TĂNG CƯỜNG SỨC MẠNH – NGHỆ THUẬT SỐNG TỰ TIN

BRYAN ROBINSON

Nghĩ về bản thân như là một người tự chủ, chứ không phải là một nạn nhân, và sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm về số phận của mình. – Bryan Robinson

 

⚛️ Bạn là người tự chủ hay là nạn nhân của cuộc đời?

Harriet nằm trên giường bệnh và than phiền về bệnh tình của mình. Cô rên rỉ: “Tôi chẳng còn làm được gì nữa rồi. Chồng tôi đã khiến tôi phải lo lắng đến mức phải vào viện vì chứng nghiện rượu của anh ấy. Tôi đã suy sụp đến mức chẳng thể tự giúp mình được nữa. Chồng tôi đã khiến tôi thấy mình thật vô dụng. Nếu không vì anh ấy, tôi đã chẳng ở trong tình trạng tệ hại và phải vào viện như thế này!”.

Có thể dễ dàng nhận ra rằng Harriet chính là một nạn nhân của hoàn cảnh sống. Những người như Harriet có khuynh hướng sống như một nạn nhân, hay theo các nhà tâm lý học thì cô thuộc tuýp người bị chi phối bởi ngoại cảnh (externalizers). Nói một cách đơn giản, những người này thường nghĩ về bản thân như những con tốt vô dụng trong ván cờ số phận, bị định đoạt bởi những yếu tố nằm bên ngoài bản thân họ. Kết quả là họ né tránh trách nhiệm của mình, phó thác cuộc đời cho hoàn cảnh và đầu hàng số phận. Hầu như họ luôn tìm cách đổ lỗi cho người khác hoặc cho hoàn cảnh về những khó khăn họ gặp phải. Tuýp người này tin rằng họ bị kết tội oan, rằng những nỗ lực của họ chẳng bao giờ được ghi nhận bởi mọi thứ không bao giờ diễn ra suôn sẻ và mọi người luôn keo kiệt với họ một cách vô cớ.

Nhiều nghiên cứu gợi ra vấn đề rằng rất nhiều người đã phát triển một ảo giác khi họ lớn lên, còn gọi là “sự bất lực được tích lũy”: Dù họ có làm gì chăng nữa thì số phận của họ cũng nằm ngoài tầm tay họ. Những người này có nguy cơ trở thành nạn nhân của cuộc sống thay vì được nó tiếp thêm sức mạnh. Nhưng tin tốt lành là nếu bạn là người thường bị ngoại cảnh chi phối thì bí quyết “Tăng cường sức mạnh” có thể giúp bạn tiếp cận được với cái phần tự chủ trong con người mình.

Người tự chủ là người được cái tôi tự tin dẫn dắt và họ tin tưởng rằng cuộc sống của họ xuất phát từ chính nội tâm của họ. Họ hoàn toàn làm chủ số phận của mình và chịu trách nhiệm về mọi điều xảy đến với bản thân. Họ tin tưởng rằng chính hành động của họ sẽ quyết định tính chất tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống. Những người này tin tưởng rằng nếu họ đã mắc sai lầm thì họ cũng có thể sửa chữa nó cũng như có thể thay đổi ngày mai bằng những gì họ làm trong hôm nay. Kết quả một số nghiên cứu cho thấy những người tự cho rằng mình đang ở vị thế “tác động” chứ không phải “chịu tác động” sẽ có khuynh hướng sống lạc quan hơn, phản ứng tích cực hơn trước mọi hoàn cảnh. Nói cách khác, họ chủ động đón nhận số phận của mình và tận dụng triệt để nó chứ không cam chịu đơn thuần.

Các nhà nghiên cứu cho biết những người tự chủ luôn thành công trong sự nghiệp hơn những người tự coi mình là nạn nhân. Ví dụ, những kẻ hay phàn nàn trong công việc có xu hướng bỏ việc cao hơn người bình thường. Văn phòng trở thành bãi đáp cho những kẻ hay càu nhàu, những kẻ luôn đấu tranh với sự bất hạnh trong nội tâm của mình, sống tiêu cực, thiếu tự tin và luôn cảm thấy mình vô dụng. Họ không muốn chịu trách nhiệm; cứ khư khư ôm lấy những khó khăn, trông chờ ai đó sẽ giúp họ giải quyết vấn đề thay vì tự mình tìm ra giải pháp sáng tạo. Căn bệnh than vãn kinh niên của họ làm ảnh hưởng xấu đến môi trường làm việc, lôi kéo thêm những người tiêu cực khác, tạo thành một câu lạc bộ “Than phiền”, đầu độc tinh thần làm việc và hủy hoại năng suất lao động. Họ không leo lên những nấc thang thăng tiến trong công ty như các nhân viên tự tin, hòa đồng – những người luôn nhìn thấy mặt tích cực, có tinh thần làm việc nhóm, có óc sáng tạo và luôn tập trung vào việc tìm kiếm giải pháp thay vì mãi nghĩ về khó khăn.

