bị ràng buộc vào nó. Gió hay không khí trong tôi cũng không phải là tôi vì tôi không bị kiềm tỏa bởi biên giới nào hết”. Thầy Xá Lợi Phất tiếp tục như thế.

Cuối cùng ông Cấp Cô Độc được hướng dẫn thiền quán về sự duyên sinh: “Ông bạn thân, ta hãy nhìn sâu hơn nữa. Khi nhân duyên đầy đủ, cái thân ta tự nó biểu hiện. Nó không từ đâu tới, và sau khi hoại diệt nó cũng không đi về đâu hết”. Khi một sự vật biểu hiện thật sự ta không thấy nó sinh ra. Khi nó ngừng biểu hiện ta cũng không thể gọi là nó chết đi. Chúng ta vượt thoát được các ý niệm tới-đi, có-không, sinh-diệt, giống nhau-khác nhau. Nó cũng giống hệt như bài giảng mà ta đã học quán chiếu về đám mây, ngọn lửa hay hoa hướng dương.

Khi thực tập tới đó, ông Cấp Cô Độc bắt đầu khóc. Thầy A Nan lấy làm ngạc nhiên. Thầy A Nan trẻ hơn thầy Xá Lợi Phất nhiều nên thầy không thấy được sự chuyển hóa và giải thoát của ông Cấp Cô Độc vào lúc đó. Thầy nghĩ rằng ông Cấp Cô Độc khóc vì còn tiếc nuối chuyện gì đó hoặc ông đã thực tập không thành công.

Thầy A Nan hỏi: “Tại sao ông lại khóc? Ông có hối tiếc điều gì không?”.

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Không, thầy A Nan, tôi không có gì hối tiếc cả”.

Thầy A Nan lại hỏi: “Hay là ông thực tập không thành công?”.

Ông Cấp Cô Độc trả lời: “Không, thưa thầy A Nan, tôi thực tập rất thành công”.

Thầy A Nan: “Vậy tại sao ông lại khóc?”.

Ông Cấp Cô Độc ràn rụa nước mắt trả lời: “Thầy A Nan ơi, tôi khóc vì tôi sung sướng quá. Tôi đã phục vụ Bụt, Pháp và Tăng ba chục năm qua và tôi chưa bao giờ được giảng dạy và thực tập giáo pháp mầu nhiệm như bài thầy Xá Lợi Phất mới dạy tôi ngày hôm nay. Tôi sung sướng quá, tôi thảnh thơi quá!”.

Thầy A Nan liền nói với ông: “Ông không biết rằng các tu sĩ chúng tôi được học giáo pháp này hằng ngày sao?”.

Ông Cấp Cô Độc mỉm cười và nhỏ nhẹ nói với giọng yếu ớt: “Xin Thầy A Nan hãy trở về thưa với Đức Thế Tôn là tôi hiểu bài giảng này. Có lẽ nhiều cư sĩ quá bận rộn nên không tiếp nhận và thực hành được giáo pháp này nhưng cũng có nhiều vị có đủ thảnh thơi và thì giờ để học hỏi và tu tập. Xin Đức Thế Tôn hãy dạy giáo pháp này cho các cư sĩ nữa”.

Biết đây là lời yêu cầu cuối cùng của ông Cấp Cô Độc, thầy A Nan nói: “Dĩ nhiên tôi sẽ làm như ông yêu cầu, sẽ trình lên Đức Thế Tôn ngay khi chúng tôi trở lại tu viện”. Sau khi hai thầy ra về ít lâu, ông Cấp Cô Độc đã chết một cách bình an và không đau đớn.

Câu chuyện này được ghi lại trong Kinh Độ Người Hấp Hối. Tôi xin những ai có thể, đều nên học hỏi và hành trì kinh này. Xin đừng để tới lúc đụng chuyện sống chết mới học và hành trì kinh đó. Xin hãy tập nhìn sâu ngay bây giờ để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh-không diệt, không đến-không đi, không giống nhau-không khác nhau. Làm được như vậy bạn sẽ hết đau buồn, khổ não. Nếu bạn cố gắng thực tập cho tinh chuyên, bạn sẽ nuôi dưỡng được sự vô úy trong bạn. Bạn sẽ có thể chết một cách bình an và hạnh phúc.

Sống hạnh phúc, chết bình an là chuyện có thể làm được. Ta sẽ được như thế khi ta nhìn thấy mình tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác. Ta cũng có thể giúp người khác chết bình an nếu ta có những yếu tố vững chãi và vô úy trong ta. Bao nhiêu người trong chúng ta có nỗi sợ mình sẽ biến thành hư vô. Vì sợ hãi mà ta rất đau khổ. Vì vậy mà ta cần giúp người sắp chết hiểu được cái chân lý: “Ta chỉ là sự tiếp nối trong nhiều biểu hiện”. Như vậy ta sẽ không bị chuyện sống chết làm cho ta hoảng sợ, vì ta hiểu đó chỉ là những khái niệm mà thôi. Đó là một cái nhìn rất quan trọng giúp cho ta hết sợ hãi.

