RANDY PAUSCH & JEFFREY ZASLOW
Trích: Bài Giảng Cuối Cùng; Nguyên tác: The Last Lecture; Việt dịch: Vũ Huy Mẫn; NXB. Trẻ, 2009
SỰ BIẾN MẤT CỦA NHỮNG LÁ THƯ CÁM ƠN
Thể hiện lòng biết ơn là một trong những thứ đơn giản nhất nhưng cũng sâu sắc nhất mà con người có thể làm cho nhau. Và mặc sự yêu thích tính hiệu quả, tôi vẫn nghĩ những lá thư cám ơn tốt nhất là được viết bằng bút và trên giấy.
Những người phỏng vấn tuyển việc và nhập học tiếp xúc với rất nhiều ứng viên. Họ đọc hàng tấn lý lịch của những sinh viên loại “A” với rất nhiều thành tích. Nhưng họ không được đọc nhiều lá thư cám ơn viết bằng tay.
Nếu bạn là một sinh viên loại B+, lá thư cám ơn viết tay của bạn sẽ nâng bạn lên tối thiếu là nửa điểm trong mắt của những vị sếp tương lai hay những viên chức tuyển sinh. Đối với họ, bạn sẽ trở thành một sinh viên loại “A”. Và bởi những lá thư viết tay ngày càng trở nên hiếm, nên họ sẽ nhớ tới bạn.
Khi đưa ra lời khuyên này cho sinh viên, tôi không muốn biến họ thành những kẻ âm mưu tính toán, mặc dù tôi biết một số người đã tiếp nhận nó theo nghĩa này. Lời khuyên của tôi chủ yếu nhằm giúp họ nhận ra rằng: Có những sự tôn kính và chu đáo có thể thực hiện được trong cuộc sống, chúng làm cho người nhận cảm kích, và có thể mang lại chỉ những kết quả tốt đẹp.
Ví dụ, có một phụ nữ trẻ nộp đơn xin vào ETC và chúng tôi đang chuẩn bị từ chối cô. Cô có những ước mơ lớn, cô muốn trở thành một Disney Imagineer. Điểm của cô, các kỳ thi và hồ sơ của cô tốt, nhưng không đủ tốt, vì ETC rất kén chọn người. Trước khi xếp cô vào danh sách “từ chối”, tôi quyết định lật lại hồ sơ của cô một lần nữa, từng trang một. Khi làm việc đó, tôi thấy một lá thư cám ơn viết bằng tay lẫn giữa các trang khác.
Lá thư không phải gửi cho tôi, cũng không phải cho đồng giám đốc của tôi, Don Marinelli, hay cho một giáo viên nào khác của trường. Nó là bức thư gửi cho một nhân viên đã giúp cô một số thu xếp khi tới thăm trường. Nhân viên này không mang ý nghĩa xu nịnh nào. Đó chỉ là mấy lời cám ơn tới một người không quen biết, và người đó đã tình cờ nhét nó vào hồ sơ xin học của cô. Mấy tuần sau, tôi nhìn thấy nó.
Bất ngờ gặp lá thư cô cám ơn một người chỉ bởi thấy đó là việc tốt nên làm, tôi đã suy nghĩ. Cô viết lá thư bằng tay. Tôi thích điều đó. “Nó nói cho tôi nhiều hơn mọi thứ khác trong hồ sơ của cô.” – Tôi nói với Don. Tôi đọc lại hồ sơ của cô. Tôi nghĩ về cô.
Bị ấn tượng bởi lá thư, tôi quyết định cô xứng đáng để có một may mắn, và Don đồng ý.
Cô đã đến với ETC, hoàn tất luận án cao học, và bây giờ là một Disney Imagineer.
Tôi đã kể với cô câu chuyện này, và bây giờ cô kể nó cho những người khác.
Mặc tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống và với tình trạng bệnh tình của tôi, tôi vẫn cố gắng viết những lá thư cám ơn bằng tay. Đó là việc làm thật đẹp đẽ. Và bạn không thể biết phép thần diệu gì có thể xảy ra sau khi nó tới hộp thư của một người nào đó.
THỂ HIỆN LÒNG BIẾT ƠN
Không lâu sau khi có được hợp đồng vĩnh viễn ở Ðại học Virginia, tôi mời toàn bộ nhóm nghiên cứu mười lăm người của tôi xuống Disney World chơi một tuần như một cách để nói lời cám ơn với họ.
Một giáo sư đồng nghiệp kéo tôi ra ngoài và nói: “Randy, sao cậu có thể làm điều đó?” Có thể anh ta nghĩ tôi đã đặt ra một tiền lệ mà những người sắp được nhận hợp đồng giáo sư vĩnh viễn sẽ không muốn phải làm theo.
“Tại sao tôi có thể làm điều đó?” – tôi trả lời. – “Những người này đã làm việc cật lực để mang lại cho tôi một việc làm suốt đời tốt nhất trên thế giới. Tại sao tôi lại có thể không làm điều đó?”
Mười sáu người chúng tôi xuống Florida trên một chiếc xe tải lớn. Chúng tôi đã có những ngày vui chơi, phá phách thoải mái, và tôi cũng đảm bảo để tất cả chúng tôi vẫn học được đôi điều trong lúc giải trí. Dọc đường, chúng tôi đã dừng lại ở nhiều trường đại học và thăm các nhóm nghiên cứu tin học ở đó.
Chuyến đi chơi Disney là sự biết ơn được thực hiện một cách dễ dàng. Ðó là một món quà đích xác, và hoàn hảo bởi nó là một trải nghiệm mà tôi có thể chia sẻ với những người tôi quý mến.
Tuy nhiên, không phải ai cũng là người dễ để cám ơn.
Một trong những người tư vấn tuyệt vời nhất của tôi là Andy van Dam, giáo sư tin học của tôi khi tôi học tại Brown. Ông đã cho tôi những lời khuyên bảo rất sáng suốt. Ông đã làm thay đổi cuộc đời của tôi. Tôi không bao giờ có thể trả ơn ông một cách tương xứng, vậy nên tôi phải trả ơn ông trong tương lai kiếp sau.
Tôi luôn bảo với các sinh viên: “Hãy làm cho những người khác những gì ai đó đã làm cho bạn.” Ði Disney World, nói chuyện với các sinh viên về những ước mơ và mục tiêu của họ, tôi đã cố gắng để làm chính điều đó một cách tốt nhất có thể.
GỬI ĐI NHỮNG HỘP BÁNH QUY BẠC HÀ
Một phần trách nhiệm của tôi là làm người phê duyệt luận văn khoa học. Nghĩa là tôi phải đề nghị các giáo sư khác đọc các bài nghiên cứu dày cộp và phê duyệt chúng. Công việc này có thể chán ngắt, dễ làm người ta buồn ngủ. Vậy nên tôi có một sáng kiến. Tôi gửi một hộp bánh quy bạc hà kèm theo mỗi bài luận văn cần được phê duyệt. “Cám ơn bạn đã đồng ý làm công việc này.” – tôi viết. – “Hộp bánh kèm theo đây là phần thưởng của bạn. Nhưng thật không công bằng khi ăn nó trước khi duyệt bài.”
Lá thư sẽ đem lại nụ cười trên khuôn mặt người nhận. Và tôi không còn phải gọi điện nhắc nhở mọi người nữa. Họ có hộp bánh trên bàn. Họ biết công việc họ cần phải làm.
Tất nhiên, thỉnh thoảng tôi vẫn phải gửi một email nhắc nhở. Nhưng khi tôi nhắc mọi người, tất cả những gì cần là một câu: “Bạn đã ăn bánh quy bạc hà chưa?”
Tôi thấy bánh quy bạc hà là công cụ liên lạc rất hiệu quả. Chúng cũng là một phần thưởng ngọt ngào cho một công việc được hoàn thành tốt.