VỊ THẦY TÂM LINH

TỔ GAMPOPA

Trích: Tràng Ngọc Giải Thoát; Khenpo Konchog Gyaltsen Rinpoche dịch; NXB Thiện Tri Thức.

Dù chúng ta có cơ sở thực hành tuyệt hảo, một đời người quý báu, nếu chúng ta không được những vị thầy tâm linh khuyến khích thì sẽ khó theo con đường giác ngộ vì năng lực của những xu hướng bất thiện thâm căn cố đế của những đời trước và sức mạnh của thói quen. Thế nên cần thân cận với vị thầy tâm linh. Tóm lại:

Lý do và phân loại,

Những đặc tính của mỗi loại,

Phương pháp và những lợi lạc của việc thân cận những vị thầy Năm điều này gồm trong việc thân cận vị thầy tâm linh.

I. Lý do.

Có ba lý do giải thích tại sao chúng ta cần thân cận một vị thầy tâm linh:

A. Kinh điển

B. Lý luận

C. Thí dụ

A. Kinh điển.

Thứ nhất, từ Kinh Bát Nhã Cô Đọng:

Đệ tử cao quý kính trọng Lạt ma

Cần luôn luôn thân cận Lạt ma thông tuệ

Bởi vì người ấy sẽ nhận được những phẩm tính tốt từ ngài.

Và từ Kinh Bát Nhã 8000 Bài Kệ:

Từ ban đầu, một đại Bồ tát mong muốn thành tựu giác ngộ viên mãn, vô thượng cần gặp, thân cận và kính trọng những vị thầy tâm linh.

B. Lý luận.

Người muốn thành tựu toàn giác cần thân cận một vị thầy tâm linh bởi vì không biết làm thế nào để tích tập công đức hay tịnh hóa những che ám. Minh họa tích cực cho điều này là chư Phật của ba thời. Mặt kia là những vị Độc Giác.

Giải thích: Để hoàn thành Phật quả, mọi tích tập công đức và trí huệ bổn nguyên phải được gom tụ lại. Phương tiện làm điều đó thì nương dựa vào vị thầy tâm linh. Mọi che ám, gồm phiền não chướng và sở tri chướng, phải được tịnh hóa. Những phương pháp để loại bỏ những che ám này cũng tùy thuộc vị thầy.

C. Thí dụ.

Một vị thầy tâm linh thì giống như một người hướng dẫn khi đi đến một nơi chốn chưa biết, như một người hộ tống khi đi đến một nơi nguy hiểm, và như một người lái thuyền khi băng qua một dòng sông lớn.

Giải thích thí dụ thứ nhất. Khi du hành đến một nơi chưa từng biết mà không có một người hướng dẫn thì có nguy cơ lầm đường, lạc đường. Khi theo một người hướng dẫn tốt, thì sẽ không có nguy cơ lầm lạc con đường. Chúng ta sẽ đến nơi mà không phí bước chân nào. Tương tự khi đi vào con đường giác ngộ vô thượng và tiến đến con đường Phật quả, nếu không có một vị thầy Đại thừa như một người hướng dẫn, bấy giờ có nguy hiểm lạc vào con đường không phải Phật giáo, lầm lẫn với con đường Thanh Văn hay lạc vào con đường Độc Giác.

Trái lại, nếu theo sự hướng dẫn của vị thầy thì không bị lầm lạc, chúng ta có thể đến thành phố toàn giác. Có nói trong tiểu sử của Srisambhava:

Vị thầy tâm linh giống như một người hướng dẫn dắt người ta trên con đường của những hoàn thiện (những Ba La Mật).

Thí dụ thứ hai là một nơi nguy hiểm bị trộm cướp, thú rừng…đe dọa. Khi đến những nơi ấy mà không có người hộ tống thì thân thể, đời sống và tiền bạc bị lâm nguy người hộ tống thích hợp, người ta có thể đến nơi mà không bị nguy hiểm. Cũng thế, đi vào con đường giác ngộ và mong muốn đạt đến thành phố toàn giác bằng cách thu góp những sự tích tập lớn lao về công đức và trí huệ bổn nguyên mà không có một vị thầy tâm linh làm người hộ tống, thì có nguy cơ cuộc đời với những điều kiện thuận lợi và mất tài sản công đức vì do trộm cướp những tư tưởng vẫn vơ và những phiền não bên trong và những ma quỷ bên ngoài. Có nói rằng:

Khi đám đông xúc tình giống như trộm cướp có cơ hội, chúng sẽ cướp giật mọi đức hạnh của bạn và thậm chí lấy mất mạng sống với những điều kiện thuận lợi của bạn.