Tôi đã lấy những lời lẽ của Kinh Độ Người Hấp Hối (thuộc Kinh Tăng Chi Bộ – Anguttara Nikaya) để làm thành một bài hát. Đó là một điệu ru, có thể hát cho người sắp chết nghe, khi họ sắp thở hơi cuối cùng:

“Thân này không phải là tôi

Tôi không kẹt vào nơi thân ấy

Tôi là sự sống thênh thang

Tôi chưa bao giờ từng sinh và cũng chưa bao giờ từng diệt

Này kia biển rộng trời cao

Muôn ngàn tinh tú lao xao

Tất cả đều biểu hiện tôi, từ nguồn linh tâm thức

Tự muôn đời tôi vẫn tự do

Tử sinh là cửa ngõ ra vào

Tử sinh là trò chơi cút bắt

Hãy cười cùng tôi

Hãy nắm tay tôi

Hãy vẫy tay chào để rồi tức thì gặp lại

Gặp lại hôm nay

Gặp lại ngày mai

Chúng ta sẽ gặp nhau nơi suối nguồn

Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên muôn vàn nẻo sống.”

Hàng thứ nhất có thể được nhắc lại với các chữ: “Mắt này không phải là tôi, tôi không kẹt vào hai mắt đó… Mũi này… Tai này… Lưỡi này… Ý này… Các hình sắc này… Các âm thanh này…” thay vào chữ “Thân này”.

Khi hát hay đọc bài này cho người hấp hối nghe, ta sẽ giúp họ thoát được ý nghĩ họ có một tự tánh thường hằng dính liền với một phần nào đó trong thân thể của họ. Tất cả các hợp uẩn đều bị tan rã nhưng bản chất thực của ta sẽ không biến vào quên lãng. Việc hướng dẫn thiền quán này sẽ giúp ta không bị vướng vào ý niệm ta là cái thân này, ta là cảm xúc hoặc tư tưởng kia. Thật sự ta không phải là những thứ đó. Ta là sự sống thênh thang. Chúng ta không bị kẹt vào sinh, không bị kẹt vào tử, vào có hoặc vào không. Đó là chân lý của thực tại.

Vậy, xin hãy đừng quá bận rộn trong đời sống hằng ngày. Xin hãy dành thì giờ thực tập. Hãy học cách sống hạnh phúc, bình an và sung sướng ngay hôm nay. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. Đây là điều ai cũng có thể làm được.

Nếu bạn thực tập như vậy, không còn sợ hãi, thì khi có người thân quen sắp chết, bạn có thể giúp họ được. Bạn phải biết thực sự bạn muốn làm gì và không muốn làm gì. Bạn là người thông minh nên sẽ biết cách dùng thì giờ một cách khéo léo. Bạn không cần mất thì giờ để làm những chuyện vô ích và tầm thường. Bạn không cần giàu có, không cần phải có danh vọng hay quyền hành. Điều bạn cần là tự do, vững chãi, bình an và hạnh phúc. Bạn cần có thì giờ và năng lực để có thể chia sẻ những thứ đó với người khác.

Hạnh phúc của chúng ta không tùy thuộc vào chuyện ta có nhiều tiền của hay danh vọng. Sự an toàn của chúng ta là do ta có thực tập chánh niệm hay không. Một khi chúng ta có thực tập tỉnh thức thì Bụt, Pháp và Tăng sẽ chăm sóc ta và chúng ta sẽ có hạnh phúc. Đôi mắt sáng, miệng cười tươi và bước chân ta vững chãi trên con đường thênh thang của cuộc sống tự do. Hạnh phúc của ta sẽ chảy tràn qua những người sống bên cạnh ta. Chúng ta sẽ không dùng thì giờ vào những chuyện hời hợt. Ta dùng thì giờ cho sự tu học để làm cho đời sống ta có phẩm chất hơn. Đó là món quà quý nhất ta có thể tặng cho con cháu ta. Đó là những tinh túy ta có thể chia sẻ với bạn bè. Ta cần có thì giờ để tiếp nhận, học hỏi và thực hành những giáo pháp màu nhiệm của Bụt, như những điều ông Cấp Cô Độc được học vào lúc ông hấp hối.

Nương tựa vào gia đình, bè bạn và cộng đồng, tăng thân, ta thay đổi cuộc đời mình. Ta phải sống an vui ngay được chứ không đợi tới mai sau. Ta phải bắt đầu ngay lúc này, tại đây, sống an lạc vui vẻ ngay bây giờ. Không có con đường dẫn tới hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường mình đi.

Bài giảng của thầy Xá Lợi Phất có thể tặng cho bất cứ ai. Ông Cấp Cô Độc rất may mắn nhận được giáo pháp đó vào lúc cuối đời. Mọi chuyện đều vô thường và ta không thể biết lúc nào ta sẽ thở hơi cuối cùng. Ta có thể sẽ không may mắn như ông Cấp Cô Độc, có người bạn tâm linh bên cạnh để hướng dẫn khi ta sắp chết. Vì vậy ta không nên để quá trễ. Ta nên thực tập ngay để có thể tự hướng dẫn mình.

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CÂU CHUYỆN VỀ CÁI CHẾT THỜI NAY
  2. CÁI CHẾT AN LÀNH

Bài viết khác của tác giả

  1. QUÁN CHIẾU VỀ SỰ SI MÊ
  2. ÁP DỤNG GIÁO LÝ TƯƠNG TỨC TRONG CÔNG VIỆC KINH DOANH
  3. TRỊ LIỆU CÁC MỐI QUAN HỆ TRONG GIA ĐÌNH

Bài viết mới

  1. TRAO MỘT LỜI KHEN
  2. CÁI NHÌN CỦA NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ CỨU CHỮA HAY GIẾT CHẾT TA
  3. HẠNH PHÚC VÌ BIẾT ĐỦ