TÀI KHOẢN TÌNH CẢM VÀ SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU

STEPHEN R. COVEY

Trích: 7 Thói quen để Thành đạt - Stephen R. Covey; Nxb Trẻ; Cty Sách First News

Chúng ta đều biết tài khoản ngân hàng là gì. Chúng ta gửi tiền vào tài khoản đó và lập một khoản dự trữ mà chúng ta có thể rút ra khi cần. Tài khoản tình cảm là một phép ẩn dụ mô tả mức độ tin cậy được xây dựng trong một mối quan hệ. Đó là cảm giác an toàn của bạn đối với người khác. Nếu tôi ký gửi vào tài khoản tình cảm của bạn bằng sự nhã nhặn, tốt bụng, chân thành và giữ các cam kết với bạn, thì tôi đã thiết lập được một khoản dự trữ. Sự tin cậy của bạn dành cho tôi sẽ cao hơn, và khi cần, tôi có thể nhờ đến sự tin cậy đó.

Chẳng hạn, tôi gây ra một sai lầm nào đó với bạn, khiến bạn bị tổn thương, thì khoản dự trữ tình cảm có được từ sự tin cậy sẽ bù đắp cho sai lầm đó. Có thể thái độ và cách cư xử của tôi không được khéo léo nhưng bạn vẫn hiểu được thông điệp tôi muốn chuyển tải. Bạn sẽ không bắt bẻ hay “vạch lá tìm sâu”. Tài khoản lòng tin được tích lũy càng nhiều thì sự giao tiếp diễn ra càng dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả. Nhưng nếu tôi thường xuyên cư xử không phải với bạn, thiếu tôn trọng hay có hành động xem thường bạn, thậm chí phản bội lòng tin, đe dọa, hay trở thành gánh nặng cho bạn, thì cuối cùng, tài khoản tình cảm của tôi sẽ bị thấu chi (chi quá số dư trên tài khoản). Lòng tin sẽ giảm nghiêm trọng. Khi đó, liệu tôi còn có chút hy vọng nào vào lòng khoan dung của bạn nữa không?

Chắc chắn là không. Lúc đó, tôi sẽ như đang đi trên một bãi mìn. Tôi phải rất thận trọng mỗi khi định nói bất cứ điều gì. Tôi phải cân nhắc từng câu chữ. Tôi như sống trong một môi trường căng thẳng, đầy cảnh giác. Tôi phải biết cách tự bảo vệ bằng những thủ đoạn. Những điều này xuất hiện đầy rẫy trong các tổ chức, trong nhóm làm việc, và cả trong cuộc sống hôn nhân.

Nếu tài khoản lòng tin không được bổ sung thường xuyên thì mối quan hệ ban đầu dù tốt đẹp đến đâu cũng sẽ bị xói mòn. Trong hôn nhân, mối quan hệ vợ chồng hạnh phúc, đồng cảm, phong phú và tự nguyện sẽ nhanh chóng biến thành một sự thỏa hiệp. Hai người tuy sống chung nhà nhưng mỗi người một “cõi” , họ cắn răng chịu đựng nhau và không can thiệp vào cuộc sống của người kia. Mối quan hệ có thể trở nên tồi tệ đến mức dẫn đến các cuộc đấu khẩu căng thẳng. Quan hệ đó có thể kết thúc bằng một cuộc chiến tranh lạnh tại nhà, và cũng có thể bằng một cuộc chiến công khai tại tòa, nơi người ta không ngớt kể ra vô số tội lỗi của người từng “đầu ấp tay gối” với mình.

Đáng buồn là điều này lại xảy ra đối với mối quan hệ thân mật, phong phú, hạnh phúc và có tính xây dựng nhất có thể có giữa hai con người trên trái đất: quan hệ hôn nhân. Ngọn hải đăng P/PC vẫn còn đó; việc lao đầu vào nó hay lấy nó làm ánh sáng chỉ đường là tùy thuộc sự lựa chọn của mỗi chúng ta.

Những mối quan hệ lâu dài như quan hệ hôn nhân đòi hỏi sự ký gửi tài khoản tình cảm không ngừng. Trong các mối quan hệ thường xuyên với người khác cũng vậy. Do những kỳ vọng không ngừng tăng lên nên những khoản tình cảm đã ký gửi vào tài khoản từ trước sẽ dần dần mai một.

Thỉnh thoảng, trong quan hệ giao tiếp hàng ngày của bạn, những khoản tình cảm lại tự động được rút ra khỏi tài khoản mà bạn không biết. Điều này đặc biệt đúng đối với các trẻ vị thành niên trong gia đình. Giả sử bạn thường xuyên giao tiếp với con mình theo kiểu như:

“Dọn phòng cho sạch đi!”, “Cài khuy áo vào!” , “Tắt đài đi!” “Đừng quên đổ rác nhé!”… thì không bao lâu, các khoản tình cảm rút ra sẽ vượt quá các khoản tình cảm gửi vào.

Giả sử cậu con trai của bạn đã đến lúc cần có những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cả cuộc đời. Nhưng do mức độ tin cậy lẫn nhau rất thấp và quá trình giao tiếp bị khép kín, thiếu thân mật, cậu ta không muốn hoặc không dám nhờ đến lời khuyên của bạn. Trong trường hợp tài khoản tình cảm của bạn đã bị thấu chi, có lẽ con trai bạn sẽ tự mình đưa ra các quyết định một cách nông cạn, trong khi bạn có đủ khôn ngoan và hiểu biết để giúp đỡ con mình. Điều này có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực lâu dài.

Bạn cần có một sự cân bằng tích cực để xử lý những vấn đề tế nhị này. Nhưng bạn phải làm gì?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn bắt đầu có thêm “khoản gửi” vào tài khoản tình cảm của mối quan hệ này? Khi có những cơ hội để biểu thị tình yêu và sự quan tâm với con bạn – hãy tận dụng chúng! Khoản tình cảm gửi vào quan trọng nhất mà bạn có thể tạo ra là lắng nghe mà không phán xét hay thuyết giáo. Bạn chỉ lắng nghe và cố gắng thấu hiểu. Hãy làm cho con trai bạn cảm thấy được bạn quan tâm, được bạn nhìn nhận như một người lớn.

Lúc đầu, có thể thằng bé chưa phản ứng ngay, thậm chí còn nghi ngờ: “Không biết bố muốn gì đây? Lần này, mẹ lại định răn đe mình cái gì nữa?”. Khi những khoản tình cảm được rót liên tục vào tài khoản một cách chân thành, nó sẽ làm cho số dư tài khoản tăng lên. Và khoản thấu chi, nếu có, sẽ được rút nhỏ lại.

Cần nhớ rằng giải pháp “chữa cháy” cấp tốc trong trường hợp này chỉ là ảo tưởng. Xây dựng và khôi phục lại các mối quan hệ đòi hỏi phải có thời gian. Nếu bạn trở nên thiếu kiên nhẫn trước thái độ như bất cần, hoặc bất hiếu của con trai, bạn có thể sẽ bị rút đi một khoản lớn trong tài khoản tình cảm, và mọi nỗ lực của bạn coi như hỏng. “Bố mẹ đã làm tất cả vì con, hy sinh cho con, thế mà con lại tỏ ra bất hiếu như vậy sao ? Bố mẹ đã cố gắng đối xử tốt với con, thế mà con cư xử như vậy à. Thật không tin nổi.”

Khó mà giữ được kiên nhẫn. Vì vậy, chúng ta cần phải có bản lĩnh để luôn chủ động, tập trung vào Vòng tròn Ảnh hưởng, nuôi dưỡng những điều đang phát triển mà không phải “nhổ hoa xem rễ”. Nhưng quả thật ở đây không có chỗ cho giải pháp cấp tốc hay đốt cháy giai đoạn. Việc xây dựng và khôi phục các mối quan hệ đòi hỏi phải đầu tư lâu dài về thời gian và công sức.

SÁU KHOẢN KÝ GỬI CHỦ YẾU

Tôi xin mạn phép đưa ra sáu khoản ký gửi để xây dựng một tài khoản tình cảm, cụ thể như sau.

#1 Hiểu rõ từng cá nhân

Thực sự hiểu rõ người khác có lẽ là khoản ký gửi quan trọng nhất trong tài khoản tình cảm của bạn, nó là chìa khóa quyết định các “khoản gửi” khác. Bạn sẽ không thể hiểu được điều gì tạo ra khoản ký gửi cho một người đến khi bạn hiểu rõ người đó. Một cuộc dạo chơi để hàn huyên, đi ăn kem cùng nhau, cùng nhau làm một công việc… có thể là khoản ký gửi vào tài khoản tình cảm của bạn, nhưng người khác thì không nghĩ như vậy. Thậm chí, những điềuđó còn bị coi là một “khoản chi” trên tài khoản tình cảm của một số người, nếu nó không có quan hệ gì đến lợi ích hay nhu cầu của họ.