Nhưng nếu bạn không lìa khỏi một vị thầy tâm linh, ngài giống như một người hộ tống, bạn sẽ đến thành phố toàn giác mà không mất tài sản đức hạnh hay mất mạng với những điều kiện thuận lợi.

Như vậy, trong tiểu sử của Srisambhava có nói:

Mọi công đức của những Bồ tát sẽ được vị thầy tâm linh bảo vệ.

Tiểu sử của Upasika Acala nói:

Mỗi vị thầy giống như một người hộ tống đem bạn đến trạng thái toàn giác.

Thí dụ thứ ba: Khi vượt qua một sông lớn với một chiếc thuyền không có người chèo thuyền, bạn sẽ không qua đến bờ bên kia bởi vì hoặc thuyền chìm dưới nước hoặc bị nước cuốn trôi. Với một người lái thuyền, bạn sẽ qua bờ bên kia nhờ cố gắng của người ấy. Cũng thế khi băng qua đại dương sanh tử, mà không có một vị thầy hoạt động như một người chèo thuyền, thì dù bạn vào con thuyền của thánh pháp, bạn sẽ bị dòng nước cuốn trôi hay chìm trong sanh tử, có nói rằng:

Chiếc thuyền sẽ không đưa bạn đến bờ bên kia của dòng sông nếu không có một người chèo thuyền. Dù bạn có những phẩm tính đầy đủ, bạn sẽ không thoát khỏi sanh tử nếu bạn không có một lạt ma.

Bởi thế, bạn cần thân cận những vị thầy tâm linh, các ngài giống như những người hướng dẫn, người hộ tống hay người chèo thuyền.

II. Phân loại.

Có bốn vị thầy tâm linh:

Vị thầy tâm linh bình thường,

Vị thầy tâm linh Bồ tát đã đạt được một số địa,

Vị thầy tâm linh Hóa thân, và

Vị thầy tâm linh Báo thân.

Bốn loại này tùy thuộc vào sự chứng ngộ tâm linh của một cá nhân. Khi người ta là bình thường hay chỉ bắt đầu, người ta không thể thân cận chư Phật và chư Bồ tát đã đạt đến những cấp độ cao, thế nên người ta thân cận một vị thầy tâm linh bình thường. Khi những che ám của nghiệp được tịnh hóa nhiều hơn, người ta có thể thân cận một vị thầy tâm linh bồ tát đạt đến những cấp độ cao hơn. Sau khi người ta hoàn thiện con đường tích tập lớn lao, người ta có thể thân cận một vị thầy Hóa thân. Khi người ta đạt được cấp độ bồ tát, người ta có thể thân cận một vị thầy Báo thân.

Trong bốn loại này, ai là người làm lợi lạc lớn nhất? Khi chúng ta đang ở trong bóng tối che ám của nghiệp của những phiền não chúng ta không có cơ hội thậm chí để thấy gương mặt của một vị thầy tâm linh cao cấp, thế thì làm sao chúng ta có thể thân cận vị nào? Gặp gỡ những vị thầy tâm linh bình thường, nhận ánh sáng của những lời dạy của các ngài và soi sáng đường đi, người ta sẽ có cơ hội để thấy những vị thầy tâm linh cao cấp. Thế nên, vị làm lợi lạc lớn nhất cho chúng ta là vị thầy tâm linh bình thường.

 

III. Những đặc tính của mỗi Loại.

A. Những vị thầy tâm linh Hóa thân và Báo thân. Đã tịnh hóa hai che ám phiền não chướng và sở tri chướng, Phật hiện thân sự hoàn thiện của những tịnh hóa. Có hai trí huệ toàn giác là căn bản trí và hậu đắc trí, Ngài hiện thân sự hoàn thiện của trí huệ bổn nguyên.

B. Những vị thầy tâm linh Bồ tát. Những vị thầy Bồ tát đã đạt những cấp độ cao hơn, từ địa thứ nhất đến địa thứ mười, có nhiều trí huệ và tịnh hóa. Đặc biệt, Bồ tát đạt đến những cấp độ trên địa thứ tám thì có mười lực để làm lợi lạc cho chúng sanh: năng lực trên thọ mạng, tâm thức, nhu yếu phẩm, nguyên nhân hay hành động (nghiệp), sự sinh ra, những ý định, những nguyện vọng, những thần thông, trí thông hiểu, và Pháp.