Khi các quản lý quyết định xem có nên thăng chức cho một nhân viên nào đó hay không, họ thường cân nhắc xem thái độ làm việc cũng như những kỹ năng chuyên môn của người đó. Những người hay than vãn thường thiếu tự tin, dẫn đến tình trạng đồng nghiệp và quản lý của họ cũng không còn tin tưởng vào họ. Những nhân viên tự biến mình thành nạn nhân thường ít có cơ hội được trọng dụng và phải gánh chịu thất bại trong sự nghiệp, ngay cả khi họ thật sự có năng lực. Họ không có khả năng suy nghĩ một cách lạc quan, không biết hợp tác với mọi người, không có trí sáng tạo và không tập trung vào tìm kiếm những giải pháp tích cực. Nguyên nhân của tình trạng này là do những phần xem mình là nạn nhân trong con người họ đã che mất đi cái tôi tự tin của họ, khiến họ cảm thấy mình thật sự là nạn nhân của hoàn cảnh sống.

Những kết luận này phản ánh việc cái tôi tự tin của chúng ta dễ dàng bị những phần xem mình là nạn nhân trong con người ta ép buộc phải tin tưởng rằng các khó khăn của ta và giải pháp cho các khó khăn ấy nằm ngoài bản thân ta, khiến ta luôn đầu hàng trong mọi tình huống. Chúng ta đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác vì những thất bại của mình cũng như sự khốn khổ theo sau những thất bại ấy. Việc đổ lỗi cho người khác sẽ che lấp đi cái tôi tự tin của ta, ngăn cản ta nhận ra rằng mình có thể hành động để thay đổi cuộc đời theo hướng tốt hơn; và thế là sự tự tin sẽ vụt khỏi tay ta.

Eleanor Roosevel đã từng nói rằng: “Nếu không có sự ưng thuận của bạn thì chẳng ai có thể làm bạn cảm thấy mình thấp kém”. Đó là sự thật. Chẳng ai có thể khiến bạn hoài nghi, giận dữ, căng thẳng hay bất cứ điều gì, trừ phi bạn đồng ý để họ làm vậy. Bất luận chuyện gì đã xảy đến với ta chăng nữa nhưng nếu khi được cái tôi tự tin của mình dẫn dắt, ta sẽ có khả năng ứng đối trước vấn đề đó. Bí quyết “Tăng cường sức mạnh” nhắc nhở ta rằng không phải ngoại cảnh cướp đi sự tự tin của ta, mà chính những phần xem mình là nạn nhân trong con người ta đã che khuất đi sức mạnh của ta.

Nhiều người trong chúng ta thường nghĩ về mình như những nạn nhân. Thất bại, tuyệt vọng và bi quan trở thành nếp sống của họ. Về cơ bản, việc tự biến mình thành nạn nhân và sự tự thán đã trở thành thói quen trong tư duy và ứng xử. Tình trạng này dẫn đến việc họ cố gắng tìm kiếm thủ phạm một cách vô thức. Họ tìm kiếm những người tự chủ để giúp họ thoát khỏi trách nhiệm; họ bị cuốn hút vào những người tự tin mà trước đây đã bị họ buộc tội là thủ phạm khiến đời họ bất hạnh.

Bí quyết “Tăng cường sức mạnh” cho rằng yếu tố quyết định việc ta trở thành người tự tin hay tự ti không nằm ở cuộc sống mà ở chính mức độ lòng tự tin trong ta. Chúng ta được ban cho cuộc sống và ta có quyền kiến tạo nên những trải nghiệm của mình trong cuộc sống ấy. Nếu ta cho rằng mình là nạn nhân vô dụng luôn bị cuộc sống đẩy đưa thì ta sẽ khổ sở thật sự. Nhưng nếu ta nhìn mọi việc qua con mắt của cái tôi tự tin và thấy được những ảo giác trong cuộc sống thì ta sẽ được tăng cường sức mạnh để biến khó khăn thành cơ hội học hỏi và tạo ra trải nghiệm tích cực từ chính những trải nghiệm tiêu cực.

Một khi ta còn đổ lỗi cho những tác nhân bên ngoài về số phận của mình, ta sẽ mãi là nạn nhân và tự làm mất đi sức mạnh của mình. Nhưng khi ta đã phân tách bản thân khỏi những ảo tưởng và nhận lấy trách nhiệm về suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình, ta sẽ tự tăng cường sức mạnh đồng thời cải thiện cuộc sống của bản thân một cách đáng kể. Bí quyết ở đây là đừng hỏi: “Cuộc sống đối xử với tôi như thế nào?”, mà hãy hỏi “Tôi đã đối xử với cuộc sống ra sao?”. Ngoài ra, hãy tự vấn mình thêm một câu hỏi khác không kém phần quan trọng: “Ai đang giữ vị trí chủ đạo trong thế giới nội tâm của tôi khi cuộc đời đang làm phần việc của nó? Đó là cái tôi tự tin, hay là phần tự xem mình là nạn nhân đang cần sự thấu hiểu và tình yêu thương của tôi?”.

⚛️ Bạn ứng phó với những biến cố lớn trong đời như thế nào?