Sứ mệnh của người này có thể chỉ là chuyện vặt đối với người khác. Để ký gửi tài khoản tình cảm vào người khác, điều bạn thực hiện phải quan trọng với cả hai bên. Chúng ta thử cùng xem xét ví dụ sau. Khi bạn đang làm việc, đứa con trai sáu tuổi của bạn chạy tới hỏi một câu, mà với nó là vấn đề quan trọng, trong khi với bạn thì rất vụn vặt. Trong trường hợp này, việc ký gửi và nhận tài khoản tình cảm không được thực hiện với cả hai bên. Bạn cần phải có Thói quen thứ hai để công nhận giá trị của người khác và Thói quen thứ ba để lập kế hoạch ưu tiên cho vấn đề của người đó. Bằng cách chấp nhận giá trị mà con bạn đặt ra, bạn thể hiện được sự chia sẻ của mình và điều đó sẽ tạo ra một khoản tình cảm lớn ký gửi vào tài khoản.

Một người bạn của tôi có cậu con trai rất mê bóng chày, nhưng anh ấy lại chẳng quan tâm gì đến môn thế thao đó cả. Nhưng rồi, một mùa hè nọ, anh ấy đã dẫn con trai đi xem tất cả các trận đấu bóng chày của các đội nổi tiếng. Chuyến đi kéo dài hơn sáu tuần lễ và tiêu tốn khá nhiều tiền, nhưng nó đã trở thành một trải nghiệm gắn bó sâu sắc mối quan hệ cha con của họ.

Khi trở về, có người hỏi anh bạn tôi: “Anh thích bóng chày đến thế sao?”.
“Không”, anh ấy trả lời, “nhưng tôi rất yêu quý con trai tôi”.

Một người bạn khác của tôi lại có mối quan hệ cha con không mấy tốt đẹp với cậu con trai vị thành niên của mình. Toàn bộ cuộc sống của vị giáo sư này gắn liền với sự nghiệp nghiên cứu, và ông ấy cảm thấy cậu con trai của mình đang hoang phí cuộc đời khi chỉ biết lao động chân tay thay vì lao động trí óc. Do vậy, ông ấy hầu như lúc nào cũng gây cản trở cho con mình. Đến một ngày, ông ta nhận ra sai lầm của mình và rất hối hận. Ông cố gắng tạo ra nhiều khoản ký gửi vào tài khoản tình cảm của con mình nhưng không có kết quả. Với cậu con trai, tất cả những biểu hiện đó của cha đều là hình thức mới của sự bác bỏ, so sánh và phán xét. Cả hai nhanh chóng bị cạn tài khoản tình cảm. Mối quan hệ cha con trở nên tồi tệ hơn, và nó đã làm tan vỡ trái tim người cha.

Một hôm, tôi chia sẻ với ông về nguyên tắc làm thế nào để những điều quan trọng của người khác cũng trở nên quan trọng đối với mình và ngược lại. Ông ấy tiếp thu sâu sắc ý kiến của tôi. Sau đó, ông đề nghị cậu con trai cùng làm một mô hình Vạn Lý Trường Thành trong khu vườn nhà họ, hơn một năm rưỡi dự án của họ mới hoàn thành.

Và trong một năm rưỡi đó, quá trình làm việc cùng cha đã giúp cậu con trai dần dần nuôi dưỡng ý chí phát huy sức sáng tạo, khả năng tính toán – tức phát triển trí tuệ. Nhưng lợi ích thật sự mà cha con họ có được chính là nguồn sức mạnh và niềm hạnh phúc đến từ sự tin cậy lẫn nhau.

Chúng ta thường có xu hướng xem những gì mình có cũng là những thứ mà người khác muốn có và cần có. Chúng ta hay áp đặt người khác phải hành động theo ý muốn của mình. Chúng ta lý giải rằng tài khoản tình cảm có được là do nhu cầu và ý muốn của chúng ta. Nếu mọi nỗ lực của bản thân không được đón nhận thì chúng ta thường coi đó là sự từ chối và sẵn sàng bỏ bê những gì đã cố gắng xây dựng. Nguyên tắc vàng cho rằng: “Hãy cư xử với người khác theo cách bạn muốn họ cư xử với mình” – nghĩa là hãy làm cho người khác những điều mà bạn muốn họ làm cho mình. Tuy nhiên, nguyên tắc trên còn có một ý nghĩa khác, sâu sắc hơn: hãy hiểu rõ người khác như bạn muốn họ hiểu rõ bạn, và đối xử với họ thông qua sự hiểu biết đó.

(CÒN TIẾP…)

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. THÓI QUEN THỨ BA: ƯU TIÊN NHỮNG VIỆC QUAN TRỌNG
  2. LẤY NGUYÊN TẮC LÀM TRUNG TÂM
  3. MỘT SỐ THÁCH THỨC CỦA KỶ NGUYÊN MỚI

Bài viết mới

  1. ÁP DỤNG QUY LUẬT NỖ LỰC TỐI THIỂU
  2. ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU HƠN CHỈ VỚI NỖ LỰC TỐI THIỂU
  3. THỰC HÀNH BỒ ĐỀ TÂM