“Năng lực trên thọ mạng” là có thể sống lâu như ý mình muốn.

“Năng lực trên tâm” là có thể duy trì nhập định lâu như ý mình muốn.

“Năng lực trên nhu yếu phẩm” là có thể làm một trận mưa xuống cho nhu cầu vô giới hạn của chúng sanh.

“Năng lực trên nguyên nhân” là có thể chuyển những hậu quả của nghiệp từ một đời riêng biệt sang một đời tái sanh khác, một cõi khác hay thế giới khác.

“Năng lực trên sự sanh ra” là có thể duy trì nhập định và nếu sinh trong cõi dục thì sẽ không tổn hại bởi những khuyết điểm của nó.

“Năng lực trên những ý định” là có thể thay đổi bất cứ thứ gì thành đất, nước, lửa… theo ý muốn.

“Năng lực trên những nguyện vọng” nghĩa là nếu người ta mong muốn làm lợi lạc hoàn hảo cho mình và những người khác thì sẽ được hoàn thành.

“Năng lực trên những thần thông” là có thể hiện bày vô số biểu lộ để khiến chúng sanh quan tâm con đường tâm linh.

“Năng lực trên trí thông hiểu” là hoàn thiện sự thấu hiểu về những hiện tượng, nghĩa của chúng, ý nghĩa của từ, và sự tự tin.

“Năng lực trên Pháp” là trong một khoảnh khắc, những Bồ tát có thể thỏa mãn đầy đủ tất cả chúng sanh theo nhu cầu của họ và trong những ngôn ngữ khác biệt của họ qua những lời nói, ngữ điệu và rút từ những kinh điển khác nhau.

C. Những vị thầy tâm linh bình thường. Có ba loại những vị thầy tâm linh bình thường: những vị có tám phẩm tính, những vị có bốn phẩm tính, và những vị có hai phẩm tính. Về loại thứ nhất, Những Địa Bồ tát nói:

Người ta cần hiểu rằng một Bồ tát có tám phẩm tính là một vị thầy tâm linh hoàn hảo. Tám phẩm tính là gì? Người có đạo đức của một Bồ tát, được học trong giáo pháp Bồ tát, có chứng ngộ, có lòng từ bi, có sự không sợ hãi, có nhẫn nhục, có tâm không mệt mỏi, và lão luyện trong biểu lộ bằng lời nói.

Loại thứ hai được miêu tả trong Kinh Trang Nghiêm Đại thừa:

Có sự uyên bác lớn lao và xua tan nghi ngờ,

Bất cứ cái gì ngài nói đều có thể chấp nhận, phân biệt hai mặt nhiễm ô và thanh tịnh

Đây là một vị thầy tâm linh Bồ tát.

“Có sự uyên bác lớn lao” là có thể ban những giáo lý giảng rộng nhờ trí huệ bao la. Vì thầy có thể xua tan nghi ngờ bởi vì ngài có trí huệ phân biệt sâu xa. Lời nói của ngài có thể chấp nhận bởi vì hành động của ngài là đức hạnh thanh tịnh. Ngài giải nghĩa những tính chất hàng đầu của phiền não và sự tịnh hóa chúng.

Loại thứ ba được mô tả trong Đi vào Bồ tát hạnh:

Một vị thầy tâm linh thì luôn luôn

Lão luyện trong những giáo lý Đại thừa.

Ngài sẽ không từ bỏ nguyện của Bồ tát

Cho dù lâm nguy tới tính mạng sống.

Nói cách khác, một vị thầy được học trong Đại thừa và giữ nguyện Bồ tát.

IV. Phương pháp.

Khi tìm thấy loại thầy chính thống này, có ba cách để thân cận ngài. Đó là:

A. Thân cận ngài bằng kính trọng và phục vụ,

B. Thân cận ngài bằng sùng mộ và tôn thờ, và

C. Thân cận ngài bằng thực hành và kiên trì trong những giáo lý.

A. Kính trọng và Phục vụ.

Thân cận “bằng kính trọng” là chắp tay, đứng dậy nhanh chóng, lạy, đi nhiễu quanh, biểu lộ cảm giác thân thiết đúng lúc, nhìn hoài không chán…Thí dụ là Sudhana (Thiện Tài đồng tử trong Kinh Hoa Nghiêm), con một thương gia, thân cận với những vị thầy tâm linh của mình. Kinh Trồng Cây Cao Cả nói:

Người ta cần nhìn vị thầy tâm linh không chán mắt bởi vì khó mà thấy được những vị thầy tâm linh, các ngài hiếm khi xuất hiện trên trái đất, và khó mà gặp các ngài.

Thân cận vị thầy tâm linh “bằng phục vụ” là dâng cho ngài thức ăn, y phục, chỗ ngủ, chỗ ngồi, thuốc men và mọi vật cần thiết dù với giá là sự nguy hiểm của thân mạng. Thí dụ là Sadaprarudita thân cận những vị thầy. Có nói trong tiêu sử của Srisambhava:

Sự giác ngộ của một vị Phật sẽ được hoàn thành qua việc phục vụ các vị thầy tâm linh.

B. Sùng mộ và Tôn thờ.

Thân cận ngài “bằng sùng mộ và tôn thờ” là xem vị thầy tâm linh như Phật. Người ta cần vâng theo những lời dạy của ngài. Người ta cần khai triển sùng mộ, kính trọng và một tâm trong sáng. Thí dụ là cách Naropa thân cận những vị thầy tâm linh của mình.

Kinh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa nói:

Ông phải thờ phụng những vị thầy tâm linh một cách thường trực, bền bỉ, lập đi lập lại. Hãy rất hào phóng và yêu quý các ngài.

Hơn nữa, người ta tránh nghĩ sai về những hành động thiện xảo của những vị tâm linh. Thay vào đó, người ta cần rất kính trọng chúng. Một ví dụ là tiểu sử của vua Anala (chương thứ mười bảy của Kinh Hoa Nghiêm).

C. Thực hành và kiên trì.

Thân cận ngài bằng thực hành và kiên trì trong những giáo lý “là thực sự hội nhập và thực hành những giáo lý của vị thầy tâm linh bằng nghe, chiêm nghiệm và thiền định (Văn, Tư, Tu) và kiên trì. Điều này sẽ làm cho vị thầy vui lòng cực độ. Kinh Trang Nghiêm Đại Thừa nói:

Thân cận vị thầy tâm linh nghĩa là thực hành bất cứ điều gì được dạy.

Do điều này, Ngài sẽ hài lòng.

Người ta sẽ hoàn thành Phật quả khi vị thầy tâm linh hài lòng. Như tiêu sử của Srisambhava nói:

Khi bạn làm vui lòng vị thầy tâm linh, bạn sẽ hoàn thành giác ngộ của tất cả chư Phật.

Có ba bước để nhận những giáo lý từ vị thầy tâm linh: chuẩn bị, những lời dạy thực sự và hậu quả.

Thứ nhất, “chuẩn bị” là nhận những giáo lý với Bồ đề tâm. Khi nhận những lời dạy, bạn cần xem mình là người bệnh, Pháp là thuốc và vị thầy là thầy thuốc. Nghe kỹ và thực hành Pháp một cách kiên cố được xem như khỏi bệnh. Như một hậu quả, những lỗi lầm như một cái bình úp, một cái bình nứt, và một cái bình có chất độc thì cần phải tránh.

V. Những lợi lạc.

Những kết quả lợi lạc của việc thân cận một vị thầy tâm linh được nói đến trong tiểu sử của Srisambhava:

Gia đình cao quý! Một Bồ tát được những vị thầy tâm linh giữ gìn tốt đẹp sẽ không rớt vào những cõi thấp. Một vị bồ tát được những vị thầy tâm linh hộ tống sẽ không rớt vào tay của người xấu. Một bồ tát được vị thầy tâm linh hướng dẫn tốt đẹp sẽ không lìa khỏi con đường Đại thừa. Một bồ tát được vị thầy tâm linh hướng dẫn tốt đẹp sẽ vượt khỏi cấp độ của người bình thường.

Kinh Phật Mẫu Bát Nhã Ba La Mật Đa nói:

Đại bồ tát được một vị thầy tâm linh hướng dẫn tốt sẽ nhanh chóng thành tựu giác ngộ viên mãn vô thượng.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. MƯỜI TÁM TỆ NẠN ẨN GIẤU CỦA NHỮNG HÀNH GIẢ
  2. MƯỜI ĐIỀU NGƯỜI TA PHẢI BIẾT
  3. SỰ HOÀN THIỆN CỦA TINH TẤN

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM