SỰ HOÀN THIỆN CỦA TINH TẤN

TỔ GAMPOPA

Trích: Tràng Ngọc Giải Thoát; NXB Thiện Tri Thức năm 2015.

Tóm tắt:

Suy nghĩ về những lỗi lầm và những thiện hạnh, 

Định nghĩa, phân loại,

Những tính chất của mỗi loại,

Tăng trưởng, hoàn thiện, và

Kết quả

Bảy cái ấy bao gồm sự hoàn thiện của tinh tấn. 

I. Suy nghĩ về những lỗi lầm và những thiện hạnh.

Cho dù bạn có những thực hành bố thí…., đó vẫn gọi là lười biếng nếu bạn không có tinh tấn, kiên trì. Khi bạn lười biếng, bạn không thể hoàn thành thiện hạnh, không thể làm lợi lạc những người khác, và không thể đạt giác ngộ. Kinh Sagaramati Thịnh Vấn nói:

Người lười biếng không có bố thí…. cho đến trí huệ.

Người lười biếng không thể làm lợi lạc người khác.

Người lười biếng thì cách xa giác ngộ.

Ngược lại nếu bạn có tinh tấn, mọi phẩm tính thiện của bạn sẽ tăng trưởng không bị che ám. Kinh Ngắn sự Hoàn Thiện của Trí Huệ nói:

Tinh tấn sẽ không che ám mọi phẩm tính thiện.

Người ta sẽ hoàn thành kho tàng trí huệ bổn nguyên vô tận của bậc Chiến Thắng.

Khi người ta có tinh tấn người ta có thể vượt qua ngọn núi của quan niệm về các uẩn chúng vốn vô thường. Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa nói:

Tinh tấn sẽ giải thoát người ta khỏi cái thấy các uẩn vốn vô thường. Nếu người ta có tinh tấn, người ta sẽ nhanh chóng hoàn thành giác ngộ vô thượng.

Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa cũng nói:

Tinh tấn sẽ cho phép người ta hoàn thành giác ngộ tối cao.

Kinh Sagaramati Thỉnh Vấn nói:

Đối với người kiên trì thực hành tinh tấn

Giác ngộ sẽ không khó.

II. Định nghĩa.

Định nghĩa của tinh tấn là một cảm giác hoan hỷ trong thiện hạnh. Bộ A Tỳ Đạt Ma nói:

Tinh tấn nghĩa là gì? Nó là cái đối trị của lười biếng giải đãi. Nó là có niềm vui trọn vẹn trong những thiện hạnh. Bình giảng về Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa nói:

Có niềm vui hoàn hảo trong thiện hạnh đó là tinh túy của tinh tấn.

Tinh tấn là cái đối trị cho sự lười biếng vốn có hại cho giác ngộ, có ba loại lười biếng:

A. lười biếng của uể oải lờ đờ,

B. lười biếng của thiếu quan tâm, và

C. lười biếng nặng.

A. Uể oải lờ đờ.

Thứ nhất, lười biếng của uể oải lờ đờ là bị mê đắm vào những niềm vui lờ đờ như nằm, ngủ, nghỉ ngơi… Phải tránh những cái đó. Tại sao phải tránh chúng? Bởi vì không có thời gian cho chúng trong cuộc đời này. Đức Phật nói trong một kinh:

Các tỳ kheo! Ý thức suy giảm, cuộc đời chấm dứt, sinh lực thoát đi, và những lời dạy của chư Phật chắc chắn cũng mất. Tại sao người ta không thực hành với tinh tấn và chuyên cần?

Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Chừng nào cái chết thực sự tới gần

Bấy giờ tôi sẽ tích tập công đức.

Nếu bạn nghĩ có thể tích tập thiện hạnh vào lúc sắp chết, hãy hiểu rằng bấy giờ không có thời gian để tích tập thiện hạnh. Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Cho dù bấy giờ tôi có ngưng lười biếng.

Điều đó có ích gì nữa? Đó không phải là thời gian!

Nếu bạn nghĩ rằng bạn sẽ không chết trước khi hoàn tất tích tập thiện hạnh, thì hãy hiểu rằng không có gi nhất định đáng tin.

Có nói:

Thần chết không đáng tin

Không chờ đợi sự việc gì để làm hay không làm;

Dù không bệnh hay khỏe mạnh,

Cuộc sống thoáng qua này thì không vững chắc.

Vậy thì làm sao để tránh sự uể oải lờ đờ này? Bạn cần tránh nó như một con rắn đã cuộn vào đùi bạn hay tóc bạn đang cháy. Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Như tôi nhanh chóng đứng dậy

Nếu một con rắn bò vào đùi tôi,

Cũng thế nếu giấc ngủ hay lười biếng xảy đến

Tôi sẽ nhanh chóng đẩy lùi chúng.

Bức Thơ Cho Một Người Bạn nói:

Nếu tóc hay áo quần bạn thình lình bắt lửa,

Thậm chí hãy hoãn dập tắt nó.

Để cố gắng dừng tái sanh trong sanh tử

Bởi vì không có công việc nào quan trọng hơn điều ấy.

B. Thiếu Quan tâm.

Thứ hai, “lười biếng của thiếu quan tâm” là một cảm giác nản lòng trong tâm và nghĩ rằng, “Một người yếu đuối như tôi, thậm chí nếu tôi nỗ lực, có khi tôi không hoàn thành giác ngộ?” Bạn cần tránh sự thiếu quan tâm đến chính bạn bằng cách tránh nản lòng. Người ta tránh nản lòng như thế nào? Có nói:

Nếu họ phát triển sức mạnh nỗ lực

Dù họ là ruồi, muỗi, ong, hay côn trùng

Họ sẽ có được sự thức tỉnh vô thượng

Nó rất khó tìm thấy.

Thế nên, tôi không thể từ bỏ cách sống của bồ tát

Tại sao đã sinh làm người như tôi

Mà không đạt đến thức tỉnh, bởi vì tôi có thể nhận biết

Cái gì làm lợi lạc và cái gì là tai hại.

C. Lười biếng nặng.

Thứ ba, “lười biếng nặng” là mê đắm vào những hạnh xấu như tiêu diệt những kẻ thù, tích tập của cải…. Đây là nguyên nhân trực tiếp của khổ đau, và bởi thế, cần phải tránh.

III. Phân loại.

Tinh tấn có ba phân loại:

A. tinh tấn của áo giáp,

B. tinh tấn của áp dụng, và

C. tinh tấn không thấy đủ.

Cái thứ nhất là động cơ tuyệt hảo, cái thứ hai là nỗ lực áp dụng tuyệt hảo, và cái thứ ba là sự hoàn thiện của hai cái trên.

IV. Những tính chất của mỗi loại.

A. Thứ nhất, tinh tấn của áo giáp.

Từ bây giờ cho đến khi tất cả chúng sanh được an lập trong giác ngộ vô thượng, tôi sẽ không bỏ sự tinh tấn của thiện hạnh. Áo giáp như vậy sẽ không bị mòn. Tạng Bồ Tát nói:

Shariputra, người ta cần mặc áo giáp không thể nghĩ bàn. Người ta không nên dùng nghĩ sự tinh tấn cho giác ngộ đến khi sanh tử chấm dứt.

Kinh Giải Thích sự Thiết Lập của Áo Giáp nói:

Những bồ tát cần mặc áo giáp

Để nhóm tụ chúng sanh.

Bởi vì chúng sanh thì vô biên

Người ta cần mặc áo giáp vô biên.

Kinh Aksayamati Thỉnh Vấn nói:

Chớ mặc áo giáp theo kiểu tính đếm, “Nhiều kiếp này tôi sẽ mặc áo giáp và nhiều kiếp này tôi sẽ không mặc”. Đúng ra, người ta cần mặc áo giáp vô tận.

Những Địa Bồ Tát nói:

Tôi sẽ hoan hỷ dù nếu tôi phải ở lại trong địa ngục hàng ngàn kiếp để giải thoát khổ đau cho một chúng sanh. Chớ nói đến một thời kỳ ngắn và một khối khổ đau nhỏ. Cái này được gọi là sự tinh tấn của áo giáp của một bồ tát.

B. Thứ hai, tinh tấn áp dụng.

Tinh tấn áp dụng có ba loại:

  1. nỗ lực chuyên cần để hết những phiền não,
  2. nỗ lực chuyên cần để hoàn tất thiện hạnh, và
  3. nỗ lực chuyên cần để làm lợi lạc chúng sanh.

1. Thứ nhất, nỗ lực chuyên cần để hết phiền não.

Những phiền não tham, sân… và mọi hành động chúng ảnh hưởng, là gốc mọi khổ đau. Thế nên, trong một thời gian dài, hãy tự tịnh hóa chúng và nỗ lực để chúng không sanh khởi. Đi Vào Bồ Tát Hạnh nói:

Nếu tôi thấy mình ở giữa một đám phiền não

Tôi sẽ kiên cường theo một ngàn cách.

