TÁNH KHÔNG THANH TỊNH

KINH MA HA BÁT NHÃ BA LA MẬT

Trích: Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Vô Tác Thứ Bốn Mươi Ba (quyển 2); Hán dịch: Pháp Sư Cưu Ma La Thập; Việt dịch: HT. Thích Trí Tịnh; NXB. Đồng Nai

Đức Phật nói : “Nầy Tu Bồ Đề ! Lúc Di Lặc Bồ Tát chứng Vô thượng Bồ đề sẽ thuyết pháp như vầy :

Sắc chẳng phải thường, chẳng phải vô thường.
Sắc chẳng phải khổ, chẳng phải lạc.
Sắc chẳng phải tịnh, chẳng phải bất tịnh.
Sắc chẳng phải hệ phược, chẳng phải giải thoát.
Sắc chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại.
Sắc rốt ráo thanh tịnh.
Thọ, tưởng, hành và thức nhẫn đến nhứt thiết trí cũng như vậy”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa : “Bạch đức Thế Tôn ! Bát nhã ba la mật nầy thanh tịnh?”.

Đức Phật nói : “Nầy Tu Bồ Đề ! Vì sắc thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa : “Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào vì sắc, thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh ?”.

Đức Phật nói : “Nầy Tu Bồ Đề ! Nếu sắc chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, thời gọi là sắc thanh tịnh. Nếu thọ, tưởng, hành, thức chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng cấu, chẳng tịnh, thời gọi là thọ, tưởng, hành, thức thanh tịnh.

Lại nầy Tu Bồ Đề! Vì hư không thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh”.

Ngài Tu Bồ Đề thưa: “Bạch đức Thế Tôn ! Thế nào vì hư không thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh ?”.

Đức Phật nói : “Nầy Tu Bồ Đề ! Vì hư không chẳng sanh, chẳng diệt nên thanh tịnh. Bát nhã ba la mật cũng vậy.

Lại nầy Tu Bồ Đề ! Vì sắc chẳng nhiễm ô nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh. Vì thọ, tưởng, hành, thức chẳng nhiễm ô nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh.

Tại sao vậy ?

Nầy Tu Bồ Đề ! Như hư không vì chẳng thể nhiễm ô được nên hư không thanh tịnh.

Tại sao vậy ?

Nầy Tu Bồ Đề ! Vì hư không chẳng thể nắm lấy được nên hư không thanh tịnh. Vì hư không thanh tịnh nên Bát nhã ba la mật thanh tịnh.

Bình luận


Bài viết khác của tác giả

  1. CÁC PHÁP CHẲNG HIỆP VỚI NHAU
  2. TÁNH KHÔNG LÀ NỀN TẢNG CỦA BA THỪA
  3. TU TẬP ĐÚNG

Bài viết mới

  1. KẾT NỐI NHỮNG ĐIỂM RỜI RẠC CUỐI CÙNG
  2. THÁI ĐỘ THIỀN TẬP
  3. CHO ĐI ĐỂ VUI SỐNG