“Có lẽ đó chính là điều may mắn nhất mà tôi có được!” – Jack đã nói như vậy về tai nạn xe mô-tô khiến anh trở thành người tàn phế. Tai nạn đó đã thay đổi cuộc đời anh và giúp anh trưởng thành hơn. Khả năng nhìn thấy điều tích cực giữa những mất mát to lớn của Jack cũng là điều mà nhiều người khác đã làm được.

Diễn viên hài Richard Belzer đã từng cho rằng: “Căn bệnh ung thư tựa như là một cú đánh trời giáng vào mặt ta. Ta vừa mất hết can đảm, lại vừa trở nên cao thượng nhờ nó”.Trong cuốn sách “Love, Medicine and Miracles” (Tình yêu, liều thuốc và những phép mầu), tác giả Bernie Siegel đã kể câu chuyện của một cậu bé bảy tuổi bị ung thư. Cậu đã nhìn nhận bản thân là người tự chủ chứ không phải là nạn nhân của căn bệnh quái ác: “Nếu Thượng đế muốn cháu trở thành vận động viên bóng rổ thì hẳn Người đã cho cháu chiều cao hai mét. Nhưng thay vào đó, Người cho cháu căn bệnh ung thư để cháu trở thành bác sĩ và giúp đỡ người khác”.

Cậu bé có mơ ước trở thành một vận động viên bóng rổ này đã biến căn bệnh ung thư trở thành hành động của tình yêu. Điều này đã hỗ trợ cậu vượt qua bệnh tật và mang đến cho chúng ta thông điệp rằng ta có thể làm cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn, bất kể hoàn cảnh sống của ta có ra sao chăng nữa.

Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với thử thách của cuộc sống, với một số người thì đó chỉ là những thử thách nhỏ, nhưng một số khác lại là những thử thách đầy cam go. Điều quan trọng là cách ta đối phó với chúng ra sao. Biến trở ngại thành cơ hội sẽ giúp chúng ta từ bỏ cuộc sống thụ động cam chịu để trở thành người năng động tích cực. Một người mạnh mẽ (được cái tôi tự tin dẫn dắt) thì luôn cố gắng học hỏi những bài học của cuộc sống; trong khi một nạn nhân (được bản ngã chỉ đạo) lại chịu đựng những nỗi đau trong đời.

Trong cuốn sách “When Things Fall Apart” (Khi mọi thứ vỡ vụn), ni sư Pema đã đề cập đến điều mà tôi đã nêu trong cuốn sách này – rằng đôi khi may mắn lại đến với ta dưới dạng thức của những bất hạnh:

“Những cảm xúc như thất vọng, lúng túng, bực tức, oán hờn,giận dữ, ghen ghét và sợ hãi không phải là những điều xấu bởi chúng là dấu hiệu cho thấy ta đã kìm nén chúng trong lòng. Chúng dạy ta biết ngẩng cao đầu và tiến về phía trước khi ta có chiều hướng suy sụp và lùi lại phía sau. Chúng giống như những người đưa thư – cho ta biết rõ mình đang bị mắc kẹt ở đâu. Khoảnh khắc này chính là người thầy hoàn hảo và thật may mắn cho ta khi nó luôn bên cạnh ta trong mọi hoàn cảnh.”

Nhiều người bình thường đã trở nên mạnh mẽ hơn nhờ những biến cố lớn họ vượt qua trong đời. Những người cai rượu đã thành công kể lại rằng việc bỏ được rượu đã trở thành phúc lành tuyệt vời nhất bởi nó mang đến cho họ một cuộc sống mới hoàn toàn tỉnh táo. Nhiều khách hàng của tôi khẳng định rằng những mối quan hệ thân mật tan vỡ thường khiến họ cảm thấy vô cùng đau đớn trong giai đoạn đầu, nhưng rồi sau đó họ lại có được những mối quan hệ khác lành mạnh hơn và ý nghĩa hơn.

???

Trích dẫn: Nghệ Thuật Sống Tự Tin – 10 Bí Quyết Thực Sự Làm Thay Đổi Cuộc Đời Bạn, 2009
Tác giả: Bryan Robinson, Ph. D
Biên dịch: Thanh Thảo – An Bình
Nhà Xuất Bản Tổng Hợp Thành Phố Hồ Chí Minh, 2016

Bình luận


Bài viết liên quan

  1. CHUYỂN HÓA CUỘC ĐỜI 
  2. TỔ CHỨC
  3. TÂM NHƯ NHÀ HỌA SĨ

Bài viết khác của tác giả

  1. TẠO MỘT KHOẢNG CHÂN KHÔNG TỪ NỘI TÂM HƯỚNG RA BÊN NGOÀI
  2. NGUYÊN LÝ CHIẾC BOOMERANG
  3. SỐNG LẠC QUAN

Bài viết mới

  1. HÌNH ẢNH CỦA CHÍNH MÌNH – ĐỜI THAY ĐỔI KHI TA THAY ĐỔI
  2. TÂM TA TẠO NÊN TOÀN BỘ THẾ GIỚI
  3. DANH NGÔN VỀ SỰ THÔNG MINH