Giống như một con sư tử giữa một bầy cáo…

Tôi sẽ không bị ô nhiễm bởi đám phiền não này.

Cái gì là một ví dụ của tỉnh giác? Có nói:

Những người thực hành cần chú ý

Như một người mang một chậu đầy dầu ăn sợ đổ

Người ấy bị đe dọa bởi một người cầm gươm

Sẽ bị y giết nếu để rơi một giọt.

2. Thứ hai, nỗ lực chuyên cần hoàn tất thiện hạnh.

Bạn cần nỗ lực hoàn thiện sáu ba la mật mà không nhìn đến thân thể hay mạng sống của bạn. Bạn nỗ lực như thế nào? Bạn nỗ lực trong năm tinh tấn: một cách bền bỉ, với sùng mộ, không lay chuyển, không quay lại đàng sau, và không kiêu mạn.

Cái thứ nhất là nỗ lực bền bỉ. Kinh Đám Mây Ngọc Quý nói:

Một bồ tát là người tinh tấn trong mọi hành động mà thân hay tâm không mệt mỏi. Đây gọi là sự tinh tấn bền bỉ của một bồ tát.

Thứ hai, nỗ lực với sùng mộ, nghĩa là tinh tấn nhanh chóng với niềm vui và hạnh phúc. Có nói:

Như thế, để làm trọn công việc này,

Tôi sẽ mạo hiểm đi vào nó

Như một con voi bị mặt trời giữa trưa hành hạ

Phóng vào một cái hồ.

Thứ ba là tinh tấn không quay lại. Bạn cần không quay lại để thấy sự làm hại của những người khác, thái độ thô lỗ, những quấy nhiễu, những quan điểm sai hỏng… Điều này được nói đến trong Kinh Aryavajradwaza.

Thứ tư là tinh tấn không kiêu mạn. Thực hành tinh tấn, bạn không nên kiêu căng.

3.Thứ ba, nỗ lực chuyên cần để lợi lạc chúng sanh.

Điều này nghĩa là nâng đỡ những người không có chỗ nương tựa…. qua mười một chủ đề đã nói ở trước (chương 13)

Đấy là giải thích về tinh tấn áp dụng.

C. Thứ ba, tinh tấn không thấy đủ.

Bạn cần tinh tấn không thỏa mãn cho đến lúc hoàn thành giác ngộ. Có nói:

Nếu tôi thấy rằng tôi không bao giờ có đủ những đối tượng thèm muốn,

Chúng như mật dính trên lưỡi dao cạo,

Thì tại sao tôi lại thấy cảm thấy là đủ

Công đức chín thành quả an lạc?

V. Tăng trưởng.

Tinh tấn sẽ tăng trưởng nhờ trí huệ bốn nguyên, tỉnh giác phân biệt và hồi hướng, như được giải thích ở trước (chương 12).

VI. Hoàn thiện.

Sự hoàn thiện của tinh tấn được nâng đỡ bởi tánh Không toàn khắp và lòng bi, như được giải thích ở trước (chương thứ 12).

VII. Kết quả.

Người ta cần hiểu những kết quả của thực hành tinh tấn trong trạng thái tối hậu và quy ước. Trong trạng thái tối hậu, người ta đạt được giác ngộ vô thượng, Những Địa Bồ Tát nói:

Do hoàn thiện trọn vẹn tinh tấn ba la mật, các bồ tát đã đạt đến giác ngộ viên mãn vô thượng, đang đạt đến giác ngộ viên mãn và sẽ đạt đến giác ngộ viên mãn.

Quả của trạng thái quy ước là người ta sẽ có mọi niềm vui tối cao cho đời sống, dù đang ở trong sanh tử. Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa nói:

Qua tinh tấn, người ta hoàn thành mọi mong muốn khi đang ở trong sanh tử.

Đây là chương thứ mười lăm

Nói về sự hoàn thiện của tinh tấn,

từ Tràng Ngọc Giải Thoát

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI TÁM TỆ NẠN ẨN GIẤU CỦA NHỮNG HÀNH GIẢ
  2. MƯỜI ĐIỀU NGƯỜI TA PHẢI BIẾT
  3. VỊ THẦY TÂM LINH

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM